Nội soi thực quản có cần nhịn ăn không và những điều cần biết?

Nội soi thực quản là phương pháp quan trọng giúp phát hiện sớm các bệnh lý tiêu hóa. Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc liệu nội soi thực quản có cần nhịn ăn không và nếu có, cần nhịn trong bao lâu? Ở bài viết dưới đây, chuyên gia sức khỏe của Yumangel sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết để làm rõ vấn đề trên.

1. Nội soi thực quản có cần nhịn ăn​ không?

Nội soi thực quản là một thủ thuật đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo an toàn và mang lại kết quả chính xác. Trong đó, nhịn ăn trước khi nội soi là yêu cầu bắt buộc nhằm giúp thực quản và dạ dày trống rỗng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình quan sát và giảm nguy cơ biến chứng. 

Vậy tại sao cần nhịn ăn trước khi nội soi thực quản? Nhịn ăn trước khi nội soi thực quản giúp đảm bảo an toàn và độ chính xác của thủ thuật. Nếu không nhịn ăn trước khi nội soi, có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ đáng lo ngại:

  • Nguy cơ trào ngược và hít sặc: Thức ăn trong dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, thậm chí đi vào đường thở, gây sặc hoặc viêm phổi hít (aspiration pneumonia). Đây là tình trạng nghiêm trọng, có thể dẫn đến khó thở, nhiễm trùng phổi, suy hô hấp và trong một số trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng. Nguy cơ này đặc biệt cao khi nội soi có gây mê, vì phản xạ bảo vệ đường thở bị suy giảm.
  • Cản trở tầm nhìn, giảm hiệu quả nội soi: Thức ăn còn sót lại trong dạ dày hoặc thực quản có thể che khuất các tổn thương nhỏ, làm bác sĩ khó quan sát và đánh giá chính xác tình trạng niêm mạc. Điều này có thể dẫn đến bỏ sót tổn thương, đặc biệt là các dấu hiệu sớm của viêm, loét hoặc thậm chí ung thư thực quản.
  • Kéo dài thời gian nội soi, tăng khó chịu cho bệnh nhân: Việc phải làm sạch dịch và thức ăn còn sót lại có thể khiến quá trình nội soi kéo dài hơn mức cần thiết. Điều này không chỉ gây khó chịu cho bệnh nhân mà còn làm tăng nguy cơ biến chứng, như kích thích niêm mạc thực quản hoặc tăng phản xạ nôn.

Mỗi bệnh nhân có thể có yêu cầu nhịn ăn khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe và loại nội soi. Do đó, cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ về thời gian nhịn ăn và loại thực phẩm, đồ uống được phép sử dụng trước khi thực hiện thủ thuật. Việc không tuân thủ có thể khiến quá trình nội soi không thể tiến hành hoặc phải hoãn lại, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến việc chẩn đoán, điều trị..

2. Nhịn ăn trước nội soi thực quản bao lâu?

Việc nhịn ăn trước khi nội soi thực quản là yêu cầu bắt buộc để đảm bảo an toàn và độ chính xác của thủ thuật. Vậy, cần nhịn ăn trong bao lâu để nội soi thực quản đạt hiệu quả tốt nhất? 

Thông thường, thời gian nhịn ăn trước nội soi không cố định tuyệt đối, mà có thể thay đổi linh hoạt tùy thuộc vào phương pháp thực hiện và chỉ định cụ thể của bác sĩ.

  • Đối với nội soi không gây mê: Người bệnh cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ trước khi nội soi. Trong khoảng thời gian này, dạ dày sẽ có đủ thời gian để tiêu hóa hết thức ăn, giúp giảm nguy cơ trào ngược. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể uống nước lọc nhưng nên ngừng ít nhất 2 giờ trước khi nội soi để đảm bảo an toàn.
  • Đối với nội soi có gây mê: Thời gian nhịn ăn thường kéo dài ít nhất 8 giờ trước khi thực hiện. Ngoài ra, người bệnh cần ngừng uống nước ít nhất 2-4 giờ trước khi nội soi. Người bệnh cần đặc biệt chú ý, không chỉ thực phẩm thông thường, mà ngay cả kẹo cao su, kẹo ngậm, sữa, nước trái cây… cũng hoàn toàn bị cấm. Những thứ này dù nhỏ cũng có thể kích thích tiết dịch vị, làm tăng nguy cơ trào ngược, gây sặc vào phổi khi bệnh nhân đang trong trạng thái hôn mê.

Tóm lại, thời gian nhịn ăn trước nội soi thực quản có thể thay đổi tùy theo tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý và hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Một số trường hợp đặc biệt, như bệnh nhân có vấn đề về dạ dày, tiểu đường hoặc rối loạn tiêu hóa, có thể cần điều chỉnh thời gian nhịn ăn phù hợp.

3. Quy trình nội soi thực quản diễn ra như thế nào?

Sau khi đã biết thời gian cần nhịn ăn trước khi nội soi thực quản, bạn đọc nên hiểu rõ quy trình thực hiện để có sự chuẩn bị tốt nhất và tránh những lo lắng không cần thiết. Dưới đây là các bước thực hiện nội soi thực quản:

3.1. Chuẩn bị trước khi nội soi

  • Người bệnh được bác sĩ tư vấn về quy trình và hướng dẫn những điều cần lưu ý.
  • Kiểm tra sức khỏe: Nhân viên y tế sẽ kiểm trả các chỉ số cơ bản như huyết áp, nhịp tim, cân nặng.
  • Bác sĩ sẽ trao đổi về tiền sử bệnh lý, dị ứng thuốc…Hãy thoải mái trao đổi mọi thắc mắc với bác sĩ
  • Thay trang phục chuyên dụng
  • Nếu nội soi gây mê: Bác sĩ sẽ đặt đường truyền tĩnh mạch để tiêm thuốc an thần hoặc gây mê, giúp bạn thư giãn hoặc ngủ trong quá trình nội soi.

3.2. Tiến hành nội soi

  • Người bệnh nằm nghiêng sang trái, được đặt dụng cụ bảo vệ miệng để tránh cắn vào ống nội soi.
  • Bác sĩ luồn ống nội soi mềm qua miệng, đi xuống thực quản để quan sát bên trong.
  • Nếu có gây mê, người bệnh sẽ được tiêm thuốc an thần trước khi nội soi.

Chú ý: Bạn có thể cảm thấy hơi khó chịu, buồn nôn hoặc tức bụng nhẹ khi ống nội soi đi qua. Hãy cố gắng thả lỏng, hít thở sâu và đều đặn để giảm bớt cảm giác khó chịu. Nếu có bất kỳ khó chịu nào quá mức, cần báo cho bác sĩ biết.

3.3. Kết thúc nội soi và theo dõi sau thủ thuật

  • Quá trình nội soi thường kéo dài 5-10 phút.
  • Sau nội soi, người bệnh cần nghỉ ngơi khoảng 30 phút – 1 giờ trước khi ra về.

4. Những điều cần lưu ý sau khi nội soi thực quản

Sau khi nội soi thực quản, cơ thể cần có thời gian để hồi phục hoàn toàn, đặc biệt với người bệnh chọn phương pháp gây mê. Việc tuân thủ các hướng dẫn dưới đây sẽ giúp bạn giảm khó chịu, hạn chế biến chứng và nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường.

4.1. Nghỉ ngơi và theo dõi sức khỏe

  • Nếu có gây mê, bạn cần nghỉ ngơi tại cơ sở y tế khoảng 1-2 giờ để cơ thể tỉnh táo trở lại. Không tự lái xe hoặc vận động mạnh ngay sau nội soi.
  • Nếu không gây mê, bạn có thể về ngay nhưng vẫn nên nghỉ ngơi thêm 30-60 phút để giảm cảm giác khó chịu.
  • Có thể cảm thấy hơi đau họng, khô họng hoặc đầy hơi. Đây là phản ứng bình thường và sẽ tự hết trong vài giờ.

4.2. Chế độ ăn uống sau nội soi thực quản

Sau nội soi, thực quản có thể hơi nhạy cảm, vì vậy bạn cần điều chỉnh chế độ ăn để tránh gây kích ứng.

– Thời gian ăn uống trở lại:

  • Nếu nội soi không gây mê, có thể ăn nhẹ sau 30-60 phút.
  • Nếu có gây mê, hãy chờ ít nhất 2 giờ trước khi ăn để tránh nguy cơ sặc hoặc buồn nôn do ảnh hưởng của thuốc mê.

– Những thực phẩm nên ăn:

  • Bữa nhẹ đầu tiên sau khi nội soi thực quản: Bạn nên chọn các món ăn như thức ăn lỏng, nguội hoặc ấm, mềm, dễ nuốt như cháo loãng, súp, sinh tố, sữa chua, khoai tây nghiền, bánh mì mềm nhúng sữa.
  • Trong các bữa tiếp theo, khi bạn cảm thấy dễ chịu hơn: Các món ăn có thể chuyển dần sang dạng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa hơn như cơm mềm, thịt băm, cá hấp, rau củ luộc kỹ…
  • Khi hoàn toàn hồi phục: Bạn có thể ăn uống như bình thường, hãy nhớ ăn chậm nhai kỹ để để giảm áp lực lên thực quản.
  • Uống đủ nước (khoảng 2-2.5 lít/ngày) rất quan trọng để giúp niêm mạc thực quản mau lành và giảm cảm giác khô rát họng.

– Những thực phẩm nên tránh:

  • Đồ cay nóng, chiên rán, nhiều dầu mỡ, vì có thể gây kích ứng niêm mạc thực quản.
  • Thực phẩm quá cứng hoặc quá lạnh, dễ làm tổn thương niêm mạc nhạy cảm sau nội soi.
  • Rượu bia, cà phê, nước có gas, vì có thể gây đầy hơi, trào ngược hoặc khó tiêu.

4.3. Theo dõi dấu hiệu bất thường

Sau nội soi, hầu hết người bệnh sẽ hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu xuất hiện những dấu hiệu sau, cần đến bệnh viện kiểm tra ngay:

  • Đau họng kéo dài trên 48 giờ, đặc biệt nếu có cảm giác nuốt khó hoặc đau nhiều khi nuốt.
  • Buồn nôn, nôn ra máu hoặc có lẫn máu trong nước bọt.
  • Đau bụng dữ dội, đầy hơi kéo dài, chướng bụng không giảm sau vài giờ.
  • Khó thở, chóng mặt hoặc ngất xỉu – đây có thể là dấu hiệu phản ứng nghiêm trọng với thuốc gây mê hoặc biến chứng hiếm gặp.

Lời kết: Nhịn ăn trước khi nội soi thực quản là một bước quan trọng giúp đảm bảo quá trình kiểm tra diễn ra thuận lợi, an toàn và cho kết quả chính xác. Do vậy, việc tuân thủ đúng hướng dẫn từ bác sĩ sẽ giúp bạn tránh được rủi ro không mong muốn. Hy vọng bài viết của chúng tôi sẽ giúp bạn nắm rõ hơn về quy trình nội soi thực quản. Từ đó có những chuẩn bị và trải nghiệm thoải mái.