Skip to main content

Uống thuốc dạ dày có hại gan không? Cách uống giảm tác động xấu lên dạ dày

Uống thuốc dạ dày có hại gan không? Một số loại thuốc dạ dày dùng trong điều trị bệnh dạ dày có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của gan như: làm tăng men gan, viêm gan, viêm gan vàng da, rối loạn chức năng gan, viêm gan ứ mật, nhiễm độc gan, thậm chí là suy gan. Các tác dụng phụ này thường là ít gặp và ít gặp nhưng người bệnh không nên chủ quan, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được xử trí phù hợp, tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe. 

I. Tìm hiểu những bệnh dạ dày phổ biến và các loại thuốc dạ dày thường dùng

Bệnh dạ dày xảy ra khi quá trình tiêu hóa bị ảnh hưởng bởi nhiễm trùng hoặc rối loạn. Chúng có thể phá vỡ chức năng bình thường của bất kỳ bộ phận nào trong dạ dày, chẳng hạn như niêm mạc, tế bào, cơ hoặc dây thần kinh.

Nguyên nhân gây ra bệnh dạ dày rất nhiều, trong đó phổ biến nhất có thể là nhiễm trùng, viêm, bệnh tật hoặc tình trạng bệnh tiềm ẩn. Theo báo cáo, gần 10% dân số thế giới gặp phải các vấn đề về sức khỏe dạ dày.

1. Những bệnh dạ dày phổ biến

Trong số nhiều loại bệnh về dạ dày, phổ biến nhất là:

  • Viêm dạ dày.
  • Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP).
  • Loét dạ dày.
  • Trào ngược dạ dày thực quản.
  • Chảy máu dạ dày.
  • Hẹp môn vị.
  • Thủng dạ dày. 
  • Ung thư dạ dày.
Các bệnh lý dạ dày phổ biến nhất là nhiễm vi khuẩn HP, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản… 
Các bệnh lý dạ dày phổ biến nhất là nhiễm vi khuẩn HP, viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản…

Trong khi một số vấn đề chỉ có thể gây khó chịu cho cơ thể trong thời gian ngắn thì các vấn đề dạ dày mãn tính hoặc nghiêm trọng, chẳng hạn như loét dạ dày và ung thư dạ dày có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn, thậm chí đe dọa tính mạng.

Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh dạ dày gồm:

  • Đau bụng/đau dạ dày. 
  • Buồn nôn/nôn mửa.
  • Cảm giác nóng rát, ợ hơi, ợ nóng. 
  • Táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Khó tiêu.
  • Mất cảm giác thèm ăn.
  • Đầy hơi hoặc cảm thấy no.
  • Có máu trong phân.
  • Nôn ra máu.
Bệnh dạ dày có thể gây đau dạ dày, khó tiêu, buồn nôn… 
Bệnh dạ dày có thể gây đau dạ dày, khó tiêu, buồn nôn…

Trong danh sách các bệnh về dạ dày, ung thư dạ dày được coi là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất, chủ yếu là do các triệu chứng thường không được phát hiện sớm. Nếu có thể, bạn phải luôn cảnh giác nếu bạn đã trải qua các dấu hiệu sau trong hơn 2 tuần: sụt cân không kiểm soát, mệt mỏi, đau bụng dữ dội, nôn ra máu và đi ngoài phân đen, dính.

Hầu hết các bệnh về dạ dày có thể được chữa khỏi bằng phương pháp điều trị và chăm sóc sức khỏe phù hợp. Mỗi loại bệnh cụ thể sẽ có cách điều trị riêng. Tuy nhiên, nguyên tắc chung trong điều trị các vấn đề về sức khỏe dạ dày bao gồm: sử dụng thuốc và thực hiện lối sống lành mạnh.

Do đó, điều quan trọng là bạn phải đi khám bác sĩ ngay khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào liên quan đến dạ dày được đề cập ở trên, để có thể xác định bệnh và tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.

2. Các loại thuốc dạ dày thường dùng 

Thuốc dạ dày là các loại thuốc dùng trong điều trị các bệnh lý về dạ dày. Theo tìm hiểu có 5 nhóm thuốc dạ dày chính được sử dụng để điều trị các bệnh dạ dày gồm: thuốc kháng axit, thuốc đối kháng thụ thể H2, thuốc ức chế bơm proton (PPI), thuốc kháng sinh và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.

2.1. Thuốc kháng axit

Thuốc kháng axit được sử dụng để trung hòa axit dạ dày và làm giảm các triệu chứng ợ nóng. Có nhiều loại thuốc OTC (Over The Counter – thuốc bán không cần đơn) có sẵn cho mục đích này, chẳng hạn như canxi cacbonat, nhôm hydroxit và magie hydroxit. 

– Cơ chế hoạt động: Thuốc kháng axit trung hòa axit dạ dày và nâng cao độ pH của dạ dày. Độ pH tăng cũng làm bất hoạt pepsin, một loại enzyme tiêu hóa.

– Chỉ định: Thuốc kháng axit được dùng để làm giảm chứng ợ nóng, khó tiêu do axit và đau dạ dày.

2.2. Thuốc đối kháng thụ thể H2

Một chất đối kháng thụ thể H2 phổ biến là famotidine. Thuốc này có bán không cần đơn và cũng thường được kê đơn uống hoặc tiêm tĩnh mạch trong bệnh viện. 

Các chất đối kháng thụ thể H2 khác bao gồm cimetidine và ranitidine. Cimetidine có nguy cơ tương tác thuốc cao, đặc biệt là ở những bệnh nhân lớn tuổi vì nó liên kết với  các enzyme cytochrome P450  trong gan, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa các thuốc khác.

– Cơ chế hoạt động: Thuốc đối kháng thụ thể H2 ngăn chặn tác dụng của histamin tại thụ thể H2 của tế bào thành, do đó làm giảm sản xuất axit clohydric.

– Chỉ định:  Được dùng để điều trị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bệnh loét dạ dày tá tràng, viêm thực quản trợt loét và các tình trạng tăng tiết dịch vị hoặc như một phương pháp điều trị bổ sung để kiểm soát chảy máu đường tiêu hóa trên. Thuốc đối kháng thụ thể H2 không kê đơn cũng được dùng để điều trị chứng ợ nóng hoặc đau dạ dày.

Một số loại thuốc dùng trong điều trị bệnh dạ dày. 
Một số loại thuốc dùng trong điều trị bệnh dạ dày.

2.3. Thuốc ức chế bơm proton

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) phổ biến là pantoprazole. Thuốc này có thể được kê đơn theo nhiều đường khác nhau, bao gồm đường uống, qua ống thông dạ dày hoặc tiêm tĩnh mạch trong bệnh viện. Các PPI khác bao gồm esomeprazole, lansoprazole và omeprazole. PPI mạnh hơn thuốc kháng axit và thuốc đối kháng thụ thể H2.

– Cơ chế hoạt động:  PPI liên kết với hệ thống enzym hydro-kali ATPase của tế bào thành, còn được gọi là “bơm proton” vì nó bơm các ion hydro vào dạ dày. PPI ức chế tiết axit clohydric và tác dụng chống tiết kéo dài hơn 24 giờ.

– Chỉ định: Nhóm thuốc này được dùng để điều trị tổn thương do bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) ở người lớn và trẻ em từ năm tuổi trở lên bằng cách cho phép thực quản lành lại và ngăn ngừa tổn thương thêm. Thuốc cũng được dùng để điều trị các tình trạng mà dạ dày sản xuất quá nhiều axit, chẳng hạn như hội chứng Zollinger-Ellison ở người lớn. PPI cũng có thể được dùng kết hợp với kháng sinh để điều trị  nhiễm trùng H. Pylori, một nguyên nhân phổ biến gây loét tá tràng.

2.4. Thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh  được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân mắc bệnh dạ dày khi bị nhiễm khuẩn HP. Bác sĩ có thể sẽ kê toa hai loại thuốc kháng sinh để giữ cho vi khuẩn không hình thành sức đề kháng với một loại thuốc cụ thể. 

Amoxicillin, clarithromycin (Biaxin), metronidazole (Flagyl), tetracycline (Sumycin), tinidazole (Tindamax), Levofloxacin có thể là những lựa chọn tốt để điều trị HP.

2.5. Thuốc bảo vệ niêm mạc

Sucralfate là chất bảo vệ niêm mạc dạ dày được sử dụng để che phủ và bảo vệ các vết loét đường tiêu hóa.

– Cơ chế hoạt động: Sucralfat bao phủ tại chỗ vết loét trong đường tiêu hóa và bảo vệ vết loét khỏi sự tấn công tiếp theo của axit, pepsin và muối mật. Thuốc được hấp thu tối thiểu qua đường tiêu hóa.

– Chỉ định: Sucralfate được sử dụng để điều trị loét.

II. Uống thuốc dạ dày có hại gan không?

Việc tìm hiểu các tác dụng phụ của thuốc dùng trong điều trị bệnh dạ dày sẽ giúp bạn biết được uống thuốc dạ dày có hại gan không

1. Tác dụng phụ của thuốc dạ dày

Để điều trị bệnh dạ dày, bác sĩ sẽ kết hợp nhiều loại thuốc với nhau để tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian chữa trị đồng thời phòng ngừa tái phát. Với mỗi loại thuốc, các tác dụng phụ không mong muốn sẽ khác nhau, bạn có thể tham khảo thông tin dưới đây.

– Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc kháng sinh đóng vai trò chính trong điều trị HP dạ dày, có tác dụng ức chế sinh sinh trưởng và phát triển của vi khuẩn trong dạ dày. Tuy nhiên, khi uống thuốc kháng sinh, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như sau:

  • Thường gặp: Mệt mỏi kèm tiêu chảy; gia tăng các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa; đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, thường xuyên cảm thấy buồn nôn; khó thở, tức ngực, đôi khi là rối loạn nhịp tim; ảo giác, mất trí nhớ…
  • Ít gặp: Ban đỏ, ban dát sần và mày đay, chức năng gan bất thường, bilirubin huyết thanh tăng và thường kèm theo vàng da, sốt phát ban và tăng bạch cầu ưa eosin, điếc (nếu dùng liều cao) thần kinh thính giác có thể hồi phục.
  • Hiếm gặp: Tăng men gan, suy gan, viêm gan, tăng enzyme gan, độc với gan, suy giảm chức năng thận, nhiễm độc gan liên quan đến gan nhiễm mỡ, kích động, vật vã, lo lắng, mất ngủ, lú lẫn, thay đổi ứng xử và/hoặc chóng mặt, viêm động, vật vã, lo lắng; viêm tiểu – đại tràng cấp với triệu chứng đau bụng và đi ngoài ra máu; thiếu máu, giảm tiểu cầu, ban xuất huyết giảm tiểu cầu, tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt.
Khi uống thuốc kháng sinh điều trị bệnh dạ dày, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như mệt mỏi kèm tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt… 
Khi uống thuốc kháng sinh điều trị bệnh dạ dày, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như mệt mỏi kèm tiêu chảy, hoa mắt, chóng mặt…

– Tác dụng phụ của thuốc PPI: Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi uống thuốc ức chế bơm proton (PPI) gồm:

  • Thường gặp: Quá mẫn, phản vệ và phản ứng da nghiêm trọng, dễ bị thiếu kẽm, magiê và B12, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón… 
  • Ít gặp: Mệt mỏi, tăng mức gastrin huyết thanh, tăng enzyme gan, hematocrit, hemoglobin, acid uric và protein niệu.
  • Hiếm gặp: viêm gan, viêm gan kèm vàng da hoặc không vàng da, bệnh não – gan ở người suy gan, bồn chồn, chóng mặt, dị cảm, buồn ngủ, run, mất ngủ, ảo giác, lú lẫn, thiếu máu, rối loạn thị giác, nhiễm nấm candida thực quản, viêm tụy, rối loạn vị giác, ban xuất huyết, rụng tóc, hồng ban đa dạng, nhạy cảm với ánh sáng,…

– Tác dụng phụ của thuốc đối kháng thụ thể H2: Các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng thuốc đối kháng thụ thể H2 điều trị bệnh dạ dày gồm:

  • Thường gặp: nhức đầu, chóng mặt, táo bón và tiêu chảy. 
  • Ít gặp: tăng enzym gan tạm thời, mày đay, tăng creatinine huyết.
  • Hiếm gặp: Mạch chậm, mạch nhanh, nghẽn dẫn truyền nhĩ – thất, tiêm nhanh tĩnh mạch có thể gây loạn nhịp tim và giảm huyết áp, trầm cảm, kích động, bồn chồn, ảo giác, mất phương hướng, viêm gan ứ mật, viêm gan vàng da, tăng enzyme gan, rối loạn chức năng gan, viêm tụy cấp, viêm thận kẽ…
Thuốc PPI và thuốc chẹn H2 có thể làm tăng enzym gan tạm thời. 
Thuốc PPI và thuốc chẹn H2 có thể làm tăng enzym gan tạm thời.

– Tác dụng phụ của thuốc kháng axit: Tác dụng phụ thường gặp của canxi cacbonat bao gồm táo bón và tăng axit hồi phục  khi ngừng sử dụng.

– Tác dụng phụ của thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày gồm: 

  • Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, ăn khó tiêu, đầy bụng, đầy hơi, khô miệng.
  • Tác dụng ngoài da như ngứa, nổi ban đỏ.
  • Hoa mắt, chóng mặt.
  • Mất ngủ hoặc buồn ngủ.
  • Đau lưng, đau đầu.

Tác dụng phụ của thuốc dạ dày thường nhẹ và sẽ biến mất khi ngừng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ có thể nghiêm trọng và cần được điều trị y tế.

2. Uống thuốc dạ dày có hại gan không?

Từ những thông tin trên có thể thấy, một số loại thuốc dùng trong điều trị bệnh dạ dày có thể gây hại gan. Cụ thể là:

– Thuốc kháng sinh: Một số thuốc kháng sinh có thể gây ra các ảnh hưởng tiêu cực lên gan, tăng men gan, suy gan, viêm gan, tăng enzyme gan, độc với gan, nhiễm độc gan liên quan đến gan nhiễm mỡ…

– Thuốc PPI: Một số thuốc PPI dùng trong điều trị bệnh dạ dày có thể gây tăng enzym gan, viêm gan, viêm gan kèm vàng da hoặc không vàng da, bệnh não – gan ở người suy gan…

– Thuốc H2: Một số tác dụng phụ ít gặp và hiếm gặp xảy ra trên gan khi dùng thuốc dạ dày H2 đó là tăng enzym gan tạm thời, viêm gan ứ mật, viêm gan vàng da, tăng enzyme gan, rối loạn chức năng gan…

Tổn thương gan không phải lúc nào cũng đi kèm với các triệu chứng. Bạn có thể không biết thuốc của mình đang ảnh hưởng đến gan cho đến khi xét nghiệm máu cho thấy các LFT (xét nghiệm chức năng gan) bất thường. Nhưng nếu bạn phát triển các triệu chứng về gan, chúng có thể bao gồm:

  • Đau bụng hoặc đau nhức.
  • Bụng sưng hoặc chướng.
  • Nước tiểu sẫm màu.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Vàng da và mắt (bệnh vàng da ).

Nếu bạn đang dùng một loại thuốc có nguy cơ gây ra các tác dụng phụ liên quan đến gan và bạn phát triển các triệu chứng viêm gan kéo dài hơn một ngày, bạn nên thông báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ đánh giá các xét nghiệm chức năng gan (LFT) của bạn và quyết định xem bạn có cần ngừng dùng thuốc hay không. 

Một số thuốc dùng trong điều trị bệnh dạ dày có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và chức năng của gan. 
Một số thuốc dùng trong điều trị bệnh dạ dày có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe và chức năng của gan.

Tóm lại, không phải tất cả các thuốc dạ dày khi sử dụng sẽ gây hại cho gan. Để biết chắc chắn loại thuốc dạ dày nào gây hại cho gan, người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ kê đơn thuốc về các tác dụng phụ của có thể gặp phải để có sự chuẩn bị tốt nhất khi dùng thuốc.

Khi không may gặp phải tác dụng phụ trên gan sau khi dùng thuốc dạ dày, người bệnh nên ngừng uống thuốc và thông báo ngay cho bác sĩ để có những điều chỉnh phù hợp.

III. Cách làm giảm tác dụng phụ của thuốc dạ dày lên gan

Uống thuốc dạ dày là điều cần thiết trong điều trị bệnh lý dạ dày khi người bệnh được chỉ định từ bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân gặp nhiều tác hại đến gan nói riêng và các tác dụng không mong muốn khi uống thuốc dạ dày thì có thể áp dụng các biện pháp dưới đây để giảm thiểu nguy cơ:

1. Trước khi uống thuốc 

Trước khi uống thuốc dạ dày, người bệnh nên:

– Trao đổi với bác sĩ: người bệnh cần thông báo với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe đang gặp như dị ứng, suy giảm miễn dịch và các loại thuốc đang dùng.

– Lên danh sách tất cả các loại thuốc: Lập danh sách tất cả các loại thuốc hoặc chất bổ sung khác đang sử dụng (kể cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn). Vì đôi khi tác dụng phụ gây ra do hai hoặc nhiều loại thuốc phản ứng tiêu cực với nhau.

– Hỏi bác sĩ về các yếu tố thuộc lối sống có gây ảnh hưởng đến thuốc: Có rất nhiều yếu tố dẫn đến tác dụng phụ không chỉ riêng thuốc và bạn có thể ngăn ngừa chúng bằng cách thay đổi lối sống. Ví dụ như tránh uống rượu, bia hoặc một số thực phẩm có thể gây tương tác với thuốc khi ăn.

– Chủ động tìm kiếm thêm về thông tin của thuốc: Trước khi uống thuốc, bạn nên dành thêm thời gian để nghiên cứu thêm về thuốc bằng cách đọc nhãn và tất cả các hướng dẫn đi kèm với đơn thuốc. 

Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi uống thuốc dạ dày. 
Người bệnh nên trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi uống thuốc dạ dày.

2. Trong khi uống thuốc 

Trong quá trình dùng thuốc dạ dày, người bệnh cần:

– Tuân thủ theo phác đồ điều trị bằng thuốc dạ dày được bác sĩ chỉ định. Cụ thể là về số ngày dùng thuốc, liều lượng, đường dùng để hạn chế tình trạng kháng thuốc và đạt được kết quả điều trị bệnh như mong muốn. 

– Tuyệt đối không tự ý tăng – giảm liều, thay đổi thuốc hoặc kết hợp các loại thuốc khác khi chưa có chỉ định của bác sĩ. 

– Theo dõi sức khỏe kỹ càng, đến khám ngay nếu có bất kỳ triệu chứng, dấu hiệu nào bất thường và ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày.

– Tránh các thực phẩm có tính kích thích dạ dày như thức ăn chua, thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, ớt, tỏi, tiêu, hành trong thời gian đang uống thuốc dạ dày. Cũng không nên uống bia, rượu, cà phê hay đồ uống có cồn vì có thể xảy ra tương tác với thuốc dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn.

– Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín uống sôi. Ăn uống đúng giờ, điều độ; nên chia nhỏ thành nhiều bữa nhỏ, tránh ăn quá no trong 1 để giảm gánh nặng cho dạ dày. Sau ăn nên nghỉ ngơi khoảng 30 phút sau đó mới nên bắt đầu làm việc hoặc hoạt động trở lại.

– Nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi để bổ sung chất khoáng, vitamin cho cơ thể. Uống ít nhất 1,5 lít nước mỗi ngày để giảm hiện tượng khô miệng và khó chịu ở cổ họng.

– Tập thể dục hoặc chơi các môn thể thao phù hợp với sức khỏe và thể trạng để tăng cường hệ miễn dịch và sức đề kháng cho cơ thể. Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. .

– Giữ tâm lý và tinh thần vui vẻ, thoải mái; tránh lo âu và căng thẳng kéo dài. Vì căng thẳng có thể làm tăng tiết axit dạ dày, gây kích thích dạ dày và làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh dạ dày. Cần tìm cách giảm căng thẳng bằng các phương pháp như yoga, thiền hoặc tập thể dục.

Bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc dạ dày của bác sĩ. 
Bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định dùng thuốc dạ dày của bác sĩ.

Tóm lại, uống thuốc dạ dày có hại gan không – câu trả lời là phụ thuộc vào loại thuốc người bệnh sử dụng vì không phải tất cả các loại thuốc dạ dày đều gây ra các tác dụng lên gan. Để giảm thiểu nguy cơ gây hại cho gan, người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ về  cách uống, liều lượng và thời gian uống, tránh tự ý thay đổi. 

Tài liệu tham khảo:

https://www.vinmec.com/eng/article/common-diseases-of-the-stomach-en

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK594994/#:~:text=There%20are%20four%20major%20classes,medication%20is%20further%20described%20below.

https://www.tylenol.com/adult-relief/stomach-conditions/gastrointestinal-issues

https://youmed.vn/tin-tuc/luu-y-ve-cac-tac-dung-phu-cua-thuoc-da-day/

https://www.nhathuocankhang.com/ban-tin-suc-khoe/6-nhom-thuoc-da-day-hieu-qua-nhat-hien-nay-va-luu-1540883#hmenuid14

https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/hau-qua-neu-uong-thuoc-da-day-khong-day-du-vi

https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/cac-tac-dung-phu-cua-thuoc-da-day-vi

https://www.goodrx.com/health-topic/liver/the-ten-worst-medications-for-your-liver#tylenol

https://www.hfh.com.vn/en/1267/overview-stomach-diseases-types-symptoms-and-treatments.html

Đánh giá
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.