U dưới niêm mạc dạ dày là gì? Mức độ nguy hiểm và cách điều trị

U dưới niêm mạc dạ dày là các khối u phát triển từ lớp dưới niêm hoặc lớp cơ của thành dạ dày. U dưới niêm mạc dạ dày có thể là lành tính hoặc ác tính. Nếu không được điều trị đúng và kịp thời, u dưới niêm mạc dạ dày có thể gây biến chứng viêm loét, chảy máu, tắc nghẽn cản trở quá trình tiêu hóa thức ăn, thậm chí là ung thư hóa. 

I. U dưới niêm mạc dạ dày là gì?

U dưới niêm mạc dạ dày là các khối u phát triển từ lớp dưới niêm hoặc lớp cơ của thành dạ dày. Hình dáng khối u tròn, thường được phát hiện qua nội soi và có tỷ lệ phát hiện là 1/300. 

Đường kính của u niêm mạc dày nhỏ hơn 2cm, bệnh không có triệu chứng rõ ràng. Tỷ lệ u niêm mạc dạ dày lành tính là 85%, còn lại 15% là ác tính. Bệnh có thể gây biến chứng tắc nghẽn hoặc chảy máu nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách.

Hình ảnh u dưới niêm mạc dạ dày. 

Hình ảnh u dưới niêm mạc dạ dày.

II. Những dạng u xuất hiện dưới niêm mạc dạ dày

Có rất nhiều loại u dưới niêm mạc dạ dày, hay gặp nhất là u biểu mô đệm (GIST. Ngoài ra còn có các loại u khác như u mỡ, u tế bào hạt, u cơ trơn,u thần kinh nội tiết, u lympho.

1. U mô đệm (GIST) 

Đây là dạng u dưới niêm mạc dạ dày xuất hiện nhiều nhất, chiếm khoảng 60-70%. Loại u này được hình thành ở trong lớp cơ và niêm mạc dạ dày, có hình thoi hoặc cầu.

2. U mỡ

Loại u mỡ này có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên ống tiêu hóa, nhưng phổ biến nhất là ở hang vị dạ dày và đại tràng. Nguyên nhân hình thành u mỡ trong dạ dày là do sự tích tụ mô mỡ. Khi nội soi, u mỡ có màu vàng, cảm giác mềm khi chạm bằng kìm sinh thiết. 

Khi bị u mỡ dưới niêm mạc dạ dày, người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng khi kích thước của u mỡ lớn có thể gây tắc ruột, chảy máu, lúc này việc phẫu thuật sẽ được chỉ định để cắt bỏ khối u.

Điều may mắn là u mỡ không có nguy cơ ác tính, việc phẫu thuật hay theo dõi u không cần thiết nếu u không gây ra triệu chứng nào.

U mô đệm (GIST) dưới niêm mạc dạ dày.

U mô đệm (GIST) dưới niêm mạc dạ dày.

3. U thần kinh – nội tiết

U thần kinh – nội tiết thường xuất hiện ở ruột non và là một loại u ác tính. Loại u này có khả năng tiết ra hormone và gây ra các hội chứng lâm sàng.

Khối u này thường được phát hiện một cách tình cờ khi nội soi trong trực tràng, dạ dày, tá tràng hoặc ruột non.

4. U cơ trơn

Loại u này thường hình thành và phát triển từ lớp cơ hoặc lớp cơ niêm mạc dạ dày, thực quản, tá tràng và những bộ phận khác của đường tiêu hóa.  Trong một số trường hợp, u cơ trơn có thể gây loét da dày, chảy máu dạ dày hoặc tắc nghẽn ống tiêu hóa. 

U cơ trơn đơn thuần thường lành tính, trong khi loại u cơ trơn liên kết có xu hướng tiến triển thành ác tính. Điều trị cắt bỏ u được chỉ định khi xảy ra các biến chứng, hay trong các trường hợp ung thư thực quản.

5. U mô tụy lạc

U mô tụy lạc thường được phát hiện ở hang vị dạ dày thông qua nội soi. Mô tụy lạc chỗ là một loại u dưới niêm mạc hình tròn, nằm dưới lớp niêm mạc và lõm ở giữa. Nếu kích thước của mô tụy lạc chỗ lớn hơn 3cm, nó có thể gây ra viêm tụy cấp hoặc mạn tính.

6. U nang đôi

Đây là một loại u bẩm sinh, được hình thành từ trong bào thai. Chất nhầy được tiết ra bởi niêm mạc đường tiêu hóa là điều kiện cho nang đôi phát triển.

Nang đôi có thể gây biến chứng đau, chảy máu và cản trở sự vận chuyển ở đường tiêu hóa.

Hình ảnh u nang đôi được nhìn thấy qua nội soi. 

Hình ảnh u nang đôi được nhìn thấy qua nội soi.

III. Triệu chứng của u dưới niêm mạc của dạ dày

U dưới niêm mạc dạ dày khi mới xuất hiện và kích thước nhỏ thường không gây ra các triệu chứng. Nhưng khi kích thước khối u lớn lên, người bệnh có thể gặp các triệu chứng dưới đây:

– Đau bụng vùng thượng vị (đau vùng trên rốn), bệnh nhân bị đau âm ỉ nhưng không theo chu kỳ.

– Khó tiêu, đầy hơi, chán ăn.

– Chướng bụng, buồn nôn sau ăn.

– Sụt cân do chán ăn kéo dài.

– Nôn ra máu, đại tiện phân đen: đây có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày.

Nếu gặp bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, bạn nên đến bệnh viện thăm khám ngay. Thông qua thăm khám, bác sĩ sẽ nhận diện tình trạng u dưới nêm mạc dạ dày là ở dạng lành hay ác tính. Trường hợp u lành, bạn có thể được theo dõi định kỳ mà không cần điều trị. Với dạng u ác tính, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ tổn thương, tình trạng sức khỏe của người bệnh để đưa ra phương án điều trị phù hợp.

Khối u dưới niêm mạc dạ dày lớn gây đau bụng vùng thượng vị kèm chán ăn, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn… 

Khối u dưới niêm mạc dạ dày lớn gây đau bụng vùng thượng vị kèm chán ăn, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn…

IV. U dưới niêm mạc dạ dày có nguy hiểm không?

U dưới niêm mạc dạ dày thường tồn tại ở 2 dạng là u lành tính và u ác tính. Trường hợp u dưới niêm mạc dạ dày lành tính thường không có các triệu chứng lâm sàng, có thể kể đến u cơ và u mỡ.

Tuy nhiên, nếu các khối u phát triển ra khỏi lớp cơ – niêm, có kích thước lớn và ảnh hưởng tới  dạ dày thì có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm loét, chèn ép cản trở quá trình tiêu hóa và ung thư hóa. 

1. Chèn ép gây cản trở quá trình tiêu hóa

U dưới niêm mạc dạ dày nếu nằm ở vị trí gần tâm vị có thể gây tình trạng chèn ép làm cản trở quá trình tiêu hóa.

Khi xảy ra biến chứng này, người bệnh thường có các triệu chứng như: khó nuốt, buồn nôn, nôn ra thức ăn cũ ngày hôm trước. Nghiêm trọng hơn, khi tình trạng bệnh kéo dài người bệnh có thể bị suy nhược.

2. Viêm loét, xuất huyết 

Trong một số trường hợp, khối u dưới niêm mạc dạ dày bị viêm loét dẫn tới xuất huyết. Triệu chứng nhận biết là người bệnh bị bụng vùng thượng vị, đầy bụng, khó tiêu, xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu…

Trong một số trường hợp, khối u dưới niêm mạc dạ dày bị viêm loét dẫn tới xuất huyết.

Trong một số trường hợp, khối u dưới niêm mạc dạ dày bị viêm loét dẫn tới xuất huyết.

3. Ung thư hóa

Thống kê cho thấy, có khoảng 15% u dưới niêm mạc dạ dày tiến triển thành ung thư. Tỷ lệ này thay đổi tùy theo loại u, vị trí, kích thước, triệu chứng lâm sàng

Trong đó, u thần kinh có tỷ lệ ung thư hóa cao nhất và cần điều trị sớm và có phương pháp dự phòng.

V. Phương pháp chẩn đoán u dưới niêm mạc dạ dày 

U dưới niêm mạc dạ dày nằm ở dưới niêm mạc của dạ dày nên việc chẩn đoán gặp nhiều khó khăn. Loại u này thường được phát hiện và chẩn đoán bằng phương pháp nội soi siêu âm. 

Các loại u mỡ, mô tụy lạc và u nang đôi có thể được chẩn đoán dựa vào hình ảnh nội soi và không cần sinh thiết. Tuy nhiên với những loại u dưới niêm mạc dạ dày khác có nguy cơ ác tính sẽ cần được sinh thiết hoặc cắt u để chẩn đoán và xác định khả năng ác tính. 

Việc lấy mẫu mô sinh thiết gặp nhiều khó khăn do u dưới niêm mạc nằm sâu ở dưới lớp niêm mạc dạ dày. Các kỹ thuật dùng để để lấy mẫu mô gồm: sinh thiết tiêu chuẩn, sinh thiết đào, sinh thiết bằng kềm lớn, cắt một phần u, chọc hút bằng kim nhỏ…

Nội soi siêu âm được dùng để chẩn đoán u dưới niêm mạc dạ dày. 

Nội soi siêu âm được dùng để chẩn đoán u dưới niêm mạc dạ dày.

VI. Cách điều trị u dưới niêm mạc dạ dày

Phương pháp điều trị u dưới niêm mạc dày chủ yếu hiện nay là nội soi với ưu điểm độ an toàn cao, nhanh chóng, ít chảy máu và thời gian nằm viện ngắn. Cụ thể:

1. Cắt bỏ niêm mạc qua nội soi

Phương pháp điều trị này hiệu cho các khối u dưới niêm mạc dạ dày có kích thước nhỏ hơn 2cm. 

Một số nguy cơ khi cắt bỏ niêm mạc qua nội soi như khối u còn sót lại, chảy máu hoặc thủng. Do đó, phương pháp này chỉ nên áp dụng cho điều trị u dưới niêm mạc dạ dày xuất phát từ lớp cơ – niêm hoặc dưới niêm. 

2. Cắt bỏ u nội soi qua đường hầm

Phương pháp điều trị này hiện đại và an toàn, giúp loại bỏ hoàn toàn khối u nhanh chóng và bệnh nhân phục hồi nhanh sau điều trị.

Để cắt bỏ u nội soi qua đường hầm, bác sĩ sẽ thực hiện các bước như sau:

  • Tạo đường cắt rạch niêm mạc cách vị trí tổn thương ít nhất 5cm để tiếp cận vị trí u dưới niêm.
  • Đưa ống soi vào lớp dưới niêm mạc để đến vị trí của u dưới niêm mạc dạ dày.
  • Cắt bỏ toàn bộ u dưới niêm mạc bằng phẫu tích cắt dưới niêm mạc (ESD).
  • Đóng khâu lại đường cắt niêm mạc.

3. Phẫu tích niêm mạc qua nội soi

Kỹ thuật này có thể áp dụng điều trị cho các loại u xuất phát từ lớp cơ hoặc u dưới niêm có tính chất ác tính. Tuy nhiên, cắt dưới niêm mạc chỉ thích hợp cho các u dưới 2cm, trong trường hợp u lớn hơn 2cm, kỹ thuật này sẽ khó thực hiện và nguy hiểm.

Bác sĩ thực hiện cắt bỏ khối u dưới niêm mạc dạ dày qua nội soi cho bệnh nhân. 

Bác sĩ thực hiện cắt bỏ khối u dưới niêm mạc dạ dày qua nội soi cho bệnh nhân.

VII. Những lời khuyên hữu ích cho bệnh nhân bị u dưới niêm mạc dạ dày 

– Nội soi siêu âm cần được sử dụng để chẩn đoán và theo dõi u dưới niêm dạ dày, đặc biệt là u dưới niêm có kích thước nhỏ hơn 2cm. 

– U mô đệm (GIST ) ở dạ dày có kích thước >2 cm và có nguy cơ cao cần được điều trị bằng phẫu thuật.

– U cơ trơn và u mỡ nếu không gây triệu chứng thì không cần điều trị và theo dõi qua nội soi.

–  Các u dưới niêm mạc dạ dày xuất phát từ lớp cơ cần được sinh thiết bằng chọc hút kim nhỏ. Điều này giúp xác định bản chất tổn thương và có hướng điều trị phù hợp. 

– U dưới niêm mạc dạ dày có nguy cơ ác tính cần được điều trị bằng phẫu thuật hoặc cắt bỏ, tùy theo kích thước, vị trí và bản chất của u.

U dưới niêm mạc dạ dày có thể gây các biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh chủ quan không thăm khám và điều trị. Việc phát hiện và điều trị kịp thời u dưới niêm giúp tăng cơ hội chữa khỏi và giảm thiểu các rủi ro không mong muốn. Vì vậy, bạn nên chủ động thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu nghi ngờ bị u dưới niêm mạc dạ dày như thường xuyên đau bụng vùng thượng vị, chán ăn, buồn nôn, chướng bụng… Bác sĩ sau khi chẩn đoán bằng phương pháp nội soi sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả để kiểm soát bệnh. 

Để được tư vấn kỹ hơn về sức khỏe và bệnh dạ dày, bạn vui lòng gọi đến hotline miễn cước 1800.1125 nhé!

Tài liệu tham khảo:

https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/u-duoi-niem-mac-da-day-co-nguy-hiem-khong-vi

https://bvnguyentriphuong.com.vn/noi-tieu-hoa/nhung-thong-tin-huu-ich-ve-u-duoi-niem-mac-da-day

https://benhvienthucuc.vn/tim-hieu-u-duoi-niem-mac-da-day-la-gi/#5-Nhung-cach-dieu-tri-u-duoi-niem-mac-da-day-hieu-qua

https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/u-duoi-niem-mac-da-day-la-gi-phuong-thuc-chan-doan-va-dieu-tri-nhu-the-nao.html

https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/chan-doan-va-dieu-tri-u-duoi-niem-duong-tieu-hoa-vi

https://vienyduocdantoc.com/kien-thuc/u-duoi-niem-mac-da-day

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ

Nguyễn Thị Thu

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

0/5 (0 lượt bình chọn)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *