Nội soi dạ dày là phương pháp phổ biến giúp chẩn đoán bệnh dạ dày chính xác. Tuy nhiên, nhiều người còn lo ngại về quy trình, chi phí và những lưu ý trước, sau khi thực hiện. Bài viết này, chúng tôi sẽ giúp bạn giải đáp mọi thắc mắc liên quan đến phương pháp này, cùng đón đọc nhé!
Mục lục
I. Nội soi dạ dày là gì?
Nội soi dạ dày là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại, giúp bác sĩ quan sát trực tiếp bên trong thực quản, dạ dày và tá tràng. Kỹ thuật này sử dụng một ống nội soi mềm, có gắn camera ở đầu, đưa qua đường miệng hoặc mũi để kiểm tra các tổn thương, viêm loét, polyp hay khối u bất thường trong dạ dày.
Mục đích chính là phát hiện và chẩn đoán các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày – thực quản, nhiễm vi khuẩn HP, polyp hoặc thậm chí ung thư dạ dày. Ngoài ra, trong một số trường hợp, nội soi còn được sử dụng để can thiệp điều trị, chẳng hạn như cầm máu do loét dạ dày, loại bỏ dị vật hoặc thực hiện sinh thiết để xét nghiệm mô bệnh học.
So với các phương pháp chẩn đoán truyền thống như chụp X-quang hay siêu âm, nội soi dạ dày có độ chính xác cao hơn do cho phép quan sát trực tiếp niêm mạc dạ dày. Điều này giúp bác sĩ phát hiện tổn thương dù nhỏ nhất và đưa ra phác đồ điều trị kịp thời.
II. Những phương pháp nội soi dạ dày phổ biến hiện nay
Hiện nay, có 2 phương pháp nội soi dạ dày phổ biến, bao gồm nội soi qua đường miệng, nội soi qua đường mũi. Bệnh nhân có thể lựa chọn giữa gây mê (nội soi không đau) hoặc không gây mê tùy thuộc vào tình hình sức khỏe, tư vấn của bác sĩ, khả năng chịu đựng và kinh tế. Cùng tìm hiểu về các phương pháp này để có sự lựa chọn phù hợp nhất.
1. Nội soi qua đường miệng có gây mê
Bác sĩ sẽ đưa một ống nội soi mềm có gắn camera qua miệng, xuống thực quản, dạ dày rồi vào tá tràng để quan sát tình trạng bên trong. Bệnh nhân sẽ được gây mê nên không cảm thấy khó chịu hay đau trong suốt quá trình. Phương pháp phù hợp với người nhạy cảm với đau hoặc sợ nội soi, cần can thiệp phức tạp (như cắt polypm sinh thiết), nội soi dạ dày cho trẻ em trên 6 tuổi.
- Ưu điểm:
- Không cảm thấy đau hay khó chịu trong quá trình làm.
- Phù hợp cho thủ thuật kéo dài hoặc cần can thiệp (ví dụ: sinh thiết).
- Giảm lo lắng, căng thẳng.
- Nhược điểm:
- Cần thời gian hồi phục sau gây mê (thường 1-2 giờ).
- Có thể có tác dụng phụ nhẹ từ thuốc mê (buồn nôn, chóng mặt).
- Chi phí cao hơn do dùng thuốc mê.
2. Nội soi qua đường miệng không gây mê
Ống nội soi cũng được đưa qua miệng, nhưng bệnh nhân sẽ tỉnh táo, chỉ được xịt tê họng để giảm khó chịu. Người bệnh có thể cảm thấy hơi buồn nôn hoặc khó chịu nhẹ, nhưng thủ thuật diễn ra nhanh. Đây là lựa chọn phổ biến nếu bệnh nhân không ngại cảm giác và muốn hồi phục ngay sau đó hoặc bệnh nhân đã từng nội soi trước đó và chịu được cảm giác khó chịu.
- Ưu điểm:
- Nhanh chóng, không cần hồi phục lâu, có thể về ngay sau khi xong.
- Chi phí thấp hơn do không dùng thuốc mê.
- Bác sĩ có thể trao đổi trực tiếp với bạn trong lúc làm.
- Nhược điểm:
- Có thể gây buồn nôn, khó chịu hoặc cảm giác nghẹn ở họng.
- Cần hợp tác tốt từ bệnh nhân để giảm phản xạ nôn.
3. Nội soi qua đường mũi có gây mê
Ống nội soi loại nhỏ được đưa qua lỗ mũi, xuống họng rồi vào dạ dày để kiểm tra. Người bệnh được gây mê nên sẽ không cảm thấy gì trong lúc làm. Cách này ít gây kích ứng cổ họng hơn so với qua miệng, phù hợp nếu bạn muốn thoải mái và tránh cảm giác nghẹn. Khi nội soi cho trẻ em trên 10 tuổi, phương pháp này cũng được sử dụng nếu mũi đủ rộng.
- Ưu điểm:
- Không cảm thấy gì nhờ gây mê, thoải mái trong suốt quá trình.
- Ít kích ứng cổ họng hơn so với qua miệng.
- Ống nhỏ hơn, giảm cảm giác xâm lấn.
- Nhược điểm:
- Cần thời gian hồi phục sau gây mê.
- Có thể gây khó chịu nhẹ ở mũi sau thủ thuật.
- Chi phí cao hơn do kết hợp gây mê.
4. Nội soi qua đường mũi không gây mê
Ống nội soi được đưa qua mũi, bệnh nhân tỉnh táo và chỉ được tê mũi hoặc họng. Phương pháp này có thể gây hơi tức mũi hoặc khó chịu nhẹ, nhưng ít buồn nôn hơn so với qua miệng.
- Ưu điểm:
- Ít gây buồn nôn hơn so với qua miệng.
- Nhanh, không cần hồi phục lâu, chi phí thấp.
- Có thể nói chuyện với bác sĩ trong lúc làm.
- Nhược điểm:
- Có thể gây tức mũi, chảy nước mũi hoặc khó chịu nhẹ.
- Không phù hợp nếu mũi hẹp hoặc có bệnh lý mũi (viêm xoang, vẹo vách ngăn).
Với 4 phương pháp phổ biến nêu trên, tùy thuộc vào nhu cầu mỗi người để bạn có thể lựa chọn được phương pháp phù hợp. Nếu bạn không quá nhạy cảm, nội soi qua đường miệng là lựa chọn phổ biến, tiết kiệm, hiệu quả. Nếu sợ buồn nôn, nội soi qua mũi sẽ nhẹ nhàng hơn. Với những ai muốn thoải mái tuyệt đối, nội soi gây mê là giải pháp rất phù hợp. Hãy cân nhắc tình trạng sức khỏe, mức độ chịu đựng và ngân sách của mình hoặc liên hệ bác sĩ để được tư vấn chi tiết hơn nhé!
Giải đáp: Nội soi dạ dày có đau không? Lưu ý giúp nội soi không đau |
III. Quy trình nội soi dạ dày và những lưu ý quan trọng
Sau khi biết được các phương pháp nội soi dạ dày phổ biến hiện nay, chúng tôi sẽ giúp bạn rõ hơn về quy trình nội soi. Từ đó giúp bạn có sự chuẩn bị thật tốt và an tâm khi bắt đầu.
3.1. Chuẩn bị trước khi nội soi
- Nhịn ăn uống: Trước khi nội soi, bạn cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ, nhịn uống ít nhất 2 giờ để dạ dày trống, giúp bác sĩ quan sát tốt hơn.
- Thông báo tình trạng sức khỏe: Nếu bạn đang sử dụng thuốc hoặc có tiền sử bệnh lý (tim mạch, huyết áp, tiểu đường…), hãy thông báo cho bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp.
Tham khảo: Trước khi nội soi dạ dày cần làm gì |
3.2. Thực hiện nội soi dạ dày
Nội soi qua đường miệng
- Đặt tư thế: Người bệnh nằm nghiêng bên trái, đặt dụng cụ bảo vệ răng miệng để tránh cắn ống nội soi.
- Tiến hành nội soi: Bác sĩ đưa ống nội soi mềm có gắn camera qua miệng xuống thực quản, dạ dày và tá tràng để quan sát bên trong.
- Quan sát và lấy mẫu: Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể lấy mẫu mô để sinh thiết hoặc thực hiện các thủ thuật khác như cắt polyp, cầm máu…
- Kết thúc: Sau khoảng 5-10 phút, bác sĩ rút ống nội soi ra và bệnh nhân có thể nghỉ ngơi.
Nội soi qua đường mũi
- Đưa ống nội soi qua mũi: Do ống nội soi nhỏ hơn, đi qua đường mũi nên ít gây phản xạ buồn nôn hơn so với nội soi qua miệng.
- Quan sát và thực hiện thủ thuật như nội soi qua miệng.
Lưu ý: Trường hợp nội soi dạ dày có gây mê
- Bệnh nhân được tiêm thuốc an thần hoặc gây mê nhẹ, ngủ hoàn hoàn trong quá trình nội soi.
- Sau khi nội soi xong, bệnh nhân tỉnh dậy mà không nhớ gì về quá trình thực hiện.
3.3. Sau khi nội soi
- Nghỉ ngơi tại chỗ khoảng 15-30 phút để theo dõi tình trạng sức khỏe.
- Hạn chế ăn uống ngay lập tức: Nếu nội soi thông thường, bạn có thể ăn sau khoảng 30-60 phút. Còn nếu có sinh thiết hoặc thủ thuật khác, hãy tuân theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Theo dõi dấu hiệu bất thường: Nếu có triệu chứng đau bụng dữ dội, nôn ra máu hoặc khó thở, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.
Quy trình nội soi dạ dày thường diễn ra nhanh chóng, an toàn và mang lại kết quả chính xác trong việc chẩn đoán các bệnh lý dạ dày. Do đó, việc nắm rõ quy trình, tuân thủ nghiêm ngặt lời dặn của bác sĩ sẽ giúp bạn tiến hành việc nội soi cũng như lấy kết quả được nhanh chóng hơn.
Giải đáp: Mổ nội soi dạ dày nằm viện bao lâu |
IV. Chi phí nội soi dạ dày
Hiện nay, có rất nhiều cơ sở khám chữa bệnh tiến hành nội soi dạ dày. Vì vậy, chi phí thực hiện sẽ phụ thuộc vào phương pháp thực hiện, cơ sở y tế và các dịch vụ đi kèm. Dưới đây là mức giá tham khảo cho từng phương pháp:
Hình thức nội soi |
Chi phí | Chú ý |
Nội soi dạ dày qua đường mũi | 1.100.000 – 1.210.000 | Gồm phí sinh thiết, có thể thêm xét nghiệm vi khuẩn HP |
Nội soi dạ dày tiêu chuẩn (không sinh thiết) | 660.000 | Không test HP |
Nội soi dạ dày tiêu chuẩn (có sinh thiết) | 770.000 – 935.000 | Tùy thuộc nhu cầu sinh thiết |
Nội soi dạ dày không đau | Tương tự phí nội soi tiêu chuẩn + 800.000 (phí gây mê) | Phí gây mê thêm |
(Bảng giá trung bình dịch vụ nội soi dạ dày hiện nay)
Tìm hiểu chi tiết và so sánh tại: Tổng hợp chi tiết bảng giá nội soi dạ dày ở 15 bệnh viện công và tư |
Nhìn chung, chi phí nội soi dạ dày có sự chênh lệch giữa các phương pháp, nhưng quan trọng nhất vẫn là chọn lựa phù hợp với tình trạng sức khỏe của bạn. Nếu chỉ cần kiểm tra cơ bản, nội soi qua miệng hoặc qua mũi là phương án tiết kiệm và hiệu quả. Nếu sợ đau hoặc lo lắng, nội soi gây mê sẽ giúp bạn thoải mái hơn.
V. Khi nào cần nội soi dạ dày?
Nội soi dạ dày không phải là thủ thuật mà ai cũng cần thực hiện thường xuyên. Tuy nhiên, nếu bạn có những dấu hiệu đáng ngờ về dạ dày hoặc thuộc nhóm nguy cơ cao, bác sĩ có thể chỉ định nội soi để kiểm tra. Và dưới đây là những trường hợp bạn nên cân nhắc thực hiện:
1. Dấu hiệu bất thường về tiêu hóa
Nếu bạn gặp các dấu hiệu dưới đây kéo dài trên 2 tuần mà không thuyên giảm, nội soi là cách tốt nhất để tìm ra nguyên nhân:
- Đau thượng vị (vùng trên rốn): Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội, xảy ra sau khi ăn hoặc lúc đói, có thể là dấu hiệu của viêm loét dạ dày – tá tràng.
- Ợ hơi, ợ chua, nóng rát vùng ngực: Đây là triệu chứng phổ biến của trào ngược dạ dày thực quản.
- Buồn nôn, nôn ói thường xuyên: Nếu nôn ra dịch màu nâu sẫm hoặc có lẫn máu, cần nội soi ngay để kiểm tra xuất huyết tiêu hóa.
- Chán ăn, đầy hơi, khó tiêu kéo dài: Có thể liên quan đến viêm dạ dày hoặc rối loạn tiêu hóa do vi khuẩn HP.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân: Nếu cân nặng giảm nhanh mà không thay đổi chế độ ăn uống hay luyện tập, có thể liên quan đến bệnh lý dạ dày hoặc ung thư dạ dày.
2. Khi nghi ngờ nhiễm vi khuẩn HP
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày và có liên quan đến ung thư dạ dày. Bạn có thể cần nội soi dạ dày test HP nếu:
- Đã từng có người trong gia đình mắc ung thư dạ dày hoặc nhiễm vi khuẩn HP.
- Xuất hiện triệu chứng đau dạ dày kéo dài, nghi ngờ do nhiễm HP.
- Đã điều trị HP nhưng chưa chắc chắn vi khuẩn đã bị tiêu diệt hoàn toàn.
3. Khi có dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng nguy hiểm, cần nội soi khẩn cấp nếu có các dấu hiệu như:
- Nôn ra máu hoặc chất nôn có màu nâu sẫm như bã cà phê.
- Đi ngoài phân đen, có mùi hôi khó chịu.
- Hoa mắt, chóng mặt, da xanh, tụt huyết áp.
- Nội soi không chỉ giúp xác định nguyên nhân mà còn có thể cầm máu ngay trong quá trình thực hiện.
4. Khi cần tầm soát ung thư dạ dày
Ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng hoặc biểu hiện rất mơ hồ, nên đa số bệnh nhân phát hiện bệnh đều ở giai đoạn muộn. Nhưng nếu bạn thuộc nhóm có nguy cơ cao dưới đây, hãy chủ động nội soi định kỳ ngay cả khi không có triệu chứng bất thường.
- Có người trong gia đình từng mắc ung thư dạ dày.
- Người trên 40 tuổi, đặc biệt là phái nam.
- Tiền sử viêm loét dạ dày tái phát nhiều lần.
- Đã nhiễm vi khuẩn HP hoặc có polyp dạ dày.
5. Khi có bệnh lý dạ dày mạn tính cần theo dõi
Nếu bạn đã từng bị viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản hoặc polyp dạ dày, bác sĩ có thể chỉ định nội soi định kỳ để kiểm tra tình trạng bệnh và phát hiện sớm biến chứng. Hiện nay, phương pháp nội soi ngày càng nhẹ nhàng, ít khó chịu, nên nếu thuộc một trong những trường hợp trên, bạn đừng ngần ngại kiểm tra khi cần thiết. Hãy nhớ chủ động bảo vệ sức khỏe luôn tốt hơn điều trị muộn!
Có thể bạn quan tâm: nội soi dạ dày nhiều có hại không |
Nội soi dạ dày là một phương pháp an toàn, hiệu quả giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý liên quan đến dạ dày. Việc nắm rõ quy trình, chi phí cũng như những điều cần lưu ý sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất, tránh tâm lý lo lắng không cần thiết. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại để lại bình luận để được tư vấn chi tiết nhé!