Skip to main content

Manh tràng là gì? 5 bệnh lý phổ biến và cách điều trị

Dù không được nhắc tới như đại tràng, trực tràng hay kết tràng nhưng manh tràng cũng là một cơ quan quan trọng trong hệ tiêu hóa. Cùng Yumangel.vn tìm hiểu chi tiết về bộ phận manh tràng qua bài viết sau. 

I. Manh tràng là gì? Vị trí, cấu tạo, chức năng

Manh tràng ở người là một phần của trực tràng, là đoạn to nhất và ngắn nhất đại tràng. Ở người trưởng thành, manh tràng có chiều rộng khoảng 7cm và chiều dài khoảng 6cm. 

1. Vị trí

Vị trí của manh tràng là nằm ở hố chậu phải. Hình dáng của manh tràng được ví như một chiếc túi hình tròn nằm ở phía dưới của hồi tràng và đổ vào phía bên của ruột già.  

Vị trí của manh tràng trong hệ tiêu hóa.

2. Cấu tạo 

Cấu tạo của manh tràng được phân theo cấu trúc gồm có 3 phần là mặt trước, mặt sau và phần đầu. Cụ thể từng bộ phận như sau:

  • Phần đầu manh tràng: Phân này thường có một đoạn ruột nhỏ dính vào manh tràng và có chiều dài khoảng 10cm. Đoạn ruột nhỏ này hơi cong và được gọi là ruột thừa. Nếu trong quá trình tiêu hóa thức ăn mà sạn hoặc sỏi rơi vào ruột thừa có thể gây viêm hoặc tắc ruột thừa.
  • Phần mặt trước manh tràng: Phần này tiếp xúc với thành bụng trước, tuy nhiên các quai ruột non và mạc nối lớn có thể chen ngang. Manh tràng được bao phủ bởi phúc mạc phủ đồng thời nối với hố chậu bởi liên kết mô lỏng lẻo.
  • Phần mặt sau manh tràng: Mặt sau của manh tràng tựa trên cơ thắt lưng ở phía bên phải và cơ chậu, đồng thời được ngăn cách với cả 2 cơ bởi mạc và phúc mạc. 
Cấu tạo của manh tràng được phân theo cấu trúc gồm có 3 phần là mặt trước, mặt sau và phần đầu.

3. Chức năng 

Theo các nhà khoa học, manh tràng chính là đoạn đầu của bộ phận đại tràng nối liền với đoạn hồi tràng ở phần ruột non. Giữa các manh tràng và hồi manh tràng thường có van hãm để chặn các chất ở trong ruột non sang bộ phận đại tràng quá nhanh đồng thời ngăn không cho các chất ở đại tràng chảy ngược trở lại bộ phận ruột non.

Mặt khác, chiếc van hãm này có có nhiệm vụ giữ lại các chất dinh dưỡng đã được tiêu hóa ở ruột non để đi nuôi dưỡng cơ thể.

Ở người trường thành, manh tràng có kích thước chiều ngang khoảng 6cm và chiều rộng khoảng 7,5cm. Vì vậy, manh tràng cũng là bộ phận quan trọng trong hệ thống đường tiêu hóa của cơ thể con người.

Đừng bỏ qua: (Hồi manh tràng) Hồi tràng là gì?

Chức năng chính của manh tràng là chặn các chất ở trong ruột non sang bộ phận đại tràng quá nhanh.

II. 5 bệnh lý manh tràng thường gặp

5 bệnh lý manh tràng thường gặp gồm: viêm manh tràng, u manh tràng, viêm túi thừa manh tràng, viêm hồi manh tràng và ung thư manh tràng. Dưới đây là thông tin chi tiết về từng bệnh:

1. Viêm manh tràng 

Viêm manh tràng là bệnh lý viêm màng gây ra viêm màng của đường tiêu hóa, có thể gây tiêu chảy, đau bụng, đau dạ dày, đại tiện ra máu, giảm cân, suy dinh dưỡng… 

1.1. Phân loại 

Có hai cấp độ của viêm manh tràng gồm:

  • Viêm manh tràng cấp tính: Bệnh nhân có các biểu hiện sau: sốt cao từ 39 – 40 độ, buồn nôn, chướng bụng, đau ở vị trí hố chậu sau khi ăn, sau khi đi đại tiện sẽ đỡ đau hơn…
  • Viêm manh tràng mãn tính: Các dấu hiệu cấp tính của bệnh tái phát liên tục và kéo dài từ 2 – 4 năm. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn gặp phải một số biến chứng như: rò rỉ các chất từ hồi tràng vào đại tràng, thủng ruột, tắc ruột, ung thư ruột già… 

1.2. Nguyên nhân 

Cho đến nay y học hiện đại vẫn tìm ra được chính xác nguyên nhân gây viêm manh tràng. Tuy nhiên có một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gây viêm và bệnh manh tràng như sau:

  • Chế độ ăn uống không hợp lý: ăn quá nhiều, ăn không đúng bữa, bỏ bữa, ăn thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…
  • Do các vi khuẩn gây hại Escherichia coli, Bacteroides fragilis Enterobacter aerogenes tồn tại ở ruột già và ruột non.
  • Do di truyền.

1.3. Triệu chứng

Bệnh nhân viêm manh tràng thường gặp các triệu chứng điển hình sau:

  • Đau bụng âm ỉ hoặc quặn thắt ở hố chậu phải: Cơn đau thuyên giảm sau khi đi ngoài.
  • Rối loạn đại tiện: Đại tiện nhiều lần trong ngày, đặc biệt là sau khi đồ tanh, cay, bia rượu.
  • Tính chất phân thay đổi: Có lẫn nhầy, sùi bọt, lỏng và nát.
  • Triệu chứng khác: Đầy hơi, bụng sôi ọc ạch, chướng bụng.

1.4. Chẩn đoán 

Để chẩn đoán viêm manh tràng, bác sĩ thường chỉ định thực hiện một số biện pháp sau:

  • Nội soi: Hình ảnh do camera thu được sẽ giúp bác sĩ phát hiện vết viêm loét và vị trí tổn thương (nếu có).
  • Chụp X-quang: Bác sĩ bơm chất quang tan trong nước đi vào đường hậu môn để thu được hình ảnh rõ ràng. Phương pháp này hiện ít được sử dụng vì mất nhiều thời gian và nguy cơ tai biến.
  • Siêu âm ổ bụng: Để đánh giá viêm manh tràng qua bờm mỡ của bộ phận này.
  • Chụp CT-Scanner và chụp MRI ổ bụng: Để thu được hình ảnh rõ nét của manh tràng, giúp bác sĩ đánh giá được độ giãn, loét, vị trí thủng (nếu có). 
  • Xét nghiệm phân tìm ký sinh trùng hoặc máu ẩn: Để tìm sự có mặt của ký sinh trùng gợi ý bệnh lý kèm theo.

1.5. Mức độ nguy hiểm/Biến chứng

Viêm manh tràng là bệnh lý cần được điều trị y tế sớm. Nếu chậm trễ trong điều trị bệnh có gây biến chứng thiếu máu, trầm cảm, tắc ruột, thủng ruột, giảm trí nhớ, ung thư manh tràng – đại tràng… 

1.6. Điều trị 

Đến nay, y học vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh viêm manh tràng. Các biện pháp điều trị hiện nay gồm:

  • Điều trị nội khoa: Dùng thuốc để kiểm soát các triệu chứng viêm manh tràng. Một số thuốc phổ biến là thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm,, thuốc điều trị tiêu chảy… 
  • Điều trị ngoại khoa: Áp dụng khi bệnh nhân không đáp ứng với thuốc hoặc có biến chứng. Bác sĩ thực hiện phẫu thuật mổ hở hoặc mổ nội soi để loại bỏ phần manh tràng bị viêm.
Viêm manh tràng có thể gây tiêu chảy, đau bụng, đau dạ dày, đại tiện ra máu, giảm cân, suy dinh dưỡng…

2. U manh tràng

U manh tràng là tình trạng các khối u xuất hiện ở đoạn đầu của ruột già (manh tràng).  Đa phần thường là các khối u lành tính, hình thành khi có sự quá triển quá mức của những tế bào hoặc viêm dạng u. Tuy nhiên, u manh tràng cũng có thể là các khối u ác tính (ung thư manh tràng). 

2.1. Phân loại  

U manh tràng được phân thành 2 loại gồm u lành tính và u ác tính:

  • U manh tràng lành tính: Khối u manh tràng lành tính hình thành khi những tế bào nhân lên quá mức hoặc không chết đi như những tế bào bình thường. Các loại u manh tràng lành tính gồm: viêm dạng u, polyp, u lao ở manh tràng. 
  • U manh tràng ác tính: Bao gồm ung thư manh tràng hoặc u manh tràng lành tính chuyển thành ác tính sau một thời gian phát triển.

2.2. Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra các khối u manh tràng hiện vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên u manh tràng có thể liên quan đến di truyền, tiếp xúc với bức xạ hoặc hóa chất.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ hình thành u manh tràng gồm: hút thuốc lá và uống nhiều rượu, viêm manh tràng, di truyền, tiếp xúc bức xạ và hóa chất, chế độ ăn uống ít chất xơ, nhiều chất béo; ít vận động, tiểu đường.

2.3. Triệu chứng

U manh tràng ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng. Khi khối u phát triển đủ lớn hoặc xâm lấn sang vùng lân cận (ung thư), bệnh nhân có thể gặp các triệu chứng sau:

  • Xuất huyết bất thường.
  • Chướng bụng, đầy hơi.
  • Rối loạn đại tiện: tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai.
  • Phân sẫm màu, hắc ín.
  • Đau ở hố chậu bên phải..
  • Buồn nôn hoặc nôn.
  • Sút cân.

2.4. Mức độ nguy hiểm/Biến chứng

Nếu khối u manh tràng được phát hiện ở giai đoạn muộn, bệnh nhân có thể gặp biến chứng dưới đây:

  • Tắc ruột.
  • Xuất huyết..
  • Thiếu máu.
  • Ung thư manh tràng
  • Ung thư di căn và tử vong.

2.5. Chẩn đoán

Sau khi thăm khám lâm sàng qua triệu chứng, tiền sử bệnh lý và chấn thương, nếu  nghi ngờ ổ viêm loét hoặc khối u bất thường ở manh tràng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sau để có kết luận chẩn đoán chính xác:

  • Nội soi manh tràng giúp quan sát và chụp lại những bất thường trong manh tràng.
  • Sinh thiết nếu có khối u để xác định u lành tính hay ác tính.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) giúp xác định bất thường ở khu vực manh tràng.
  • Xét nghiệm máu và phân để loại trừ nguy cơ nhiễm trùng.
  • Nội soi đại tràng sigma để sàng lọc ung thư ruột kết.

2.6. Điều trị

Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính khi có khối u ở manh tràng. Đối với các khối u ác tính, bệnh nhân có thể cần phải xạ trị hoặc là hóa trị để đảm bảo triệt tiêu triệt để các tế bào ung thư.

  • Phẫu thuật: Với các khối u nhỏ và lành tính, bác sĩ sẽ loại bỏ ngay khi nội soi đại tràng. Với các khối u manh tràng có kích thước lớn hoặc ung thư, bác sĩ có thể thực hiện một trong các thủ thuật sau: phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để loại bỏ những khối u nhỏ ở đoạn đầu của ruột già; cắt bỏ manh tràng nếu là khối u ung thư.
  • Xạ trị: Sử dụng chùm tia phóng xạ ion hóa để loại bỏ khối u ung thư, thu nhỏ khối u trong cơ thể. Đồng thời ngăn chặn các tế bào ung thư phân chia và phát triển.
  • Hóa trị: Hóa trị được thực hiện sau phẫu thuật, có thể kết hợp với xạ trị) để tiêu diệt những tế bào ác tính còn sót lại.
U manh tràng là tình trạng các khối u xuất hiện ở đoạn đầu của ruột già (manh tràng).

3. Viêm túi thừa manh tràng

Túi thừa manh tràng là một cấu trúc bóng phình nhô ra ở đoạn cuối ruột già, bao gồm cả đại tràng và manh tràng. Viêm túi thừa manh tràng là tình trạng một hoặc nhiều túi thừa của ống tiêu hóa bị viêm và nhiễm khuẩn.

3.1. Nguyên nhân

Vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây viêm thừa manh tràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh như: cơ ruột bị co bóp quá mức, thức ăn bị tắc nghẽn, trên 40 tuổi, ăn ít chất xơ, ít vận động, béo phì, hút thuốc lá.

3.2. Triệu chứng

Dựa vào mức độ viêm và tiến triển, các triệu chứng của bệnh cụ thể như sau:

  • Triệu chứng giai đoạn sớm: Đau âm ỉ vùng hố chậu phải, sốt nhẹ, đầy hơi, buồn nôn, nôn, chán ăn, rối loạn tiêu hóa, táo bón hoặc tiêu chảy, có thể có biểu hiện xuất huyết tiêu hóa, phân có máu…
  • Triệu chứng giai đoạn muộn: Đau bụng dữ dội ở vùng hố chậu phải, , sốt cao >39 độ, có dấu hiệu nhiễm trùng như lưỡi bẩn, khô môi, người nhợt nhạt, mệt mỏi…

3.3. Mức độ nguy hiểm/biến chứng

Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm túi thừa manh trành có thể gây một số biến chứng đáng lo ngại là:

  • Chảy máu trực tràng do mạch máu bị vỡ. 
  • Áp xe.
  • Thủng đường tiêu hóa.
  • Hình thành đường rò.
  • Tắc nghẽn ruột.
  • Biến chứng khác: thủng túi thừa, nhiễm trùng huyết, rò ruột, tắc ruột. 

3.4. Chẩn đoán

Trước tiên, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và sức khỏe cho bệnh nhân, bao gồm kiểm tra vùng bụng và vùng chậu (đối với nữ giới) để loại trừ các nguyên nhân khác. 

Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm dưới đây để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác:

  • Xét nghiệm máu, phân và nước tiểu: Để kiểm tra các dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm men gan: Để loại trừ nguyên nhân gây đau bụng liên quan đến gan.
  • Nội soi đại tràng: Kiểm tra bên trong đường tiêu hóa và xác định được vị trí chính xác của túi thừa..
  • Kiểm tra hình ảnh: Để có thể quan sát hệ tiêu hóa, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện siêu âm, chụp MRI, chụp CT hoặc chụp X-quang ổ bụng.
  • Khám phụ khoa và khám thai đối với nữ: Giúp loại trừ trường hợp bệnh nhân mắc bệnh phụ khoa hoặc mang thai.

3.5. Điều trị

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh ở từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định phác đồ điều trị viêm túi thừa manh tràng phù hợp:

  • Điều trị không dùng thuốc: Cải thiện chế độ ăn uống và thay đổi lối sống.
  • Điều trị dùng thuốc: Đối với trường hợp viêm túi thừa manh tràng không có biến chứng, giải pháp điều trị ưu tiên là dùng thuốc kết hợp chăm sóc phù hợp.
  • Điều trị phẫu thuật: Bác sĩ sẽ cắt túi thừa manh tràng bị viêm nhiễm sau đó nối lại các đoạn ruột với nhau.
Viêm túi thừa manh tràng là tình trạng một hoặc nhiều túi thừa của ống tiêu hóa bị viêm và nhiễm khuẩn.

4. Viêm hồi manh tràng

Viêm hồi manh tràng là một tình trạng vùng niêm mạc manh tràng bị viêm hoặc tổn thương. Đây là bệnh lý hiếm gặp nhưng lại gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và có yếu tố di truyền.

4.1. Nguyên nhân

Các nguyên nhân gây viêm hồi manh tràng gồm: Chế độ ăn uống, dinh dưỡng và nghỉ ngơi không khoa học; do di truyền; do nhiễm khuẩn Escherichia Coli, Bacteroides Fragilis, Enterobacter Aerogenes…

4.2. Triệu chứng

Một số triệu chứng của của người bệnh khi bị viêm hồi manh tràng gồm:

  • Triệu chứng viêm hồi manh tràng cấp tính: buồn nôn; chướng bụng đầy hơi, ăn uống không ngon miệng, khó tiêu; chán ăn, mệt mỏi; có thể sốt cao đến 40 độ C, đổ mồ hôi nhiều về đêm; đau ở vùng chậu bên phải; đại tiện bị phân nát, phân lỏng hoặc rắn và đều có lẫn máu. 
  • Triệu chứng viêm hồi manh tràng mạn tính: Các triệu chứng ở giai đoạn cấp tính rõ ràng hơn, nặng hơn và xuất hiện liên tục.

4.3. Mức độ nguy hiểm/Biến chứng 

Nhưng không điều trị kịp thời, viêm hồi manh tràng có thể gây nhiều  ảnh hưởng đến sức khỏe như: tắc ruột, thủng ruột, ung thư manh tràng – đại tràng…

4.4. Chẩn đoán

Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm hồi manh tràng hiện nay gồm:

  • Siêu âm ổ bụng: Giúp bác sĩ có thể đánh giá gián tiếp thông qua bờm mỡ của manh tràng. Vì bờm mỡ xung quanh thường phù nề và bị sưng viêm gián tiếp. 
  • Tìm ký sinh trùng trong phân hoặc máu ẩn: Nhân viên y tế lấy mẫu phân và đưa đi xét nghiệm để tìm ký sinh trùng trong phân hoặc máu ẩn.
  • Nội soi đại tràng: Giúp quan sát hình ảnh manh tràng rõ ràng để có chẩn đoán chính xác.
  • Chụp CLVT và MRI ổ bụng: Phim chụp giúp bác sĩ đánh giá được độ co giãn của manh tràng, mức độ loét và cả vị trí thủng manh tràng nếu có. 
  • Chụp X-quang khung đại tràng: Bác sĩ bơm từ từ chất cản quang tan trong nước thông qua đường hậu môn và tiến hành chụp X-quang. Kỹ thuật này hiện ít được sử dụng vì có nguy cơ gây tai biến.

4.5. Điều trị

Hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh viêm hồi manh tràng. Có hai biện pháp điều trị được áp dụng bệnh lý này gồm:

  • Điều trị bằng thuốc: Bệnh nhân  được bác sĩ chỉ định sử dụng một số loại thuốc giảm triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.
  • Điều trị phẫu thuật: Sử dụng khi bệnh nhân không đáp ứng với thuốc hoặc xuất hiện biến chứng. Bệnh nhân sẽ được mổ hở hoặc mổ nội soi để lấy phần manh tràng bị viêm ra ngoài cơ thể. 
Viêm hồi manh tràng gây đau âm ỉ.

5. Ung thư manh tràng

Ung thư manh tràng là tình trạng manh tràng xuất hiện các khối u. Không chỉ phát triển và xâm lấn ở manh tràng, các tế bào ung thư ở manh tràng còn có thể di căn sang các bộ phận, cơ quan khác trong cơ thể.

5.1. Nguyên nhân

Y học hiện vẫn chưa tìm ra được cơ chế và nguyên nhân gây ung thư manh tràng. Tuy nhiên một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ gây bệnh như: di truyền,  các tổn thương tiền ung thư, chế độ ăn ít chất xơ, quá nhiều mỡ động vật; thừa cân hoặc béo phì; ít vận động, nghiện rượu và thuốc lá; có tiền sử mắc các bệnh lý ung thư đại tràng, polyp tuyến nguy cơ cao, viêm loét đại tràng, ung thư buồng trứng…

5.2. Triệu chứng

Bệnh nhân ung thư manh tràng thường gặp các triệu chứng sau:

  • Đầy hơi và chướng bụng.
  • Đau bụng.
  • Buồn nôn và nôn. 
  • Phân sẫm màu, đen.
  • Sụt cân.
  • Thiếu máu.
  • Tiêu chảy, táo bón.
  • Thói quen đại tiện thay đổi, đi cầu lắt nhắt.
  • Có thể sờ thấy khối u ở vùng bụng.
  • Chảy máu ở hậu môn…

5.3. Mức độ nguy hiểm/Tiên lượng

Ung thư manh tràng là bệnh lý nguy hiểm và có nguy cơ gây tử vong cao. Tùy từng giai đoạn bệnh mà tiên lượng sống khác nhau.

Cụ thể, với ung thư manh tràng chưa di căn, tiên lượng sống 5 năm là hơn 90%; với ung thư manh tràng xâm lấn là 70% và manh tràng di căn chỉ còn 14-15%.

5.4. Chẩn đoán

Bác sĩ tiến hành thăm khám lâm sàng, nếu nghi ngờ có khối u ác tính xuất hiện ở manh tràng sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng như siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu trong phân, chụp CT cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ MRI, nội soi đại tràng kèm sinh thiết nếu cần. 

5.5. Điều trị

Tùy theo giai đoạn bệnh, loại tế bào ung thư và thể trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị ung thư manh tràng hiện gồm có:

  • Phẫu thuật: Để bỏ khối u ở manh tràng, các mô và một số hạch bạch huyết lân cận. Bệnh nhân có thể được phẫu thuật mổ mở hoặc nội soi.
  • Hóa trị: Dùng thuốc qua đường tiêm hoặc uống để tiêu diệt và ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển. 
  • Xạ trị: Sử dụng tia X có năng lượng cao chiếu trực tiếp vào khu vực manh tràng có khối u để tiêu diệt tế bào ung thư.
Ung thư manh tràng là bệnh lý nguy hiểm và có nguy cơ gây tử vong cao.

III. Nên làm gì khi mắc các bệnh lý liên quan đến manh tràng? 

Tốt nhất khi có dấu hiệu mắc các bệnh lý ở manh tràng kể trên, bạn nên đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán nguyên nhân và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.

Tùy từng trường hợp của bệnh nhân, nguyên nhân và tình trạng bệnh lý, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả. Các bệnh lý ở manh tràng sẽ không thể tự khỏi mà cần điều trị y tế bằng thuốc hoặc phẫu thuật.

Khi có dấu hiệu mắc các bệnh lý ở manh tràng nên đi thăm khám ngay để được điều trị kịp thời.

IV. Giải pháp phòng tránh các bệnh ở manh tràng

Để phòng tránh các bệnh lý ở mạnh tràng, ngoài yếu tố di truyền không thể can thiệp thì bạn vẫn có thể chủ động phòng ngừa bệnh bằng một số cách dưới đây thông qua chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày:

1. Có chế độ ăn khoa học và hợp lý

Ăn chậm nhai kỹ, không ăn quá no và  ăn đủ bữa. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong chế biếu, nấu nướng thức ăn; chỉ ăn các thức ăn đã được nấu chín.

Tăng cường ăn các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như: rau xanh, hoa quả tươi. Hạn chế ăn đồ ăn sống, tái, thức ăn nhanh, đồ ăn cay nóng, quá lạnh.  

2. Rửa tay thường xuyên

Rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn, nhất là sau khi tiếp xúc với đất cát, bụi bẩn, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn cơm để hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.

3. Chế độ sinh hoạt lành mạnh

Mỗi ngày cần ngủ đủ 7-8 tiếng và ngủ trước 23h đêm; tránh căng thẳng, mệt mỏi, làm việc quá sức, thức khuya ngủ muộn. Kết hợp với tập thể dục hàng ngày giúp bạn luôn có sức khỏe và thể trạng tốt nhất.

Ăn uống khoa học và hợp lý và “chìa khóa” giúp manh tràng và  hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Qua việc tìm hiểu manh tràng nằm ở đâu và manh tràng có tác dụng gì, chắc hẳn các bạn đã phần nào hiểu hơn về bộ phận này. Đóng vai trò quan trọng trong hệ tiêu hóa cùng với kết tràng và trực tràng nên khi thấy đau manh tràng hoặc có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở bộ phận này, bạn hãy chủ động đến tìm gặp bác sĩ sớm nhất để được chữa trị kịp thời, tránh xảy ra các biến chứng nguy hiểm.

4/5 - (3 bình chọn)
Đinh Thị Hiền

Tác giả:

Đinh Thị Hiền (Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2014-2018). Cô có 6 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copy Write tại các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, làm đẹp,… Hiện nay, Đinh Thị Hiền được biết đến với vai trò biên tập viên cho nhãn hàng Yumangel, với mong muốn cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến sản phẩm cũng như các phương pháp trị đau dạ dày. Hy vọng, những nội dung mà Hiền truyền tải sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin hữu ích, giúp bạn có được những phương pháp chăm sóc dạ dày phù hợp.

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.