Công dân muốn thực hiện nghĩa vụ quân sự cần đạt các yêu cầu về sức khỏe của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng. Vì vậy, rất nhiều người bị đau dạ dày muốn biết đau dạ dày có phải đi nghĩa vụ không?
Mục lục
I. Quy định sức khỏe khi thực hiện nghĩa vụ quân sự
Công dân nam quốc tịch Việt Nam tuổi từ 18-25 phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật. Người được chọn thực hiện nghĩa vụ quân sự phải tham gia khám sức khỏe vào tháng 11-12 trong năm.
Quá trình khám sức khỏe sẽ tập trung trong 1 tháng. Đây là bước chuẩn bị kịp thời cho việc phát giấy báo nhập ngũ vào tháng 2, 3 hàng năm với những người đủ điều kiện.
Quy trình thăm khám gồm 3 bước nhằm mục đích xác định bạn có đủ sức khỏe để nhập ngũ hay không:
- Bước 1: Khám sơ tuyển cấp cơ sở tại Trạm Y tế xã, phường. Các kiểm tra cần thực hiện là thể lực, dị tật, nhịp tim, huyết áp, thị lực.
- Bước 2: Khám tuyển tại Bệnh viện Đa khoa huyện với sự thăm khám của bác sĩ, cán bộ y sĩ chuyên nghiệp.
- Bước 3: Công dân được phúc tra lần cuối để xác định đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự hay không.
Sức khỏe của công dân sẽ được đánh số dựa trên tiêu chuẩn, quy định của Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng. Mặt khác, tại Khoản 4 Điều 9 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP thì: Căn cứ vào số điểm chấm cho 8 chỉ tiêu ghi trong phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự để phân loại, cụ thể như sau:
- Loại 1: 8 chỉ tiêu đều đạt điểm 1.
- Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2.
- Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3.
- Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4.
- Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5.
- Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6.
Căn cứ vào những quy định ở trên mà công dân sẽ biết mình có đủ điều kiện sức khỏe để thực hiện nghĩa vụ hay không. Cụ thể:
- Công dân có sức khỏe ở mức 1, 2, 3 là đủ điều kiện để thực hiện nghĩa vụ quân sự.
- Công dân được tạm hoãn và miễn nghĩa vụ quân sự nếu có sức khỏe thuộc loại 4 đến 8.
- Công dân nam chiều cao dưới 152cm, cân nặng dưới 39kg, vòng ngực dưới 70 được hoãn nghĩa vụ quân sự.
II. Các trường hợp được tạm hoãn và miễn nghĩa vụ quân sự
Theo quy định tại Điều 41 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 (được sửa đổi bởi Luật Dân quân tự vệ 2019), các trường hợp được tạm hoãn và miễn nghĩa vụ quân sự gồm:
1. Các trường hợp được miễn nghĩa vụ quân sự
- Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng 1.
- Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ.
- Một con của thương binh hạng hai; một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên.
- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, công an nhân dân.
- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
2. Các trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự
Các trường hợp được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự gồm:
- Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.
- Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
- Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
- Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
- Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định.
- Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
- Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
- Dân quân thường trực.
III. Các bệnh lý được hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự
Ngoài ra, công dân mắc bệnh dưới đây cũng nằm trong diện được hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự:
- Công dân mắc các bệnh về mắt, tai, mũi, họng, thị lực kém, dị tật trên cơ thể: Dựa trên mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý nội khoa, ngoại khoa, da liễu, thần kinh mà xét hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự.
- Các trường hợp mắc bệnh mạn tính, ác tính, ung thư; dị tật, khuyết tật ảnh hưởng trực tiếp đến giác quan; mất khả năng nhận thức, hành động được miễn thực hiện nghĩa vụ.
Vậy trong các bệnh lý ở trên, đau dạ dày có thuộc diện hoãn và miễn nghĩa vụ quân sự không? Câu trả lời chính xác sẽ có trong phần nội dung tiếp theo của bài viết!
IV. Đau dạ dày có phải đi nghĩa vụ không?
Theo quy định tại Bảng số 2, Phụ lục ban hành ban kèm theo Thông tư số 16/2016/TTLT-BYT-BQP về bệnh lý dạ dày và tá tràng như sau:
STT | Bệnh Tật | Điểm |
1 | Viên dạ dày cấp | 2T |
2 | Viêm loét dạ dày, tá tràng chưng có biến chứng | 4 |
3 | Viêm dạ dày, tá tràng mạn tính | 4 |
4 | Loét dạ dày, tá tràng có biến chứng (hẹp môn vị, chảy máu… chưa điều trị khỏi) | 6 |
5 | Loét dạ dày, tá tràng đã điều trị lành bằng nội khoa | 4 |
6 | Loét dạ dày, tá tràng đã điều trị lành bằng phẫu thuật | 5 |
7 | Túi thừa dạ dày ảnh hưởng tới sức khỏe ít hay nhiều | 4 |
8 | Ung thư dạ dày | 6 |
Dựa trên cấp độ của bệnh dạ dày đang mắc phải, có thể đưa ra câu trả lời cho thắc mắc đau dạ dày có phải đi nghĩa vụ không. Cụ thể:
- Trường hợp công dân mắc bệnh viêm dạ dày cấp tính: Tình trạng sức khỏe được đánh giá 2T công dân không được hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự.
- Với các bệnh, biến chứng khác về dạ dày có chỉ tiêu sức khỏe quy định loại 4, 5 và 6 thì công dân được hoãn tham gia nghĩa vụ quân sự.
Do đó, bạn cần xác định lại mức độ bệnh và loại bệnh của mình để biết có được tạm hoãn hoặc miễn nghĩa vụ quân sự hay không.
V. Đau dạ dày nên làm gì?
Để thực hiện quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc, công nhân cần bảo vệ sức khỏe của chính mình. Khi có dấu hiệu bị đau dạ dày với các triệu chứng như: Đau vùng thượng vị, ợ chua hoặc trào ngược axit, buồn nôn, đầy hơi, ợ hơi, chướng bụng… bạn nên đi thăm khám và điều trị ngay.
Bệnh đau dạ dày do nhiều nguyên nhân gây ra. Tùy theo từng nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể:
- Đối với nguyên nhân do loét dạ dày: Điều trị bằng thuốc ức chế bơm Proton để giảm tiết axit (Proton Pump Inhibitors- PPIs) giúp làm lành ổ loét. Một số thuốc thường dùng như: Pantoprazole, Omeprazole, Lansoprazole, Esomeprazole, Rabeprazole.
- Trường hợp loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn Hp/Helicobacter Pylori: Điều trị bằng thuốc kháng sinh phối hợp với PPI để điều trị.
- Đối với nguyên nhân đau dạ dày do lạm dụng thuốc giảm đau chống viêm Non Steroid hoặc Aspirin: Người bệnh cần dùng thêm nhóm thuốc PPI để điều trị.
- Đối với chứng khó tiêu chức năng: Dùng đơn thuần thuốc điều trị PPI hoặc phối hợp thuốc làm tăng vận động đường tiêu hóa (Prokinetic).
Như vậy, việc quyết định người bị đau dạ dày có phải đi nghĩa vụ không sẽ được Hội đồng khám sức khỏe thăm khám và đánh giá theo quy định được ban hành bởi Bộ Y tế và Bộ Quốc phòng.
Có thể bạn quan tâm:
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...