Hội chứng ruột ngắn thường là hậu quả của việc phẫu thuật cắt bỏ một nửa ruột non hoặc nhiều hơn để điều trị các bệnh đường ruột. Hội chứng ruột ngắn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Vậy làm thế nào để chăm sóc người bị hội chứng ruột ngắn phù hợp? Cùng khám phá thông qua bài viết dưới đây nhé!
Mục lục
- I. Hội chứng ruột ngắn là gì?
- II. Phân loại hội chứng ruột ngắn
- III. Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột ngắn
- IV. 3 giai đoạn của hội chứng ruột ngắn
- V. 7 triệu chứng đặc trưng của hội chứng ruột ngắn
- VI. 7 biến chứng của hội chứng ruột ngắn
- VII. 5 phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột ngắn
- VIII. Cách điều trị hội chứng ruột ngắn
- IX. Giải đáp thắc mắc về hội chứng ruột ngắn
I. Hội chứng ruột ngắn là gì?
Hội chứng ruột ngắn là tình trạng ruột non bị phẫu thuật cắt bỏ mất một nửa hoặc nhiều hơn. Lúc này, chiều dài của ruột non sẽ ngắn hơn mức bình thường, làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng.
Hội chứng ruột ngắn tiếng Anh là Short Bowel Syndrome (SBS). Đây không phải là bệnh lý thường gặp. Theo thống kê, hàng năm cứ mỗi 1 triệu người sẽ có 3 người bị ảnh hưởng bởi bệnh lý này.
II. Phân loại hội chứng ruột ngắn
Hội chứng ruột ngắn hiện được phân thành 2 loại chính là bẩm sinh và mắc phải. Cụ thể:
1. Hội chứng ruột ngắn bẩm sinh
Là tình trạng ruột ngắn xuất hiện ngay khi trẻ còn là bào thai và tồn tại cho đến khi sinh ra, đặc trưng với các dị tật bất thường ở ruột.
2. Hội chứng ruột ngắn mắc phải
Hội chứng ruột ngắn mắc phải xảy ra khi bạn phải thực hiện phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột non dài.
III. Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột ngắn
Nguyên nhân chính gây ra hội chứng ruột ngắn là phẫu thuật cắt bỏ một nửa ruột non hoặc nhiều hơn để chữa trị các bệnh liên quan đến đường ruột. Ngoài ra, hội chứng ruột ngắn cũng có thể do khuyết tật bẩm sinh gây ra.
1. Nguyên nhân hội chứng ruột ngắn ở trẻ sơ sinh
Hội chứng ruột ngắn ở trẻ sơ sinh thường xảy ra do phẫu thuật cắt bỏ ruột non để điều trị các bệnh như:
- Trẻ sơ sinh bị tắc ruột phân su hay còn gọi là tắc ruột sơ sinh.
- Trẻ sinh non bị viêm hoại tử.
- Đường ruột của trẻ bị khuyết tật bẩm sinh như xoắn đoạn ruột giữa phôi, thoát vị rốn, ruột ngắn bẩm sinh.
2. Nguyên nhân hội chứng ruột ngắn ở trẻ em và người lớn
Hội chứng ruột ngắn trẻ em và người lớn có thể xảy ra sau phẫu thuật ruột non để điều trị các bệnh như:
- Thiếu máu dẫn đến tổn thương đường ruột.
- Phẫu thuật điều trị lồng ruột.
- Người mắc bệnh Crohn nghiêm trọng.
- Ung thư hoặc điều trị ung thư gây tổn thương đường ruột.
- Chấn thương khiến đường ruột bị tổn thương.
Bên cạnh đó, bệnh tật hoặc tổn thương cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng ruột ngắn. Vì các tình trạng này sẽ ngăn chặn chức năng bình thường của ruột non mặc dù chiều dài vẫn giữ nguyên.
IV. 3 giai đoạn của hội chứng ruột ngắn
Hội chứng ruột ngắn được phân thành 3 giai đoạn là cấp tính, tiến triển và ổn định:
1. Giai đoạn cấp tính
Thường xảy ra sau khoảng từ 1 – 4 tuần sau phẫu thuật. Triệu chứng đặc trưng là mất nước và mất cân bằng chất điện giải. Ruột non bị cắt càng nhiều thì triệu chứng càng nghiêm trọng.
2. Giai đoạn tiến triển
Giai đoạn tiến triển của hội chứng ruột ngắn thường kéo dài khoảng vài tháng đến vài năm. Lúc này, các triệu chứng có xu hướng thuyên giảm, khả năng dung nạp dinh dưỡng cũng dần ổn định hơn.
3. Giai đoạn ổn định
Đây là giai đoạn mà đoạn ruột ngắn còn lại đã thích nghi với việc hấp thu dinh dưỡng trong ruột nên hoạt động ổn định.
V. 7 triệu chứng đặc trưng của hội chứng ruột ngắn
Dù ở giai đoạn nào thì bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn cũng thường gặp các triệu chứng sau:
1. Tiêu chảy
Biểu hiện rõ nhất của hội chứng ruột ngắn là tiêu chảy. Nguyên nhân là do ruột quá ngắn nên thức ăn đi qua nhanh và bị ảnh hưởng nặng nề của quá trình tái hấp thu nước.
Tiêu chảy kéo dài sẽ khiến người bệnh bị mất nước, thiếu hụt dinh dưỡng và giảm cân nhanh. Nếu không được điều trị đúng cách, các vấn đề kể trên có thể đe dọa đến tính mạng của người bị hội chứng ruột ngắn.
2. Mệt mỏi, sụt cân nhanh
Bệnh nhân đi ngoài liên tục, ăn không ngon khiến cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng. Hậu quả là người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, sụt cân nhanh, ốm yếu.
Trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn là trẻ em thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến phát triển thể chất.
3. Đau bụng, đầy hơi, ợ nóng
Bệnh nhân bị hội chứng ruột ngắn cũng có thể gặp phải triệu chứng đau bụng, đầy hơi, ợ nóng và ợ hơi.
4. Da bất thường, phát ban da
Triệu chứng phát ban trên da và có cảm giác da bất thường cũng được ghi nhận ở nhiều người bệnh mắc hội chứng ruột ngắn.
5. Thiếu máu
Vì thiếu hụt dinh dưỡng và khả năng hấp thu dưỡng chất bị ảnh hưởng nghiêm trọng nên bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn dễ có triệu chứng thiếu máu như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, đau thắt ngực, khó thở…
6. Đại tiện phân mỡ, phân sống
Bệnh nhân đại tiện phân mỡ và phân sống do chất chứa trong thức ăn chưa kịp tiêu hóa.
7. Triệu chứng khác
Bên cạnh đó, người mắc hội chứng ruột ngắn cũng có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây:
- Dễ bị nhiễm trùng, dị ứng thực phẩm.
- Tăng nguy cơ loãng xương, nhiễm trùng.
- Phân nặng mùi.
- Mất nước.
- Gõ vào bụng sẽ thấy tiếng vang.
- Nhợn ói, nôn mửa.
- Trẻ nhỏ bị suy giảm tăng trưởng và phát triển.
VI. 7 biến chứng của hội chứng ruột ngắn
Hội chứng ruột ngắn nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:
1. Mất nước và chất điện giải
Tiêu chảy kéo dài gây mất nước và chất điện giải. Nguyên nhân gây tiêu chảy kéo dài là do thể tích dịch đường ruột quá lớn trong khi ruột non bị cắt ngắn nên khả năng hấp thu dịch bị suy giảm đáng kể.
2. Thiếu hụt dinh dưỡng
Hội chứng ruột ngắn thường đi kèm nguy cơ cao bị thiếu hụt dinh dưỡng. Cụ thể bệnh nhân có thể bị thiếu vitamin A, D, E, K B12 và các chất khoáng canxi, sắt, kẽm, đồng, selen…
Cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng khiến sức đề kháng suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương, thiếu máu hồng cầu to, rối loạn cảm giác, yếu cơ, sa sút trí tuệ, gan nhiễm mỡ, viêm da…
3. Nhiễm trùng, bệnh gan
Bệnh nhân hội chứng ruột ngắn cần nuôi dưỡng tĩnh mạch kéo dài có thể gặp các biến chứng như nhiễm trùng, tắc mật, bệnh lý gan, tăng bilirubin máu, tắc nghẽn hoặc hỏng catheter.
4. Sỏi mật hoặc sỏi thận
Theo thống kê, có khoảng 40- 60% bệnh nhân mắc hội chứng ruột ngắn cần nuôi dưỡng tĩnh mạch kéo dài và gặp biến chứng sỏi mật hoặc sỏi thận. Mức độ nguy hiểm của biến chứng này tăng lên khi bệnh nhân là trẻ sơ sinh sinh non và trẻ suy dinh dưỡng.
5. Quá phát vi khuẩn
Ruột non của người bệnh bị cắt ngắn nên bị mất van hồi manh tràng. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho vi khuẩn từ đại tràng sẽ xâm nhập vào ruột non dẫn đến quá phát vi khuẩn.
6. Xương chuyển hóa
Bệnh nhân hội chứng ruột ngắn cũng có thể gặp các biến chứng loãng xương, nhuyễn xương và cường cận giáp thứ phát.
7. Viêm loét đường tiêu hóa
Người bệnh có thể gặp biến chứng viêm loét tá tràng hoặc phía trên niêm mạc dạ dày vì có quá nhiều axit dạ dày.
Các chuyên gia sức khỏe cảnh báo, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách hội chứng ruột ngắn có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, ngay khi phát hiện bất cứ dấu hiệu bất thường nào về hội chứng này, hãy đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tư vấn biện pháp điều trị phù hợp.
VII. 5 phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột ngắn
Để chẩn đoán chính xác bệnh nhân có mắc hội chứng ruột ngắn hay không, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám với các phương pháp sau:
1. Thăm khám triệu chứng, tiền sử bệnh lý
Bác sĩ thăm khám lâm sàng qua triệu chứng bệnh nhân mô tả, khai thác tiền sử dị tật bẩm sinh đường ruột, chấn thương hoặc các bệnh lý khác.
Sau đó người bệnh có thể cần thực hiện một số chẩn đoán xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, xét nghiệm hình ảnh và một số xét nghiệm khác.
2. Xét nghiệm máu
Giúp xác định nồng độ dưỡng chất và các chất điện giải có trong cơ thể, đánh giá mức độ suy dinh dưỡng, thiếu chất.
3. Xét nghiệm phân
Mục đích để tìm kiếm sự hiện hiện của vi khuẩn hoặc ký sinh trùng trong ruột (nếu có) kèm theo kiểm tra lượng chất béo trong phân.
4. Xét nghiệm hình ảnh
Tùy từng trường hợp có thể thực hiện các biện pháp như chụp X quang ngực, siêu âm, CT scan hoặc cộng hưởng từ để xác định mức độ tổn thương của ruột.
5. Các xét nghiệm khác
Một số xét nghiệm cần thiết khác cũng được chỉ định nhằm hỗ trợ chẩn đoán như: kiểm tra mật độ xương; sinh thiết gan.
VIII. Cách điều trị hội chứng ruột ngắn
Mục tiêu của điều trị hội chứng ruột ngắn là làm chậm quá trình lưu thông trong ruột, đảm bảo cung cấp dinh dưỡng và kiểm soát rối loạn cân bằng chất điện giải, bù nước.
Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các chỉ định điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị hội chứng ruột ngắn hiện nay gồm:
1. Điều trị không dùng thuốc
Trường hợp hội chứng ruột ngắn ở mức độ nhẹ, bệnh nhân chỉ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ:
1.1 Đối với bệnh nhân có thể ăn uống bình thường
- Ngoài ăn uống bình thường, người lớn cần uống đủ nước để bù nước do bị tiêu chảy. Không nên uống nước ngọt, rượu bia, cà phê, nước muối…
- Trẻ em nên được uống thêm các dung dịch bù nước qua đường miệng như oresol.
- Đồng thời, bác sĩ có thể sẽ chỉ định bệnh nhân chế độ ăn đặc biệt để hạn chế tối đa tình trạng tiêu chảy.
1.2. Đối với bệnh nhân không có khả năng ăn uống bình thường
- Cung cấp dinh dưỡng qua tĩnh mạch: Bệnh nhân sẽ được cung cấp chất điện giải, vitamin, khoáng chất… vào trong máu thông qua truyền tĩnh mạch.
- Cung cấp dinh dưỡng qua đường tiêu hóa: Bác sĩ sẽ sử dụng ống nhỏ và mềm để truyền thức ăn dạng lỏng cho dạ dày và ruột non qua mũi hoặc miệng.
Khi cung cấp dinh dưỡng cho bệnh nhân hội chứng ruột ngắn, cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Chia nhỏ bữa ăn: Nên cho người bệnh ăn 6 – 8 bữa/ngày để giảm bớt áp lực lên thành ruột và không làm căng vết mổ sau phẫu thuật nối ruột. Mỗi bữa chỉ nên ăn một lượng nhỏ thức ăn và ăn chậm nhai kỹ để ruột dễ tiêu hóa và hấp thu.
- Thực phẩm phù hợp: Nên cho bệnh nhân ăn thức ăn giàu protein, calo, carbohydrate, vitamin và khoáng chất. Hạn chế thực phẩm quá giàu chất béo, chất xơ và đường đơn. Lựa chọn thực phẩm phù hợp phòng tránh tối đa các biến chứng như mất nước và suy dinh dưỡng.
- Dùng thực phẩm ít nước: Hạn chế ăn các món nhiều nước như bún, canh hầm, nước súp, miến, phở… để tránh thức ăn bị đẩy ra ngoài nhanh chóng. Đảm bảo lượng nước mỗi bữa ăn tối đa là 120ml.
- Bổ sung đủ nước lọc: Lượng nước lọc được các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo cho người mắc hội chứng ruột ngắn là = 40ml x cân nặng. Người chăm sóc bệnh nhân cần trừ hao các chất lỏng từ đồ uống, đồ ăn để biết lượng nước lọc cần bổ sung hàng ngày.
2. Điều trị bằng thuốc
Trường hợp hội chứng ruột ngắn không cải thiện sau khi thay đổi chế độ dinh dưỡng, các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn, bệnh nhân sẽ cần sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để kiểm soát triệu chứng.
Một số loại thuốc thường dùng trong điều trị hội chứng ruột ngắn gồm:
- Thuốc kháng sinh: Ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong đường ruột.
- Thuốc kháng axit dạ dày: Thường dùng nhóm thuốc chẹn H2 và thuốc ức chế bơm proton (PPI).
- Thuốc giảm nhu động ruột: Thường dùng nhất là Imodium, tác dụng làm chậm tốc độ di chuyển của thức ăn qua ruột.
- Chất kết dính muối mật: Cải thiện và kiểm soát tiêu chảy.
- Hormone tăng trưởng: Công dụng kích thích làm tăng khả năng hấp thu dưỡng chất của ruột non, thường là somatropin.
3. Điều trị phẫu thuật
Cả người lớn và trẻ em mắc hội chứng ruột ngắn nghiêm trọng đều có thể được bác sĩ đề nghị phẫu thuật nếu điều trị bằng thuốc không hiệu quả hoặc khi bệnh có biến chứng.
Một số phương pháp phẫu thuật thường được chỉ định cho bệnh nhân mắc chứng ruột ngắn là:
- Thủ thuật Bianchi và STEP: Tăng chiều dài ruột non (Bianchi) và tạo hình ruột ngang nối tiếp (STEP).
- Phẫu thuật cấy ghép ruột: Dành cho những bệnh nhân có biến chứng suy gan hoặc nhiễm trùng.
Tuy nhiên, phẫu thuật hội chứng ruột có thể gặp biến chứng nhiễm trùng hậu phẫu và các biến chứng khó lường khác. Bệnh nhân cần theo dõi sát sao sau phẫu thuật để phát hiện kịp thời và có phương án xử lý kịp thời.
IX. Giải đáp thắc mắc về hội chứng ruột ngắn
Dưới đây là giải đáp của chúng tôi cho các thắc mắc khác của bệnh nhân về hội chứng ruột ngắn:
1. Hội chứng ruột ngắn khi nào cần thăm khám ngay?
Người mắc hội chứng ruột ngắn nên đi thăm khám sớm khi bị tiêu chảy kéo dài kèm đầy hơi, chướng bụng. Đặc biệt nên đi khám ngay nếu có dấu hiệu phù nề chân, hay bị chuột rút hoặc co cứng cơ để tránh biến chứng xấu xảy ra.
2. Hội chứng ruột ngắn có nguy hiểm không?
Bệnh nhân mắc chứng ruột ngắn phải đối mặt với biến chứng nghiêm trọng như viêm loét đường tiêu hóa, sỏi mật, tăng nguy cơ mắc bệnh về xương khớp như loãng xương, nhuyễn xương…
3. Bệnh nhân mắc chứng ruột ngắn nên làm gì?
Điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý. đủ đạm từ thịt, đậu phụ, sữa, trứng…, sử dụng tinh bột có ít chất xơ như gạo, bánh mì trắng, bột mì…
Đồng thời, bệnh nhân nên kiêng thực phẩm không có lợi cho đường tiêu hóa và các thực phẩm dễ gây đi ngoài như đồ ngọt, thực phẩm chứa nhiều chất béo…
Tập thể dục phù hợp với thể trạng của bản thân để nâng cao sức khỏe tổng quát và sức khỏe đường ruột. Cuối cùng, bệnh nhân đừng quên tới các cơ sở y tế chuyên khóa để thăm khám định kỳ, giúp điều trị kịp thời nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm.
4. Phòng ngừa hội chứng ruột ngắn bằng cách nào?
Không có biện pháp đặc hiệu phòng ngừa hội chứng ruột ngắn, đặc biệt là với các trường hợp dị tật bẩm sinh về ruột và bắt buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một đoạn ruột non.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giảm nguy cơ rủi ro mắc hội chứng ruột ngắn mắc bằng cách xây dựng lối sống lành mạnh và ăn uống khoa học.
Hội chứng ruột ngắn có thể chỉ tạm thời hoặc cũng có thể kéo dài suốt đời. Tuy nhiên, người bệnh chỉ cần điều trị sớm để ruột non thích nghi dần với khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng kết hợp thăm khám định kỳ là vẫn sức khỏe vẫn tốt và khỏe mạnh bình thường.
Trên đây là những thông tin mà thuốc dạ dày chữ Y – Yumangel muốn chia sẻ với bạn về hội chứng ruột ngắn. Nếu bạn cần được tư vấn thêm về hội chứng ruột ngắn nói riêng và các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa nói chung, vui lòng gọi đến hotline miễn cước 1800.1125 để gặp dược sĩ của Yumangel nhé!
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…