Skip to main content

[Tư vấn] Dương tính Hp là gì? Cách điều trị tình trạng nhiễm vi khuẩn Hp

Tác giả: Đinh Thị Hiền

Tham vấn y khoa: Nguyễn Thị Thu

Xét nghiệm vi khuẩn Hp dương tính có nghĩa bạn trong dạ dày của bạn đã có vi khuẩn HP. Dương tính Hp không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm teo niêm mạc dạ dày, ung thư dạ dày… Cùng yumangel.vn tìm hiểu trong bài viết dưới đây. 

I. Tổng quan về vi khuẩn Hp/Helicobacter pylori

Vi khuẩn Hp (Helicobacter pylori) được phát hiện năm 1982 bởi 2 bác sĩ người Úc là Robin Warren và Barry Marshall. Hp là vi khuẩn dạng xoắn khuẩn gram âm hình que cong, dài khoảng 3μm với đường kính khoảng 0,5μm, có 4-6 roi ở cùng 1 vị trí. Chúng có khả năng tồn tại trong môi trường axit đậm đặc, sống chủ yếu trong lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày.

Vi khuẩn H. pylori gây ra các thay đổi đối với dạ dày và tá tràng. Vi khuẩn lây nhiễm sang các mô bảo vệ lót dạ dày, dẫn đến việc giải phóng một số enzyme, chất độc và kích hoạt hệ thống miễn dịch. Hậu quả là làm tổn thương các tế bào của dạ dày hoặc tá tràng gây viêm mãn tính ở thành dạ dày (viêm dạ dày) hoặc tá tràng (viêm tá tràng).

Con đường lây nhiễm chính của vi khuẩn Hp là từ miệng của người này sang người khá qua đường phân – miệng, thường xảy ra khi người bệnh không rửa tay kỹ sau khi đi vệ sinh khi tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn.

Hình ảnh vi khuẩn Hp/Helicobacter pylori.
Hình ảnh vi khuẩn Hp/Helicobacter pylori.

II. Dương tính HP là gì?

Sau khi thực hiện các xét nghiệm, nếu kết quả là dương tính HP thì có nghĩa là bạn đã nhiễm vi khuẩn Hp trong dạ dày. Ngược lại nếu kết âm tính thì có nghĩa là trong dạ dày của bạn không có vi khuẩn Hp.

Theo thống kê, trên thế giới hiện nay có khoảng 50% dân số nhiễm vi khuẩn HP. Trong đó, trẻ em là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, chưa cảnh giác trong ăn uống và sinh hoạt nên H. pylori dễ sinh sôi phát triển.

Theo nghiên cứu mới đây, tỷ lệ người nhiễm vi khuẩn Hp ở nước ta lên đến 70%. Tại Hà Nội, cứ 1.000 người thì có tới hơn 700 ca nhiễm bệnh vi khuẩn Hp. Tại TP Hồ Chí Minh, 90% người bị viêm dạ dày có sự tác động của vi khuẩn Hp.

Dương tính HP có nghĩa là bạn đã nhiễm vi khuẩn Hp trong dạ dày.
Dương tính HP có nghĩa là bạn đã nhiễm vi khuẩn Hp trong dạ dày.

III. Triệu chứng của người bị dương tính H.pylori

Đa phần người bị nhiễm khuẩn Hp không có bất kỳ triệu chứng nào. Triệu chứng có thể xuất hiện xảy ra nhiễm trùng dẫn đến loét dạ dày hoặc tá tràng:

  • Đau hoặc khó chịu, thường ở bụng trên.
  • Chướng bụng, đầy hơi.
  • Ăn nhanh no.
  • Chán ăn.
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Ợ nóng, trào ngược.
  • Phân sẫm màu.
  • Tiêu chảy hoặc táo bón.
  • Miệng có mùi hôi.
  • Mệt mỏi.
Các triệu chứng khi bị nhiễm khuẩn Hp.
Các triệu chứng khi bị nhiễm khuẩn Hp.

IV. Vi khuẩn Hp dương tính có nguy hiểm không?

Người bị nhiễm khuẩn thường không có biểu hiện không rõ rệt, khi triệu chứng bùng phát thì đã đến giai đoạn nặng. Vi khuẩn HP dương tính nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Các bệnh lý dạ dày: Vi khuẩn Hp là nguyên nhân hàng đầu gây các bệnh lý dạ dày như: viêm loét dạ dày cấp, mãn tính; viêm loét dạ dày – tá tràng; viêm teo niêm mạc dạ dày, chảy máu dạ dày, ung thư dạ dày…
  • Chứng khó tiêu không loét: Là thuật ngữ mô tả hội chứng khó tiêu, đầy hơi và đau vùng thượng vị tái diễn mà không có nguyên nhân rõ ràng. Triệu chứng đặc trưng của bệnh như đầy hơi, no sớm, đau hoặc nóng rát vùng thượng vị.
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn: Đây là một bệnh rối loạn miễn dịch, trong đó có sự bất thường về đông máu. Xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn có thể gây ra bầm tím dưới da và chảy máu lâu cầm, khi xét nghiệm máu thấy số lượng tiểu cầu giảm.
  • Thiếu máu: Các nghiên cứu gần đây cho thấy, nhiễm vi khuẩn H.pylori có mối liên quan đến tình trạng thiếu máu do thiếu sắt.

Nhìn chung, nhiễm khuẩn Hp không phải là tình trạng quá nguy hiểm nhưng lại là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm loét dạ dày tá tràng và là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư dạ dày. Mặc dù tỷ lệ phát triển ung thư do nhiễm khuẩn Hp  không cao, nhưng do nhiễm Hp là tình trạng phổ biến nên nó vẫn được xem là yếu tố hàng đầu gây ra ung thư dạ dày.

Nhiễm khuẩn Hp có thể gây các bệnh lý dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày
Nhiễm khuẩn Hp có thể gây các bệnh lý dạ dày, trong đó có ung thư dạ dày

V. Các phương pháp chẩn đoán nhiễm khuẩn HP 

Có nhiều phương pháp dùng để xét nghiệm và chẩn đoán vi khuẩn HP trong dạ dày Mỗi phương pháp có tiêu chuẩn đánh giá HP dương tính và cho kết quả với độ chính xác khác nhau.

  • Nội soi dạ dày: Thông qua nội soi, mẫu xét nghiệm nhỏ được lấy từ lớp niêm mạc của dạ dày và ruột non. Các mẫu sinh thiết thu thập được sẽ được thực hiện các xét nghiệm khác nhau (Urease test (Clo test); sinh thiết – Mô học; kháng sinh đồ; PCR/kỹ thuật khuếch đại gen) xem có vi khuẩn Hp không.
  • Kiểm tra hơi thở (Urea breath test): Thường gọi là xét nghiệm thổi bóng Hp, có thể phát hiện bạn bị nhiễm trùng vi khuẩn HP hay không thông qua thiết bị đo đặc biệt với thông số DPM – độ phân giải của chất phóng xạ trong một phút.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra máu của bệnh nhân xem cơ thể có kháng thể chống trả lại vi khuẩn HP hay không. Nếu có thì tức là bạn đã bị dương tính Hp.
  • Xét nghiệm kháng nguyên trong phân (HPSA): Mục đích để kiểm tra xem có các chất kích hoạt hệ thống miễn dịch chống lại vi khuẩn HP.
Kiểm tra hơi thở giúp phát hiện dương tính Hp
Kiểm tra hơi thở giúp phát hiện dương tính Hp

VI. Vi khuẩn Hp dương tính có chữa được không? Cách điều trị

Khi phát hiện bị HP dương tính, bạn không nên quá lo lắng vì không phải cứ nhiễm vi khuẩn HP là sẽ gặp các vấn đề về sức khỏe. Thống kê cho thấy, chỉ có khoảng 20% số người nhiễm HP mắc các bệnh lý về dạ dày, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như độc tố của vi khuẩn, cơ địa, tuổi tác, chế độ ăn uống, sinh hoạt hay sử dụng thuốc.

Riêng các trường hợp dưới đây bắt buộc phải điều trị tiêu diệt vi khuẩn HP để tránh bị bệnh và phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra:

  • Bệnh nhân có bệnh lý dạ dày như: viêm teo niêm mạc dạ dày, viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày đã phẫu thuật một phần.
  • Người có người thân mắc ung thư dạ dày như bố mẹ, anh chị em.
  • Người bị thiếu máu, xuất huyết giảm tiểu cầu không rõ nguyên nhân.
  • Người bị xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
  • Bệnh nhân thường xuyên phải dùng các thuốc giảm đau kháng viêm không steroid, chống kết tập tiểu cầu.
  • Những người sống trong khu vực có tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày cao.

Hầu hết các phác đồ điều trị nhiễm khuẩn Hp hiện nay đều bao gồm ít nhất 3 loại thuốc trong 14 ngày:

  • Thuốc ức chế bơm proton: Công dụng làm giảm sản xuất axit của dạ dày, chữa lành các mô bị tổn thương do nhiễm trùng. Một số loại thuốc thường dùng  omeprazole, pantoprazole, rabeprazole, esomeprazole, lansoprazole, dexlansoprazole.
  • Thuốc kháng sinh: Trong điều trị Hp dương tính, bác sĩ có thể dùng hai loại thuốc kháng sinh cùng lúc để  giảm nguy cơ thất bại trong điều trị và giảm kháng thuốc.

Để điều trị H. pylori có hiệu quả, điều quan trọng là bệnh nhân phải dùng toàn bộ liệu trình của tất cả các loại thuốc. Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc thay đổi liều lượng vì sẽ khiến vi khuẩn không được diệt trừ hết, gây kháng thuốc, lờn thuốc, khó điều trị hơn. Người bệnh khi muốn dùng thêm thuốc hoặc các phương pháp hỗ trợ điều trị khác, cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Để điều trị H. pylori có hiệu quả, điều quan trọng là bệnh nhân phải dùng toàn bộ liệu trình của tất cả các loại thuốc.

VII. Dấu hiệu cần thực hiện kiểm tra Hp

Việc xét nghiệm Hp là cần thiết khi bạn bị đau dạ dày hoặc có các dấu hiệu của loét. Một vài triệu chứng gồm:

  • Đau bụng nhiều lần.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Cảm giác no và đầy hơi.
  • Ợ hơi.
  • Buồn nôn.
  • Triệu chứng nặng: đau dạ dày dữ dội, nôn ra máu, trong phân có máu hoặc phân đen.
Bạn nên kiểm tra HP khi bị đau bụng nhiều lần, ợ hơi liên tục, buồn nôn, đầy hơi…

VIII. Giải pháp thắc mắc về dương tính Hp

Khi nhận kết quả dương tính Hp, người bệnh đều có rất nhiều thắc mắc tại sao lại bị lây nhiễm vi khuẩn HP, có chữa được không, ăn uống thế nào để mau khỏi bệnh hay có thể phòng ngừa lây nhiễm Hp được không?

1. Tại sao bị nhiễm khuẩn Hp? 

Vi khuẩn Hp chủ yếu lây qua đường ăn uống, nước bọt, dịch tiêu hóa, phân trong những gia đình có thói quen ăn uống chung. Quá trình lây nhiễm vi khuẩn HP xảy ra khi sử dụng thức ăn hay nước uống có chứa vi khuẩn, không đảm bảo vệ sinh.

2. Nhiễm khuẩn Hp có chữa được không?

Nhiễm khuẩn Hp có thể chữa khỏi bằng phác đồ điều trị phù hợp. Điều quan trọng là bệnh nhân cần dùng thuốc đúng liều, đúng giờ theo hướng dẫn của bác sĩ kết hợp với thay đổi lối sống để tiêu diệt vi khuẩn triệt để, tránh tái phát.

3. Nhiễm khuẩn Hp nên ăn và kiêng gì?

Trong quá trình điều trị nhiễm khuẩn Hp, ngoài đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm, bệnh nhân nên bổ sung các thực phẩm có khả năng chống lại vi khuẩn và tốt cho hệ tiêu hóa như:

  • Các loại rau củ quả: Bắp cải, súp lơ, củ cải, bông cải xanh, cà rốt, ớt chuông, cải xoăn việt quất, mâm xôi, , cải bó xôi, dâu đen, dâu tây, anh đào…
  • Thực phẩm chứa lợi khuẩn: Sữa chua, kim chi…
  • Một số thực phẩm khác: Mật ong, nghệ, tỏi, cam thảo, dầu olive…

Đồng thời hạn chế tiêu thụ các thực phẩm có hại cho dạ dày như:

  • Thức ăn cay, nóng.
  • Thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ.
  • Thức ăn chứa nhiều acid như chanh, cam, quýt…
  • Rượu bia, nước uống có gas, cà phê, chocolate, chất kích thích.

4. Phòng ngừa dương tính Hp bằng cách nào?

Bạn có thể chủ động giảm nguy cơ lây nhiễm Hp bằng cách: rửa tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; không ăn các thực phẩm chưa được nấu chín kỹ hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, nhiễm khuẩn; uống và dùng nước sạch trong quá trình chế biến thức ăn; không dùng chung đồ với người nhiễm Hp…

Không ăn hoặc dùng chung đồ cá nhân với người khác là cách phòng lây nhiễm Hp hiệu quả.

Hp dương tính được xem là yếu tố nguy cơ chính gây ung thư dạ dày vì vậy người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan. Để điều trị Hp dứt điểm và tránh tái phát, người bệnh cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ và có chế độ ăn uống lành mạnh, hợp vệ sinh để nhanh khỏi bệnh.

Tham khảo:

5/5 - (1 bình chọn)
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.