Xuất huyết dạ dày có phải mổ không? Trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày nặng xuất hiện biến chứng hoặc điều trị nội khoa bằng thuốc không hiệu quả, bác sĩ sẽ phải chỉ định mổ. Cùng Yumangel.vn tìm câu trả lời rõ ràng hơn trong bài viết này nhé!
Mục lục
- I. Xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không?
- II. Xuất huyết dạ dày có phải mổ không?
- III. Khi nào xuất huyết dạ dày cần phải mổ?
- IV. Các phương pháp phẫu thuật xuất huyết dạ dày
- V. Quy trình mổ xuất huyết dạ dày
- VI. Cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ xuất huyết dạ dày
- VII. Giải đáp thắc mắc về mổ xuất huyết dạ dày
I. Xuất huyết dạ dày có nguy hiểm không?
Xuất huyết dạ dày là hiện tượng hệ thống tĩnh mạch tại dạ dày bị vỡ gây chảy máu. Hầu hết các trường hợp xuất huyết dạ dày là hậu quả của việc lạm dụng thuốc chống viêm không steroid và thuốc giảm đau trong khoảng thời gian dài, chảy máu do viêm loét dạ dày – tá tràng.
Khi bị xuất huyết dạ dày, người bệnh thường gặp các triệu chứng như đau dữ dội vùng thượng vị, đi ngoài ra máu, nôn ra máu. Trường hợp chảy máu nhiều và đột ngột, người bệnh có thể bị kèm theo các biến chứng nghiêm trọng.
Xuất huyết dạ dày là biến chứng nguy hiểm của các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân xuất huyết dạ dày có thể bị tử vong.
II. Xuất huyết dạ dày có phải mổ không?
Tùy thuộc vào mức độ xuất huyết của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể:
- Xuất huyết dạ dày mức độ nhẹ: Bác sĩ thường chỉ định điều trị nội khoa bằng cách sử dụng thuốc. Thuốc thường dùng là thuốc cầm máu nhằm ức chế triệu chứng, kết hợp cùng một số thuốc điều trị duy trì và chế độ hồi sức tại nhà.
- Xuất huyết dạ dày mức độ nghiêm trọng: Ở mức độ này, người bệnh cần can thiệp điều trị ngoại khoa do phương pháp điều trị nội khoa không còn đáp ứng. Người bị xuất huyết dạ dày nặng có các dấu hiệu như da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, mất ý thức. Lúc này, bác sĩ sẽ chỉ định mổ để cầm máu kịp thời, tránh nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Như vậy người bị xuất huyết dạ dày có phải mổ không phụ thuộc chủ yếu vào mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và chỉ định của bác sĩ. Người bệnh cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
III. Khi nào xuất huyết dạ dày cần phải mổ?
Thực tế điều trị cho thấy, đa phần người bệnh xuất huyết dạ dày đều có đáp ứng tốt với phương pháp nội soi cầm máu kết hợp uống thuốc và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh cần phải can thiệp điều trị ngoại khoa (phẫu thuật/mổ). Cụ thể gồm:
1. Nội soi dạ dày không chẩn đoán được vị trí xuất huyết
Trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết ẩn thì kỹ thuật nội soi dạ dày có thể không xác định được vị trí cũng như mức độ xuất huyết. Lúc này, bác sĩ buộc phải sử dụng phương pháp mổ mở để xác định chính xác vị trí chảy máu và tiến hành cầm máu kịp thời.
2. Nội soi cầm máu thất bại
Nội soi cầm máu là kỹ thuật được bác sĩ ưu tiên sử dụng cho bệnh nhân khi bị xuất huyết dạ dày vì hạn chế tối đa xâm lấn, tổn thương, thời gian hồi phục cũng nhanh hơn so với mổ mở.
Tuy nhiên, nếu trường hợp kỹ thuật nội soi cầm máu không mang lại hiệu quả thì bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật mổ mở để cầm máu cho bệnh nhân.
3. Dạ dày chảy máu dữ dội
Trường hợp bệnh nhân bị chảy máu dạ dày dữ dội với các dấu hiệu rối loạn huyết động rất rõ như choáng, sốc, chân tay lạnh… bác sĩ sẽ tiến hành mổ cấp cứu ngay để cầm máu kịp thời và tránh tử vong.
4. Trường hợp có nguy cơ tái phát cao
Xuất huyết dạ dày do loét bờ cong nhỏ ở dạ dày có khả năng tái phát cao. Vì vậy nếu bệnh nhân xuất huyết dạ dày nằm trong trường hợp này thì bác sĩ cũng xem xét phẫu thuật nhằm hạn chế nguy cơ tái phát.
5. Xuất huyết dạ dày do ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày là một trong các nguyên nhân gây xuất huyết dạ dày. Do đó, bác sẽ chỉ định phương pháp mổ cầm máu đối với trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày do khối u và có thể cắt bỏ một phần dạ dày để tránh di căn, tái phát.
6. Xuất huyết dạ dày kèm thủng dạ dày
Hiện tượng xuất huyết dạ dày có thể diễn ra cùng lúc với thủng dạ dày. Với trường hợp này, phẫu thuật mổ mở là điều cần thiết để cầm máu, khâu lỗ thủng, lau sạch và dẫn lưu ổ bụng.
Trên thực tế, điều trị xuất huyết dạ dày bằng phương pháp mổ tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với điều trị bằng thuốc. Do đó, bác sĩ sẽ cân nhắc thật kỹ đối với từng trường hợp bệnh nhân để đưa ra quyết định xuất huyết dạ dày có phải mổ không.
IV. Các phương pháp phẫu thuật xuất huyết dạ dày
Mục tiêu chính của phương pháp mổ xuất huyết dạ dày là xác định vị trí xuất huyết, cầm máu và phòng ngừa tái phát bằng cách xử lý nguyên nhân. Căn cứ vào mức độ bệnh và tình trạng sức khoẻ của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định 1 trong các phương pháp phẫu thuật dưới đây:
1. Phẫu thuật cầm máu và khâu vết thủng
Ngay sau khi xác định được vị trí chảy máu dạ dày, bác sĩ sẽ tiến hành cầm máu để tránh bệnh nhân bị mất máu quá nhiều.
- Trường hợp bệnh nhân bị chảy máu có kèm vết thủng hoặc ổ loét lớn hơn 2cm, bác sĩ sẽ khâu lỗ thủng để ngăn không do máu, dịch vị và thức ăn tràn vào ổ bụng.
- Đối với những trường hợp bệnh nhân bị thủng dạ dày, bác sĩ phải làm sạch và dẫn lưu dịch ổ bụng để tránh nhiễm trùng.
2. Phẫu thuật cắt khối u
Phẫu thuật cắt khối u được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân xuất huyết dạ dày do ung thư hoặc polyp (đối với khối u có kích thước lớn).
- Trường hợp bệnh nhân bị chảy máu nhẹ, bác sĩ sẽ tiến hành nội soi cầm máu. Sau đó chỉ định phẫu thuật khi thể trạng người bệnh đã ổn định.
- Trường hợp dạ dày chảy máu ồ ạt, bệnh nhân có thể được phẫu thuật nhằm cầm máu và cắt bỏ khối u.
3. Phẫu thuật cắt 1 phần dạ dày
Phẫu thuật cắt 1 phần dạ dày được chỉ định cho bệnh nhân xuất huyết dạ dày trong 2 trường hợp sau:
- Bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày do ung thư dạ dày: Việc cắt bỏ một phần dạ dày nhằm ngăn các tế bào phát triển và di căn đến những cơ quan khác.
- Bệnh nhân bị thủng dạ dày kèm với xuất huyết dạ dày: Phẫu thuật cắt 1 phần dạ dày chỉ được thực hiện khi người bệnh có thể trạng khá, tuổi từ 30 – 70 và không có các bệnh lý nền nghiêm trọng đi kèm.
V. Quy trình mổ xuất huyết dạ dày
Quy trình mổ xuất huyết dạ dày gồm các bước như sau:
- Trước khi phẫu thuật: Bệnh nhân xuất huyết dạ dày được nhân viên y tế hướng dẫn cụ thể các việc cần làm bao gồm việc ăn uống và dùng thuốc.
- Trong khi phẫu thuật: Bệnh nhân cần thực hiện đúng các hướng của nhân viên y tế và bác sĩ để đảm bảo an toàn trong suốt cuộc phẫu thuật.
- Sau khi mổ xuất huyết dạ dày: Người bệnh được đưa đến phòng hồi sức. trường hợp bị đau, bác sĩ sẽ kê đơn dùng thuốc giảm đau bằng đường miệng. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm, thủ tục bổ sung để đảm bảo tốc độ hồi phục.
VI. Cách chăm sóc bệnh nhân sau mổ xuất huyết dạ dày
Bệnh nhân sau khi mổ xuất huyết dạ dày cần được chăm sóc và theo dõi tại bệnh viện cho đến khi thể trạng ổn định. Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người chăm sóc và người bệnh cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cũng như sinh hoạt.
1. Chế độ ăn uống và dinh dưỡng
Về chế độ ăn uống và dinh dưỡng, bệnh nhân sau phẫu thuật mổ xuất huyết dạ dày cần tuân thủ những điều sau:
- Không ăn uống bất kỳ thứ gì nếu chưa được bác sĩ chỉ định và cho phép.
- Sau 2 – 3 ngày mổ và được ăn, người bệnh nên ưu tiên ăn các loại thức ăn mềm và lỏng như cháo, canh, súp… để dễ tiêu hóa.
- Không nên ăn quá no trong 1 nữa; nên chia thành nhiều bữa nhỏ để giảm áp lực cho dạ dày.
- Khi ăn cần chú ý ăn chậm nhai kỹ để dạ dày không bị tăng áp lực.
- Kiêng tuyệt đối các loại thực phẩm nóng, cay, chất kích thích, rượu bia, thuốc lá…
- Tăng cường các thực phẩm có khả năng hỗ trợ giảm bài tiết dịch acid dạ dày, ví dụ như bánh quy, bánh mì, dầu thực vật, mật ong.
- Bổ sung các thực phẩm có ít xơ sợi như rau củ non.
- Nên chế biến thức ăn ở dạng hấp, luộc, nấu chín nhừ, xay nhỏ hoặc nghiền nát để giảm kích thích và co bóp dạ dày, hỗ trợ hoạt động tiêu hóa tốt hơn.
- Khoảng 2 – 3 tuần sau mổ, bệnh nhân có thể ăn uống bình thường nhưng cần chú không nên ăn quá no hay để bụng quá đói.
2. Chế độ sinh hoạt
Về chế độ sinh hoạt, một số lưu ý quan trọng bệnh nhân sau mổ xuất huyết dạ dày cần nắm và thực hiện đó là:
- Không nên đi lại nhiều, vận động mạnh trong khoảng thời gian đầu sau mổ xuất huyết dạ dày.
- Không nằm một tư thế hoặc một chỗ quá lâu vì có thể ảnh hưởng đến việc lưu thông máu và khiến vết thương lâu lành hơn. Khi đã được phép vận động, người bệnh nên cử động và đi lại nhẹ nhàng.
- Nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, hạn chế lao động, vận động mạnh, chơi thể thao quá sức, không nên thức khuya.
- Theo dõi các biểu hiện của cơ thể sau phẫu thuật, nếu có triệu chứng bất thường cần thông báo ngay cho bác sĩ.
- Kiểm tra vết mổ định kỳ sau 3 – 6 tháng.
VII. Giải đáp thắc mắc về mổ xuất huyết dạ dày
Dưới đây là giải đáp một số thắc mắc về kỹ thuật mổ xuất huyết dạ dày, người bệnh có thể tham khảo để hiểu rõ hơn về phương pháp này:
1. Mổ xuất huyết dạ dày nằm viện bao lâu?
Thời gian nằm viện sau khi mổ xuất huyết dạ dày phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và khả năng hồi phục của từng bệnh nhân. Vì vậy, khó có thể đưa ra một con số chính. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân có sức khỏe tốt thì thời gian nằm viện dao động từ 8 -10 ngày sau phẫu thuật.
2. Mổ xuất huyết dạ dày có những loại nào?
Hiện nay có 2 cách phẫu thuật mổ xuất huyết dạ dày là phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Khi thực hiện phẫu thuật, cả hai phương pháp đều gây mê nên bệnh nhân sẽ không bị đau đớn.
- Phẫu thuật mở: Bác sĩ rạch một vết cắt trên bụng của người bệnh để thực hiện điều trị xuất huyết dạ dày.
- Phẫu thuật nội soi: So với mổ mở, phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, bác sĩ thực hiện thông qua một đầu dò được đưa vào dạ dày của bệnh nhân nên thời gian hồi phục nhanh hơn.
3. Mổ xuất huyết dạ dày bao nhiêu tiền?
Chi phí mổ xuất huyết dạ dày phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: bệnh viện và bác sĩ thực hiện, phương pháp phẫu thuật, mức độ bệnh của từng bệnh nhân. Do đó, khó có thể đưa ra con số chính xác.
Trên đây là những thông tin Yumangel cung cấp để giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc xuất huyết dạ dày có phải mổ không. Khi cơ thể có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, người bệnh nên đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Có thể bạn quan tâm:
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...