Skip to main content

Xét nghiệm HP dạ dày giá bao nhiêu? Ở đâu tốt?

Nhiễm HP có thể được chẩn đoán bằng cả phương pháp không xâm lấn và xâm lấn gồm: nội soi với sinh thiết, kiểm tra qua hơi thở, xét nghiệm phân và máu. Khi thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán HP chuyên sâu này, rất nhiều người bệnh muốn biết xét nghiệm HP dạ dày giá bao nhiêu để có sự chuẩn bị tốt nhất về vấn đề kinh phí. 

I. Xét nghiệm HP dạ dày là gì? Khi nào cần thực hiện?

Vi khuẩn HP tên đầy đủ là Helicobacter pylori (H. pylori), một loại vi khuẩn sống trong dạ dày. Để tồn tại, vi khuẩn HP phải tiết ra một loại enzyme gọi là Urease để trung hòa độ axit trong dạ dày.

Theo thống kê, có tới 70% người dân Việt Nam nhiễm HP. Vi khuẩn HP là nguyên nhân chính gây loét dạ dày tá tràng, đặc biệt là ung thư dạ dày. Ước tính, có khoảng 10-20% số người nhiễm HP bị loét dạ dày, tá tràng và đau dạ dày. Nhiễm HP cũng có liên quan đến nguy cơ ung thư dạ dày 1-2% và nguy cơ mắc ung thư hạch MALT dạ dày dưới 1%.

Vi khuẩn HP tên đầy đủ là Helicobacter pylori (H. pylori), một loại vi khuẩn sống trong dạ dày.
Vi khuẩn HP tên đầy đủ là Helicobacter pylori (H. pylori), một loại vi khuẩn sống trong dạ dày.

Hầu hết những người bị nhiễm HP không có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Lý do có thể là vì một số người có thể được sinh ra với khả năng đề kháng tốt hơn trước tác hại của H. pylori. 

Khi các dấu hiệu hoặc triệu chứng xảy ra khi nhiễm H. pylori, chúng thường liên quan đến viêm dạ dày hoặc loét dạ dày, có thể bao gồm: 

  • Đau hoặc rát ở dạ dày (bụng), cảm giác đau tăng khi bụng đói.
  • Buồn nôn.
  • Ăn không ngon.
  • Thường xuyên ợ hơi.
  • Đầy hơi.
  • Phân có lẫn máu hoặc màu đen. 
  • Giảm cân không lý do.

Nếu xuất hiện 1 trong các triệu chứng ở trên, bạn nên đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Ngoài ra, bạn cũng nên thực hiện xét nghiệm HP dạ dày trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị viêm loét dạ dày – tá tràng.
  • Miệng bị đắng, ăn uống khó khăn, dễ buồn nôn hoặc nôn khan, da tái nhợt.
  • Người đã từng trị ung thư dạ dày giai đoạn 1 qua đường nội soi hoặc có u lympho liên quan niêm mạc đường tiêu hóa.
  • Bệnh nhân có người thân trong gia đình đã bị ung thư dạ dày.
  • Người bệnh bị khó tiêu chức năng.
  • Các đối tượng đã và đang dùng thuốc kháng viêm chống steroid (NSAID), thuốc aspirin trong một khoảng thời gian trước đó.
  • Người bị thiếu hụt chất sắt, thiếu máu không biết lý do hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.

Sau khi thăm khám triệu chứng và tiền sử bệnh, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán HP chuyên sâu.

Xét nghiệm vi khuẩn HP còn có một cái tên khác là test HP. Đây là một phương pháp quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi nhiễm HP trong dạ dày. Ở thời điểm hiện tại, các cách xét nghiệm HP phổ biến có thể kể đến như xét nghiệm máu, test hơi thở, xét nghiệm kháng nguyên qua phân và nội sinh thiết dạ dày.

Xét nghiệm vi khuẩn HP là một phương pháp quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi nhiễm HP trong dạ dày. 
Xét nghiệm vi khuẩn HP là một phương pháp quan trọng trong việc chẩn đoán và theo dõi nhiễm HP trong dạ dày.

II. Xét nghiệm HP dạ dày gồm những phương pháp nào?

Nhiễm HP có thể được chẩn đoán bằng cả phương pháp không xâm lấn và xâm lấn gồm: nội soi với sinh thiết, kiểm tra qua hơi thở, xét nghiệm phân và máu. Cụ thể:

1. Nội soi và sinh thiết tìm HP trong dạ dày

Đây là xét nghiệm chính xác nhất để biết bạn có bị nhiễm H pylori hay không. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ dùng một ống nội soi nhỏ có gắn camera luồn vào dạ dày qua ống thực quản và xác định vị trí vết loét. 

Một mẫu mô (sinh thiết) xung quanh vị trí tổn thương dạ dày được lấy ra để làm xét nghiệm clo hoặc nuôi cấy vi khuẩn, hoặc đơn giản là quan sát hình thái tổn thương. Từ đó giúp bác sĩ có thể chẩn đoán về tình trạng nhiễm HP ban đầu của bệnh nhân.

Thực hiện nội soi thực quản – dạ dày tá tràng  (EGD) không chỉ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh loét dạ dày – tá tràng mà còn có thể đánh giá mức độ triệu chứng, vị trí tổn thương và đưa ra chẩn đoán chính xác cho người bệnh. Đồng thời đưa ra nhận định về diễn biến của bệnh cũng như lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp nhất.

Đối với một số bệnh nhân, nhất là người già, nội soi có thể là một thủ thuật không thoải mái. Tuy nhiên, đây là một thủ thuật rất quan trọng trong việc đánh giá tổn thương dạ dày mà không một xét nghiệm nào khác có thể làm được. 

Nội soi và sinh thiết tìm HP trong dạ dày
Nội soi và sinh thiết tìm HP trong dạ dày

2. Kiểm tra hơi thở (Urea Breath Test)

Một trong các phương pháp xét nghiệm dạ dày không xâm lấn khá phổ biến ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam đó là xét nghiệm hơi thở tìm vi khuẩn HP (Urea Breath Test). Bệnh nhân sẽ cầm một thiết bị trên tay và thở vào đó. 

Có 2 loại test hơi thở  tìm vi khuẩn HP đang được áp dụng hiện nay gồm:

  • Test hơi thở bằng bóng bay: Người bệnh thổi vào một thiết bị có hình dáng giống quả bóng bay. 
  • Kiểm tra hơi thở sử dụng thẻ: Người bệnh thổi hơi thở vào thiết bị giống như thẻ ATM.

Trong quá trình kiểm tra hơi thở tìm vi khuẩn HP, người bệnh phải nuốt một viên thuốc, chất lỏng có chứa các phân tử carbon. Nếu bạn bị nhiễm H. pylori , carbon sẽ được giải phóng khi dung dịch tiếp xúc với H. pylori trong dạ dày.

Bởi vì cơ thể hấp thụ carbon nên nó sẽ được giải phóng khi bạn thở ra. Để đo lượng carbon giải phóng, người bệnh cần thổi vào một cái túi.  Sau đó, hơi thở của bệnh nhân sẽ được kiểm tra, đánh giá trên máy phân tích và bác sĩ sẽ nhận được các chỉ số để đánh giá bệnh nhân có dương tính với HP hay không. 

Xét nghiệm kiểm tra hơi thở cho kết quả rất chính xác và thường được khuyên dùng cho mọi đối tượng vì thời gian test khá nhanh, bác sĩ không cần thực hiện can thiệp, có thể dễ dàng áp dụng cho trẻ em. 

Xét nghiệm hơi thở tìm vi khuẩn HP đặc biệt hữu ích cho những người đã được điều trị HP và cần đánh giá lại hiệu quả điều trị.

Kiểm tra hơi thở (Urea Breath Test)
Kiểm tra hơi thở (Urea Breath Test)

3. Xét nghiệm phân 

Vi khuẩn HP nếu có trong dạ dày sẽ thường xuyên bị cơ thể đào thải qua phân. Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang giúp bác sĩ phát hiện chính xác vi khuẩn HP trong phân. Đây cũng là xét nghiệm được ưu tiên sử dụng trong đánh giá nhiễm HP gây loét dạ dày tá tràng.

Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP gồm 2 loại như sau:

  • Xét nghiệm kháng nguyên trong phân: Đây là xét nghiệm phân phổ biến nhất để phát hiện H. pylori. Xét nghiệm nhằm tìm kiếm các protein (kháng nguyên) liên quan đến nhiễm H. pylori trong phân.
  • Xét nghiệm PCR phân: Một xét nghiệm trong phòng thí nghiệm gọi là xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase trong phân (PCR) có thể phát hiện nhiễm H. pylori trong phân. Xét nghiệm cũng có thể xác định các đột biến có thể kháng thuốc kháng sinh dùng để điều trị H. pylori. Tuy nhiên, xét nghiệm này đắt hơn xét nghiệm kháng nguyên phân và có thể không có ở tất cả các trung tâm y tế.
Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP
Xét nghiệm phân tìm vi khuẩn HP

4. Xét nghiệm máu

Khi người bệnh bị nhiễm HP, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể kháng HP, loại kháng thể này có trong máu và có thể được phát hiện bằng xét nghiệm máu tìm kháng thể.

Xét nghiệm máu được sử dụng để đo kháng thể kháng H pylori. Kháng thể là các protein do hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra khi phát hiện các chất có hại như vi khuẩn.

Xét nghiệm máu phát hiện vi khuẩn HP là phương pháp chẩn đoán phổ biến, được thực hiện tại hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước. Nhưng xét nghiệm này chỉ có thể cho biết cơ thể người bệnh có kháng thể H pylori hay không. Phương pháp này không thể biết liệu người bệnh có bị nhiễm trùng hay không hoặc đã mắc bệnh trong bao lâu. 

Theo các chuyên gia sức khỏe, xét nghiệm máu tìm vi khuẩn HP không phải là loại xét nghiệm được ưu tiên vì khả năng dương tính giả khá cao. Nguyên nhân là do vi khuẩn HP có thể tồn tại ở nhiều khu vực khác và cũng có thể làm xét nghiệm máu dương tính như khoang miệng, các xoang, đường ruột nhưng hoàn toàn không gây bệnh. 

Nguyên nhân thứ hai là mặc dù vi khuẩn HP trong dạ dày đã bị tiêu diệt hoàn toàn, bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn nhưng kháng thể kháng HP vẫn tồn tại trong máu nhiều tháng tới, thậm chí vài năm sau đó. Vì vậy, chỉ những cơ sở y tế không có phương pháp xét nghiệm nào khác mới phải thực hiện loại xét nghiệm này.

Mỗi phương pháp xét nghiệm tìm vi khuẩn HP sẽ có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau. Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán HP phù hợp nhất.

Xét nghiệm máu được sử dụng để đo kháng thể kháng H pylori. 
Xét nghiệm máu được sử dụng để đo kháng thể kháng H pylori.

Sau khi đã nắm được các phương pháp xét nghiệm dùng trong chẩn đoán HP dạ dày, người bệnh sẽ muốn biết về mức chi phí cần chi trả cho các xét nghiệm  này để có sự chuẩn bị tốt nhất. Thắc mắc này sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết ở phần III.

III. Xét nghiệm HP dạ dày giá bao nhiêu?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chi phí xét nghiệm HP dạ dày gồm: 

  • Phương pháp xét nghiệm: Mỗi phương pháp xét nghiệm sẽ có cách thực hiện và kỹ thuật khác nhau nên chi phí cũng sẽ khác nhau.
  • Cơ sở y tế thực hiện: Thực hiện xét nghiệm HP dạ dày ở bệnh viện tư thường cao hơn bệnh viện công. Những bệnh viện có cơ sở vật chất và hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại cũng có chi phí cao hơn khi thực hiện xét nghiệm HP dạ dày.
  • Bảo hiểm: Với những người có bảo hiểm y tế người bệnh sẽ được thanh toán 80% nếu đi khám đúng tuyến và 40% nếu khám trái tuyến.

Dưới đây là thông tin chi tiết về chi phí của từng phương pháp xét nghiệm HP dạ dày:

1. Chi phí nội soi và sinh thiết dạ dày

Nội soi dạ dày thường được chỉ định trong các trường hợp có nghi ngờ về tổn thương viêm hoặc loét dạ dày – tá tràng. Tùy thuộc vào phương pháp nội soi và địa chỉ thực hiện mà chi phí tham khảo như sau:

  • Giá nội soi dạ dày không gây mê: Bệnh viện công: 200.000 – 1.000.000 VNĐ/lần. Bệnh viện tư: 1.000.000 – 1.500.000 VNĐ/lần/ 
  • Giá nội soi dạ dày gây mê (nội soi không đau): Bệnh viện công: 500.000 – 2.800.000 VNĐ/lần. Bệnh viện tư: 700.000 – 4.000.000 VNĐ/lần. 

– Quy trình thực hiện:

  • Người bệnh nằm nghiêng trên bàn nội soi.
  • Nhân viên y tế tiến hành gây mê (nếu người bệnh chọn nội soi gây mê). 
  • Đưa ống nội soi vào đường miệng – cổ họng hoặc đường mũi, luồn dần xuống dạ dày của bệnh nhân. Đầu ống nội soi được gắn đèn và camera cho phép bác sĩ quan sát rõ tình trạng niêm mạc dạ dày giúp phát hiện các ổ viêm loét dạ dày.
  • Bác sĩ lấy một mẫu mô nhỏ ở niêm mạc (sinh thiết) để xét nghiệm.

– Ưu điểm:

  • Phát hiện vi khuẩn Hp chính xác. 
  • Xác định mức độ tổn thương niêm mạc, phát hiện các ổ viêm loét và tình trạng cụ thể.
  • Phát hiện các dấu hiệu tiền ung thư dạ dày – tá tràng.

– Nhược điểm:

  • Nội soi không gây mê có thể gây ra cảm giác khó chịu, thậm chí là đau đớn cho bệnh nhân.
  • Nếu chọn nội soi gây mê thì chi phí xét nghiệm nội soi sẽ khá cao. 
Chi phí nội soi dạ dày chẩn đoán HP có giá dao động từ 200.000 đến 4 triệu đồng. 
Chi phí nội soi dạ dày chẩn đoán HP có giá dao động từ 200.000 đến 4 triệu đồng.

2. Chi phí xét nghiệm kiểm tra hơi thở

Đây là xét nghiệm HP không xâm lấn và cho kết quả chính xác cao khoảng 88%. Người bệnh có thể nhận ngay kết quả sau 30 phút.

Chi phí xét nghiệm HP dạ dày thông qua hơi thở dao động từ 500.000 – 1.000.000  VNĐ/lần thực hiện. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ là lựa chọn phù hợp cho những người đã điều trị nhiễm khuẩn HP và cần đánh giá lại kết quả điều trị.

– Quy trình thực hiện:

  • Người bệnh thở vào dụng cụ lấy hơi thở ban đầu.
  • Tiếp đó, bệnh nhân uống một viên hoặc một dung dịch chứa urea và chờ đợi một thời gian.
  • Tiếp tục thở vào dụng cụ lấy hơi thở theo hướng dẫn.
  • Hơi thở được mang đi đánh giá, so sánh nồng độ CO2 giữa 2 mẫu thử để đưa ra kết luận.

– Ưu điểm:

  • Thực hiện dễ dàng, cho kết quả nhanh chóng.
  • Không đau đớn, phù hợp cho cả người già, trẻ em.
  • Kết quả chính xác.

– Nhược điểm:

  • Không thực hiện được với người bệnh đang điều trị bằng thuốc kháng sinh trong vòng 4 tuần gần đây.
  • Không dùng cho phụ nữ có thai, đang cho con bú và trẻ em dưới 6 tuổi vì có thể gây nhiễm xạ.
  • Người có các bệnh lý về tim, phổi cần có sự chỉ dẫn từ bác sĩ.
  • Chi phí cao hơn xét nghiệm phân và xét nghiệm máu. 
Chi phí xét nghiệm HP dạ dày thông qua hơi thở dao động từ 500.000 - 1.000.000  VNĐ/lần.
Chi phí xét nghiệm HP dạ dày thông qua hơi thở dao động từ 500.000 – 1.000.000  VNĐ/lần.

3. Xét nghiệm phân

Chi phí xét nghiệm phân tìm kiếm vi khuẩn HP dao động từ 150.000 – 300.000 VNĐ/lần. Nhược điểm của phương pháp này là cho kết quả chậm và không quan sát được các tổn thương khác ở dạ dày. 

– Quy trình thực hiện:

  • Người bệnh tự lấy mẫu phân cho vào ống đựng được nhân viên y tế cung cấp.
  • Mẫu phân sẽ được đưa đi xét nghiệm.

– Ưu điểm:

  • Phù hợp cho mọi đối tượng.
  • Không gây đau đớn, khó chịu.
  • An toàn, hiệu quả.

– Nhược điểm:

  • Người bệnh cần đảm bảo mẫu phân đúng quy trình, không lẫn các tạp chất khác.
  • Thời gian xét nghiệm mẫu phân cần thực hiện tối đa 30 phút sau khi lấy mẫu, nếu không kết quả có thể sẽ không chính xác.
  • Thời gian chờ kết quả khá lâu.
  • Không quan sát được các tổn thương khác ở dạ dày. 
Chi phí xét nghiệm phân tìm kiếm vi khuẩn HP dao động từ 150.000 - 300.000 VNĐ/lần. 
Chi phí xét nghiệm phân tìm kiếm vi khuẩn HP dao động từ 150.000 – 300.000 VNĐ/lần.

4. Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu phát hiện sự hiện diện của kháng thể HP trong máu có chi phí dao động từ 150.000 – 250.000 VNĐ/lần. 

– Quy trình xét nghiệm:

  • Nhân viên y tế lấy mẫu máu trên cánh tay bệnh nhân.
  • Đưa máu vào ống nghiệm sau đó đưa đi xét nghiệm.

– Ưu điểm:

  • Là phương pháp xét nghiệm HP dạ dày phổ biến.
  • Phù hợp với mọi đối tượng.

– Nhược điểm:

  • Không xác định được tình trạng, mức độ tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa.
  • Không phù hợp với người mắc các bệnh về máu.
  • Không dùng được cho người đang điều trị bằng thuốc kê đơn.
  • Có thể cho kết quả dương tính giả nếu bệnh nhân đang mắc bệnh khác và trong máu có kháng thể.
Xét nghiệm máu phát hiện sự hiện diện của kháng thể HP trong máu có chi phí dao động từ 150.000 - 250.000 VNĐ/lần. 
Xét nghiệm máu phát hiện sự hiện diện của kháng thể HP trong máu có chi phí dao động từ 150.000 – 250.000 VNĐ/lần.

IV. Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm HP dạ dày

Tùy vào loại xét nghiệm HP dạ dày người bệnh thực hiện mà sẽ có các lưu ý khác nhau. Dưới đây là một số lưu ý cơ bản người bệnh cần biết và tuân thủ để  có kết quả xét nghiệm chuẩn xác nhất:

– Không uống đồ uống có cồn, ga trước khi thực hiện xét nghiệm HP dạ dày qua hơi thở.

– Ngừng uống kháng sinh hoặc thuốc có chứa bismuth (ví dụ: Trymo, Ulcersep) 4 tuần trước khi làm xét nghiệm HP dạ dày. 

– Ngưng uống các thuốc trị đau dạ dày nhóm ức chế bơm proton (PPI) như omeprazol, esomeprazol, pantoprazol, rabeprazole khoảng 2 tuần trước khi thực hiện xét nghiệm.

– Đối với xét nghiệm HP qua nội soi dạ dày, người bệnh cần nhịn ăn trong vòng 8 giờ trước thời điểm thực hiện. Không uống các loại nước có màu như cà phê, sữa hoặc các thuốc hỗn dịch có màu đục làm cản trở việc nội soi.

– Xác định đúng các biểu hiện bất thường về tiêu hóa mà bản thân gặp phải.

– Lựa chọn cơ sở y tế uy tín, chất lượng để tiến hành thăm khám.

– Tuân thủ lịch trình khám sức khỏe định kỳ để chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân.

V. Gợi ý địa chỉ xét nghiệm HP dạ dày uy tín – chất lượng 

Bên cạnh việc tìm hiểu xét nghiệm HP dạ dày giá bao nhiêu, người bệnh cũng cần chú ý lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện.

Các xét nghiệm chẩn đoán HP dạ dày hiện đang được thực hiện tại nhiều cơ sở y tế trên cả nước. Tuy nhiên, người bệnh nên tìm đến địa chỉ uy tín, chất lượng tốt, trang thiết bị hiện đại để có kết quả chính xác nhất cũng như đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Dưới đây là một số gợi ý về địa chỉ thực hiện xét nghiệm HP dạ dày tốt người bệnh có thể tham khảo:

  • Tại Hà Nội: Bệnh viện Quân đội 108, Bệnh viện 103, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện 198, Bệnh viện Việt Đức…
  • Tại TPHCM: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 175, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện Nhân Dân 115, Bệnh viện Hòa Hảo, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á…

Khi nghi ngờ bản thân bị nhiễm khuẩn HP dạ dày, bạn không nên băn khoăn về việc xét nghiệm Hp dạ dày giá bao nhiêu mà hãy nhanh chóng đi khám ngay để có hướng xử lý thích hợp. Việc thăm khám tại các cơ sở y tế, bệnh viện uy tín sẽ giúp chẩn đoán bệnh, sàng lọc nguy cơ ung thư dạ dày và có phác đồ điều trị dạ dày Hp thích hợp, hiệu quả. 

Nếu cần được tư vấn thêm các vấn đề liên quan đến bệnh lý dạ dày, bạn có thể liên hệ với dược sĩ của Yumangel qua hotline 1800 1125 (miễn phí cước)  hoặc bình luận ở ngay bên dưới để được dược sĩ giải đáp trực tiếp nhé!

Tài liệu tham khảo:

  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/h-pylori/diagnosis-treatment/drc-20356177
  • https://www.vinmec.com/en/gastroenterology-hepatobiliary/health-news/4-ways-to-test-for-hp-bacteria/
  • https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5987299/
  • https://www.intechopen.com/online-first/1173345
  • https://medlineplus.gov/ency/article/007501.htm
  • https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/h-pylori/symptoms-causes/syc-20356171

Đánh giá
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.