Thủng thực quản không được điều trị trong vòng 24h đầu sau khi phát hiện có nguy cơ tử vong rất cao. Vì thế, hãy chuẩn bị thật kỹ kiến thức về bệnh lý này để đề phòng khi cần thiết bạn nhé! Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ về bệnh lý thủng thực quản.
Mục lục
- I. Thủng thực quản là như thế nào?
- II. Phân loại thủng thực quản
- III. Nguyên nhân gây thủng thực quản
- IV. Triệu chứng nhận biết thủng thực quản
- V. Thủng thực quản nguy hiểm như thế nào? Biến chứng
- VI. Kỹ thuật y tế nào giúp trong chẩn đoán thủng thực quản?
- VII. Thủng thực quản điều trị như thế nào?
- VIII. Tiên lượng cho bệnh nhân thủng thực quản thế nào?
- IX. Câu hỏi thường gặp về thủng thực quản
I. Thủng thực quản là như thế nào?
Thực quản là đoạn ống cơ trơn, rỗng và dài, nối liền từ miệng đến dạ dày. Thực quản có nhiệm vụ dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày. Vì thế, bất kỳ tổn thương nào từ thực quản đều ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ thức ăn của cơ thể.
Trong các tổn thương ở thực quản, thì căn bệnh thủng thực quản rất nguy hiểm. Vậy thủng thực quản là gì, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Thủng thực quản (Esophageal Perforation) là 1 trong những tổn thương thủng nghiêm trọng nhất của ống tiêu hóa. Sự tiến bộ của y học đã tìm ra phương pháp chữa thủng thực quản, nhưng bệnh thường có tiên lượng xấu vì phát hiện muộn.
Hiểu một cách đơn giản thì thủng thực quản là tình trạng tất cả các lớp của thực quản bị tổn thương làm cho lòng thực quản thông với bên ngoài.
Biến chứng thủng thực quản nguy hiểm nhất chính là tử vong. Vì thế, điều trị thủng thực quản càng được thực hiện sớm càng tốt.
Điều trị sớm sẽ ngăn ngừa nhiễm trùng. Thời gian điều trị tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi chẩn đoán. Nếu để lâu không điều trị, chất lỏng sẽ rò rỉ ra khỏi lỗ thủng, mắc kẹt giữa các mô phổi.
II. Phân loại thủng thực quản
Thủng thực quản được phân thành 2 loại là thủng thực quản tự phát và thủng thực quản thứ phát.
1. Thủng thực quản tự phát
Thủng thực quản tự phát xuất hiện do áp lực trong lòng thực quản tăng đột ngột, kết hợp với áp lực âm trong lồng ngực do căng thẳng hoặc nôn.
Bên cạnh đó, thủng thực quản tự phát còn có thể do nuốt phải chất ăn mòn thực quản, thuốc viêm thực quản, co thắt thực quản, người bị loét nhiễm trùng do AIDS,…
2. Thủng thực quản thứ phát
Thủng thực quản thứ phát có nguyên nhân chủ yếu là do hóc xương thủng thực quản, bệnh nhân nuốt phải vật cứng nhọn hoặc chấn thương thực quản do kỹ thuật y khoa, ngoại lực bên ngoài tác động…
Bên cạnh đó, trang verywellhealth.com còn phân loại thủng thực quản thành các loại sau:
- Thủng thực quản do điều trị: Loại thủng thực quản có thể xảy ra như một phần của quá trình chẩn đoán, điều trị, sai sót y tế hoặc sơ suất.
- Hội chứng Boerhaave: Nguyên nhân của loại thủng thực quản này là do nôn mửa nghiêm trọng.
- Hội chứng Mallory-Weiss: Đây là tình trạng thủng một phần thực quản. Nó chỉ ảnh hưởng đến lớp niêm mạc nơi dạ dày và thực quản gặp nhau.
III. Nguyên nhân gây thủng thực quản
Theo các nghiên cứu y học hiện đại, các nguyên nhân chính gây thủng thực quản gồm:
1. Tai biến trong phẫu thuật, thủ thuật
Nguyên nhân phổ biến nhất gây thủng thực quản là do chấn thương, tai biến trong phẫu thuật và thủ thuật, chiếm tới 56% các trường hợp. Cụ thể gồm:
- Nội soi.
- Nong thực quản.
- Đặt ống nội khí quản.
- Phẫu thuật ở vùng cổ, vùng bụng, vùng ngực.
Tất cả những thủ thuật, phẫu thuật trên đều có thể gây ra những tổn thương tại thực quản: Nguyên nhân là do tổn thương của các cơ quan lân cận đã xâm lấn vào thành thực quản hoặc các dụng cụ phẫu thuật đã đè vào thực quản trong thời gian dài gây thủng thực quản theo thời gian.
Theo trang verywellhealth.com, một đánh giá năm 2017 được công bố trên Bệnh thực quản, 46,5% trường hợp rách thực quản là kết quả của các thủ tục chẩn đoán và điều trị, chẳng hạn như nội soi thực quản.
2. Do nuốt phải dị vật
Nuốt phải dị vật có thể làm tổn thương và thủng thực quản khi bị kẹt lại các điểm thu hẹp tự nhiên của thực quản (đoạn sụn nhẫn, chỗ vượt qua phế quản gốc trái hoặc cung động mạch chủ và chỗ nối tiếp với dạ dày). Hậu quả là dẫn đến hoại tử và yếu thành.
Các dị vật nuốt phải có nguy cơ gây thủng thực quản phải kể đến là: đồ chơi, xương, vật cứng nhọn, đồ vật nhỏ sắc…
3. Do nuốt hóa chất hoặc axit
Nuốt phải axit hoặc hóa chất cũng có thể làm tổn thương thực quản. Hóa chất có tính ăn mòn nên có thể gây viêm và hư hỏng thành thực quản sau một thời gian ngắn nuốt phải.
4. Do hội chứng Boerhaave
Hội chứng Boerhaave chiếm đến 15% số ca bệnh thủng thực quản. Nguyên nhân là do bệnh nhân nôn ói quá mạnh gây tăng áp lực ổ bụng. Điều này tác động lên cơ thắt thực quản trên và hậu quả là dẫn đến thủng thực quản.
5. Các nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân ít phổ biến hơn gây thủng thực quản gồm:
- Biến chứng của những bệnh lý: hội chứng trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm thực quản, ung thư thực quản…
- Vô tình nuốt phải vật lạ.
- Khối u trong cổ họng.
- Chấn thương, tai nạn ở vùng cổ.
- Nôn dữ dội.
- Vết đâm xuyên thấu hoặc vết thương do đạn bắn.
- Chấn thương do lực tác động mạnh, gồm cả tai nạn ô tô.
IV. Triệu chứng nhận biết thủng thực quản
Thủng thực quản có tiên lượng sống thấp nếu không phát hiện và điều trị sớm. Do đó, việc nắm được các triệu chứng nhận biết bệnh là rất quan trọng. Các triệu chứng thủng thực quản có thể gặp bao gồm:
1. Đau liên tục và dữ đội ở vị trí thủng
Triệu chứng đầu tiên mà bệnh nhân thủng thực quản cảm nhận được chính là đau, cảm giác đau liên tục và dữ dội. Cảm giác đau xuất hiện xung quanh lỗ thủng. Mỗi lần nuốt nước bọt hay nuốt thức ăn cơn đau càng dữ dội hơn.
2. Cứng cổ, không thể cử động cổ
Trong trường hợp vị trí thủng thực quản nằm gần cổ, bệnh nhân có thể cảm thấy đau cứng cổ, không cựa được cổ.
3. Tràn khí dưới da
Có thể sờ thấy ở cổ hoặc ngực trong tới 60% trường hợp thủng thực quản, thường xuất hiện tối thiểu 1 giờ sau khi thủng.
4. Triệu chứng khác
Ngoài ra, bệnh nhân còn gặp các biểu hiện ít phổ biến hơn của thủng thực quản như:
- Thở nhanh, thở gấp, khó thở.
- Đau ngực.
- Nuốt đau, nuốt khó.
- Nhịp tim tăng.
- Huyết áp giảm.
- Nôn, có thể nôn ra máu.
- Sốt nhưng ớn lạnh.
- Chóng mặt, tái nhợt, mệt.
- Khói nói, thay đổi giọng nói.
Các triệu chứng của thủng thực quản có thể nhầm lẫn với nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực, viêm màng ngoài tim, viêm tuỵ cấp, tràn khí màng phổi hoặc viêm loét dạ dày. Vì vậy, người bệnh có thể trì hoãn thăm khám và điều trị khiến tình trạng diễn biến nghiêm trọng.
V. Thủng thực quản nguy hiểm như thế nào? Biến chứng
Tỷ lệ thủng thực quản được chữa khỏi trong vòng 24 giờ đầu sau khi phát hiện là khá cao. Vì thế, người bệnh nên đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra lại nếu vừa trải qua một cuộc phẫu thuật/ nội soi/ nuốt phải xương cá, vật sắc nhọn… mà có triệu chứng đau cổ, khó thở và khó nuốt.
Trường hợp phát hiện và điều trị thủng thực quản muộn, dịch bị rò rỉ ra ngoài, có thể sẽ có một lượng dịch tràn ra phổi và kẹt lại tại khu vực này. Hậu quả là có thể dẫn đến các biến chứng:
- Nhiễm trùng phổi và ngực: gồm viêm phổi, áp xe và viêm trung thất (viêm vùng ngực giữa phổi).
- Nhiễm trùng huyết: một phản ứng viêm có khả năng gây tử vong đối với nhiễm trùng toàn cơ thể.
- Tràn dịch phổi: Chất lỏng tích tụ trong khoảng trống giữa phổi và thành ngực.
- Hình thành áp xe trong và xung quanh thực quản.
- Hẹp thực quản vĩnh viễn.
VI. Kỹ thuật y tế nào giúp trong chẩn đoán thủng thực quản?
Khi xuất hiện cùng lúc 3 triệu chứng là khó thở, đau khi nuốt và tràn khí dưới da, bác sĩ có thể nghi ngờ người bệnh đang bị thủng thực quản.
Để phát hiện thủng thực quản, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng (đau khi nuốt, khó thở, tràn khí dưới da cổ) và thăm khám cận lâm sàng để chẩn đoán và điều trị sớm. Các xét nghiệm hình ảnh cần thiết được thực hiện là Chụp X-quang hoặc CT.
1. Chụp X-quang ngực
Chụp Xquang ngực giúp kiểm tra dấu hiệu thủng thực quản, tìm dấu vết bọt khí, áp xe trong lồng ngực nếu có; hình ảnh mức dịch-khí ở trung thất, tràn dịch màng phổi (thường là bên trái), liềm hơi tự do dưới cơ hoành.
2. Chụp Xquang thực quản cản quang
Có hai phương pháp chụp Xquang thực quản cản quang gồm: chụp cản quang với thuốc cản quang tan trong nước Gastrografin và chụp cản quang với Baric:
- Chụp cản quang với thuốc cản quang tan trong nước Gastrografin: Gastrografin là dung dịch diatrizoate meglumine và dung dịch natri diatrizoate, có độ nhạy khoảng 60 – 75%.
- Chụp cản quang với Baric: Có độ nhạy cao hơn (90%) giúp phát hiện các lỗ thủng nhỏ. Tuy nhiên, chất cản quang khi thoát ra ngoài thành thực quản có thể gây ra phản ứng viêm nghiêm trọng ở các mô làm nặng thêm tình trạng bệnh của bệnh nhân, đặc biệt là viêm trung thất.
3. Chụp CTscan
Phương pháp này giúp phát hiện bệnh lý hiệu quả ở giai đoạn sớm thông qua các dấu hiệu như: khí ở mô mềm quanh thực quản, ứ dịch, áp xe nhỏ và dị vật thực quản.
Thông qua các kỹ thuật chẩn đoán ở trên, bác sĩ có thể kiểm tra được dấu hiệu thủng thực quản, xác định xem chất lỏng đã rò rỉ ở mức độ nào, đã vào phổi của bệnh nhân hay chưa. Từ đó có hướng xử lý và điều trị phù hợp.
VII. Thủng thực quản điều trị như thế nào?
Căn cứ vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ và đưa ra các chỉ định phù hợp, kịp thời. Dưới đây là các biện pháp điều trị thủng thực quản có thể áp dụng:
1. Điều trị dự phòng, chống sốc và ngăn biến chứng
Các phương pháp điều trị dự phòng, chống sóc và ngăn biến chứng cho bệnh nhân thủng thực quản gồm:
- Hút đờm dãi, hút khí phế quản, hô hấp hỗ trợ, thở oxy, dẫn lưu tràn dịch màng phổi nếu có để đảm bảo hô hấp được thông suốt.
- Đảm bảo cơ thể được nuôi dưỡng bằng chất dinh dưỡng thông qua đường tĩnh mạch, thường là mở thông hỗng tràng.
- Chỉ định sử dụng kháng sinh chống nhiễm khuẩn, nhiễm trùng: Kháng sinh mạnh, phổ rộng, phối hợp kháng sinh có hiệu quả đối với vi khuẩn Gr (-) và Gr (+). Sử dụng kháng sinh theo kháng sinh đồ sau khi có kết quả cấy mủ dịch màng phổi hoặc ổ áp xe.
Lưu ý: Trong quá trình điều trị, bệnh nhân không được ăn uống bất kỳ thứ gì. Kháng sinh và một số dịch truyền cần thiết được truyền theo đường tĩnh mạch. Các chất dinh dưỡng đều được đưa qua ống vào cơ thể người bệnh.
2. Điều trị phẫu thuật đóng lỗ thủng
Với trường hợp lỗ hổng thực quản nhỏ, thực quản có thể tự lành mà không cần can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, với trường hợp lỗ thủng to không thể tự lành, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật đóng lỗ thủng thực quản.
Khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ loại bỏ các mô sẹo quanh lỗ thủng và khâu liền lại sau đó. Trường hợp lỗ thủng lớn hơn, bác sĩ sẽ cắt bỏ một đoạn thực quản tổn thương rồi nối lại với dạ dày.
Hầu hết người bị thủng thực quản được điều trị bằng phẫu thuật. Căn cứ vào vị trí, mức độ nghiêm trọng của lỗ thủng, đặc biệt thủng thực quản đoạn cổ hoặc đoạn 2/3 dưới, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật thủng thực quản phù hợp.
Riêng trường hợp nguyên nhân gây thủng thực quản do dị vật, thì việc phẫu thuật loại bỏ dị vật phải được thực hiện ngay lập tức.
VIII. Tiên lượng cho bệnh nhân thủng thực quản thế nào?
Bệnh nhân thủng thực quản có tiên lượng tốt nếu được điều trị sớm và kịp thời. Cụ thể, nếu được được điều trị trong vòng 24 giờ khi phát bệnh, tỷ lệ thành công và sống sót rất cao. Ngược lại, tỷ lệ sống sót giảm đi đáng kể nếu việc điều trị bị trì hoãn sau 24 giờ đầu tiên.
Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi xuất hiện triệu chứng khó nuốt, khó thở, đau ngực, đặc biệt là khi vừa trải qua một cuộc phẫu thuật thực quản hoặc nuốt phải dị vật.
IX. Câu hỏi thường gặp về thủng thực quản
Một số thắc mắc khác về tình trạng thủng thực quản sẽ được thuốc dạ dày chữ Y giải đáp dưới đây:
1. Vết thủng thực quản có thể tự lành không?
Trường hợp vết thủng thực quản nhỏ và ở gần cổ có thể lành nếu bạn không ăn hoặc uống trong một thời gian. Theo đó, người bệnh cần ăn bằng cách truyền dinh dưỡng trực tiếp vào dạ dày cho đến khi vết rách lành hẳn.
2. Làm thế nào để chữa lành thực quản bị thủng?
Phẫu thuật là phương pháp chữa lành vết thủng ở thực quản hiệu quả, nhất là các vết thủng ở phần dưới hoặc giữa của thực quản.
3. Vết thủng thực quản bao lâu thì lành?
Thời gian vết thủng thực quản lành phụ thuộc vào mức độ, vị trí của vết thủng cũng như phương pháp phẫu thuật được sử dụng. Cụ thể:
- Vết thủng một phần: Có thể lành trong vòng 72 giờ sau khi điều tr.
- Vết rách lớn lớn: Có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng mới lành.
4. Thủng thực quản có gây tử vong không?
Với một số loại thủng thực quản, chẳng hạn như hội chứng Boerhaave, nguy cơ tử vong gần như 100% nếu không được điều trị kịp thời. Thậm chí, ngay cả khi được điều trị, nguy cơ tử vong vẫn khoảng 25% nếu điều trị được thực hiện trong vòng 24 giờ.
5. Bị thủng thực quản có ăn được không?
Người bị thủng thực quản không được ăn uống bất kỳ thứ gì trong quá trình điều trị. Kháng sinh và một số dịch truyền cần thiết được truyền theo đường tĩnh mạch. Các chất dinh dưỡng đều được đưa qua ống vào cơ thể người bệnh.
6. Thủng thực quản khi nào cần thăm khám?
Thủng thực quản là tình trạng cấp cứu y tế cần được điều trị ngay lập tức. Nếu không được điều trị, ngay cả những vết rách nhỏ cũng có thể trở nên trầm trọng hơn và nhanh chóng tăng kích thước cũng như mức độ nghiêm trọng.
Do đó, nếu bạn gặp bác triệu chứng như: nôn mửa hoặc nôn mửa dữ dội, đôi khi có máu; đau ngực hoặc đau bụng trên; khó nuốt, khó thở… cần đến bệnh viện ngay.
Thủng thực quản là tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh nếu không điều trị sớm. Vì thế, hãy thăm khám ngay khi cơ thể có dấu hiệu cảnh báo thủng thực quản nhé!
Để được tư vấn kỹ hơn về các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa nói chung và sức khỏe dạ dày nói riêng, vui lòng liên hệ trực tiếp với dược sĩ của thuốc dạ dày chữ Y – Yumangel thông qua hotline miễn phí cước 1800.1125.
Chưa có bình luận!