Đau đại tràng ngang xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể là dấu hiệu nhiều bệnh lý như viêm đại tràng, viêm ruột, bệnh túi thừa, thậm chí là ung thư đại tràng. Vì vậy, không nên chủ quan, hãy chủ động đi thăm khám sớm!
Mục lục
- I. Đại tràng ngang nằm ở đâu?
- II. Đau đại tràng ngang là gì? Triệu chứng
- III. Đau đại tràng ngang nguyên nhân do đâu?
- IV. Đau đại tràng ngang là dấu hiệu của bệnh gì?
- V. Đau đại tràng ngang có nguy hiểm không? 4 biến chứng
- VI. Đau đại tràng ngang khi nào cần đi khám?
- VII. Phương pháp chẩn đoán đau đại tràng ngang
- VIII. Cách điều trị đau đại tràng ngang
- IX. Giải pháp phòng ngừa đau đại tràng ngang
I. Đại tràng ngang nằm ở đâu?
Đại tràng là một bộ phận của hệ thống tiêu hóa cùng với miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, tràng, hậu môn. Tên gọi khác của đại tràng là ruột già, nằm ở vị trí gần cuối của hệ thống tiêu hóa.
Đại tràng trong hệ tiêu hóa được phân thành 2 loại là đại tràng xuống, đại tràng lên và đại tràng ngang. Trong đó, đại tràng ngang có chiều dài từ 45 đến 55cm và nằm ở phía đại tràng góc gan, qua ổ bụng đến phía đại tràng ở góc lách.
Đại tràng ngang nằm giữa đại tràng lên và đại tràng xuống, có nhiệm vụ chứa chất cặn bã sau quá trình tiêu hóa thức ăn nên rất dễ bị viêm nhiễm gây ra các cơn đau.
II. Đau đại tràng ngang là gì? Triệu chứng
Cơn đau đại tràng ngang là tình trạng cơn đau xảy ra tại vị trí đại tràng ngang, không lan rộng đến toàn bộ đại tràng.
Cơn đau đại tràng ngang có thể xảy ra từng đợt, âm ỉ đôi khi còn kèm theo cảm giác nóng rát. Cơn đau tăng nặng hơn khi người bệnh ăn no, thức khuya hoặc sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê.
Cơn đau đại tràng ngang có thể kèm theo một số triệu chứng khác như: đau vùng thượng vị, chướng hơi, đầy bụng, rối loạn đại tiện, ăn uống không ngon, tiêu chảy, giảm cân…
III. Đau đại tràng ngang nguyên nhân do đâu?
Cơn đau đại tràng ngang xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, dưới đây là các nguyên nhân chính:
1. Do đại tràng bị viêm
Viêm đại tràng là hiện tượng niêm mạc đại tràng bị viêm, có thể do nhiễm trùng, bệnh viêm đường ruột (IBD), phản ứng dị ứng, thiếu máu hoặc viêm đại tràng vi thể.
Khi đại tràng bị viêm nhiễm, người bệnh thường bị đau bụng ở vùng đại tràng, cơn đau thuyên giảm khi đã đi đại tiện. Kèm theo đó là một số triệu chứng khác như: đi phân lỏng nhiều lần hoặc táo bón, phân lẫn máu hoặc nhầy; chán ăn, mệt mỏi, suy nhược, sụt cân; đầy hơi, chướng bụng, có thể kèm sốt nhẹ…
2. Do táo bón
Phân quá cứng và quá lớn không thể đi ra ngoài đại tràng và trực tràng gây đau bụng, đau đại trực tràng và đau hậu môn. Thậm chí, phân quá cứng có thể khiến niêm mạc hậu môn bị rách hoặc nứt hậu môn dẫn đến chảy máu và đau khi đi tiêu.
3. Do tiêu chảy
Nguyên nhân gây tiêu chảy có thể do không dung nạp thức ăn, nhiễm virus và vi khuẩn. Đại tràng co bóp thường xuyên gây tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc toàn nước.
Những cơn co thắt đại tràng nhanh có thể gây ra đau bụng, chuột rút dẫn đến đau đại tràng. Phân lỏng còn gây kích ứng, châm chích và đau ở hậu môn.
4. Do nhiễm khuẩn làm tổn thương đại tràng
Một số loại vi khuẩn như Campylobacter, E.coli hoặc những tác nhân gây nhiễm trùng khác có thể tấn công và gây tổn thương cho đại tràng. Hậu quả là gây đau và khó chịu ở vị trí đại tràng ngang.
5. Do rối loạn tiêu hóa
Các rối loạn tiêu hóa như bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích, dạ dày hành tá tràng, viêm ruột kết tràng hoặc những vấn đề khác trong hệ tiêu hóa cũng có thể gây ra đau đại tràng ngang.
5. Do biến chứng viêm ruột
Trong một số trường hợp, bệnh viêm ruột kéo dài có thể gây biến chứng nguy hiểm viêm ruột trực tràng, như viêm ruột thừa, viêm ruột tràng non. Những biến chứng này đều có thể gây đau đại tràng ngang nói riêng và đau đại tràng nói chung.
6. Do dị ứng thức ăn
Cơn đau đại tràng ngang cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân dị ứng thức ăn. Một số thức ăn có nguy cơ gây dị ứng như đậu nành, sữa, lúa mì…
7. Do thiếu máu cục bộ ở đại tràng
Thiếu máu cục bộ trong đại tràng (thiếu máu trực tràng) bệnh lý viêm nhiễm của đoạn ruột già do không được cung cấp đủ máu gây thiếu oxy. Đau đại tràng là triệu chứng đặc trưng của bệnh, cơn đau thường đột ngột, từng cơn và có xu hướng nặng dần nếu không được can thiệp điều trị kịp thời.
Ngoài ra, thiếu máu cục bộ ở đại tràng còn gây ra nhiều triệu chứng khác như: buồn nôn, nôn mửa kéo dài; có máu màu đỏ tươi hoặc nâu đỏ; đại tiện nhiều lần phân lỏng; bụng co cứng…
8. Do đại tràng ngang bị tổn thương hoặc bệnh lý
Đại tràng ngang bị tổn thương hoặc có bệnh lý như u xơ tử cung, ung thư đại tràng,u nang buồng trứng cũng có thể là nguyên nhân gây đau đại tràng ngang.
9. Do căng thẳng kéo dài
Tình trạng căng thẳng và lo lắng kéo dài gây ảnh hưởng rất lớn tới chức năng và hoạt động tiêu hóa. Cụ thể là khiến thực quản co thắt liên tục, axit trong dạ dày tăng tiết dẫn đến khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc tiêu chảy kèm cảm giác buồn nôn, cơn đau ở đại tràng ngang.
IV. Đau đại tràng ngang là dấu hiệu của bệnh gì?
Cơn đau đại tràng ngang kéo dài không thuyên giảm có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh viêm đại tràng, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích, bệnh túi thừa hay ung thư đại tràng. Do đó, người bệnh không nên chủ quan, hãy chủ động thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.
1. Viêm đại tràng
Nguyên nhân chủ yếu gây viêm đại tràng là chế độ ăn uống không khoa học gây hại cho niêm mạc đại tràng, chế độ sinh hoạt không hợp lý, gây áp lực lên hệ tiêu hóa. Bệnh được phân thành viêm đại tràng mãn tính và viêm đại tràng cấp tính với các triệu chứng như sau:
- Triệu chứng viêm đại tràng cấp tính: Bệnh nhân bị đau quặn thắt bụng dưới và dọc theo khung đại tràng; đầy hơi, bụng chướng, táo bón hoặc tiêu chảy, phân có thể kèm máu, mệt mỏi, chán ăn, sốt nhẹ.
- Triệu chứng viêm đại tràng mãn tính: Đau bụng kéo dài ở nửa khung đại tràng trái và hai hố chậu, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày; phân lẫn máu hoặc nhầy; suy nhược, mệt mỏi, sụt cân.
Viêm đại tràng kéo dài có thể gây biến chứng chít hẹp đại tràng, áp xe đại trực tràng, rò ruột, thủng ruột hoặc phình đại tràng nhiễm độc, thậm chí là ung thư ruột. Vì vậy, người bệnh nên thăm khám và điều trị sớm ngay khi phát hiện dấu hiệu bị viêm đại tràng.
2. Viêm ruột
Viêm ruột là thuật ngữ y khoa để chỉ một nhóm các tình trạng gây viêm trong đại tràng bao gồm:
- Viêm loét đại tràng: Là tình niêm mạc đại tràng bị viêm với các vết loét.
- Bệnh Crohn: Là tình trạng viêm ảnh hưởng đến cả hệ thống đường tiêu hóa.
- Viêm đại tràng truyền nhiễm: Vi rút, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây kích ứng và sưng đại tràng gây đau.
- Viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ: Tình trạng này làm giảm lưu lượng máu đến ruột kết, có thể gây đau và tổn thương.
- Viêm đại tràng do bức xạ: Điều trị ung thư đại tràng bằng bức xạ đôi khi có thể gây biến chứng viêm đại tràng do bức xạ.
- Viêm đại tràng vi thể: Triệu chứng đặc trưng là tiêu chảy ra nước nhiều lần gây đau đại tràng.
3. Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích có triệu chứng điển hình là cơn đau quặn thắt ở đại tràng. Cơn đau thường xuất hiện khi tiêu kèm theo các triệu chứng khác như: chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón, phân có chất nhầy.
Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý tiêu hóa phổ biến nhưng không nguy hiểm. Ở một số trường hợp nhẹ, bệnh cũng có thể tự khỏi sau khi bệnh nhân điều chỉnh chế độ ăn uống, không cần điều trị bằng thuốc.
4. Bệnh túi thừa
Bệnh túi thừa là hiện tượng ruột kết hình thành các túi nhỏ hoặc túi trong thành ruột. Khi các túi này bị viêm sẽ gây đau ở trong hoặc xung quanh ruột kết.
Ngoài ra, bệnh túi thừa còn gây ra nhiều triệu chứng khác như tiêu chảy, đi ngoài phân lỏng, có máu trong phân, chuột rút ở bụng, sốt, buồn nôn, nôn mửa…
5. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng cũng có thể gây ra các cơn đau bụng ở gần khu vực đại tràng. Bên cạnh đó, người bệnh còn bị táo bón hoặc tiêu chảy, phân có máu đỏ tươi, phân sẫm màu, sụt cân, mệt mỏi…
V. Đau đại tràng ngang có nguy hiểm không? 4 biến chứng
Cơn đau đại tràng nếu chỉ thi thoảng xuất hiện và tự khỏi thì bạn không nên quá lo lắng. Ngược lại, nếu tần suất cơn đau lặp đi lặp lại nhiều lần và kéo dài kèm theo
các triệu chứng khác như chán ăn, đầy hơi, khó tiêu, uể oải, mệt mỏi, sụt cân… nếu chủ quan không điều trị có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
1. Đi ngoài ra máu ồ ạt
Đại tràng bị viêm nhiễm nặng với các cơn đau kéo dài có thể khiến bệnh nhân đi ngoài chảy máu ồ ạt. Đây là biến chứng nguy hiểm cần điều trị y tế khẩn cấp.
2. Thủng đại tràng
Đây là hậu quả của việc điều trị đau đại tràng ngang bằng thuốc kháng sinh kéo dài và không phù hợp. Điều này khiến hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại tấn công vào trong lòng đại tràng, ăn mòn thành đại tràng và dẫn đến thủng đại tràng.
3. Giãn đại tràng cấp tính
Các cơn đau đại tràng ngang kéo dài có thể gây biến chứng biến chứng giãn đại cấp tính. Điều này khiến chức năng của hệ tiêu hóa bị suy giảm, làm tăng nguy cơ viêm loét và thủng.
4. Ung thư đại tràng
Biến chứng ung thư đại tràng do đau đại tràng ngang hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Nếu không điều trị sớm và đúng cách, khối u ung thư đại tràng có thể lan rộng đe dọa tính mạng người bệnh.
VI. Đau đại tràng ngang khi nào cần đi khám?
Tốt nhất khi xuất hiện cơn đau đại tràng ngang bạn nên đi thăm khám sớm phát hiện vấn đề sức khỏe đang gặp phải và chủ động điều trị kịp thời, tránh bệnh tiến tiến triển nặng.
Đặc biệt, bạn nên đi thăm khám ngay khi cơn đau đại tràng ngang có đặc điểm sau:
- Cơn đau đại tràng ngang kéo dài nhiều ngày không khỏi.
- Cơn đau xuất hiện đột ngột và dữ dội.
- Cơn đau đại tràng ngang liên tục tái phát.
- Kèm theo các triệu chứng khác như: chán ăn, đầy hơi, khó tiêu, uể oải, mệt mỏi, sụt cân…
VII. Phương pháp chẩn đoán đau đại tràng ngang
Để chẩn đoán đau đại tràng ngang, bác sĩ sau khi thăm khám lâm sàng qua triệu chứng và tiền sử bệnh lý, nếu cần thiết có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán như:
- Nội soi đại tràng: Bác sĩ có thể kiểm tra toàn bộ ruột kết, lấy các mẫu mô nhỏ (sinh thiết) giúp chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
- Nội soi đại tràng sigma: Để kiểm tra trực tràng và đại tràng xích ma – phần dưới của đại tràng.
- Xét nghiệm máu: Để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng, thiếu máu hoặc các nguyên nhân miễn dịch khác.
- Xét nghiệm mẫu phân: Bạch cầu, hồng cầu hoặc ký sinh trùng tìm thấy trong phân giúp chẩn đoán nguyên nhân gây đau đại tràng ngang chính xác hơn.
- Chụp X-quang: Được chỉ định khi cơn đau đại tràng nghiêm trọng để loại trừ các biến chứng như thủng ruột kết, tắc ruột.
- Chụp cắt lớp: Chụp cắt lớp ở vùng bụng hoặc xương chậu nếu nghi ngờ có biến chứng từ viêm đại tràng.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) ruột non, chụp cộng hưởng từ (MR) ruột: Để loại trừ bất kỳ chứng viêm nào trong ruột non.
VIII. Cách điều trị đau đại tràng ngang
Căn cứ vào nguyên nhân và mức độ đau đại tràng ngang, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Có hai phương pháp điều trị đau đại tràng ngang phổ biến hiện nay là thuốc và phẫu thuật:
1. Điều trị bằng thuốc
Điều trị bằng thuốc được bác sĩ chỉ định với trường hợp đau đại tràng ngang ở mức độ nhẹ. Các thuốc thường dùng gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Aspirin hoặc ibuprofen giúp giảm viêm nhiễm và giảm đau.
- Thuốc ức chế chất gây co thắt: Dicyclomine, hyoscyamine giúp giảm co thắt và giảm triệu chứng đau.
- Thuốc chống tiêu chảy: Được sử dùng khi bệnh nhân đau đại tràng ngang có triệu chứng tiêu chảy nặng.
- Một số loại thuốc giảm đau, thuốc chống đầy hơi… cũng có thể được bác sĩ kê đơn nếu cần thiết.
2. Điều trị phẫu thuật
Điều trị phẫu thuật chỉ được bác sĩ sử dụng khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả, cơn đau nặng hơn và có nguy cơ gây biến chứng.
Bác sĩ tiến hành phẫu thuật để cắt bỏ phần đại tràng đã bị tổn thương nặng do viêm nhiễm nhằm hạn chế lan rộng sang các bộ phận khác của đại tràng.
IX. Giải pháp phòng ngừa đau đại tràng ngang
Để phòng ngừa cơn đau đại tràng ngang xuất hiện, bạn cần chú ý những vấn đề dưới đây trong ăn uống và sinh hoạt hàng ngày:
- Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, từ khâu mua, chế biến, nấu cho tới khi ăn để tránh vi khuẩn, vi rút gây bệnh tấn công.
- Tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi; không nên ăn thức ăn tái, sống hoặc chưa nấu chín kỹ như: sushi, rau sống, tiết canh, nem chua, nem chạo, gỏi cá…
- Hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, nhiều chất béo, dầu mỡ, đường, thực phẩm chứa cafein.
- Tránh xa rượu, bia và thuốc lá; nên uống nước lọc, nước ép rau củ và hoa quả tươi.
- Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày như rau xanh, hoa quả, khoai lang, chuối, đu đủ… giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- Tránh căng thẳng, stress kéo dài; nên sắp xếp công việc hợp lý để có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Vận động đều đặn mỗi ngày với các bài tập phù hợp để kích thích nhu động ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
- Nên thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát bệnh tật, phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý ở đại tràng.
Tóm lại, khi xuất hiện cơn đau đại tràng ngang với các dấu hiệu bất thường như mệt mỏi, chán ăn, sốt, khó tiêu, đầy hơi, sụt cân… cần thăm khám và điều trị ngay để tránh gây biến chứng nguy hiểm.
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Đinh Thị Hiền (Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2014-2018). Cô có 6 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copy Write tại các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, làm đẹp,… Hiện nay, Đinh Thị Hiền được biết đến với vai trò biên tập viên cho nhãn hàng Yumangel, với mong muốn cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến sản phẩm cũng như các phương pháp trị đau dạ dày. Hy vọng, những nội dung mà Hiền truyền tải sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin hữu ích, giúp bạn có được những phương pháp chăm sóc dạ dày phù hợp.