Polyp trực tràng thường gặp ở người trưởng thành, đặc biệt là người già. Đa phần polyp trực tràng là lành tính nhưng nó vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư. Do đó, người bệnh cần tìm hiểu kỹ về polyp trực tràng và cách điều trị từ sớm.
Mục lục
- I. Polyp trực tràng là gì?
- II. Phân loại polyp trực tràng
- III. Biểu hiện bệnh polyp trực tràng
- IV. Nguyên nhân gây ra tình trạng polyp trực tràng
- V. Polyp trực tràng có nguy hiểm không?
- VI. Phương pháp chẩn đoán polyp trực tràng
- VII. Có những cách điều trị polyp trực tràng nào?
- VIII. Giải đáp thắc mắc về polyp trực tràng
I. Polyp trực tràng là gì?
Polyp trực tràng là bệnh gì? Polyp trực tràng là khối u lồi, xuất hiện bên trong lòng trực tràng. Polyp trực tràng hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc trực tràng.
Polyp trực tràng có nhiều kích thước khác nhau. Tuy nhiên, polyp trực tràng càng lớn thì nguy cơ gây ung thư càng cao.
Polyp trực tràng có thể có cuống hoặc không có cuống. Polyp trực tràng không cuống tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư cao hơn polyp trực tràng có cuống.
II. Phân loại polyp trực tràng
Có 2 dạng polyp khác nhau với mức độ nguy hiểm cũng khác nhau là polyp tuyến (polyp phát triển bất thường) và polyp không phải dạng tuyến (không phát triển bất thường). Theo đó, có thể phân chia các loại polyp trực tràng hay gặp như sau:
- Polyp tăng sản: Thường có kích thước nhỏ, nguy cơ chuyển thành ung thư nên người bệnh không cần quá lo lắng khi gặp phải.
- Polyp răng cưa: Đây là loại polyp nhỏ có kích thước dưới 5mm, hình tròn và không có cuống. Polyp răng cưa khó phát hiện, là một loại u tuyến nguy hiểm và được coi là nguy cơ tiền ung thư.
- Polyp viêm: Thường xảy ra ở bệnh nhân bị viêm ruột, viêm đại tràng thể loét mạn tính hoặc người bị bệnh Crohn của đại trực tràng.
- U tuyến ống: Cấu trúc tế bào lúc này vẫn còn giữ được cấu trúc bình thường theo dạng ống. U tuyến ống chiếm khoảng 70% trường hợp, là loại polyp phổ biến nhất.
- U tuyến ống nhánh: Có khoảng 5-15% người bệnh mắc phải loại polyp này. Loại polyp này có cuống hoặc không có cuống, kích thước thay đổi và nguy cơ ung thư hóa thấp.
III. Biểu hiện bệnh polyp trực tràng
Khi mới bị polyp trực tràng, đặc biệt là polyp trực tràng lành tính, dấu hiệu bệnh rất nghèo nàn. Thậm chí sau vài năm, người bệnh mới có những triệu chứng đầu tiên.
Dưới đây là những triệu chứng có thể gặp khi mắc polyp trực tràng:
- Đi ngoài ra máu: Đây được xem là triệu chứng điển hình và thường gặp nhất. Máu thường không lẫn mà bao phủ ở bên ngoài phân.
- Cuống polyp sa ra ngoài (sa trực tràng): Trường hợp cuống polyp dài có thể sa ra ngoài hậu môn, gây cảm giác khó chịu.
- Đau buốt hậu môn: Triệu chứng này sẽ xuất hiện khi cuống polyp bị sa ra ngoài và bị viêm nhiễm.
IV. Nguyên nhân gây ra tình trạng polyp trực tràng
Bình thường, các tế bào trong cơ thể chúng ta sẽ phát triển và phân chia một cách có trật tự. Tuy nhiên, tình trạng đột biến gen sẽ khiến một số tế bào phân chia một cách bất thường không cần thiết. Sự tăng trưởng không kiểm soát này chính là nguyên nhân gây polyp trực tràng.
Ngoài ra, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc polyp trực tràng, bao gồm:
- Người trưởng thành ngoài 50 tuổi.
- Trong gia đình có người mắc polyp trực tràng hoặc ung thư ruột kết.
- Duy trì chế độ ăn nhiều chất béo và ít chất xơ.
- Thường xuyên uống rượu bia và hút thuốc lá.
- Lười vận động và tập thể dục.
- Người bị béo phì, thừa cân.
- Phụ nữ bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư tử cung trước 50 tuổi.
- Có tình trạng viêm ảnh hưởng đến đại tràng, ví dụ như bệnh Crohn hoặc viêm loét đại tràng.
- Bệnh nhân tiểu đường.
- Người mắc chứng rối loạn di truyền ví dụ như hội chứng Lynch, hội chứng Gardner.
V. Polyp trực tràng có nguy hiểm không?
Đa phần polyp trực tràng đều lành tính. Nhưng nếu polip trực tràng có kích thước lớn và tăng số lượng, có thể dẫn đến ung thư trực tràng. Do đó, bệnh hoàn toàn có thể gây nguy hiểm nếu không được kiểm soát.
Ngoài ra, bệnh còn khiến bệnh nhân cảm thấy đau buốt, khó chịu nếu polyp bị sa ra ngoài và viêm nhiễm.
Polyp trực tràng ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không? Mặc dù polyp trực tràng ở trẻ nhỏ thường ít biến chứng thành ung thư nhưng nó có thể khiến trẻ bị thiếu máu, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển. Ngoài ra, nếu để lâu, polyp sẽ lớn dần và có thể gây ung thư.
Do vậy, dù là người lớn hay trẻ em bị polyp trực tràng cũng nên đi thăm khám và điều trị sớm.
VI. Phương pháp chẩn đoán polyp trực tràng
Để chẩn đoán phát hiện tổn thương do polyp trực tràng hoặc các dấu hiệu của ung thư trực tràng, ngoài việc thăm khám và hỏi thăm bệnh sử thì bệnh nhân có thể được chỉ định một số phương pháp chẩn đoán dưới đây:
- Nội soi: Không chỉ xác định các tổn thương đang có ở trực tràng, nội soi còn giúp lấy mô mẫu để quan sát và sinh thiết để kiểm tra nguy cơ đó là u lành tính hay ác tính.
- Xét nghiệm máu trong phân: Ở giai đoạn đầu ung thư trực tràng, bệnh nhân có thể gặp phải triệu chứng đại tiện kèm máu. Xét nghiệm máu trong phân khi bị polyp trực tràng cho kết quả chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
- Chụp MRI (chụp cộng hưởng từ)/ chụp CT (chụp cắt lớp): Tùy theo chỉ định của bác sĩ mà bệnh nhân polyp trực tràng sẽ cần chụp MRi hoặc chụp CT. Phương pháp này thông thường được áp dụng với các bệnh nhân không thể nội soi nhằm xác định mức độ ung thư trực tràng sau khi đã có kết quả chẩn đoán.
VII. Có những cách điều trị polyp trực tràng nào?
Phương pháp cắt bỏ toàn bộ polyp trong trực tràng được khuyến khích áp dụng bởi vì những khối u này còn tồn tại là còn nguy cơ gây ung thư. Cụ thể:
- Polip trực tràng có cuống có thể áp dụng phương pháp mổ nội soi polyp trực tràng bằng cách dùng dao để cắt hoặc dùng dao đốt điện.
- Polyp trực tràng không có cuống hoặc không thể mổ polyp trực tràng nội soi thì áp dụng phương pháp phẫu thuật polyp trực tràng từ bên ngoài.
- Trong trường hợp polyp đã phát triển thành ung thư, phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào tình trạng lan rộng của khối ung thư.
Các polyp sau đó được gửi đi làm xét nghiệm mô bệnh học xem đó là loại polyp nào và có tế bào ung thư nào không.
Sau khi loại bỏ polyp, polyp trực tràng vẫn có nguy cơ hình thành trở lại vì người bệnh vẫn cần phải nội soi trực tràng định kỳ để có thể phát hiện sớm nếu có polyp tái phát.
VIII. Giải đáp thắc mắc về polyp trực tràng
Dưới đây, Yumangel sẽ giải đáp thêm một vài băn khoăn liên quan đến polyp trực tràng:
1. Polyp trực tràng và đại tràng khác nhau như thế nào?
Về bản chất, polyp đại tràng và trực tràng không khác nhau nhiều. Sự khác biệt lớn nhất chính là vị trí xuất hiện.
Polyp trực tràng là những khối u xuất hiện ở bề mặt trực tràng. Còn polyp đại tràng là những khối u xuất hiện ở bề mặt đại tràng.
2. Polyp trực tràng uống thuốc gì?
Thông thường, khi bị polyp trực tràng, bệnh nhân sẽ được can thiệp bằng cách mổ nội soi hoặc phẫu thuật ổ bụng để cắt bỏ polyp.
Trước và sau khi cắt polyp trực tràng, bệnh nhân muốn uống thuốc gì đều cần có sự chỉ định của bác sĩ điều trị trực tiếp.
3. Cắt polyp trực tràng kiêng ăn gì?
Vừa mới cắt polyp trực tràng, bệnh nhân không nên ăn gì và nên nghỉ ngơi. Bệnh nhân chỉ nên bắt đầu tập ăn sau khi phẫu thuật 1 – 2 giờ bằng cách uống vài thìa nước. Dần dần, bệnh nhân có thể tăng lượng nước lên.
Những ngày tiếp theo, bệnh nhân bắt đầu bổ sung năng lượng bằng sữa, cháo , súp, nước trái cây…
Thay vì ăn 3 bữa chính, bệnh nhân nên chia nhỏ các bữa ăn, đồng thời uống đủ nước, ăn thêm rau củ quả để tránh táo bón.
Những thực phẩm bệnh nhân cần kiêng đó là: Đồ ăn chua cay, nhiều dầu mỡ, không uống rượu bia, cà phê, đồ uống có gas…
4. Cắt polyp trực tràng phải nằm viện bao lâu?
Thời gian nằm viện bao lâu phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Nếu polyp nhỏ, mổ nội soi, bệnh nhân có thể về ngay trong ngày.
Nếu bệnh nhân có nhiều polyp, polyp kích thước lớn, bệnh nhân có thể ở lại bệnh viện 2 – 3 ngày. Mục đích của việc ở lại là bác sĩ sẽ làm xét nghiệm kiểm tra nguy cơ ung thư.
5. Cắt polyp trực tràng ở đâu?
Bệnh nhiên có thể thực hiện cắt polyp ở các bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa. Ở Hà Nội, một số bệnh viện là: Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương; bệnh viện Quân đội 108; bệnh viện Đa khoa Bảo Sơn…
Để giảm nguy cơ bị polyp trực tràng và phòng ngừa bệnh tiến triển nặng, bạn cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cùng với đó là xây dựng thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh để đảm bảo sức khỏe hệ tiêu hóa nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung luôn ở trạng thái tốt nhất.
Nếu bạn cần được giải đáp trực tiếp các vấn đề liên quan đến dạ dày, vui lòng liên hệ với dược sĩ qua hotline 1800 1125 (miễn phí cước)
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…