Skip to main content

Kết tràng là gì? Cấu tạo, chức năng và các bệnh thường gặp

Tác giả: Đinh Thị Hiền

Tham vấn y khoa: Nguyễn Thị Thu

Kết tràng là một bộ phận thuộc đại tràng có chức năng chính là đóng khuôn chất bã mà còn giúp hấp thu chất khoáng dưỡng chất còn sót lại trong quá trình tiêu hóa. Cùng tìm hiểu chi tiết về kết tràng ngay sau đây.

I. Kết tràng là gì? 

Kết tràng là một bộ phận trực thuộc đại tràng, có vị trí nằm ở trên trực tràng và dưới manh tràng. Bộ phận này chứa ít mạch máu nuôi dưỡng và có màu xám, đây là nơi lưu trữ và chứa chất cặn bã nên rất dễ bị nhiễm trùng hoặc hoại tử.

Theo các tài liệu giải phẫu học, kết tràng ở người có hình chữ U ngược và có chiều dài khoảng 80cm. Kết tràng  được phân chia thành 4 phần chính  gồm kết tràng lên, kết tràng ngang, kết tràng xuống và kết tràng Sigma.

Kết tràng là một bộ phận trực thuộc đại tràng, vị trí nằm trên trực tràng và dưới manh tràng.

II. Cấu tạo kết tràng 

Dưới đây là chi tiết từng bộ phận, cấu tạo bên ngoài và bên trong của kết tràng:

1. Các bộ phận của kết tràng

Theo các tài liệu giải phẫu học, kết tràng ở người có hình chữ U ngược và được phân chia thành 4 phần chính và có thứ tự sắp xếp lần lượt như sau: kết tràng lên, kết tràng ngang, kết tràng xuống và kết tràng Sigma. Cụ thể:

  • Kết tràng lên: Kết tràng lên có vị trí nằm ở bên phải bụng, bắt đầu từ manh tràng và đi dọc theo ổ bụng cho tới gan. Chiều dài của kết tràng lên là khoảng 10cm.
  • Kết tràng ngang:  Kết tràng lên khi đi ngang qua ổ bụng tiếp giáp với lách ở bên trái thì gọi là mạc treo kết tràng ngang. Chiều dài của kết tràng ngang là 50cm, có vị trí nằm sát dạ dày, gan và túi mật.
  • Kết tràng xuống: Kết tràng ngang khi uốn cong và quay xuống bên dưới thì được gọi là kết tràng xuống, bộ phận này có chiều dài khoảng 10 cm.
  • Kết tràng Sigma: Hay kết tràng xích ma là đoạn cuối khi kết tràng đi vào khung chậu và cùng có chiều dài khoảng 50 cm.

2. Cấu tạo bên ngoài 

Nếu xét về hình thể bên ngoài, cấu tạo của kết trạng cụ thể như sau:

  • Ba dải cơ dọc: Vị trí đi từ gốc ruột thừa đến bộ phận kết tràng Sigma. Ba dải cơ dọc gồm: dải mạc treo của kết tràng phía sau trong, dải tự do ở phía trước và dải mạc nối ở phía ngoài.
  • Các túi thừa mạc nối: Là túi phúc mạc nhỏ có chứa mỡ bám, túi này thường bám vào dải cơ dọc có chứa động mạch nuôi dưỡng. Do vậy nếu các túi thừa mạc nối bị thắt lại có thể làm hoại tử ruột.
  • Các túi phình kết tràng: Bộ phận này nằm giữa các dải cơ dọc, được phân cách với nhau bởi các chỗ cắt ngang, chúng không cố định mà ngược lại thường xuyên di chuyển.

3. Cấu tạo bên trong 

Căn cứ theo cấu tạo trong, đi từ trong ra ngoài thì kết tràng gồm có 5 lớp như sau:

  • Lớp thanh mạc: Được tạo ra bởi lá tạng của phúc mạc ổ bụng có chứa túi thừa mạc.
  • Lớp cơ: Gồm các lớp cơ dọc, bên trong có các lớp cơ vòng. Lớp cơ này bắt đầu phân tán dần ở kết tràng xuống sau đó mất hoàn toàn ở kết mạc Sigma.
  • Lớp niêm mạc: Có nếp bán nguyệt và chứa nhiều nang bạch huyết đơn độc .
  • Tấm bên dưới niêm mạc: Chứa nhiều dây thần kinh và vi mạch máu.
  • Tấm dưới lớp thanh mạc.
Cấu tạo của kết tràng gồm 4 phần chính gồm kết tràng lên, kết tràng ngang, kết tràng xuống và kết tràng Sigma.

III. Chức năng của kết tràng

Các chức năng chính của kết tràng gồm: hấp thu nước, đóng khuôn chất bã; tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng:

1. Hấp thu nước, đóng khuôn chất bã

Đây là chức năng chính của kết tràng. Kết tràng có nhiệm vụ hấp thu nước, giúp bộ phận thận trong cơ thể nhận lại lượng nước đồng thời tái hấp thu.

Bên cạnh đó, kết tràng còn làm nhiệm vụ đóng khuôn chất bã và làm mềm phân, giúp chất cặn bã dễ dàng đào thảo ra ngoài cơ thể.

Ngoài chức năng chính là hấp thu nước, đóng khuôn chất bã, kết trạng còn có nhiệm vụ hấp thu các dưỡng chất còn sót lại ở dạ dày và ruột non.

2. Tiêu hóa

Hầu hết thức ăn đều được tiêu hóa ở dạ dày và ruột non. Tuy nhiên, quá trình này vẫn sẽ được tiếp tục diễn ra khi thức ăn được vận chuyển đến kết tràng.

Lúc này, kết tràng có nhiệm vụ tiêu hóa các chất mà dạ dày không thể tiêu hóa được, ví dụ như một phần đạm mỡ hay chất xơ không hòa tan.

3. Hấp thu chất dinh dưỡng

Một chức năng khác của kết tràng là tổng hợp và hấp thu các chất dinh dưỡng còn sót lại mà bộ phận ruột non và dạ dày không thể hấp thụ được. Mặt khác, kết tràng còn đưa các chất dinh dưỡng hấp thu trước đó vào máu để cung cấp cho cơ thể.

Ngoài chức năng chính là hấp thu nước, đóng khuôn chất bã, kết trạng còn có nhiệm vụ hấp thu các dưỡng chất còn sót lại ở dạ dày và ruột non.

IV. Những vấn đề sức khỏe thường gặp ở kết tràng

Kết tràng là bộ phận dễ viêm nhiễm, nếu viêm kết tràng kéo dài lâu ngày có thể gây viêm đại tràng, ung thư kết tràng và ung thư đại tràng.

1. Viêm kết tràng 

Viêm kết tràng là gì? Viêm kết tràng có nhiều mức độ khác nhau. Nếu ở dạng nhẹ sẽ dễ bị chảy máu do lớp niêm mạc sẽ kém bền vững. Trường hợp nặng bệnh nhân có xuất hiện các vết loét ở lớp niêm mạc, xung huyết, nghiêm trọng hơn là áp-xe kết tràng.

  • Biểu hiện: Đau quặn bụng từng cơn, đại tiện liên tục tuy nhiên mỗi lần đi chỉ được một ít, phâ có thể kèm theo chất nhầy và máu; sốt, mất nước…
  • Nguyên nhân: Do chế độ sinh hoạt và ăn uống không hợp vệ sinh; nhiễm khuẩn do các loại ký sinh trùng, các loại vi khuẩn, các loại nấm hay siêu vi; ảnh hưởng của các bệnh ở đường ruột, nhiễm độc, tác dụng phụ của một số loại thuốc…
  • Biến chứng: Bệnh viêm kết tràng nếu không được điều trị có thể gay nhiều biến chứng như: giãn kết tràng, thủng kết tràng, nặng hơn là  ung thư kết tràng.
  • Chẩn đoán: Nội soi kết tràng, chụp X-quang, xét nghiệm máu.
  • Điều trị: Kết hợp đồng thời cả 3 phương pháp: điều trị nội khoa, điều trị ngoại khoa và kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Với điều trị nội khoa, bệnh nhân sẽ dùng kháng sinh chống nhiễm trùng, thuốc giảm đau và bổ sung nước, điện giải bị mất. Với điều trị ngoại khoa, có thể bệnh nhân sẽ phải cắt bỏ một phần kết tràng.
Viêm kết tràng

2. Ung thư kết tràng

Ung thư kết tràng là tình trạng tăng sinh quá mức của 1 hoặc nhiều nhóm tế bào gây chèn ép mạch máu cũng như các bộ phận, cơ qua khác trong cơ thể. Ung thư kết tràng được phân thành thành 4 giai đoạn, và từ giai đoạn 3 các tế bào ung thư đã bắt đầu di căn.

  • Biểu hiện: Tiêu chảy hoặc táo bón dai dẳng; thay đổi lượng phân, có máu lẫn trong phân; khó chịu dai dẳng vùng bụng hoặc đau; có thể cảm thấy được khối u trong bụng…
  • Nguyên nhân: Nguyên nhân gây ung thư kết tràng gồm polyp kêt tràng; chế độ ăn uống ít chất bã, nhiều mỡ và đạm động vật; mác các bệnh kết tràng mãn tính; yếu tố di truyền…
  • Chẩn đoán: Thử máu, sinh thiết, chụp CT, siêu âm, rọi MRI, chụp quang tuyến X lồng ngực, rọi PET. 
  • Điều trị: Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị ung thư kết tràng. Phương pháp điều trị chính là phẫu thuật. Khối u, mô mỡ xung quanh và các tuyến bạch huyết được cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật.
  • Tỷ lệ sống sót: Nếu phát hiện bệnh càng sớm thì khả năng sống sót của bệnh nhân càng cao. Với bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn 4 thì khả năng sống sau 5 năm tính từ thời điểm bắt đầu điều trị chỉ khoảng 11%.
Ung thư kết tràng là tình trạng tăng sinh quá mức của 1 hoặc nhiều nhóm tế bào gây chèn ép mạch máu cũng như các bộ phận, cơ qua khác trong cơ thể.

3. Viêm đại tràng

Cấu tạo của đại tràng gồm có 3 bộ phận chính là kết tràng, mang tràng và trực tràng. Do đó, nếu bộ phận kết tràng bị nhiễm trùng thì nguy cơ đại tràng bị viêm nhiễm là rất cao.

  • Biểu hiện: Ngoài triệu chứng đau nhức ở bụng, bệnh nhân viêm đại tràng còn bị chướng bụng, đầy hơi, đại tiện bất thường phân không thành khuôn; một số trường hợp bệnh nặng còn có các vết loét ở niêm mạc đại tràng gây chảy máu.
  • Nguyên nhân: Có nhiều nguyên nhân gây viêm đại tràng nhưng đa phần là do đồ ăn thức uống mất vệ sinh, ôi thiu, khó tiêu, gây hại cho niêm mạc đại tràng; làm việc liên tục không được nghỉ ngơi gây áp lực lên hệ tiêu hóa; có giun sống ký sinh trong ruột…
  • Biến chứng: Bệnh viêm đại tràng nếu không được chữa trị đúng thời điểm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như chít hẹp đại tràng, rò ruột, áp xe đại trực tràng, phình đại tràng nhiễm độc, thủng đại tràng,…
  • Chẩn đoán: Xét nghiệm máu, xét nghiệm mẫu phân, nội soi đại tràng, nội soi đại tràng Sigma, chụp X-quang, chụp cắt lớp, chụp cắt lớp vi tính (CT) ruột non và cộng hưởng từ (MR) ruột.
  • Điều trị: Thuốc, phẫu thuật. 
Hình ảnh đại tràng bị viêm

4. Ung thư đại tràng 

Bệnh viêm kết tràng nếu điều trị muộn có thể gây ung thư đại tràng hay ung thư ruột già. Đây là bệnh lý đường tiêu hóa nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao thứ 4 và phổ biến thứ 5 tại Việt Nam chỉ sau ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú và ung thư dạ dày.

Theo thống kê của Globocan năm 2020, Việt Nam ghi nhận gần 16.000 ca mắc ung thư ở đại tràng mới, đã có hơn 8.200 ca tử vong vì bệnh này. Ung thư đại tràng thường gặp ở người trên 50 tuổi nhưng những năm trở lại đây, tỷ lệ mắc bệnh tăng nhanh ở giới trẻ.

  • Biểu hiện: Bệnh nhân bị ung thư đại tràng thường các triệu chứng như: đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài, đi ngoài ra máu tươi.
  • Nguyên nhân: Nguyên nhân gây ung thư đại tràng bao gồm polyp đại tràng; các bệnh đại tràng mãn tính; chế độ ăn uống ít chất bã, nhiều mỡ và đạm động vật; yếu tố di truyền…
  • Chẩn đoán: Nội soi đại tràng, chụp X-quang bụng, chụp CT scanner, chụp MRI, chụp PET, siêu âm ổ bụng, sinh thiết, xét nghiệm máu ẩn trong phân…
  • Điều trị: Phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, miễn dịch.
  • Tỷ lệ sống sót: Tỷ lệ sống trên 5 năm đối với việc điều trị theo từng giai đoạn như sau: Giai đoạn I là khoảng trên 90%, giai đoạn II khoảng 80 – 83%, giai đoạn III còn khoảng 60% và giai đoạn IV giảm rất thấp, chỉ còn 11%.
Bệnh viêm kết tràng nếu điều trị muộn có thể gây ung thư đại tràng hay ung thư ruột già.

V. Cách phòng tránh bệnh lý ở kết tràng

Kết tràng là bộ phận dễ viêm nhiễm nhưng bạn vẫn có thể chủ động phòng tránh các bệnh lý ở kết tràng bằng việc thực hiện lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng khoa học, hợp lý. Cụ thể:

1. Duy trì chế độ ăn khoa học và hợp lý

Chế độ ăn hàng ngày cần đảm bảo đủ dưỡng chất; tăng cường thực phẩm giàu chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa như rau xanh, củ, quả, trái cây…

Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng bia, rượu, hút thuốc lá, uống cà phê, nước ngọt có ga, các thức ăn cay nóng, chua, chiên rán nhiều dầu mỡ gây khó tiêu… Khi ăn nên ăn chậm, nhai kỹ, không nên ăn quá no, đặc biệt là vào buổi tối.

2. Giữ vệ sinh an toàn thực phẩm

Các thức ăn không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: nem chua, rau sống, gỏi cả, lòng lợn, tiết canh thì cần kiêng hoặc hạn chế ăn. Thực phẩm mua về cần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất, bảo quản cho tới chế biến.

3. Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ

Thường xuyên lau chùi nhà cửa, giặt chăn ga gối đệm để đảm bảo vi khuẩn không có điều kiện sinh sôi phát triển, tấn công gây bệnh.

4. Tránh căng thẳng, stress kéo dài

Tâm lý căng thẳng và stress kéo dài gây trầm cảm có thể giảm giảm hoạt động của nhu động ruột, gây đau dạ dày và một số bệnh lý khác. Do đó, hãy cố gắng giữ tinh thần luôn vui vẻ và thoải mái, vui vẻ nhất có thể.

5. Uống đủ nước

Một người trưởng thành khỏe mạnh bình thường cần uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để cung cấp đủ nước cho cơ thể và hỗ trợ đào thải độc tố bên trong có thể ra bên ngoài.

6. Tập luyện thể thao đều đặn mỗi ngày

Duy trì thói quen tập luyện thể dục thể thao đều đặn hàng ngày vừa giúp tăng sức khỏe vừa hỗ trợ kích thích nhu động ruột.

Như vậy có thể thấy, kết tràng có nhiệm vụ đóng khuôn chất bã và làm mềm phân nên rất dễ bị viêm nhiễm, thậm chí là ung thư. Do đó, bạn nên chủ động phòng tránh các bệnh lý ở kết tràng thông qua những thay đổi trong chế độ sinh hoạt và ăn uống như chúng tôi đã chia sẻ ở trên.

Có thể bạn quan tâm:

5/5 - (3 bình chọn)
Đinh Thị Hiền

Tác giả:

Đinh Thị Hiền (Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2014-2018). Cô có 6 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copy Write tại các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, làm đẹp,… Hiện nay, Đinh Thị Hiền được biết đến với vai trò biên tập viên cho nhãn hàng Yumangel, với mong muốn cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến sản phẩm cũng như các phương pháp trị đau dạ dày. Hy vọng, những nội dung mà Hiền truyền tải sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin hữu ích, giúp bạn có được những phương pháp chăm sóc dạ dày phù hợp.

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.