Xung huyết dạ dày là vấn đề sức khỏe nguy hiểm và nghiêm trọng. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có nguy cơ gây biến chứng phức tạp, trong đó có ung thư dạ dày.
Mục lục
- I. Dạ dày và các bệnh lý thường gặp
- II. Xung huyết dạ dày là gì?
- III. 6 triệu chứng nhận biết xung huyết dạ dày
- IV. 5 nguyên nhân gây bệnh xung huyết dạ dày
- V. Xung huyết dạ dày có nguy hiểm không?
- VI. Phương pháp chẩn đoán bệnh xung huyết dạ dày
- VII. Cách điều trị bệnh xung huyết dạ dày
- VIII. Một số câu hỏi liên quan đến xung huyết dạ dày
- 1. Xung huyết dạ dày có chữa khỏi được không?
- 2. Thời gian điều trị xung huyết dạ dày mất bao lâu?
- 3. Xung huyết dạ dày khi nào cần gặp bác sĩ?
- 4. Xung huyết dạ dày gây biến chứng gì?
- 5. Bệnh nhân xung huyết dạ dày nên ăn gì?
- 6. Không nên ăn gì khi bị xung huyết dạ dày?
- 7. Xung huyết dạ dày có lây không?
- 8. Có thể phòng ngừa xung huyết dạ dày không?
- 9. Khám và điều trị xung huyết dạ dày ở đâu tốt?
I. Dạ dày và các bệnh lý thường gặp
Dạ dày hay bao tử là cơ quan lớn nhất trong hệ tiêu hóa. Đây là nơi chứa thức ăn, nghiền nát, chuyển hóa một phần các thức ăn thành chất dinh dưỡng.
Vị trí dạ dày nằm ở khu vực phía trên, bên trái khoang bụng và nằm dưới gan, cạnh lá lách. Về hình thể bên ngoài, dạ dày gồm 5 phần là tâm vị, đáy vị, thân vị, hang vị và môn vị. Cấu tạo dạ dày gồm 5 lớp là lớp thanh mạc, lớp dưới thanh mạc, lớp cơ, lớp dưới niêm mạc và lớp niêm mạc chứa các tuyến dạ dày.
Dạ dày là nơi chứa đựng và tiêu hóa thức ăn nên thường phải hoạt động liên tụ nên dễ mắc các bệnh lý như:
- Xung huyết dạ dày: Là tình trạng các mạch máu ở vùng bị niêm mạc dạ dày viêm giãn nở gây ứ đọng máu quá nhiều tạo nên các đốm đỏ.
- Đau dạ dày: Xảy ra khi dạ dày bị tổn thương viêm, loét, xung huyết, rối loạn vận động của dạ dày, tăng tiết axit dạ dày.
- Loét dạ dày: Là tình trạng lớp niêm mạc dạ dày bị tổn thương kéo dài tạo thành các vết loét.
- Trào ngược dạ dày – thực quản (GERD): Là bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến nguyên nhân do cơ thắt thực quản dưới bị suy giảm chức năng. Bệnh khiến axit trào ngược từ dạ dày lên thực quản – phần ống nối từ miệng tới dạ dày) gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau rát thượng vị, ợ hơi, ợ nóng buồn nôn…
- Xuất huyết dạ dày: Bệnh nhân nôn ra máu, đi tiêu phân đen hoặc phân có máu đỏ.
- Ung thư dạ dày: Bệnh lý này xảy ra khi có sự phát triển bất thường của các tế bào trong dạ dày.
- Bệnh lý dạ dày khác: Viêm dạ dày, khó tiêu, nhiễm khuẩn HP dạ dày, viêm hang vị dạ dày…
II. Xung huyết dạ dày là gì?
Xung huyết dạ dày là tình trạng niêm mạc của dạ dày bị viêm, các mạch máu tại đây bị viêm giãn nở ra do bị ứ máu quá nhiều tạo nên các đốm đỏ và gây viêm nhiễm.
Nếu không được điều trị sớm và kịp thời, xung huyết dạ dày có thể xuất hiện tình trạng loét dạ dày, thậm chí xuất huyết dạ dày/chảy máu dạ dày. Trường hợp nặngkhông được kịp thời xử trí, bệnh có thể gây tử vong.
Tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển của các biểu hiện, bệnh xung huyết dạ dày được phân thành 3 mức độ. Cụ thể là:
- Mức độ nhẹ: Bệnh nhân bị ợ chua, ợ hơi, đau thượng vị, chướng bụng.
- Mức độ vừa: Niêm mạc xuất hiện các vết đốm nhỏ như phát ban. Triệu chứng đau rát nặng hơn, nhất là vào sáng sớm và đêm.
- Mức độ nặng: Vết hồng ban lan ra khắp dạ dày, đây là tình trạng rất nguy hiểm, người bệnh cần nhập viện ngay.
III. 6 triệu chứng nhận biết xung huyết dạ dày
Việc nắm được các triệu chứng bị xung huyết dạ dày giúp bệnh nhân có thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và có cách điều trị kịp thời, tránh bị xuất huyết. Các triệu chứng người bệnh có thể gặp phải khi bị xung huyết dạ dày gồm:
- Đau vùng thượng vị.
- Buồn nôn, nôn ra máu.
- Sắc tố da thay đổi.
- Đi ngoài phân đen.
- Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, chảy máu lợi.
- Chán ăn, sụt cân.
1. Đau vùng thượng vị
Triệu chứng phổ biến và xuất hiện ở hầu hết bệnh nhân. Xung huyết dạ dày khiến người bệnh bị đau nhiều ở vùng thượng vị dạ dày. Đặc điểm của cơn đau như sau:
- Bắt đầu đau ở vùng thượng vị sau đó cơn đau lan rộng khắp vùng bụng.
- Đau nhẹ từng cơn cho đến đau dữ dội,.
- Có thể kèm theo dấu hiệu: bụng căng cứng, mặt tái nhợt, khó chịu, vã mồ hôi lạnh…
2. Buồn nôn, nôn ra máu
Đa phần bệnh nhân bị xung huyết dạ dày đều gặp phải triệu chứng buồn nôn và nôn ra máu. Cụ thể:
- Người bệnh bị đầy bụng, cảm giác chướng bụng.
- Có cảm giác buồn nôn, có mùi tanh lợm ở miệng.
- Nôn ra máu đen hoặc tươi.
- Máu nôn ra có thể lẫn thức ăn.
- Cũng có thể nôn thức ăn ra trước rồi mới trào ra máu.
Đây là triệu chứng rất nguy hiểm, cảnh báo bệnh xung huyết dạ dày đã trở nặng. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mất nhiều máu và đe dọa tính mạng người bệnh, cần được kịp thời cấp cứu để cầm máu.
3. Đi ngoài ra phân đen
Nếu không được điều trị kịp thời, xung huyết dạ dày có thể dẫn đến loét và làm chảy máu dạ dày. Điều này khiến người bệnh bị đi ngoài phân đen với đặc điểm như sau:
- Phân có màu đen như màu bã cà phê.
- Phân sền sệt và có mùi khắm khó chịu.
Đi ngoài phân đen là triệu chứng cho thấy trong phân có lẫn máu. Phân càng có màu đen sậm và lượng phân càng nhiều thì chứng tỏ tình trạng chảy máu dạ dày càng nặng. Chảy máu dạ dày nếu kéo dài sẽ khiến bệnh nhân bị thiếu máu gây hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, choáng vàng, vã hôi hột, tụt huyết áp….
4. Sắc tố da thay đổi
Sắc tố da thay đổi cũng là triệu chứng cảnh báo cơ thể đang bị xung huyết dạ dày. Người bệnh bị suy nhược cơ thể, mệt mỏi, da nhợt nhạt, kém sức khỏe do dạ dày bị yếu và không thể chuyển hóa được những chất dinh dưỡng.
5. Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng, chảy máu lợi
Một số bệnh nhân xung huyết dạ dày còn có thể gặp triệu chứng ợ chua, ợ nóng, ợ hơi, chảy máu lợi, trên bề mặt lưỡi xuất hiện các đám rêu trắng.
6. Chán săn, sụt cân đột ngột
Sức khỏe dạ dày bị suy yếu gây khó khăn cho việc tiêu hóa thức ăn khiến người bệnh chán ăn, ăn không ngon dẫn đến sụt cân nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn.
Các triệu chứng ở trên rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Do đó, người bệnh nên chủ động thăm khám ngay, tránh để kéo dài gây biến chứng nguy hiểm.
IV. 5 nguyên nhân gây bệnh xung huyết dạ dày
Bệnh Xung huyết dạ dày có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng có 5 lý do chính là: chế độ ăn uống thiếu khoa học, nhiễm khuẩn HP, tác dụng phụ của thuốc và yếu tố thần kinh.
1. Do chế độ ăn uống thiếu khoa học
Ăn uống thiếu khoa học là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh xung huyết dạ dày và các bệnh lý dạ dày khác. Một số thói quen ăn uống gây hại cho dạ dày gồm:
- Thường xuyên ăn đồ cay nóng: Thực phẩm cay nóng (kim chi, ớt, tỏi, mì cay, mù tạt, hạt tiêu) không chỉ khiến cho lượng acid dạ dày tăng lên, mà còn làm nghiêm trọng hơn các vết loét dạ dày. Không chỉ vậy, các thực phẩm cay nóng còn gây kích thích niêm mạc dạ dày khiến các triệu chứng bệnh dạ dày càng nặng nề hơn.
- Thực phẩm nhiều dầu mỡ: Ăn nhiều các thực phẩm giàu chất béo (thịt mỡ, mỡ động vật, phô mai, bơ, xúc xích, lạp xưởng, gà rán, khoai tây chiên…) không chỉ gây mất cân bằng chỉ số pH của dạ dày mà còn ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột và làm chậm quá trình tiêu hóa gây táo bón.
- Thực phẩm nhiều đường: Nhóm thực phẩm nhiều đường (bánh ngọt, sữa đặc, socola, nước ngọt, kẹo, bánh quy, bánh kem, hoa quả đóng hộp…) có hàm lượng đường cao sẽ gây tổn thương ở vùng dạ dày.
- Thực phẩm lên men, có vị chua: Tiêu thụ nhóm thực phẩm lên men và có vị chua như hành muối, cà muối, dưa muối, kim chi, chanh, xoài, khế… khiến nồng độ acid dạ dày tăng lên và làm tổn thương lớp bảo vệ niêm mạc.
- Uống nhiều đồ uống chứa cồn như rượu, bia, hút thuốc lá: Tất cả đều chứa chất kích thích gây hại cho dạ dày. Khi tiêu thụ quá nhiều, không chỉ gây xung huyết dạ dày mà còn còn dẫn đến thủng dạ dày, chảy máu dạ dày…
2. Do nhiễm vi khuẩn HP
Nhiễm vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh lý ở dạ dày, trong đó có xung huyết dạ dày.
Loại vi khuẩn này có thể sống trong môi trường dạ dày và sản xuất ra các enzym làm tổn thương niêm mạc dạ dày và “giết” chết các tế bào niêm mạc. Hậu quả là gây viêm loét dạ dày và xung huyết dạ dày.
3. Do dùng thuốc kéo dài
Nguyên nhân tiếp theo gây bệnh xung huyết dạ dày là do tác dụng phụ của thuốc. Cụ thể hơn là do dùng thuốc kháng viêm, kháng sinh, giảm đau kéo dài và liên tục khiến lớp niêm mạc dạ dày bị phả húy tạo ra các tổn thương cho dạ dày.
Những nhóm những loại thuốc nguy cơ cao gây xung huyết dạ dày và các bệnh lý dạ dày khác gồm:
- Nhóm thuốc kháng viêm không steroid: Indomethacin, ibuprofen, diclofenac… có tác dụng chống viêm, giảm đau, đặc biệt hiệu quả với các bệnh lý xương khớp.
- Thuốc Corticoid: Tác dụng chống viêm, giảm đau, chống dị ứng và ức chế hệ miễn dịch nhưng cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.
- Nhóm thuốc giảm đau hạ sốt: Dùng Aspirin, Ibuprofen kéo dài với liều lượng cao rất dễ gây xung huyết dạ dày, viêm loét dạ dày, nặng hơn là xuất huyết dạ dày.
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh dùng kéo tác động không tốt đến niêm mạc dạ dày có thể thể gây xung huyết niêm mạc dạ dày.
4. Do căng thẳng, stress kéo dài
Các yếu tố thần kinh như căng thẳng, lo âu, stress, áp lực trong cuộc sống kéo dài, thường xuyên mất ngủ đều làm tăng sự giải phóng Andrenalin.
Andrenalin là chất gây làm tăng tiết dịch vị dạ dày và co niêm mạc dạ dày. Sự tăng tiết quá mức của Andrenalin là tổn thương lớp niêm mạc và gây xung huyết dạ dày, viêm loét dạ dày, viêm hang môn vị…
5. Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác gây bệnh xung huyết dạ dày gồm: mạch máu tổn thương; những chấn thương tác động trực tiếp đến dạ dày, nhiễm virus cytomegalo…
V. Xung huyết dạ dày có nguy hiểm không?
Bệnh xung huyết dạ dày sẽ rất nguy hiểm nếu không được điều trị sớm và đúng cách. Bệnh trở nặng không chỉ gây ảnh hưởng đến đến sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng của người bệnh.
Xung huyết dạ dày có thể chữa khỏi khi được phát hiện và điều trị ở giai đoạn mới hình thành bệnh. Nếu người bệnh chủ quan không điều trị có thể khiến bệnh trở nặng dẫn đến các biến chứng như:
- Loét dạ dày.
- Xuất huyết dạ dày.
- Thủng dạ dày.
- Ung thư dạ dày.
Ngoài ra, theo các chuyên gia sức khỏe, dạ dày bị xung huyết còn gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Trường hợp xung huyết dạ dày dày gây chảy máu, người bệnh còn bị chóng mặt, hoa mắt, tụt huyết áp…
Do đó, việc phát hiện và điều trị bệnh sớm là điều cần thiết để phòng ngừa bệnh xung huyết dạ dày tiến triển nặng và gây biến chứng nguy hiểm.
VI. Phương pháp chẩn đoán bệnh xung huyết dạ dày
Nếu nghi ngờ bệnh nhân bị xung huyết dạ dày, bác sĩ sẽ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán cận lâm sàng để có kết quả chính xác nhất và có phác đồ điều trị phù hợp.
Các xét nghiệm cận lâm sàng bệnh nhân cần thực hiện để chẩn đoán xung huyết dạ dày gồm:
- Kiểm tra mẫu phân.
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm H.pylori:
- Chụp X-quang dạ dày.
Trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân sẽ cần thực hiện nội soi dạ dày để kiểm tra các thương tổn trên lớp niêm mạc dạ dày, từ đó xác định mức độ và tình trạng bệnh. Hiện có các cách nội soi dạ dày như sau:
- Nội soi qua đường miệng không gây mê: Vì không được gây mê nên người bệnh có cảm giác buồn nôn, khó chịu và đau.
- Nội soi qua đường miệng có gây mê: Bệnh nhân được gây mê trước khi nội soi nên không bị khó chịu, đau đớn.
- Nội soi qua đường mũi: Ống nội soi được đưa vào dạ dày thông qua đường mũi. Kỹ thuật này ít gây khó chịu nhưng giá thành cao.
- Nội soi dạ dày qua viên nang: Bệnh nhân sẽ nuốt vào một thiết bị có hình dạng như viên thuốc có gắn camera bên trong. Thiết bị sẽ chụp hình ảnh trong dạ dày và truyền về máy hiển thị để bác sĩ quan sát.
VII. Cách điều trị bệnh xung huyết dạ dày
Dựa trên kết quả chẩn đoán tình trạng xung huyết dạ dày, bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng điều trị phù hợp và hiệu quả. Bệnh nhân có thể điều trị dùng thuốc hoặc không dùng theo chỉ định của bác sĩ.
1. Điều trị không dùng thuốc
Trường hợp xung huyết dạ dày ở mức độ nhẹ và nguyên nhân gây bệnh là do dùng thuốc, ăn uống không khoa học và căng thẳng, stress kéo dài, bác sĩ sẽ tư vấn cách điều trị không dùng thuốc.
- Điều trị xung huyết dạ dày do ăn uống không khoa học: Điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học hơn: ăn đủ bữa, đúng giờ; không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói; ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi như chuối, bơ, đu đủ chín, táo; không ăn đồ ăn cay nóng, chua, chế biến sẵn, đồ ăn nhanh…
- Điều trị xung huyết dạ dày do căng thẳng, stress: Cân bằng công việc để có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn; dành thời gian trò chuyện với người thân, bạn bè, đi du lịch, nghe nhạc, tập thể dục…
- Điều trị xung huyết dạ dày do dùng thuốc kéo dài: Tham khảo ý kiến bác sĩ để thay đổi loại thuốc phù hợp với ít gây tác dụng phụ lên dạ dày hơn.
2. Điều trị bằng thuốc
Trường hợp xung huyết dạ dày ở mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân do nhiễm HP dạ dày, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc kháng sinh kết hợp với một số loại thuốc đặc hiệu khác để điều trị xung huyết dạ dày.
Những loại thuốc dùng trong điều trị xung huyết hang vị dạ dày hiện nay gồm:
- Thuốc kháng sinh: Dùng khi bệnh nhân bị nhiễm khuẩn HP dạ dày. Thuốc thường dùng là Clarithromycin (Biaxin), Tinidazole (Tindamax), Tetracycline (Tetracycline HCL), Amoxicillin (Amoxil), Levofloxacin (Levaquin), Metronidazole (Flagyl).
- Thuốc làm giảm kích thích sản xuất Acid (kháng histamine): Cimetidine (Tagamet HB), Ranitidine (Zantac), Famotidine (Pepcid).
- Thuốc kháng Acid trung hòa dạ dày như (Antacid): Magie hydroxyd và nhôm hydroxyd,…
- Thuốc ngăn chặn bơm tiết acid dạ dày (PPI): Lansoprazole (Prevacid), Prilosec, Pantoprazole (Protonix)…
- Thuốc bao phủ ổ viêm: Bismuth Subcitrate
Quá trình điều trị xung huyết dạ dày có thể thực hiện cho tới khi các triệu chứng của bệnh khỏi hoàn toàn. Việc dùng thuốc cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
VIII. Một số câu hỏi liên quan đến xung huyết dạ dày
Dưới đây Yumangel.vn sẽ giải đáp một số thắc mắc về bệnh xung huyết dạ dày, hy vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý này:
1. Xung huyết dạ dày có chữa khỏi được không?
Xung huyết dạ dày hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Vì vậy, bạn nên đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu bị bệnh, không nên để tình trạng bệnh kéo dài.
2. Thời gian điều trị xung huyết dạ dày mất bao lâu?
Thời gian điều trị xung huyết dạ dày nếu do vi khuẩn Hp trung bình từ khoảng 10 – 14 ngày. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ để bệnh khỏi dứt điểm, tránh tình trạng bị kháng thuốc kháng sinh.
3. Xung huyết dạ dày khi nào cần gặp bác sĩ?
Nên đi thăm khám bác sĩ ngay khi xuất hiện triệu chứng đau vùng thượng vị, buồn nôn, nôn ra máu… Việc điều trị sớm rút tăng cơ hội chữa khỏi bệnh, ngăn chặn bệnh chuyển biến nặng gây biến chứng nguy hiểm.
4. Xung huyết dạ dày gây biến chứng gì?
Bệnh xung huyết dạ dày kéo dài không được điều trị có thể gây các biến chứng nghiêm trọng loét dạ dày, xuất huyết dạ dày thủng dạ dày, nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày.
5. Bệnh nhân xung huyết dạ dày nên ăn gì?
Chế độ dinh dưỡng khoa học và phù hợp giúp giảm tiết axit dịch vị, hỗ trợ phục hồi sức khỏe và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Vì vậy, bệnh nhân xung huyết dạ dày nên ăn các thực phẩm sau:
- Thức ăn có khả năng giảm tiết acid dịch vị: mật ong, bánh mỳ, bánh quy, dầu thực vật…
- Thức ăn có tác dụng trung hòa acid dịch vị: Sữa, táo, trứng…
- Thức ăn giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày: Gạo nếp, khoai, bột sắn, bánh mỳ…
Khi chế biến thức ăn cần lưu ý chế biến thức ăn ở dạng hấp, luộc, hạn chế chiên, xào để tránh gây khó tiêu. Đồng thời nên hầm nhừ, xay nhuyễn, nghiền nát thực phẩm để giảm gánh nặng cho dạ dày.
Ngoài ra, bệnh nhân xung huyết dạ dày nên chia thức ăn 5-6 bữa/ngày; không nên ăn quá no, không để bụng quá đói; mỗi bữa chỉ nên ăn vừa đủ; không ăn thức ăn quá lạnh hoặc quá nóng…
6. Không nên ăn gì khi bị xung huyết dạ dày?
Người bệnh xung huyết dạ dày nên hạn chế tiêu thụ các thực phẩm/thức ăn dưới đây để giảm áp lực lên dạ dày:
- Thực phẩm dai và nhiều chất xơ: Ví dụ như sách bò, gân bò, ngũ cốc nguyên hạt…
- Rau củ quả và hoa quả có tính axit: Cụ thể là cam, bưởi, cóc, xoài, kiwi, cà chua…
- Thức ăn khó tiêu: Các món ăn chiên, rán, nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, chế biến sẵn…
- Thực phẩm gây kích thích dạ dày: Những đồ ăn chua hoặc cay như ớt, tiêu, tỏi, mù tạt, mì cay, dưa muối, kim chi…
7. Xung huyết dạ dày có lây không?
Xung huyết dạ dày có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác nếu nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn HP. Vi khuẩn HP từ người bệnh có thể lây qua đồ ăn, thực phẩm, đồ vật, tiếp xúc trực tiếp miệng – miệng…
8. Có thể phòng ngừa xung huyết dạ dày không?
Để phòng ngừa nguy cơ bị xung huyết, bạn cần có kế hoạch ăn uống hợp lý và nghỉ ngơi khoa học. Kết hợp tập thể dục đều đặn mỗi ngày và thư giãn tinh thần, giảm thiểu căng thẳng, nhất là trong các bữa ăn tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của dạ dày.
Đặc biệt, bạn nên hạn chế ăn đồ ăn chua như chanh, cóc, xoài; đồ ăn cay, nóng như ớt, hạt tiêu; thực phẩm giàu chất béo khó tiêu, thực phẩm gây đầy hơi; thức ăn sống như rau sống, nộm, gỏi; đồ ăn chế biến sẵn; rượu bia, nước ngọt có gas, chất có cồn…
9. Khám và điều trị xung huyết dạ dày ở đâu tốt?
Một số tiêu chí giúp nhận diện địa chỉ khám và điều trị xuất huyết dạ dày tốt đó là: bệnh viện, cơ sở y tế hoặc phòng khám đã được Bộ Y tế cấp phép hoạt động; đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa giỏi chuyên môn, tay nghề cao và giàu kinh nghiệm; hệ thống trang thiết bị y tế và máy móc hiện đại…
- Tại Hà Nội: Bệnh nhân có thể thăm khám và điều trị xung huyết dạ dày tại Bệnh viện 108, Bệnh viện 175, Bệnh viện 103, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện 198…
- Tại TPHCM: Người bệnh có thể chọn điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhân Dân 115…
Bệnh xung huyết dạ dày tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Nếu đang có triệu chứng mắc bệnh lý này, hãy thăm khám ngay để bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm:
Chưa có bình luận!