Nhiều bệnh nhân chia sẻ rằng họ rất lo lắng trước khi nội soi dạ dày vì nghe kể rằng thủ thuật này gây buồn nôn, đau hoặc khó chịu. Nếu bạn cũng đang nghĩ vậy, bạn không hề đơn độc. Nhưng thực sự nội soi dạ dày có đau như bạn vẫn lo lắng hay không? Hãy tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây!
Mục lục
I. Nội soi dạ dày có đau không?
Bệnh nhân, thậm chí cả người nhà đều lo lắng nội soi dạ dày sẽ đau đớn, khó chịu, dẫn đến chần chừ khám bệnh, mặc cho triệu chứng kéo dài. Điều này khiến nhiều người bỏ lỡ cơ hội phát hiện bệnh lý dạ dày ở giai đoạn sớm. Nhưng sự thật là nội soi dạ dày ngày nay an toàn, ít khó chịu và không đau, nếu bạn lựa chọn đúng phương pháp.
1. Cảm giác khi nội soi dạ dày
Nội soi dạ dày là thủ thuật đưa một ống nội soi mềm, có gắn camera, qua miệng hoặc mũi để quan sát thực quản, dạ dày và phần đầu của tá tràng. Mục đích là chẩn đoán các bệnh lý như viêm loét, trào ngược, hoặc ung thư.
Nội soi dạ dày có thể gây cảm giác buồn nôn, khó chịu
Khi nội soi dạ dày, bệnh nhân KHÔNG ĐAU mà có thể gặp cảm giác khó chịu như:
- Buồn nôn: Khi ống nội soi chạm vào lưỡi gà, vòm họng, hoặc thành sau họng, cơ thể có phản xạ nôn tự nhiên.
- Cảm giác vướng: Ống nội soi tạo áp lực nhẹ lên niêm mạc thực quản hoặc họng, gây cảm giác vướng.
- Căng tức hoặc đầy hơi do bác sĩ bơm khí vào dạ dày để quan sát rõ hơn.
Mức độ khó chịu phụ thuộc vào:
- Phương pháp nội soi
- Ngưỡng chịu đựng của từng người
- Tâm lý trước khi làm thủ thuật
2. Tại sao phương pháp nội soi hiện đại không đau?
Phương pháp nội soi dạ dày hiện đại thường không gây đau thực thể (đau rõ ràng, dữ dội) nhờ vào các tiến bộ về công nghệ, kỹ thuật và cách quản lý thủ thuật.
- Ống nội soi mềm và nhỏ: Ống nội soi hiện đại có đường kính nhỏ (khoảng 5-10 mm), làm từ vật liệu linh hoạt, ít gây tổn thương niêm mạc.
- Niêm mạc ít nhạy cảm với đau: Thực quản và dạ dày có ít thụ thể đau so với các mô khác, nên cảm giác đau không rõ rệt.
- Sử dụng thuốc tê và gây mê: Thuốc tê và gây mê loại bỏ hoặc giảm thiểu các kích thích thần kinh liên quan đến cảm giác khó chịu, khiến nội soi gần như không đau.
- Kỹ thuật viên lành nghề: Bác sĩ giàu kinh nghiệm đảm bảo thủ thuật diễn ra mượt mà, không gây tổn thương hoặc kích thích mạnh, giúp loại bỏ nguy cơ đau.
II. Lưu ý để nội soi dạ dày không đau
Dựa trên các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ khó chịu khi nội soi dạ dày, hãy tham khảo các biện pháp giảm đau cụ thể dưới đây!
1. Lựa chọn phương pháp nội soi phù hợp
Hiện nay có nhiều phương pháp nội soi dạ dày có thể giảm hoặc loại bỏ cảm giác khó chịu. Tùy vào tình trạng sức khỏe, ngưỡng chịu đau mà bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân lựa chọn phương pháp phù hợp. Có 2 phương pháp nội soi dạ dày không đau được lựa chọn phổ biến:
Nội soi gây mê – Giải pháp cho người sợ đau hoặc lo âu cao
Đây là phương pháp được nhiều người lựa chọn vì bạn sẽ được gây mê nhẹ và ngủ trong khoảng 5–10 phút khi nội soi diễn ra mà không bị đau, khó chịu, sợ hãi như phương pháp nội soi truyền thống (chỉ gây tê cục bộ).
- Cảm giác đau: Bệnh nhân không còn cảm giác đau đớn, khó chịu, buồn nôn hay sợ hãi trong suốt quá trình nội soi và khi tỉnh dậy thủ thuật đã hoàn thành.
- Ưu điểm: Thời gian gây mê ngắn, liều lượng thấp nên kỹ thuật nội soi này khá an toàn, không ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Sau khi thực hiện thì bệnh nhân cũng nhanh tỉnh táo lại, hệ thần kinh không bị ảnh hưởng. Hạn chế các tổn thương gây ra cho niêm mạc nhờ bệnh nhân nằm yên, giúp thao tác thực hiện chuẩn xác hơn.
- Nhược điểm: Chi phí cao hơn so với nội soi dạ dày gây tê cục bộ, khoảng 1,7 – 2 triệu đồng/lần.
Một bệnh nhân đã chia sẻ “Tôi từng rất sợ nội soi. Nhưng sau khi được bác sĩ tư vấn kỹ và chọn nội soi gây mê, tôi ngủ 1 giấc tỉnh dậy là xong. Không hề đau đớn gì cả!”
Phương pháp này phù hợp với người sợ nội soi, người từng có trải nghiệm không tốt trước đó, hoặc người lớn tuổi hay trẻ nhỏ.
Tìm hiểu chi tiết phương pháp: Nội soi dạ dày gây mê |
Nội soi qua đường mũi – Ít buồn nôn, nhẹ nhàng hơn
Nội soi qua đường mũi là phương pháp hiện đại giúp người bệnh giảm cảm giác buồn nôn, nghẹn thường gặp ở nội soi truyền thống. Thay vì đưa ống soi qua miệng, bác sĩ sử dụng ống nội soi mảnh, linh hoạt hơn để đi qua lỗ mũi, giúp quá trình diễn ra nhẹ nhàng, ít khó chịu.
- Cảm giác đau: Phương pháp này không gây đau, chỉ tạo cảm giác hơi vướng nhẹ lúc đưa ống qua mũi, sau đó là cảm giác gần như không đáng kể. Đặc biệt, bệnh nhân không bị buồn nôn, nghẹn, sợ ngạt như ở nội soi đường miệng truyền thống.
- Ưu điểm: Không cần gây mê, người bệnh vẫn tỉnh táo, thoải mái thở và trò chuyện nhẹ với bác sĩ trong suốt quá trình nội soi. Nhờ ống soi mảnh và đường đi qua mũi, phương pháp này giảm phản xạ nôn, hạn chế tổn thương niêm mạc họng và phù hợp với nhiều đối tượng.
- Nhược điểm: Chi phí nội soi qua đường mũi thường cao hơn khoảng 15–30% so với nội soi thông thường (Chi tiết: nội soi dạ dày qua đường mũi giá bao nhiêu). Ngoài ra, một số người có cấu trúc mũi hẹp hoặc viêm mũi mãn tính có thể không phù hợp thực hiện.
Một bệnh nhân đã chia sẻ: “Nội soi qua đường mũi nhẹ nhàng hơn tôi tưởng. Lần đầu tôi còn sợ xanh mặt, nhưng thực hiện xong thấy ổn lắm.”
Phương pháp này rất phù hợp với người có phản xạ họng mạnh, sợ nghẹn, người cao tuổi, người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch hoặc từng có trải nghiệm nội soi không tốt trước đó. mà không cần đến gây mê.
2. Chuẩn bị tâm lý thoải mái khi nội soi
Tâm lý ảnh hưởng lớn đến trải nghiệm nội soi dạ dày. Người quá căng thẳng, lo lắng thường cảm nhận mọi thứ rõ ràng hơn, dễ buồn nôn hoặc khó chịu hơn bình thường. Để quá trình diễn ra nhẹ nhàng và thành công, bạn nên chủ động chuẩn bị tâm lý ổn định trước khi thực hiện bằng những cách sau:
- Tìm hiểu trước quy trình: Hiểu rõ quá trình nội soi, bạn sẽ bớt sợ hãi và chủ động hơn. Nhiều phòng khám có video mô phỏng, hình ảnh minh họa hoặc tư vấn trực tiếp để giúp bạn hình dung rõ ràng từng bước sẽ trải qua và chuẩn bị tâm lý để phối hợp với bác sĩ.
- Nghe tư vấn của bác sĩ: Bác sĩ sẽ giải thích kỹ hơn về các lựa chọn phù hợp (như gây mê, nội soi qua mũi) và có hướng dẫn giúp bạn cảm thấy yên tâm. Nếu bạn từng có trải nghiệm nội soi không mấy dễ chịu, hãy thông báo trước với bác sĩ. Điều này rất quan trọng để họ chọn phương pháp phù hợp, giúp bạn không còn sợ hãi như trước và có trải nghiệm tốt hơn
- Giữ tinh thần thư giãn, thở đều: Trước và trong khi nội soi, hãy cố gắng thở chậm, sâu bằng mũi, thả lỏng cơ thể. Một số cơ sở y tế còn hỗ trợ bằng âm nhạc nhẹ nhàng, tinh dầu thư giãn.
Giải đáp: Trước khi nội soi dạ dày cần làm gì? |
III. Nội soi dạ dày ở đâu không đau và uy tín?
Hiện nay có rất nhiều bệnh viện, đơn vị thực hiện thủ thuật nội soi dạ dày. Tuy nhiên, để đảm bảo nội soi dạ dày không đau, không khó chịu và an toàn, người bệnh nên thực hiện tại các bệnh viện, cơ sở y tế lớn có đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn cùng hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại.
Dưới đây là một số gợi ý về địa chỉ thực hiện nội soi dạ dày dạ dày tốt và uy tín người bệnh có thể tham khảo:
- Tại Hà Nội: Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện 198, Bệnh viện Việt Đức…
- Tại TPHCM: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 175, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Hòa Hảo, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á…
Tóm lại nội soi dạ dày được tiến hành nhẹ nhàng, không gây đau đớn vì thế người bệnh có thể yên tâm nội soi dạ dày khi được chỉ định. Tuy nhiên, nội soi dạ dày truyền thống (không gây mê) có thể gây cảm giác khó chịu, buồn nôn. Vì vậy, nếu khả năng chịu đựng đau và khó chịu của bạn không tốt thì nên thực hiện phương pháp nội soi dạ dày có gây mê hoặc nội soi dạ dày qua đường mũi. Hy vọng với các thông tin chúng tôi cung cấp ở trên, các bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi “nội soi dạ dày có đau không” và chuẩn bị tâm lý cũng như tài chính phù hợp, giúp nội soi dạ dày diễn ra suôn sẻ và kết quả đạt chính xác cao.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...