Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non yếu, vì vậy các vấn đề như rối loạn tiêu hóa thường xảy ra khá phổ biến trong những năm tháng đầu đời. Việc cha mẹ sớm nhận biết dấu hiệu trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa sẽ giúp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Vậy đâu là những biểu hiện rõ rệt nhất? Hãy cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Mục lục
1. Vì sao trẻ sơ sinh dễ bị rối loạn tiêu hóa?
Trẻ sơ sinh, đặc biệt trong 6 tháng đầu đời, có hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện bởi những nguyên nhân chính sau:
- Niêm mạc ruột mỏng manh, dễ bị tổn thương bởi vi khuẩn, virus.
- Hệ men tiêu hóa chưa hoạt động tối ưu, dễ rối loạn khi chế độ ăn thay đổi.
- Hệ vi sinh đường ruột chưa ổn định, dễ mất cân bằng khi dùng kháng sinh hoặc dinh dưỡng không phù hợp.
Do đó, chỉ một thay đổi nhỏ trong thói quen sinh hoạt, vệ sinh hay dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa ở giai đoạn nhạy cảm này.
2. Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa
Khi hệ tiêu hóa bất ổn, cơ thể trẻ sơ sinh sẽ phát ra nhiều tín hiệu. Dưới đây là những dấu hiệu trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa cha mẹ cần đặc biệt chú ý:
2.1. Thay đổi bất thường ở phân ngay từ tuần đầu
Phân của trẻ sơ sinh bình thường thường có màu vàng mù tạt, sệt, không quá lỏng hay cứng. Những thay đổi sau là dấu hiệu bất ổn:
- Tiêu chảy: Phân lỏng như nước, đi nhiều lần trong ngày (>5 lần), bắn ra mạnh, mùi chua tanh bất thường. Bé dễ mất nước, khô môi, khóc không ra nước mắt.
- Táo bón: Bé đi ngoài <3 lần/tuần, phân khô cứng, bé rặn đỏ mặt, vặn mình, gồng bụng mỗi lần đi.
- Phân lẫn nhầy/máu: Đây là dấu hiệu cảnh báo nhiễm khuẩn đường ruột, cần đưa bé đi khám ngay lập tức.
Do đó, cha mẹ cần theo dõi kỹ màu sắc, mùi, kết cấu phân hằng ngày. Bất kỳ thay đổi kéo dài quá 1-2 ngày đều cần xử lý sớm.
2.2. Bụng căng cứng, ợ hơi, đầy hơi khác thường
Bình thường bụng trẻ mềm, êm. Khi gặp vấn đề về tiêu hóa, bụng bé sẽ gặp một số vấn đề sau:
- Căng tròn, sờ vào có cảm giác chướng cứng.
- Bé thường ưỡn lưng, gồng bụng, đạp chân liên tục do khó chịu.
- Ợ hơi có mùi chua nồng hoặc nôn trớ sau khi bú.
- Ở trẻ sơ sinh, bụng chướng là dấu hiệu cực kỳ sớm cha mẹ nên để ý mỗi ngày sau các cữ bú.
2.3. Nôn trớ nhiều bất thường
Trẻ nôn trớ sau bú là bình thường nếu lượng ít. Tuy nhiên nếu trẻ nôn ra lượng lớn sữa, nôn vọt, nôn ngay cả khi chưa ăn, kèm dấu hiệu mệt mỏi, đây là biểu hiện rõ ràng của rối loạn tiêu hóa.
Để hệ tiêu hóa của bé hoạt động tốt hơn, sau khi bú, mẹ nên bế bé vỗ lưng ợ hơi nhẹ nhàng. Nếu bé vẫn nôn trớ mạnh nhiều lần/ngày, nên đưa con đi khám để xác định rõ nguyên nhân.
2.4. Biếng bú, bú ngắt quãng
Khi bị khó chịu tiêu hóa, việc ăn bú của bé sẽ có vấn đề và xuất hiện những biểu hiện bất thường. Điều này phản ánh rõ việc bé có nguy cơ no, đầy hơi đầy bụng, khó chịu. Một số biểu hiện bất thường của bé như:
- Bé bú ngắn hơn bình thường, bú một vài phút rồi khóc, lắc đầu.
- Bé mút ngậm ti mẹ hoặc bình nhưng không mút mạnh, dễ bỏ bú giữa chừng.
2.5. Quấy khóc vô cớ, khó dỗ, mất ngủ
- Quấy khóc kéo dài, nhất là vào buổi tối sau các cữ bú.
- Khó ngủ, giật mình nhiều lần trong đêm, không ngủ sâu.
- Biểu hiện đau bụng: bé co chân lên bụng, vặn mình liên tục.
Khi bé xuất hiện những biểu hiện trên, ba mẹ cần theo dõi cường độ quấy khóc của con. Nếu bé khóc kèm nôn trớ, bụng chướng, phân bất thường, đó là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa cần can thiệp và đưa bé đi khám sớm.
2.6. Toàn thân: da xanh xao, chậm tăng cân
Khi trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa, sau vài ngày hoặc vài tuần bé sẽ xuất hiện một số các biểu hiện:
- Bé chậm lên cân, thậm chí sụt cân.
- Da xanh xao, mắt trũng nhẹ, môi khô.
- Hoạt động yếu, kém linh hoạt hơn trước.
- Đây là hậu quả do trẻ kém hấp thu dinh dưỡng, mất nước do tiêu chảy, nôn trớ kéo dài.
3. Cảnh báo nguy hiểm cần đưa bé đi khám ngay
Nếu thấy trẻ sơ sinh có các dấu hiệu sau đây, cha mẹ tuyệt đối không tự điều trị tại nhà:
- Tiêu chảy nặng (nhiều hơn 6 lần/ngày), tiêu chảy kèm máu.
- Sốt cao >38,5°C kèm nôn trớ liên tục.
- Bé bỏ bú hoàn toàn trong >8 tiếng.
- Dấu hiệu mất nước: da nhăn nheo, thóp lõm, khóc không nước mắt.
- Bé li bì, ngủ gà, không phản ứng nhanh.
4. Các biến chứng nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh nếu không phát hiện và điều trị sớm có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng như:
- Suy dinh dưỡng nặng: Trẻ thiếu dinh dưỡng kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến cân nặng, chiều cao và trí tuệ.
- Rối loạn điện giải: Tiêu chảy nhiều gây mất nước, mất cân bằng điện giải, dễ dẫn đến sốc, nguy hiểm đến tính mạng.
- Nhiễm khuẩn huyết: Trường hợp nhiễm khuẩn tiêu hóa nặng có thể lan rộng, gây nhiễm khuẩn máu cực kỳ nguy hiểm.
- Bệnh tiêu hóa mạn tính: Tổn thương niêm mạc đường ruột lâu ngày khiến trẻ dễ mắc các bệnh lý tiêu hóa mạn tính như viêm ruột, hội chứng ruột kích thích sau này.
Chính vì vậy, nhận diện sớm dấu hiệu trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa đóng vai trò then chốt trong bảo vệ sức khỏe bé.
5. Phòng ngừa rối loạn tiêu hóa ở trẻ sơ sinh
Một hệ tiêu hóa khỏe mạnh chính là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ trong những năm tháng đầu đời. Vì vậy, phòng bệnh hơn chữa bệnh, để hạn chế nguy cơ rối loạn tiêu hóa ở trẻ, cha mẹ nên lưu ý các vấn đề sau:
- Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
- Giữ gìn vệ sinh tay chân, đồ dùng sinh hoạt cho trẻ.
- Tiêm chủng đầy đủ phòng ngừa bệnh lý đường tiêu hóa.
- Thận trọng trong việc cho trẻ ăn dặm, không ép ăn quá sớm hoặc ăn các thực phẩm không phù hợp.
Lời kết: Hiểu rõ và kịp thời phát hiện dấu hiệu trẻ sơ sinh bị rối loạn tiêu hóa là kỹ năng quan trọng mỗi cha mẹ cần trang bị. Hy vọng với những thông tin chia sẻ trong bài viết, bạn đã có thêm kiến thức để chăm sóc và bảo vệ hệ tiêu hóa của bé yêu một cách tốt nhất. Đừng chủ quan trước bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy chủ động thăm khám và tham khảo ý kiến chuyên gia khi cần thiết!
Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…