Viêm ruột hoại tử là bệnh đường tiêu hóa nguy hiểm, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới, nhất là trẻ em. Bài viết này của Yumangel.vn sẽ cung cấp thông tin chi tiết về bệnh, cùng theo dõi nhé!
Mục lục
- I. Viêm ruột hoại tử là gì?
- II. Đối tượng dễ mắc viêm ruột hoại tử
- III. Các dạng viêm ruột hoại tử
- IV. Triệu chứng nhận biết viêm ruột hoại tử
- V. Nguyên nhân gây viêm ruột hoại tử
- VI. Viêm ruột hoại tử có nguy hiểm không?
- VII. Viêm ruột hoại tử khi nào cần gặp bác sĩ?
- VIII. Phương pháp chẩn đoán viêm ruột hoại tử
- IX. Cách điều trị bệnh viêm ruột hoại tử
- X. Giải pháp phòng tránh viêm ruột hoại tử
I. Viêm ruột hoại tử là gì?
Viêm ruột hoại tử (NEC- Necrotizing Enterocolitis) là tình trạng lớp biểu mô của ruột bị viêm và tổn thương gây hoại tử thành ruột.
Vùng ruột bị hoại tử mất đi chức năng tiêu hóa và dần hình thành lỗ thủng thành ruột. Khi thức ăn và vi khuẩn đường ruột tràn vào ổ bụng sẽ gây viêm phúc mạc toàn bộ hoặc xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết.
Viêm ruột hoại tử có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, trực tiếp đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
II. Đối tượng dễ mắc viêm ruột hoại tử
Đối tượng dễ mắc viêm ruột hoại tử là trẻ sinh non ở tuần thứ 2 – 3. Dưới đây là những con số thống kê cụ thể:
- Tỷ lệ mắc bệnh viêm ruột hoại tử trên toàn thế giới dao động khoảng từ 0,3 – 2,4 trẻ sơ sinh trên 1000 ca sinh sống. Trong đó, có đến 70% trường hợp là trẻ sinh non trước 36 tuần thai.
- Viêm ruột hoại tử gây ảnh hưởng đến 2 – 5% tổng số trẻ sinh non và chiếm đến 8% tổng số ca bệnh nặng phải nằm điều trị tại các đơn vị hồi sức sơ sinh.
- Tỷ lệ tử vong dao động từ 10 – 50% đặc biệt những trường hợp biến chứng nặng như viêm phúc mạc do thủng đoạn ruột hoại tử, nhiễm trùng huyết… có tỷ lệ tử vong lên tới gần 100%.
III. Các dạng viêm ruột hoại tử
Tùy thuộc vào nguyên nhân và thời điểm khởi phát mà bệnh viêm ruột hoại tử được phân thành các loại sau:
1. Cổ điển/phổ biến
Đây là loại viêm ruột hoại tử phổ biến nhất, thường gặp ở trẻ sinh non dưới 28 tuần và xuất hiện vào khoảng tuần 3 – 6 sau sinh. Viêm ruột hoại tử thường xuất hiện đột ngột ngay cả khi trẻ hoàn toàn ổn định sau sinh.
2. Không điển hình
Dạng viêm ruột hoại tử này hiếm gặp. Các triệu chứng bệnh xuất hiện từ ngay tuần đầu tiên sau sinh, thậm chí là trước khi trẻ bú lần đầu.
3. Liên quan đến truyền máu
Viêm ruột hoại tử cũng thường xuất hiện trên các trẻ sơ sinh mắc những bệnh lý về máu và cần truyền các chế phẩm máu sau sinh. Khoảng 1/3 số trẻ bị bệnh viêm ruột hoại tử sau truyền máu 3 ngày.
4. Trẻ đủ tháng
Trẻ đủ tháng bị viêm ruột hoại tử thường do mắc các dị tật bẩm sinh như thoát vị thành bụng (các quai ruột ở bên ngoài ổ bụng), bệnh tim bẩm sinh hoặc thiếu oxy khi sinh do ngạt…
5. Trẻ nằm tại các đơn vị hồi sức sơ sinh (NICU)
Thường gặp ở những trẻ có tình trạng bệnh nặng trước đó như suy hô hấp, đẻ non, nhiễm trùng sơ sinh… đang điều trị tại NICU. Sức đề kháng yếu nên trẻ dễ bị các yếu tố bên ngoài tấn công như vi khuẩn đường ruột dẫn đến viêm ruột hoại tử.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm ruột hoại tử ở trẻ nằm NICU ăn qua sonde hoặc dùng đường truyền tĩnh mạch kéo dài…
IV. Triệu chứng nhận biết viêm ruột hoại tử
Bệnh viêm ruột hoại tử được phân thành 3 giai đoạn với các triệu chứng khác nhau. Cụ thể như sau:
1. Triệu chứng giai đoạn 1
Trẻ mắc viêm ruột hoại tử thường có các triệu chứng sau:
- Nhịp tim chậm.
- Hạ đường huyết.
- Ngừng thở.
- Ngủ li bì.
- Nhiệt độ cơ thể không ổn định.
- Tiêu hóa chậm, dịch dạ dày bị ứ lại khoảng 20%.
2. Triệu chứng giai đoạn 2
Bệnh viêm ruột hoại tử ở giai đoạn 2 có biểu hiện rõ ràng hơn, gồm:
- Bụng chướng.
- Nôn mửa ra dịch vàng.
- Tiêu chảy có máu.
- Da nhợt nhạt, xanh xao.
3. Triệu chứng giai đoạn 3
Ở giai đoạn 3, người mắc bệnh viêm ruột hoại tử thường có các dấu hiệu sau:
- Bụng chướng to.
- Thành bụng nổi ban đỏ.
- Nôn ra dịch màu đen hoặc nâu.
- Triệu chứng viêm phúc mạc: đau bụng, ớn lạnh, sốt, không muốn bú, mệt mỏi.
V. Nguyên nhân gây viêm ruột hoại tử
Niêm mạc ruột được bảo vệ bởi hàng rào sinh hóa, hàng rào vật lý và hàng rào miễn dịch. Nếu hàng rào niêm mạc này bị suy yếu, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào các mô sâu hơn dẫn đến viêm ruột.
Đặc biệt, các yếu tố tăng tính nhạy cảm khiến trẻ sinh non dễ mắc bệnh viêm ruột hoại tử, cụ thể như sau:
- Hàng rào vật lý của niêm mạc ruột ở trẻ sinh non chưa hoàn thiện với tính thấm tăng lên nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào thành ruột hơn so với trẻ đủ tháng.
- Hàng rào chất nhầy trong ruột của trẻ sinh non chưa phát triển đầy đủ nên không có đủ khả năng chống lại sự tấn công của vi khuẩn.
- Hàng rào miễn dịch chưa trưởng thành và hàng rào sinh hóa với nồng độ giảm dần của IgA- kháng thể bảo vệ miễn dịch đường ruột chính làm tăng pH dạ dày, thúc đẩy vi khuẩn phát triển quá mức.
- Chức năng và nhu động ruột của trẻ sinh non chưa trưởng thành khiến thời gian vận chuyển thức ăn lâu hơn, làm tăng sự sinh sôi và phát triển quá mức của vi khuẩn.
Bên cạnh đó, còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột hoại tử gồm:
- Thiếu máu cục bộ đường ruột: Thường gặp ở trẻ sơ sinh có mẹ bị tiền sản giật, tăng huyết áp hoặc trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh.
- Niêm mạc ruột non yếu: Tế bào niêm mạc ruột non còn yếu nên dễ bị tổn thương và gây viêm ruột hoại tử.
- Hệ vi sinh đường ruột bất thường: Hệ vi sinh đường ruột mất cân bằng hoặc bất thường khi có nhiều vi khuẩn có hại như: E coli, P aeruginosa, Salmonella, Enterobacter cloacae, S cholermidis, C difficile, C perfringens hay C butyricum làm tăng nguy cơ mắc viêm ruột hoại tử.
- Di truyền: Trẻ sơ sinh có anh hoặc chị có tiền sử viêm ruột hoại tử cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
- Lưu lượng máu giảm: Thường thấy ở trẻ bị ngạt hoặc bị sốc.
- Trẻ được nuôi ăn và cho ăn khá sớm: Gây táo bón, khiến phân ứ đọng bên tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi quá mức dẫn đến viêm ruột hoại tử.
- Trẻ mắc bệnh lý: Trẻ mắc các bệnh lý như nhịp tim chậm, ngừng thở hoặc mắc các hội chứng về ruột cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc viêm ruột hoại tử.
- Thuốc: Một số loại thuốc khi sử dụng có thể làm tăng nguy bị viêm ruột hoại tử như: theophylline, aminophylline, indomethacin…
- Trẻ sinh non: Dưới 37 tuần tuổi thai.
- Trẻ nhẹ cân: Cân nặng dưới 2500 gram.
- Trẻ ăn sữa công thức: Thường là các loại sữa có độ thẩm thấu cao.
- Thiếu máu sớm từ ngay sau sinh: Tan máu do bất đồng nhóm máu, tan máu bẩm sinh, xuất huyết não…
- Thiếu oxy: Do đẻ ngạt, tim bẩm sinh gây tím, suy hô hấp sơ sinh…
VI. Viêm ruột hoại tử có nguy hiểm không?
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh viêm ruột hoại tử có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm và đáng lo ngại sau:
1. Biến chứng cấp tính
Bệnh viêm ruột hoại tử có thể dẫn đến các biến chứng cấp tính sau:
- Biến chứng nhiễm trùng: viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết, viêm phúc mạc, hình thành áp xe.
- Đông máu nội mạc rải rác (DIC): Xuất huyết ngoài hoặc trong đường tiêu hóa.
- Biến chứng tuần hoàn và hô hấp : Sốc, hạ huyết áp, suy hô hấp.
- Biến chứng chuyển hóa: Hạ đường máu, toan chuyển hóa.
2. Các biến chứng đường tiêu hóa muộn
Những biến chứng đường tiêu hóa muộn thường gặp nhất của bệnh viêm ruột hoại tử gồm:
- Hẹp ruột.
- Hội chứng ruột ngắn.
Các biến chứng muộn trên đường tiêu hóa thường gặp ở các trường hợp bệnh nhân sống sót phẫu thuật viêm ruột hoại tử. Ghi nhận của tài liệu tổng quan về các di chứng đường tiêu hóa ở 4260 bệnh nhân sống sót sau phẫu thuật viêm ruột hoại tử như sau:
- Teo ruột: 24%
- Suy ruột: 13%
- Viêm ruột hoại tử tái phát: 8%
- Tắc ruột do dính: 6%
3. Teo ruột
Teo ruột xảy ra ở 9-36% trẻ sơ sinh được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Phần lớn các đoạn ruột bị hẹp xảy ra ở đại tràng, ngoài ra có thể bị ở hồi tràng và hỗng tràng.
4. Hội chứng ruột ngắn
Hội chứng ruột ngắn là hiện tượng chiều dài ruột còn lại dưới 25% chiều dài ruột non bình thường dẫn đến kém hấp thu. Biến chứng này xảy ra ở khoảng 9% trẻ được phẫu thuật viêm ruột hoại tử.
5. Suy giảm phát triển thần kinh
Những trẻ sống sót viêm ruột hoại tử và được được điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật có nguy cơ bị biến chứng suy giảm phát triển thần kinh.
VII. Viêm ruột hoại tử khi nào cần gặp bác sĩ?
Viêm ruột hoại tử là tình trạng nguy hiểm cần can thiệp y tế càng sớm càng tốt. Người bị viêm ruột hoại tử nên đi gặp bác sĩ ngay khi có 1 trong các dấu hiệu sau:
- Tiêu chảy.
- Phân có lẫn máu.
- Bụng căng chướng.
- Nôn trớ nhiều, dịch nôn màu xanh, vàng hoặc nâu bẩn.
- Trẻ liên tục quấy khóc, gồng bụng, ưỡn bụng khi đi ngoài.
- Sốt cao li bì.
VIII. Phương pháp chẩn đoán viêm ruột hoại tử
Các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm ruột hoại tử là thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng nếu cần thiết. Cụ thể:
1. Chẩn đoán lâm sàng
Chẩn đoán lâm sàng viêm ruột hoại tử, bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng người bệnh gặp phải, thời gian xuất hiện, diễn tiến của bệnh và tiền sử bệnh lý…
Sau khi định hướng tới viêm ruột hoại tử, bác sĩ sẽ thực hiện thăm khám vùng bụng và toàn bộ các cơ quan đồng thời đánh giá các triệu chứng nặng của bệnh.
2. Chẩn đoán cận lâm sàng
Trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau:
- X- quang bụng: Giúp bác sĩ quan sát được khí tự do trong ổ để chẩn đoán thủng ruột hoặc dày thành ruột do viêm.
- Xét nghiệm máu: Nhằm xác định tình trạng nhiễm trùng.
- Xét nghiệm phân: Tìm vi khuẩn trong phân.
- Siêu âm ổ bụng: Để phát hiện có khí tự do hoặc dịch trong ổ bụng do thủng ruột, viêm phúc mạc.
IX. Cách điều trị bệnh viêm ruột hoại tử
Tùy vào thể trạng và giai đoạn của bệnh viêm ruột hoại tử, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp, hiệu quả và an toàn đồng hạn chế tối đa các biến chứng.
1. Điều trị nội khoa
Mục đích của điều trị nội khoa là duy trì bệnh nhân trong tình trạng tối ưu cho đến khi đường ruột lành lại. Các phương pháp điều trị cụ thể là:
- Để ruột nghỉ ngơi: Nhịn ăn, dẫn lưu qua ống thông dạ dày
- Kiểm soát nhiễm trùng: Thực hiện truyền kháng sinh theo đường tĩnh mạch.
- Khôi phục trao đổi chất: Bù dịch, truyền khối hồng cầu, tiểu cầu, kiểm tra điện giải.
- Đảm bảo dinh dưỡng: Bệnh nhân được nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
- Thở máy: Có thể phải dùng thuốc vận mạch.
- Dùng thuốc giảm đau: Theo chỉ định của bác sĩ, giúp bệnh nhân dễ chịu hơ.
Đa số trẻ bị viêm ruột hoại tử sẽ hồi phục sau 7-10 ngày được điều trị nội khoa. Có thể bắt đầu ăn trở lại khi lâm sàng ổn định sau 10 ngày.
2. Điều trị ngoại khoa
Theo thống kê, có khoảng 20-50% trường hợp bị viêm ruột hoại tử cần điều trị bằng phẫu thuật. Chỉ định phẫu thuật được dùng trong các trường hợp sau:
- Không đáp ứng với điều trị nội khoa: quai ruột dãn cố định, ban đỏ thành bụng.
- Thủng ruột: Khoảng 40-70%, hồi tràng phổ biến nhất, có thể xảy ra nhiều lỗ thủng.
X. Giải pháp phòng tránh viêm ruột hoại tử
Bạn có thể chủ động phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm ruột bằng một số cách dưới đây:
- Phụ nữ mang thai nên đi khám thai định kỳ để phát hiện kịp thời các nguy cơ và các vấn đề liên quan đến sức khỏe của thai nhi cũng như biểu hiện bất thường trong thai kỳ.
- Khi mang thai, mẹ bầu cần thận trọng khi dùng thuốc nhóm xanthin (theophylline, aminoside) và vitamin E trong thời gian dài.
- Tránh sử dụng các loại thuốc gây tê/gây mê như cocain, cytokine, indomethacin.
- Cho trẻ bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời hoặc nếu có thể thì bú đến 2 năm. Điều này vừa đảm bảo dinh dưỡng vừa cung cấp các kháng thể giúp hỗ trợ hệ miễn dịch của trẻ.
- Với trẻ bú sữa công thức, nên tránh dùng sữa có áp lực thẩm thấu cao. Pha sữa đúng tỷ lệ, không pha quá loãng hoặc quá đặc. Vệ sình sữa sạch sẽ trước và sau khi pha sữa cho bé.
- Trẻ sinh non không nên cho ăn quá nhiều trong 1 cữ, nên chia thành nhiều cữ với lượng sữa ít.
- Khám sàng lọc sau sinh để phát hiện các dị tật bẩm sinh như bệnh về máu, tim bẩm sinh…
Viêm ruột hoại tử là một cấp cứu trong y khoa, phổ biến ở trẻ sinh non, thiếu tháng, nhẹ cân. Bệnh cần được chẩn đoán và điều trị kị sớm để hạn chế biến chứng nguy hiểm.
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…