Thống kê cho thấy, có tới 95% tổng số trường hợp trẻ bị táo bón do liên quan đến chế độ ăn uống dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt. Vì vậy, cách trị táo bón ở trẻ hiệu quả đều tập trung vào việc thay đổi lối sống của bé.
Mục lục
I. Tổng quan về tình trạng táo bón ở trẻ
Táo bón ở trẻ là hiện tượng trẻ đi ngoài dưới 3 lần/tuần. Táo bón khiến bé bị đau và gặp khó khăn khi đi tiêu do phân khô cứng và rắn.
Trẻ bị táo bón thường có các dấu hiệu như đau bụng, chướng bụng, đầy hơi, đi ngoài phân khô cứng hoặc có lẫn máu, căng thẳng, rặn nhiều, chán ăn… Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón như: cơ thể bị mất nước, thường xuyên nhịn đi tiêu, đi vệ sinh sai cách, chế độ ăn thiếu hụt chất xơ, tác dụng phụ của thuốc…
Táo bón là bệnh lý rối loạn tiêu hóa phổ biến ở trẻ nên khá nhiều bố mẹ chủ quan. Trẻ bị táo bón nặng và kéo dài có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như: suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, nứt kẽ hậu môn, viêm ruột thừa…
II. Trẻ bị táo bón bố mẹ nên làm gì?
Thống kê cho thấy, có tới 95% tổng số trường hợp trẻ bị táo bón do liên quan đến chế độ ăn uống dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt. Vì vậy, khi trẻ bị táo bón, bố mẹ cần thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt hàng ngày của bé.
Nếu tình trạng táo bón không thuyên giảm, bố mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân và chỉ định điều trị bằng mt số loại thuốc để làm giảm nhẹ các triệu chứng và chữa táo bón cho trẻ.
- Thuốc bổ sung chất xơ: Được bác sĩ chỉ định khi chế độ ăn uống và dinh dưỡng hàng ngày không cung cấp đủ lượng chất xơ cần thiết cho bé.
- Thuốc nhuận tràng: Giúp đẩy phân ra ngoài dễ dàng hơn.
- Thuốc xổ mạnh: Chỉ dùng khi trẻ bị táo bón nghiêm trọng, cần nhập viện.
III. 12 cách trị táo bón ở trẻ hiệu quả mẹ nên áp dụng
Với trường hợp trẻ bị táo bón nhẹ và chưa nghiêm trọng, các mẹ có thể tham khảo và áp dụng 12 cách trị táo bón ở trẻ tại nhà dưới đây:
- Bù nước.
- Cung cấp lợi khuẩn.
- Bổ sung chất xơ.
- Mát xa bụng cho trẻ.
- Ăn mận khô.
- Tập vận động.
- Thiết lập thói quen đi đại tiện đều đặn
- Tắm nước ấm.
- Sử dụng mẹo chữa táo bón dân gian.
- Tránh các món làm từ sữa.
- Đổi sữa, điều chỉnh chế độ ăn của mẹ
- Dùng thuốc làm mềm phân.
1. Bù nước
Để cải thiện tình trạng mất nước do táo bón, mẹ có thể cho bé một ít nước khoáng có ga. Loại nước này được chứng minh có khả năng cải thiện tình trạng táo bón hiệu quả hơn so với nước lọc.
Các mẹ cần lưu ý, nước khoáng có ga khác với nước ngọt có ga. Trẻ đang bị táo bón uống nước ngọt có ga sẽ càng khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
2. Cung cấp lợi khuẩn
Hệ vi sinh đường ruột bị mất cân bằng là một trong các nguyên nhân khiến trẻ bị táo bón. Vì vậy, mẹ nên bổ sung lợi khuẩn cho bé thông qua một số thực phẩm giàu lợi khuẩn như men vi sinh, sữa chua, kẹo dẻo lợi khuẩn…
3. Bổ sung chất xơ
Bổ sung chất xơ hỗ trợ khả năng vận động của ruột, giúp phân dễ di chuyển hơn và cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ. Khảo sát gần đây cho thấy, khoảng 77% trẻ bị táo bón có thay đổi tích cực sau khi áp dụng cách này.
Một số thực phẩm giàu chất xơ tốt cho tình trạng táo bón ở trẻ là:g lúa mì, các loại ngũ cốc, lúa mạch, yến mạch, các loại hạt, hoa quả, rau củ…
4. Mát xa bụng
Các thao tác mát xa bụng có tác dụng kích thích nhu động ruột, từ đó cải thiện chứng táo bón ở trẻ. Cách trị táo bón ở trẻ bằng phương pháp massage cụ thể như sau:
- Bước 1: Chà xát 2 bàn tay vào nhau để làm ấm.
- Bước 2: Nhỏ vài giọt dầu mát xa dành cho trẻ vào 2 lòng bàn tay.
- Bước 3: Dùng các đầu ngón tay của mẹ ấn nhẹ lên bụng của trẻ tạo thành hình chữ U ngược. Nhẹ nhàng di chuyển từ phía dưới bên trái, lên trên, kéo ngang qua phía trên rốn và cuối cùng xuống phía dưới.
Thực hiện các thao tác mát xa ở trên liên tục khoảng 10 đến 15 lần, mỗi ngày thực hiện 2-3 lần.
5. Tập vận động
Với các trẻ lớn, bố mẹ nên khuyến khích trẻ vận động thường xuyên, khoảng 30 đến 60 phút mỗi ngày để kích thích nhu động ruột giúp trẻ đi ngoài dễ dàng.
Đối với trẻ nhỏ chưa thể tự vận động, bố mẹ có thể tập vận động cho bé với các động tắc sau để kích thích nhu động ruột giúp trẻ đi ngoài dễ dàng hơn:
- Động tác đạp xe đạp: Đặt bé ở tư thế nằm ngửa, mẹ dùng 2 tay nắm lấy 2 cổ chân của bé. Tiếp đó di chuyển lần lượt chuyển động lên – xuống sao cho chân và đầu gối chạm vào bụng giống như động tác đạp xe đạp. Các chuyển động này kích thích nhu động ruột, giúp trẻ đại tiện dễ dàng.
- Động tác co duỗi gối: Đặt bé nằm ngửa, 2 tay của mẹ nắm 2 cẳng chân của bé. Đẩy chân của trẻ về phía bụng để gối gập lại gần sát bụng rồi giữ trong vài giây. Sau đó kéo duỗi chân bé ra nhẹ nhàng. Động tắc này giúp giảm đầy hơi chướng bụng, kích thích hoạt động của đại tràng nên giảm táo bón.
6. Thiết lập thói quen đi đại tiện đều đặn
Cách trị táo bón ở trẻ tiếp theo là bố mẹ cần hình thành cho bé thói quen đi đại tiện đều đặn và thường xuyên mỗi ngày vào một khung giờ cố định.
Thời điểm tốt nhất trong ngày để bé đi vệ sinh là vào buổi sáng. Khi bé đi vệ sinh, mẹ có thể đặt một chiếc ghế nhỏ dưới chân để trẻ ngồi thoải mái và dễ đẩy phân ra ngoài hơn.
7. Tránh các món làm từ sữa
Đối với trẻ bị táo bón do cơ thể mẫn cảm với protein trong sữa gây tác động đến quá trình hấp thu và các chuyển động của ruột, các mẹ không nên cho trẻ tiêu thụ sữa và các món ăn làm từ sữa.
Thay vào đó, mẹ nên bổ sung những thực phẩm chứa nhiều canxi để cung cấp đủ canxi cho sự phát triển của trẻ.
8. Dùng mận
Không chỉ chứa nhiều chất xơ, quả mận còn có sorbitol nhuận tràng tự nhiên. Vì vậy mẹ có thẻ dùng mận để chữa táo bón cho con tại nhà.
Mẹ có thể dùng mận khô hoặc tươi đều được nhưng mận khô được đánh giá có tác dụng chữa trị táo bón hiệu quả hơn. Mỗi ngày mẹ cho trẻ uống nước ép mận khô 2 lần sẽ giúp cải thiện táo bón nhanh chóng.
9. Đổi sữa, điều chỉnh chế độ ăn của mẹ
Trường hợp trẻ nhỏ bị táo bón do uống sữa công thức, bố mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn được loại sữa phù hợp với bé. Bên cạnh đó, khi cho bé uống sữa mẹ nên chú ý không pha sữa quá đặc, pha sữa theo đúng tỷ lệ về lượng nước, lượng sữa được nhà sản xuất hướng dẫn, không pha sữa công thức chung với sữa mẹ, nước cơm, nước trái cây hay cháo loãng…
Đối với trẻ đang bú mẹ hoàn toàn nhưng bị táo bón, các mẹ nên điều chỉnh ngay chế độ ăn của mình. Nên tăng cường bổ sung các thực phẩm có tính mát, giàu chất xơ, gàu vitamin, khoáng chất như rau lá xanh (rau đay, rau chân vịt, mồng tơi, rau dền, ngọn khoai lang, diếp cá); mận, đu đủ chín, sữa chua… để kích thích nhu động ruột, giữ nước và phân của bé mềm hơn.
- Tham khảo: Táo bón ở trẻ sơ sinh – Nguyên nhân và cách xử lý
10. Tắm nước ấm cho trẻ
Không chỉ giúp thư giãn, tắm nước ấm còn có tác dụng tăng cường hoạt động nhu động ruột, kích thích hoạt động của các cơ vòng hậu môn giúp trẻ đi ngoài dễ dàng.
Lưu ý, sau khi trẻ tắm và ngâm hậu môn bằng nước ấm, mẹ nên lau khô người và mặc quần áo cho bé để tránh bị nhiễm lạnh.
11. Mẹo dân gian trị táo bón cho trẻ
Dân gian có khá nhiều mẹo chữa táo bón cho trẻ các mẹ có thể tham khảo gồm:
- Đọt mồng tơi: Cách trị táo bón cho trẻ theo dân gian đầu tiên phải kể đến là sử dụng đọt mồng tơi. Rau mồng tơi có nhiều chất nhờn sẽ hoạt động như một chất bôi trơn, kích thích trẻ đi đại tiện. Mẹ hãy đặt bé nằm ngửa rồi từ từ đưa đọt mồng tơi vào bên trong hậu môn và ngoáy để kích thích phản xạ đi cầu của trẻ.
- Mật ong: Đặc tính nóng và nhờn của mật ong giúp kích thích cơ vòng hậu môn co thắt nên phân dễ dàng được đào thải ra ngoài, không gây đau rát khiến bé sợ hãi. Bố mẹ pha mật ong với nước ấm theo tỷ lệ 2:1 rồi dùng tăm bông chấm hỗn hợp đưa vào hậu môn khoảng 1cm rồi ngoáy..
- Lá diếp cá: Lá diếp cá tính mát và chứa nhiều chất xơ nên có tác dụng nhuận tràng, thông tiện, kháng khuẩn, trị nóng trong người. Mẹ chỉ cần xay hoặc giã nhuyễn 15g lá diếp cá tươi để lấy nước ép. Đun sôi nước ép rồi cho bé uống, nên uống 2 lần/ngày.
- Hạt hẹ: Thành phần flavonoid, chất xơ và các hoạt chất trong hạt hẹ có công dụng nhuận tràng và kích thích tiêu hóa. Hạt hẹ sau khi sao vàng mẹ đem tán thành bột mịn. Mỗi lần lấy 5g hòa với nước sôi cho bé uống. Uống 3 lần/ngày và liên tục trong 10 ngày.
- Khoai lang: Hàm lượng chất xơ cao trong khoai lang giúp hỗ trợ thúc đẩy tiêu hóa, làm mềm và tăng trọng lượng của phân. Hơn nữa, khoai lang còn có đặc tính nhuận tràng tự nhiên giúp trị táo bón ở trẻ an toàn và hiệu quả. Mẹ có thể chế biến khoai lang theo cách luộc, nấu cháo, làm sữa… và cho bé 4-5 bữa/tuần.
12. Dùng thuốc làm mềm phân
Trường hợp đã áp dụng các cách trị táo bón tự nhiên ở trên nhưng không hiệu quả, bố mẹ có thể hỏi bác sĩ về một số loại thuốc có tác dụng làm mềm phân.
Khi sử dụng thuốc, bố mẹ cần tuân thủ cách dùng, liều lượng và thời gian phù hợp với độ tuổi và tình trạng táo bón của con theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không tự ý ngừng, thay đổi hoặc thêm thuốc khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
V. Trẻ bị táo bón khi nào cần thăm khám?
Táo bón ở trẻ là tình trạng phổ biến và có thể liên quan đến một số bệnh lý nguy hiểm như bệnh lý về ruột, xơ nang, tuyến giáp và hệ thần kinh. Vì vậy, khi phát hiện con có dấu hiệu bị táo bón, bên cạnh các biện pháp điều trị tại nhà, bố mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.
Đặc biệt, bố mẹ nên đưa con đi khám ngay khi có các dấu hiệu sau:
- Tình trạng táo bón không cải thiện dù đã áp dụng các biện pháp điều trị thông thường.
- Bé bị táo bón kéo dài hơn 1 tuần.
- Trẻ dưới 1 tuổi bị táo bón, chướng bụng.
- Bé chán ăn, suy dinh dưỡng, còi cọc.
- Nôn mửa.
- Sốt.
- Đau bụng dữ dội.
- Phân lẫn máu, phân đen.
Cách trị táo bón ở trẻ phía trên thường có hiệu quả với trường hợp trẻ bị táo bón ở mức độ nhẹ. Nếu trẻ bị táo bón không có dấu hiệu đáp ứng với các cách điều trị thông thường tại nhà, bố mẹ nên đưa con đi khám ngay để được điều trị đúng cách, tránh để kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng.
Có thể bạn quan tâm:
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...