Lần đầu nội soi dạ dày có thể khiến nhiều người lo lắng, đặc biệt khi chưa rõ quy trình hay sợ cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, nếu biết trước khi nội soi dạ dày cần làm gì, bạn sẽ thấy đây chỉ là một thủ thuật đơn giản và nhẹ nhàng hơn so với tưởng tượng. Dưới đây là những hướng dẫn giúp bạn chuẩn bị tốt, đảm bảo quá trình nội soi diễn ra nhanh chóng, chính xác và thoải mái nhất.
Mục lục
I. Chuẩn bị cơ bản trước khi nội soi dạ dày
Trước khi nội soi dạ dày cần làm gì để đảm bảo quy trình diễn ra an toàn và hiệu quả? Dưới đây là các bước chuẩn bị cơ bản bạn không thể bỏ qua. Hãy cùng tìm hiểu.
1. Tìm hiểu quy trình nội soi và chuẩn bị tâm lý
1.1. Quy trình
Nội soi dạ dày là một thủ thuật đơn giản và diễn ra trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ quy trình, nhiều người vẫn cảm thấy lo lắng hoặc không biết cần chuẩn bị gì. Vì vậy, việc nắm được các bước thực hiện sẽ giúp bạn chủ động hơn, giảm căng thẳng và hợp tác tốt với bác sĩ để thủ thuật diễn ra suôn sẻ.
Trước khi nội soi:
- Bạn sẽ được yêu cầu nằm nghiêng bên trái.
- Bác sĩ gắn các thiết bị theo dõi nhịp tim, huyết áp và hô hấp để đảm bảo an toàn.
- Nếu nội soi gây mê, thuốc sẽ được truyền qua tĩnh mạch giúp bạn thư giãn, hạn chế cảm giác khó chịu.
Trong quá trình nội soi:
- Ống nội soi được đưa qua miệng, đi xuống thực quản và dạ dày.
- Camera siêu nhỏ ở đầu ống truyền hình ảnh trực tiếp lên màn hình để bác sĩ quan sát.
- Một lượng khí nhỏ có thể được bơm vào dạ dày giúp làm căng các nếp gấp, hỗ trợ bác sĩ quan sát rõ hơn. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy hơi đầy bụng hoặc tức nhẹ.
- Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ sử dụng các dụng cụ đặc biệt để lấy mẫu sinh thiết, cắt polyp hoặc cầm máu.
Sau khi nội soi:
- Bác sĩ nhẹ nhàng rút ống nội soi ra khỏi miệng.
- Toàn bộ quá trình, bao gồm cả thời gian chuẩn bị, thường kéo dài khoảng 20-30 phút, tùy vào tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.
1.2. Chuẩn bị tâm lý trước khi nội soi
Tâm lý lo lắng, bồn chồn trước khi nội soi dạ dày xảy ra rất phổ biến, đặc biệt những người lầm đầu nội soi. Để giảm bớt lo lắng, bạn nên tìm hiểu trước về quy trình nội soi, bao gồm các bước thực hiện, thời gian diễn ra và cảm giác có thể gặp phải. Hiểu rõ những gì sẽ diễn ra giúp bạn chủ động hơn, tránh tâm lý hoang mang.
Ngoài ra, hãy giữ tinh thần thư giãn bằng cách hít thở sâu, nghe nhạc nhẹ hoặc trò chuyện với người thân trước khi thực hiện. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngại hỏi bác sĩ để được giải đáp cụ thể. Khi đã chuẩn bị tốt cả về tâm lý lẫn kiến thức, quá trình nội soi sẽ diễn ra nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn.
2. Thông báo tình hình sức khỏe với bác sĩ
Bên cạnh nắm rõ quy trình nội soi, việc bạn thông báo đầy đủ về tình trạng sức khỏe cá nhân là điều cần thiết. Điều này giúp bác sĩ đánh giá chính xác các yếu tố rủi ro và đưa ra phương án nội soi an toàn, phù hợp với tình trạng của từng bệnh nhân.
2.1. Bệnh lý nền
Nếu bạn có bệnh lý nền nghiêm trọng như tim mạch, suy hô hấp, hoặc tiểu đường, hãy thông báo ngay cho bác sĩ trước khi thực hiện các thủ thuật như nội soi dạ dày. Cụ thể:
- Bệnh lý tim mạch: Nếu bạn có tiền sử bệnh tim, huyết áp cao hoặc bất kỳ vấn đề nào liên quan đến tim, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm điện tâm đồ (ECG) hoặc xét nghiệm máu để đánh giá chức năng tim. Nếu bệnh tim của bạn nặng, bác sĩ có thể cân nhắc thực hiện nội soi không gây mê hoặc trì hoãn thủ thuật cho đến khi tình trạng của bạn ổn định.
- Bệnh lý tiểu đường: Đối với bệnh nhân tiểu đường, bác sĩ thường sẽ yêu cầu giảm liều insulin hoặc thuốc hạ đường huyết vào tối hôm trước và sáng ngày nội soi. Điều này nhằm tránh tình trạng hạ đường huyết quá mức trong quá trình nhịn ăn trước thủ thuật. Bạn cũng cần theo dõi đường huyết chặt chẽ. Nếu đường huyết quá thấp, báo ngay cho bác sĩ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Suy hô hấp hoặc bệnh phổi: Nếu có vấn đề về phổi, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm thêm hoặc thay đổi phương pháp gây mê. Nếu tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ có thể trì hoãn thủ thuật để đảm bảo an toàn.
2.2. Tiền sử dị ứng thuốc
Việc thông báo đầy đủ về tiền sử dị ứng thuốc rất quan trọng để bác sĩ có thể điều chỉnh thuốc trong quá trình thực hiện thủ thuật:
– Dị ứng thuốc: Nếu bạn đã từng dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào, đặc biệt là thuốc an thần, thuốc gây mê hay thuốc chống đông máu, hãy cung cấp thông tin chi tiết cho bác sĩ.
– Các loại thuốc đang dùng hiện tại: Đặc biệt, nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc như:
- Thuốc huyết áp: Như thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors), thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu.
- Thuốc tim mạch: Như thuốc chống loạn nhịp tim hoặc thuốc statin.
- Thuốc loãng máu: Như aspirin, warfarin, heparin.
Những loại thuốc này có thể cần phải ngừng sử dụng trước thủ thuật để tránh tác động đến quá trình gây mê hoặc chảy máu. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách điều chỉnh thuốc sao cho phù hợp.
2.3. Mang thai hoặc nghi ngờ mang thai
Nếu bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ mang thai, cần thông báo ngay cho bác sĩ. Bởi lẽ, nội soi dạ dày trong thai kỳ hiếm khi được chỉ định, trừ khi có trường hợp khẩn cấp, vì có thể gây rủi ro cho thai nhi. Nếu thủ thuật cần thiết phải thực hiện, bác sĩ sẽ:
- Tránh sử dụng gây mê hoặc chọn thuốc an toàn cho thai nhi.
- Theo dõi sát sao sức khỏe thai nhi trước và sau thủ thuật.
- Cân nhắc các biện pháp thay thế như nội soi không gây mê nếu có thể.
2.4. Tiền sử phẫu thuật dạ dày
Nếu bạn đã từng phẫu thuật dạ dày, việc thông báo cho bác sĩ là rất quan trọng. Bởi vì phẫu thuật có thể thay đổi cấu trúc dạ dày và ảnh hưởng đến khả năng thực hiện nội soi. Bác sĩ sẽ cần biết các thông tin sau:
- Loại phẫu thuật đã thực hiện: Phẫu thuật cắt dạ dày, phẫu thuật nối dạ dày hoặc phẫu thuật điều trị viêm loét dạ dày.
- Biến chứng sau phẫu thuật: Nếu có bất kỳ biến chứng nào như chảy máu, viêm loét, hoặc hẹp dạ dày, bác sĩ sẽ cần phải cân nhắc kỹ trước khi thực hiện thủ thuật để tránh các rủi ro.
3. Nhịn ăn và uống nước đúng cách
Bên cạnh thông báo tình hình sức khỏe với bác sĩ, một trong những vấn đề quan trọng nhất trước khi nội soi dạ dày là nhịn ăn uống. Việc nhịn ăn, nhịn uống trước khi nội soi không chỉ là một yêu cầu mà là nguyên tắc bắt buộc để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Nếu người bệnh không tuân thủ, thức ăn và dịch vị còn sót lại trong dạ dày có thể che khuất tầm nhìn, khiến bác sĩ bỏ sót tổn thương nghiêm trọng hoặc chẩn đoán sai.
Nguy hiểm hơn, trong trường hợp người bệnh nội soi có gây mê, thức ăn chưa tiêu hóa có thể trào ngược vào phổi, gây sặc, ngạt thở, thậm chí đe dọa tính mạng. Chính vì vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ thời gian nhịn ăn theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh những rủi ro đáng sợ này.
3.1. Chế độ ăn uống trước ngày nội soi
Để đảm bảo quá trình nội soi diễn ra thuận lợi, bạn cần ngừng ăn các loại thực phẩm đặc từ sau nửa đêm trước ngày thực hiện thủ thuật. Trong thời gian này, hãy tuyệt đối tránh tiêu thụ các nhóm thực phẩm sau:
- Thực phẩm rắn: Bao gồm tất cả các loại trái cây, rau xanh, ngũ cốc, quả hạch, hạt, sản phẩm từ sữa, thịt và các loại thực phẩm khó tiêu khác.
- Thực phẩm dạng lỏng có chứa cặn: Các loại súp, sữa, cà phê hoặc bất kỳ đồ uống nào có kem, phụ gia không từ sữa đều không được khuyến khích. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh rượu bia và các đồ uống có cồn khác.
- Đồ uống có màu đậm: Nước trái cây, nước ngọt hoặc bất kỳ loại đồ uống có màu có thể làm ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, gây khó khăn trong quá trình quan sát và chẩn đoán.
- Kẹo cao su và kẹo ngọt: Những thực phẩm này có thể kích thích dạ dày sản sinh axit, làm tăng nguy cơ khó chịu hoặc ảnh hưởng đến kết quả nội soi.
Tuy nhiên, để tránh cảm giác đói cồn cào, bạn vẫn có thể ăn uống bình thường trước nửa đêm, nhưng cần lưu ý:
- Nên dùng bữa tối trước 18h, tránh ăn quá nhiều để hệ tiêu hóa hoạt động nhẹ nhàng.
- Từ 18h đến nửa đêm, bạn có thể ăn một chén súp nhỏ hoặc bát cháo lỏng để đảm bảo cơ thể không bị kiệt sức.
- Trước thời điểm làm thủ thuật khoảng 4 giờ, bạn có thể uống nước lọc, đồ uống thể thao, nước soda, nước dùng hoặc nước ép trái cây không có bã.
3.2. Chế độ ăn uống trong ngày nội soi
Vào ngày thực hiện nội soi, bệnh nhân bắt buộc phải nhịn ăn hoàn toàn ít nhất 8 giờ trước khi làm thủ thuật. Đồng thời, cần ngừng uống nước và chất lỏng trong vòng 4 giờ trước nội soi để đảm bảo dạ dày hoàn toàn trống rỗng.
Tuy nhiên, thời gian nhịn ăn có thể thay đổi tùy theo tình trạng bệnh lý và phương pháp nội soi được thực hiện:
- Nội soi trong trường hợp hẹp môn vị: Người bệnh có thể cần nhịn ăn từ 12 – 24 tiếng hoặc phải đặt ống bơm rửa dạ dày trước khi thực hiện.
- Nội soi có gây mê: Bệnh nhân tuyệt đối không được ăn trong vòng 6 – 8 tiếng và ngừng uống nước (bao gồm cả nước lọc) từ 2 tiếng trước thủ thuật để tránh nguy cơ trào ngược vào phổi.
Do những yêu cầu nghiêm ngặt này, các bác sĩ thường khuyến khích thực hiện nội soi vào buổi sáng. Điều này giúp bệnh nhân có thể tận dụng thời gian ngủ để cơ thể tiêu hóa hết thức ăn. Đồng thời, bạn chỉ cần nhịn ăn qua đêm, giúp quá trình này trở nên nhẹ nhàng và dễ chịu hơn.
4. Tạm ngưng hoặc điều chỉnh thuốc (nếu cần)
Vào ngày thăm khám trước đó, bác sĩ sẽ hỏi bạn về tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cũng nên chủ động chia sẻ thông tin về sức khỏe của mình, bao gồm các loại thuốc đang sử dụng hoặc lần dùng thuốc gần nhất. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn tạm ngưng hoặc điều chỉnh thuốc nếu cần.
Dưới đây là một số loại thuốc có thể cần điều chỉnh.
- Omeprazol, esomeprazole, lansoprazole, pantoprazol… là các thuốc làm giảm tiết axit dạ dày. Nếu đang sử dụng, người bệnh cần ngừng thuốc ít nhất 2 tuần trước khi nội soi.
- Sắt, aspirin, các sản phẩm chứa aspirin hoặc Pepto Bismol cần được dừng trước 7 ngày để tránh ảnh hưởng đến kết quả nội soi.
- Motrin, Advil (ibuprofen), Feldene, Naprosyn, Nuprin, Celebrex, Vioxx – các thuốc chống viêm không steroid – cần ngừng sử dụng trước 5 ngày.
- Trong ngày nội soi: Tránh dùng thuốc kháng acid cũng như bất kỳ loại thuốc nào đã được liệt kê trước đó.
- Lưu ý quan trọng: Thuốc chống lo âu và một số thuốc chống trầm cảm có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc an thần, không dùng các loại thuốc này trước nội soi dạ dày 24 giờ
- Nếu đang dùng insulin hoặc thuốc điều trị tiểu đường, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát đường huyết an toàn.
Tóm lại, để đảm bảo an toàn, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngừng thuốc đột ngột nếu không có chỉ định từ bác sĩ.
5. Các trường hợp cần liên hệ bác sĩ ngay để hoãn nội soi
Nội soi dạ dày là thủ thuật y khoa đơn giản và ít gây rủi ro, tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc hoãn nội soi là cần thiết để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào dưới đây trước ngày nội soi, hãy liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn kịp thời:
5.1. Sốt cao, đau bụng dữ dội
- Sốt cao (≥ 38,5°C) có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc viêm cấp tính trong cơ thể, chẳng hạn như viêm dạ dày ruột, nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc viêm túi mật.
- Đau bụng dữ dội, kéo dài có thể liên quan đến viêm loét dạ dày nặng, thủng dạ dày, viêm tụy cấp hoặc các tình trạng nguy hiểm khác. Việc nội soi trong lúc này có thể làm bệnh trầm trọng hơn.
- Nếu đau bụng kèm theo nôn mửa nhiều, đầy hơi hoặc không đi đại tiện được, có thể bạn đang gặp tình trạng tắc ruột, cần được kiểm tra ngay.
5.2. Dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng nếu không được xử lý kịp thời. Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây, bạn nên gọi bác sĩ ngay lập tức:
- Nôn ra máu: Dịch nôn có thể có màu đỏ tươi hoặc như bã cà phê, cho thấy có chảy máu từ thực quản, dạ dày hoặc tá tràng.
- Phân đen, có mùi hôi khắm: Phân sẫm màu bất thường có thể là dấu hiệu của chảy máu trong đường tiêu hóa trên.
- Chóng mặt, mệt mỏi, da nhợt nhạt: Đây là dấu hiệu mất máu nghiêm trọng, có thể đi kèm tụt huyết áp hoặc ngất xỉu.
5.3. Các vấn đề tim mạch hoặc hô hấp nghiêm trọng
- Nếu bạn bị phát bệnh tim mạch (đau thắt ngực, suy tim, nhồi máu cơ tim gần đây), cần thông báo cho bác sĩ để xem xét có nên trì hoãn nội soi hay không.
- Những người bị bệnh phổi mạn tính như hen suyễn, COPD có thể gặp khó khăn trong việc thích ứng thuốc an thần khi nội soi. Do đó, bệnh nhân cần được đánh giá kỹ trước khi thực hiện.
II. Lưu ý ngày nội soi dạ dày
Khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trong ngày nội soi dạ dày, bạn cũng cần lưu ý những điều sau để đảm bảo quá trình diễn ra thuận lợi
1. Thời gian đến
Vào ngày nội soi dạ dày, bạn nên đến trước khoảng 15-30 phút so với giờ hẹn. Khoảng thời gian này giúp bạn hoàn tất các thủ tục cần thiết, trao đổi với bác sĩ về tình trạng sức khỏe và chuẩn bị tinh thần trước khi thực hiện nội soi.
2. Mang theo đủ các giấy tờ cần thiết
Tiếp đó, trước khi thực hiện nội soi dạ dày, bạn cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết để tránh mất thời gian hoặc gặp rắc rối trong quá trình làm thủ tục.
- Mẫu chấp thuận và giấy tờ y tế liên quan: Một số cơ sở y tế yêu cầu bệnh nhân ký vào mẫu đơn chấp thuận nội soi trước khi thực hiện thủ thuật. Nếu bác sĩ đã cung cấp biểu mẫu này từ trước, hãy điền đầy đủ thông tin, kiểm tra lại và mang theo vào ngày nội soi.
- Giấy tờ tùy thân: Để xác nhận danh tính, bạn cần mang theo CMND/CCCD hoặc hộ chiếu. Nếu bạn sử dụng dịch vụ bảo hiểm y tế, hãy đảm bảo mang theo thẻ bảo hiểm y tế để được hưởng quyền lợi khi thanh toán chi phí khám chữa bệnh.
- Hồ sơ bệnh án (nếu có): Nếu bạn từng thăm khám hoặc điều trị bệnh lý tiêu hóa trước đó, hãy mang theo kết quả xét nghiệm, đơn thuốc hoặc giấy chỉ định nội soi của bác sĩ. Điều này giúp bác sĩ có thêm thông tin về tình trạng sức khỏe của bạn, từ đó đưa ra đánh giá chính xác hơn.
3. Trang phục thoải mái
Khi nội soi dạ dày, bạn sẽ được yêu cầu mặc trang phục chuyên dụng do cơ sở y tế cung cấp, vì vậy không cần quá lo lắng về việc lựa chọn quần áo. Tuy nhiên, để thuận tiện, bạn nên mặc trang phục thoải mái, tránh mang theo quá nhiều phụ kiện hoặc trang sức có giá trị để tránh thất lạc.
4. Người thân đi cùng
Ngoài ra, nếu bạn thực hiện nội soi gây mê, hãy sắp xếp người thân đi cùng. Sau khi nội soi, thuốc an thần có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, chóng mặt, ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và tập trung. Việc có người hỗ trợ sẽ giúp bạn an toàn hơn khi về nhà, cũng như hỗ trợ tiếp nhận hướng dẫn từ bác sĩ về chế độ ăn uống và chăm sóc sau nội soi.
III. Tại sao phải biết trước khi nội soi dạ dày cần làm gì?
Việc biết trước khi nội soi dạ dày cần làm gì rất quan trọng bởi:
- Tăng hiệu quả nội soi: Nhịn ăn trước nội soi giúp làm sạch dạ dày, tránh che khuất tầm nhìn, giúp bác sĩ quan sát rõ hơn. Đồng thời, chuẩn bị tốt về tinh thần và áp dụng các biện pháp thư giãn giúp giảm căng thẳng, khó chịu trong quá trình thực hiện.
- Tăng độ chính xác của chẩn đoán: Một số loại thuốc và thực phẩm có thể ảnh hưởng đến tình trạng niêm mạc dạ dày, làm sai lệch kết quả nội soi. Ngoài ra, việc chuẩn bị không đầy đủ có thể làm tăng nguy cơ trào ngược, sặc hoặc chảy máu đối với người có tiền sử loét dạ dày, dùng thuốc chống đông.
- Đảm bảo an toàn cho bệnh nhân: Nếu sử dụng thuốc an thần hoặc gây mê, bác sĩ cần nắm rõ tình trạng sức khỏe để điều chỉnh liều lượng phù hợp. Đối với bệnh nhân mắc tim mạch, huyết áp cao hoặc tiểu đường, cần kiểm soát tốt việc nhịn ăn và dùng thuốc để tránh hạ huyết áp, hạ đường huyết.
Nội soi dạ dày không phải là điều gì quá đáng sợ nếu bạn chuẩn bị kỹ càng. Việc nắm rõ trước khi nội soi dạ dày cần làm gì không chỉ giúp bạn giảm bớt lo lắng mà còn đảm bảo quá trình diễn ra an toàn, hiệu quả.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...