Có cần kiểm tra HP sau điều trị không? Người bệnh cần kiểm tra và xét nghiệm lại HP ít nhất 4 tuần sau khi điều trị để bác sĩ chẩn đoán xem đã tiêu diệt được vi khuẩn HP hay chưa. Ba xét nghiệm được sử dụng để tái khám HP sau điều trị là xét nghiệm hơi thở, xét nghiệm kháng nguyên phân và nội soi dạ dày. Nếu xét nghiệm âm tính nhưng bạn vẫn gặp triệu chứng, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây ra vấn đề.
Mục lục
I. Tìm hiểu HP là gì và cách điều trị HP dạ dày
Helicobacter pylori (H.pylori/HP) là một loại vi khuẩn phổ biến có khả sống trong môi trường axit, khắc nghiệt của dạ dày và có xu hướng tấn công niêm mạc dạ dày. Chữ “H” trong tên là viết tắt của Helicobacter. “Helico” có nghĩa là hình xoắn ốc, dùng để chỉ hình dạng của vi khuẩn.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), ước tính có tới 2/3 số người trên toàn thế giới bị nhiễm H.pylori. Nhiễm trùng HP thường vô hại và không gây ra triệu chứng. Nhưng trong một số trường hợp, chúng có thể dẫn đến loét dạ dày và một số bệnh lý tiêu hóa khác như viêm niêm mạc dạ dày, ung thư dạ dày…
Phương pháp điều trị điển hình cho nhiễm trùng HP là liệu trình dùng thuốc kéo dài 14 ngày, kết hợp 3-4 loại thuốc gồm: thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn HP, thuốc ức chế bơm Proton (PPI) để giảm sản xuất axit dạ dày và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Các phương pháp điều trị HP bao gồm:
– Liệu pháp 3 thuốc clarithromycin, bao gồm việc dùng thuốc PPI, amoxicillin và clarithromycin hai lần mỗi ngày. Dùng thuốc trong 14 ngày.
– Liệu pháp 4 thuốc có bismuth, bao gồm sử dụng bismuth subsalicylate, metronidazole, tetracycline và một loại PPI trong 14 ngày.
– Liệu pháp phối hợp: Clarithromycin, amoxicillin , nitroimidazole (tinidazole hoặc metronidazole) và PPI được dùng đồng thời trong 10-14 ngày như một liệu pháp phối hợp.
– Phương pháp điều trị kết hợp bao gồm 7 ngày dùng amoxicillin và một thuốc PPI, sau đó là 7 ngày dùng amoxicillin, clarithromycin, nitroimidazole và một thuốc PPI.
– Liệu pháp 3 thuốc Levofloxacin kéo dài 10-14 ngày bao gồm levofloxacin, amoxicillin và một PPI.
– Liệu pháp tuần tự bằng levofloxacin bao gồm uống amoxicillin và một PPI trong 5-7 ngày, sau đó uống levofloxacin, amoxicillin, nitroimidazole và một PPI trong 5-7 ngày.
– Liệu pháp 4 thuốc Levofloxacin bao gồm việc dùng levofloxacin, omeprazole, nitazoxanide và doxycycline (LOAD) trong 7-10 ngày…
II. Có cần kiểm tra HP sau điều trị không? Tại sao?
Các chuyên gia sức khỏe khẳng định, người bệnh nên xét nghiệm lại HP ít nhất 4 tuần sau khi điều trị để kiểm tra lại hiệu quả của phác đồ xem có diệt hết HP chưa.
Đây là việc làm cần thiết vì thực tế có nhiều trường hợp sau khi uống thuốc diệt HP cảm thấy khỏe hơn, không đau bụng, không nôn ói… thì nghĩ là vi khuẩn HP đã bị tiêu diệt. Nhưng khi kiểm tra và làm xét nghiệm lại thì vẫn còn HP trong dạ dày.
– Nếu xét nghiệm lại cho thấy phương pháp điều trị không hiệu quả (dương tính), người bệnh có thể cần điều trị bổ sung bằng cách kết hợp thuốc kháng sinh khác.
– Nếu xét nghiệm âm tính nhưng bạn vẫn gặp triệu chứng, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm bổ sung để xác định nguyên nhân gây ra vấn đề.
Xét nghiệm lại HP thường được thực hiện bằng xét nghiệm hơi thở ure, xét nghiệm kháng nguyên phân hoặc nội soi dạ dày. Các xét nghiệm này nên thực hiện 1-2 tuần sau khi ngừng liệu pháp ức chế bơm proton, kháng sinh hoặc các sản phẩm bismuth để ngăn ngừa kết quả âm tính giả.
III. Bao lâu sau khi điều trị thì cần tái khám HP?
Nếu trước đó đã được chẩn đoán mắc bệnh nhiễm HP, bạn thường phải đợi ít nhất 4 tuần (lý tưởng nhất là 8 tuần) sau khi hoàn tất quá trình điều trị bằng kháng sinh mới có thể thực hiện lại các xét nghiệm tìm vi khuẩn HP.
Hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để được hẹn lịch tái khám cụ thể. Trước khi kiểm tra lại HP, người bệnh không được uống thuốc dạ dày (thuốc ức chế tiết acid) trong vòng 2 tuần, và các thuốc kháng sinh có trong phác đồ trong vòng 4 tuần. Vì nếu bạn đang uống thuốc thì kết quả kiểm tra HP sẽ không chính xác, dù thực sự còn hay hết HP thì kết quả đều trả lời là âm tính.
IV. Tái khám sau điều trị HP bằng những cách nào?
Khi thực hiện tái khám kiểm tra HP sau điều trị, người bệnh có thể cần phải thực hiện các xét nghiệm gồm: xét nghiệm hơi thở và xét nghiệm kháng nguyên phân.
1. Kiểm tra hơi thở (kiểm tra hơi thở đồng vị cacbon-urê)
Xét nghiệm hơi thở có thể phát hiện hầu hết các trường hợp nhiễm HP và xác nhận xem tình trạng nhiễm trùng đã được điều trị thành công hay chưa.
Trong quá trình làm xét nghiệm hơi thở, người bệnh sẽ được yêu cầu nuốt một chất có chứa urê. Cơ thể người bệnh sản xuất urê như một chất thải khi phân hủy protein. Carbon dioxide trong hơi thở của người bệnh có thể được phát hiện và ghi lại sau 10 phút nếu có HP vì vi khuẩn chuyển đổi ure thành carbon dioxide.
Lưu ý: Trước khi làm xét nghiệm hơi thở ure, bạn cần lưu ý:
– Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong khoảng 6-8 tiếng trước khi làm xét nghiệm hơi thở. Thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ về thời gian bạn cần tránh ăn và uống trước khi làm xét nghiệm.
– Nhiều loại thuốc có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn đã nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc theo toa và không theo toa bạn đang dùng. Bác sĩ có thể khuyên bạn ngừng dùng một số loại thuốc.
– Không dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc có chứa bismuth (như Pepto-Bismol) trong vòng 1 tháng trước khi xét nghiệm.
– Không dùng thuốc ức chế bơm proton trong vòng 2 tuần trước khi xét nghiệm.
– Không dùng thuốc chẹn H2, chẳng hạn như Pepcid hoặc cimetidine, trong vòng 24 giờ trước khi xét nghiệm.
2. Xét nghiệm kháng nguyên phân
Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase trong phân (PCR ) có thể phát hiện nhiễm trùng H pylori trong phân. Cũng có thể thực hiện xét nghiệm này để phát hiện nhiễm trùng và xác định xem bệnh đã được điều trị thành công hay chưa bằng cách tìm dấu vết của vi khuẩn HP trong phân.
Thực hiện: Đối với xét nghiệm này, bạn có thể được yêu cầu lấy mẫu phân tại nhà. Để lấy mẫu, bạn cần:
- Bước 1: Cho phân vào hộp đựng khô. Có thể lấy phân rắn hoặc phân lỏng. Cẩn thận không để nước tiểu hoặc giấy vệ sinh dính vào mẫu phân.
- Bước 2: Đậy nắp hộp đựng lại. Ghi nhãn hộp đựng bằng tên của bạn, tên bác sĩ và ngày lấy mẫu.
- Bước 3: Rửa tay sạch với xà phòng sau khi lấy mẫu.
- Bước 4: Mang hộp đựng đã niêm phong đến phòng khám bác sĩ hoặc phòng xét nghiệm càng sớm càng tốt.
Kết quả:
– Xét nghiệm kháng nguyên phân âm tính: Mẫu phân không chứa kháng nguyên H. pylori, tức là bạn đã không còn vi khuẩn HP trong dạ dày.
– Xét nghiệm kháng nguyên phân dương tính: Mẫu phân có chứa kháng nguyên H. pylori, nghĩa là vẫn còn HP trong dạ dày của bạn.
Lưu ý: Trước khi thực hiện xét nghiệm kháng nguyên nhân, người bệnh cần lưu ý:
– Thuốc có thể làm thay đổi kết quả xét nghiệm hơi thở ure. Hãy chắc chắn nói với bác sĩ về tất cả các loại thuốc theo toa và không theo toa bạn đang dùng. Bác sĩ có thể khuyên bạn ngừng dùng một số loại thuốc.
– Không dùng thuốc kháng sinh hoặc thuốc có chứa bismuth (như Pepto-Bismol) trong vòng 1 tháng trước khi xét nghiệm.
– Không dùng thuốc ức chế bơm proton (như Nexium hoặc Prilosec) trong vòng 2 tuần trước khi xét nghiệm.
3. Nội soi dạ dày
Nếu ở những lần nội soi trước bạn không có loét dạ dày tá tràng, hay mức độ viêm dạ dày không nhiều thì bạn có thể chọn cách kiểm tra lại HP bằng phương pháp xét nghiệm hơi thở và xét nghiệm phân.
Nhưng nếu ở những lần nội soi trước có nhiều tổn thương thì bạn nên nội soi dạ dày lại để kiểm tra những thay đổi của các tổn thương đó (có giảm không hay nặng hơn) để có chế độ điều trị thích hợp.
Trong quá trình nội soi dạ dày, một mẫu mô hoặc sinh thiết từ niêm mạc dạ dày được thu thập. Xét nghiệm này là cách đáng tin cậy nhất để xác định xem dạ dày còn vi khuẩn HP hay đã điều trị thành công.
Trước khi nội soi dạ dày, người bệnh cần chú ý những vấn đề sau:
– 7 ngày trước khi nội soi: Ngừng dùng sắt, aspirin, các sản phẩm chứa aspirin hoặc Pepto Bismol.
– 5 ngày trước khi nội soi: Ngừng dùng thuốc chống viêm không steroid. Ví dụ Motrin, Advil (ibuprofen), Feldene, Naprosyn, Nuprin, Celebrex và Vioxx.
– 1 ngày trước khi nội soi: Không ăn bất kỳ thức ăn rắn nào sau nửa đêm, đêm trước khi thực hiện thủ thuật.
– Ngày nội soi: Không được ăn hoặc uống ít nhất 8 giờ trước khi thực hiện thủ thuật để giữ cho dạ dày sạch sẽ và thuận tiện cho nội soi Không uống bất kỳ thuốc kháng axit hoặc carafate nào trước khi làm thủ thuật hoặc bất kỳ loại thuốc nào đã đề cập.
Khi thuốc gây mê hết tác dụng, bệnh nhân vẫn có thể cảm thấy tỉnh táo, nhưng phản xạ và khả năng phán đoán của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng tạm thời. Do o đó, nên sắp xếp để người thân đi cùng để chăm sóc và đưa về nhà.
V. Cách phòng ngừa tái nhiễm vi khuẩn HP sau điều trị
Tình trạng tái xuất hiện của HP dạ dày rất phổ biến và có thể xảy ra dưới 2 hình thức:
– Tái nhiễm: Điều này xảy ra khi một người đã được điều trị thành công và không còn vi khuẩn HP trong dạ dày của họ. Sau đó, họ bị nhiễm vi khuẩn HP mới.
– Tái phát: Sau một đợt điều trị bằng kháng sinh, lượng vi khuẩn HP trong dạ dày của người bệnh giảm xuống mức không thể phát hiện qua xét nghiệm. Tuy nhiên, sau một thời gian, do một số nguyên nhân nào đó, vi khuẩn có thể tăng lên lại và có thể phát hiện thông qua xét nghiệm.
Dựa trên kết quả của các nghiên cứu gần đây, những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy lây nhiễm, tái phát và tái nhiễm vi khuẩn HP:
– Tuân thủ nghiêm ngặt và hoàn thành toàn bộ liệu trình điều trị của bác sĩ (kháng sinh và thuốc chặn axit) để tối đa hóa khả năng chữa khỏi bệnh. Hiện nay, phác đồ diệt vi khuẩn HP thường kết hợp nhiều loại kháng sinh để sử dụng trong khoảng 4-6 tuần.
– Sử dụng thuốc đúng liều lượng, đúng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng. Điều này giúp tiêu diệt hoàn toàn chủng vi khuẩn HP, giảm nguy cơ tái phát về sau.
– Nên thường xuyên kiểm tra tình trạng bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp.
– Thực hiện vệ sinh tốt và rửa tay, đặc biệt là khi chế biến thực phẩm.
– Hạn chế ăn ở những nơi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Ăn chín, uống sôi, tránh dùng chung đồ dùng ăn uống như cốc, bát, đũa, thìa…
– Hạn chế tiếp xúc tay ở những nơi thường có vi khuẩn HP trú ngụ như cầu thang, bàn ăn. Không dùng nước bọt để lật giấy, đếm tiền.
– Tất cả bệnh nhân có triệu chứng đường tiêu hóa mãn tính có thể liên quan đến nhiễm HP nên được xét nghiệm và điều trị để tránh tiếp xúc với các thành viên trong gia đình.
– Có chế độ dinh dưỡng hợp lý để ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt. Tăng lượng rau họ cải, ví dụ: súp lơ, bắp cải và bông cải xanh.
Hiện nay vẫn chưa có vắc xin HP nên việc áp dụng và tuân thủ những lưu ý ở trên đặc biệt quan trọng để ngăn ngừa lây nhiễm, giảm nguy cơ tái nhiễm và tái phát HP dạ dày. Theo thông tin tìm hiểu, vắc xin phòng ngừa nhiễm trùng H.pylori ở người đang trong giai đoạn đầu thử nghiệm lâm sàng.
Khả năng sống sót của vi khuẩn HP trong dạ dày cao khiến việc tiêu diệt chúng trở nên khó khăn. Việc điều trị hiệu quả đòi hỏi phác đồ dùng nhiều thuốc bao gồm hai loại kháng sinh kết hợp với thuốc ức chế axit và hợp chất bismuth. Sau khi hoàn thành phác đồ điều trị, người bệnh cần thực hiện kiểm tra lại để xác định xem vi khuẩn HP đã bị tiêu diệt hoàn toàn hay chưa.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề có cần kiểm tra HP sau điều trị không và tái khám sau điều trị HP dạ dày, bạn vui lòng gọi đến hotline miễn cước 1800 1125 để được tư vấn cụ thể nhé!
Tài liệu tham khảo:
https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/co-nhung-cach-nao-kiem-tra-lai-hieu-qua-dieu-tri-diet-hp-vi
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/h-pylori/diagnosis-treatment/drc-20356177
https://www.cghjournal.org/article/S1542-3565(10)01340-6/fulltext
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/h-pylori/diagnosis-treatment/drc-20356177
https://www.vinmec.com/eng/article/stomach-helicobacter-pylori-reoccurrence-en#:~:text=Patients%20should%20take%20serious%20treatment,the%20disease%20status%20to%20have
https://publichealth.arizona.edu/outreach/health-literacy-awareness/hpylori/prevention
https://www.medicinenet.com/do_you_need_repeat_h_pylori_test_after_treatment/article.htm
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...