Bệnh nhân viêm loét dạ dày có cần nhập viện khi bệnh ở giai đoạn nặng và có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện các biến chứng như hẹp môn vị, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày và ung thư dạ dày. Đây đều là các biến chứng nguy hiểm, nếu không điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng nên người bệnh tuyệt đối không được chủ quan tự ý điều trị tại nhà.
Mục lục
I. Tìm hiểu viêm loét dạ dày là bệnh gì và thời điểm cần điều trị
Loét dạ dày là vết loét hở hoặc vết thương hở ở niêm mạc dạ dày. Việc phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời giúp giảm thiểu được nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm.
1. Tìm hiểu về bệnh viêm loét dạ dày
Dạ dày là cơ quan của hệ tiêu hóa, nơi thức ăn đi từ thực quản và được phân hủy thêm trước khi chất dinh dưỡng được hấp thụ vào ruột non. Dạ dày sản xuất axit và nhiều loại enzyme phân hủy thức ăn thành các chất đơn giản. Thành bên trong của dạ dày được bảo vệ khỏi axit và enzyme bằng lớp niêm mạc.
Viêm loét dạ dày xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa dịch tiêu hóa do dạ dày sản xuất và các yếu tố khác nhau bảo vệ niêm mạc dạ dày. Các triệu chứng của loét có thể bao gồm chảy máu. Trong một số trường hợp hiếm hoi, loét có thể làm mòn hoàn toàn thành dạ dày.
Nguyên nhân chính gây loét dạ dày là do nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori). Hầu hết những người bị loét dạ dày đều có những vi khuẩn này sống trong đường tiêu hóa của họ. Tuy nhiên, nhiều người có vi khuẩn HP trong dạ dày nhưng không bị loét.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày gồm có: Uống quá nhiều rượu; sử dụng thường xuyên aspirin, ibuprofen, naproxen hoặc các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác; hút thuốc lá hoặc nhai thuốc lá; bị bệnh nặng, chẳng hạn như đang dùng máy thở; điều trị bức xạ. Một tình trạng hiếm gặp, được gọi là hội chứng Zollinger-Ellison, khiến dạ dày sản xuất quá nhiều axit, dẫn đến loét dạ dày và tá tràng.
Có 2 loại là viêm loét dạ dày gồm:
- Viêm loét dạ dày cấp tính: là biểu hiện sưng, viêm đột ngột ở niêm mạc dạ dày, xuất hiện các cơn đau dữ dội và theo từng đợt ngắn.
- Viêm loét dạ dày mạn tính: viêm loét dạ dày cấp tính không được điều trị sẽ khiến tình trạng viêm sưng kéo dài, sau một thời gian sẽ chuyển sang mãn tính. Các tổn thương lan rộng, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: hẹp môn vị, xuất huyết, thủng, ung thư dạ dày.
Các vết loét dạ dày nhỏ có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào và có thể lành mà không cần điều trị. Một số vết loét có thể gây chảy máu nghiêm trọng. Các triệu của viêm loét dạ dày gồm:
- Đau bụng (thường ở giữa bụng trên) là triệu chứng phổ biến. Cơn đau có thể khác nhau ở mỗi người. Một số người không bị đau.
- Cơn đau xảy ra nhiều vào ban đêm và đánh thức bạn dậy; khi bụng đói, thường là 1 đến 3 giờ sau bữa ăn.
- Các triệu chứng khác bao gồm: cảm giác no và khó uống nhiều nước như bình thường; buồn nôn, nôn mửa, phân có máu hoặc sẫm màu, hắc ín, đau ngực, mệt mỏi, nôn mửa, có thể có máu, giảm cân, ợ nóng liên tục…
2. Thời điểm cần điều trị bệnh viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày không phải bệnh lý quá nguy hiểm và khó chữa trị. Tuy nhiên, không vì thế mà mọi người có thể chủ quan vì ở giai đoạn nặng, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Do đó, các bác sĩ khuyến nghị, việc điều trị viêm loét dạ dày nên được thực hiện ở ngay giai đoạn đầu khi nhận thấy các triệu chứng cấp tính. Đây được coi là thời điểm “vàng” điều trị để mang lại hiệu quả tốt nhất, tiết kiệm thời gian công sức và hạn chế tối đa biến chứng.
Các bác sĩ khuyến nghị, việc điều trị viêm loét dạ dày nên được thực hiện ở ngay giai đoạn đầu khi nhận thấy các triệu chứng cấp tính.
Trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ viêm loét dạ dày, bệnh nhân nên chủ động thăm khám sớm với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại các bệnh viện, cơ sở y tế uy tín để được thăm khám, chẩn đoán và nhanh chóng điều trị bệnh đúng cách.
Điều trị viêm loét dạ dày thường sử dụng phương pháp nội khoa (bằng thuốc). Nếu loét dạ dày do vi khuẩn HP, bệnh nhân sẽ cần dùng thuốc kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton (PPI) giúp ngăn chặn các tế bào dạ dày sản xuất axit. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định dùng thêm thuốc chẹn thụ thể H2 (tác dụng ngăn tạo axit), thuốc có chứa bismuth giúp bảo vệ dạ dày.
Trong một số trường hợp bệnh viêm loét dạ dày nặng hoặc phức tạp, bác sĩ có thể chỉ định phương pháp phẫu thuật để điều trị tình trạng viêm loét dạ dày. Đó là các trường hợp: tái phát nhiều lần; loét gây chảy máu, điều trị nội khoa không cầm máu và thủng dạ dày.
II. Viêm loét dạ dày có cần nhập viện không?
Viêm loét dạ dày có cần nhập viện không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và bệnh đã xuất hiện biến chứng chưa. Cụ thể:
1. Trường hợp không cần nhập viện
Thông thường, viêm loét dạ dày nhẹ chưa gây biến chứng sẽ được điều trị tại nhà, không cần nhập viện. Người bệnh có thể chỉ cần thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày hoặc uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
2. Trường hợp cần nhập viện
Người bệnh cần nhập viện ngay để được bác sĩ điều trị kịp thời nếu viêm loét dạ dày gây ra các biến chứng nguy hiểm như hẹp môn vị, xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày và ung thư dạ dày.
Bệnh viêm loét dạ dày nếu không được điều trị ngay sẽ trở thành mãn tính và khó có thể chữa khỏi hoàn toàn. Các biến chứng của viêm loét dạ dày tương đối hiếm gặp nhưng có thể rất nghiêm trọng nếu xảy ra. Cụ thể là:
2.1. Hẹp môn vị
Môn vị là phần cuối cùng của dạ dày và có vị trí nối tiếp với tá tràng. Biến chứng hẹp môn vị xảy ra khi niêm mạc môn vị dày lên, bị chai xơ hoặc xuất hiện khối u, từ đó làm cản trở quá trình lưu thông thức ăn từ dạ dày xuống đường ruột. Hậu quả là gây ra tình trạng ứ đọng thức ăn trong dạ dày nhiều giờ liền và dạ dày trở nên giãn to ra cùng với sự co bóp quá mức.
Khi bị hẹp môn vị, bệnh nhân sẽ vô cùng khó chịu với các triệu chứng sau:
- Đau bụng dữ dội, liên tục và kéo dài.
- Buồn nôn hoặc nôn.
- Thức ăn nôn ra có mùi khó chịu.
- Tiêu chảy.
- Người mệt mỏi, uể oải, đổ mồ hôi, không có năng lượng.
- Bụng bị óc ách khó tiêu thức ăn.
- Sụt cân nhanh.
2.2. Chảy máu trong
Hay còn gọi là xuất huyết dạ dày, xuất huyết tiêu hóa hay xuất huyết đường tiêu hóa. Chảy máu trong là biến chứng thường gặp nhất của loét dạ dày. Biến chứng này có thể xảy ra khi loét phát triển ở vị trí mạch máu.
Chảy máu trong có thể là:
- Chảy máu chậm, lâu dài, dẫn đến thiếu máu: gây mệt mỏi, khó thở , da nhợt nhạt và tim đập nhanh.
- Chảy máu nhanh và nghiêm trọng: khiến người bệnh nôn ra máu hoặc đi ngoài phân có màu đen, dính và giống như nhựa đường.
Khi bị xuất huyết tiêu hóa, người bệnh sẽ nôn ra máu và đi ngoài ra máu. Máu trong dịch tiết có thể có màu đỏ hoặc sẫm.
2.3. Thủng dạ dày
Một biến chứng hiếm gặp hơn của loét dạ dày là niêm mạc dạ dày bị rách, được gọi là thủng dạ dày.
- Lúc đầu, người bệnh sẽ thấy đau thượng vị rất dữ dội, cảm giác như có dao đâm vào bụng, dù có làm thế nào cũng không thể làm dịu cơn đau. Bụng căng tức, chỉ cần thở mạnh cũng khiến cơn đau tăng thêm. Sau đó, từ vùng thượng vị, cơn đau sẽ lan ra khắp bụng.
- Người bệnh sẽ cảm thấy không còn sức lực, mệt mỏi, mặt tái nhợt, tay chân lạnh, đổ mồ hôi, có thể tụt huyết áp.
- Bệnh nhân viêm loét dạ dày có các triệu chứng trên thì rất có thể đã có biến chứng thủng dạ dày, cần đưa người bệnh đến bệnh viện để cấp cứu và phẫu thuật ngay. Tình trạng càng kéo dài thì càng nguy hiểm.
Biến chứng thủng dạ dày rất nghiêm trọng vì nó tạo điều kiện cho vi khuẩn sống trong dạ dày thoát ra ngoài và lây nhiễm vào niêm mạc bụng (phúc mạc). Tình trạng này được gọi là viêm phúc mạc .
Trong viêm phúc mạc, nhiễm trùng có thể nhanh chóng lan vào máu (nhiễm trùng huyết) trước khi lan sang các cơ quan khác. Điều này có nguy cơ gây suy đa cơ quan và có thể gây tử vong nếu không được điều trị.
Triệu chứng phổ biến nhất của viêm phúc mạc là đau bụng đột ngột và ngày càng nặng hơn. Viêm phúc mạc là một cấp cứu y tế cần phải nhập viện. Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể cần thiết.
2.4. Ung thư dạ dày
Loét dạ dày ban đầu là một bệnh lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời và để kéo dài có thể dẫn đến những biến chứng ung thư dạ dày cực kỳ nguy hiểm. Đây là loại ung thư đường tiêu hóa phổ biến nhất.
Biến biến ung thư dạ dày có khả năng xảy ra cao ở những trường hợp bệnh nhân bị nhiễm khuẩn HP, vết loét tiến triển dai dẳng từ 10 năm trở lên.
III. Tại bệnh viện, bệnh nhân viêm loét dạ dày được điều trị thế nào?
Tại bệnh viện, nếu bác sĩ đa khoa cho rằng, các triệu chứng của người bệnh là do nhiễm H. pylori, họ có thể đề xuất một trong các xét nghiệm sau:
- Kiểm tra hơi thở bằng urê: Bệnh nhân sẽ được cho uống đồ uống có chứa urê (một chất hóa học bị phân hủy bởi H.pylori) và sau đó hơi thở của người bệnh sẽ được kiểm tra.
- Xét nghiệm kháng nguyên phân: Một mẫu phân nhỏ được kiểm tra vi khuẩn HP.
- Xét nghiệm máu: Mẫu máu của bệnh nhân sẽ được xét nghiệm để tìm kháng thể đối với vi khuẩn H.pylori (kháng thể là protein được sản xuất tự nhiên trong máu của bệnh nhân và giúp chống lại nhiễm trùng).
- Nội soi dạ dày: Phương pháp này bao gồm việc đưa một ống mỏng, mềm (ống nội soi) có gắn camera qua dạ dày và phần đầu tiên của ruột non (tá tràng). Hình ảnh chụp bằng máy ảnh thường sẽ xác nhận hoặc loại trừ loét. Một mẫu mô nhỏ cũng có thể được lấy từ dạ dày hoặc tá tràng của bạn để có thể xét nghiệm vi khuẩn HP.
Bệnh viêm loét dạ dày thường được điều trị bằng thuốc, nhưng nếu bệnh nhân không đáp ứng với thuốc, phương pháp phẫu thuật có thể được bác sĩ chỉ định.
1. Điều trị nội khoa (bằng thuốc)
Phác đồ điều trị viêm loét dạ dày bằng thuốc sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra nó. Nếu được điều trị đúng cách và kịp thời, hầu hết các vết loét sẽ lành sau vài tháng.
– Nếu vết loét dạ dày là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori), bệnh nhân cần dùng một liệu trình kháng sinh và thuốc ức chế bơm proton (PPI). Phác đồ này cũng được chỉ định cho trường hợp bệnh nhân bị loét dạ dày là do sự kết hợp giữa nhiễm trùng H. pylori và dùng thuốc không gây viêm (NSAID) .
– Nếu vết loét dạ dày chỉ do dùng NSAID thì nên dùng một đợt thuốc ức chế bơm Proton (PPI). Thuốc đối kháng thụ thể H2đôi khi được sử dụng thay cho PPI.
– Đôi khi bệnh nhân có thể được dùng thêm thuốc gọi là thuốc kháng axit để giảm các triệu chứng trong thời gian ngắn.
1.1. Thuốc kháng sinh
Nếu bị nhiễm H.pylori, người bệnh thường sẽ được kê đơn một liệu trình gồm 2 loại thuốc kháng sinh, mỗi loại cần uống 2 lần/ngày trong 1 tuần.
- Các loại kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất là: Amoxicillin, Clarithromycin và Metronidazole.
- Tác dụng phụ của các loại kháng sinh này thường nhẹ và có thể bao gồm: cảm thấy mệt mỏi, tiêu chảy, có vị kim loại trong miệng…
Bệnh nhân sẽ được kiểm tra ít nhất 4 tuần sau khi kết thúc đợt điều trị bằng kháng sinh để xem liệu còn vi khuẩn HP nào còn sót lại trong dạ dày hay không. Nếu có, người bệnh có thể cần một đợt kháng sinh khác nhau.
1.2. Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
PPI hoạt động bằng cách giảm lượng axit mà dạ dày sản xuất, ngăn ngừa tổn thương thêm cho vết loét khi nó tự lành. Chúng thường được kê đơn trong 4 đến 8 tuần.
- Omeprazole, Pantoprazole và Lansoprazole là những loại thuốc PPI được sử dụng phổ biến nhất để điều trị viêm loét dạ dày.
- Tác dụng phụ của những loại thuốc này thường nhẹ, nhưng có thể bao gồm: đau đầu, tiêu chảy hoặc táo bón, mệt, đau bụng, chóng mặt, phát ban… Những tác dụng phụ này sẽ tự hết sau khi điều trị xong.
1.3. Thuốc đối kháng thụ thể H2
Giống như PPI, thuốc đối kháng thụ thể H2 hoạt động bằng cách giảm lượng axit mà dạ dày tạo ra.
- Thuốc đối kháng thụ thể H2 thường dùng trong điều trị viêm loét dạ dày, chẳng hạn như famotidine.
- Tác dụng phụ không phổ biến nhưng có thể bao gồm: tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt, phát ban, mệt mỏi.
1.4. Thuốc kháng axit và alginate
Việc điều trị có thể mất vài giờ trước khi bắt đầu có tác dụng, vì vậy bác sĩ đa khoa có thể khuyên bạn nên dùng thêm thuốc kháng axit để trung hòa axit dạ dày nhanh chóng và làm giảm các triệu chứng trong thời gian ngắn.
- Một số thuốc kháng axit cũng chứa một loại thuốc gọi là alginate, có tác dụng tạo ra lớp phủ bảo vệ trên niêm mạc dạ dày.
- Những loại thuốc này có sẵn để mua không cần kê đơn tại các hiệu thuốc. Dược sĩ của bạn có thể tư vấn về loại nào phù hợp nhất với bạn.
- Tác dụng phụ của cả hai loại thuốc thường không đáng kể và có thể bao gồm: tiêu chảy hoặc táo bón, đầy hơi, xì hơi, co thắt dạ dày, uể oải…
1.5. Lời khuyên khi dùng NSAID
Nếu vết loét dạ dày của bạn là do dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), bác sĩ sẽ muốn xem xét việc bạn sử dụng chúng.
- Bạn có thể được khuyên dùng thuốc giảm đau thay thế không liên quan đến loét dạ dày, chẳng hạn như paracetamol.
- Đôi khi, một loại NSAID thay thế ít gây loét dạ dày hơn, được gọi là chất ức chế COX-2, có thể được khuyến nghị.
- Nếu bạn đang dùng aspirin liều thấp (NSAID) để giảm nguy cơ tắc mạch (cục máu đông ), bác sĩ đa khoa sẽ cho bạn biết liệu bạn có cần tiếp tục dùng thuốc hay không.
- Nếu bạn cần tiếp tục dùng thuốc, có thể kê đơn điều trị lâu dài bằng thuốc đối kháng thụ thể PPI hoặc H2 cùng với aspirin để cố gắng ngăn ngừa vết loét nặng hơn.
2. Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật)
Các vấn đề có thể cần can thiệp phẫu thuật để điều trị bệnh loét dạ dày tá tràng bao gồm:
- Điều trị nội khoa không thành công.
- Biến chứng hẹp môn vị.
- Biến chứng chảy máu dạ dày.
- Biến chứng thủng dạ dày.
- Biến chứng ung thư dạ dày.
Dưới đây là thông tin cụ thể về phương pháp phẫu thuật được áp dụng trong từng trường hợp:
2.1. Điều trị nội khoa không thành công, bệnh dai dẳng hoặc tái phát
Trường hợp người bệnh đã thực hiện điều trị nội khoa nhưng không thành công, bác sĩ sẽ chỉ định mổ dạ dày. Đoạn dạ dày có ổ loét nguy hiểm sẽ được cắt bỏ, tránh nguy cơ bệnh tiến triển nặng, phát triển thành ung thư. Người bệnh sẽ phải nằm viện điều trị trong thời gian khoảng 10 ngày.
Viêm loét dạ dày không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn mặc dù đã điều trị không phẫu thuật có thể cần can thiệp phẫu thuật. Viêm loét dai dẳng, không lành có thể do bệnh sản xuất dịch dạ dày, như hội chứng Zollinger-Ellison hoặc do sự xói mòn niêm mạc dạ dày do ung thư dạ dày.
2.2. Biến chứng hẹp môn vị
Nội soi dạ dày có thể được sử dụng để xác nhận sự tắc nghẽn. Nếu tắc nghẽn là do viêm, có thể sử dụng thuốc ức chế bơm proton (PPI) hoặc thuốc đối kháng thụ thể H2 để giảm nồng độ axit dạ dày cho đến khi tình trạng sưng tấy giảm bớt.
Nếu tình trạng tắc nghẽn là do mô sẹo, có thể cần phải phẫu thuật để điều trị, mặc dù đôi khi có thể điều trị bằng cách luồn một quả bóng nhỏ qua ống nội soi và thổi phồng nó để mở rộng vị trí tắc nghẽn.
Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể tiến hành cắt bỏ đoạn môn vị bị hẹp cùng với một phần của dạ dày. Sau đó, nối trực tiếp dạ dày với phần đầu ruột non, “làm mới” lại một phần đường tiêu hóa.
2.3. Biến chứng chảy máu dạ dày
Với trường hợp bệnh nhân chỉ bị chảy máu tiêu hóa (mức độ ít đến vừa), trước hết sẽ được chữa trị nội khoa bằng cách cầm máu và điều trị bằng thuốc.
Với trường hợp chảy máu nhiều đến khó cầm máu, vết loét chảy máu được điều trị bằng phương pháp nội soi, và nếu chảy máu nhiều và đột ngột, có thể cần phải phẫu thuật khẩn cấp.
2.4. Biến chứng thủng dạ dày
Đối với biến chứng thủng dạ dày, bệnh nhân thường được chỉ định mổ để khâu vết thủng hoặc cắt một phần dạ dày nếu cần thiết.
2.5. Biến chứng ung thư dạ dày
Thông thường, với biến chứng ung thư dạ dày do viêm loét, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt 1 phần dạ dày để tránh phát triển khối u ác tính và di căn không thể cứu chữa.
Trong trường hợp vết loét lan rộng và các tế bào ung thư đã di căn ra toàn bộ dạ dày, sẽ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ và nối trực tiếp thực quản với ruột non.
IV. Bệnh nhân viêm loét dạ dày phải nằm viện bao lâu?
Không có thời gian cụ thể về việc bệnh nhân viêm loét dạ dày cần phải nằm việc trong bao lâu . Vì thời gian nằm viện phụ thuộc vào tình trạng bệnh, biến chứng gặp phải, phương pháp điều trị cũng như khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, nếu cần phải thực hiện phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải nằm viện điều trị trong thời gian khoảng từ 8 – 10 ngày. Sau khi được xuất viện về nhà, người bệnh sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc uống tại nhà, tư vấn cách ăn uống và sinh hoạt để mau chóng phục hồi sức khỏe.
Tóm lại, viêm loét dạ dày có cần nhập viện khi người bệnh thấy xuất hiện dấu hiệu cảnh báo các biến chứng xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị, thủng và ung thư dạ dày. Nếu thấy bị đau bụng đột ngột, dữ dội; bụng cứng, cứng và mềm khi chạm vào; Nôn ra máu hoặc có máu trong phân… người bệnh cần đi khám bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh gây nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng.
Để được tư vấn kỹ hơn về sức khỏe dạ dày, bạn vui lòng gọi đến hotline 1800.1125 (miễn phí cước) để gặp trực tiếp dược sĩ của Yumangel nhé.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534792/
https://www.vinmec.com/en/gastroenterology-hepatobiliary/health-news/4-common-complications-of-peptic-ulcer-disease/
https://www.vinmec.com/vi/gastroenterology-hepatobiliary/health-news/learn-about-peptic-ulcer-disease/?link_type=related_posts
https://www.pennmedicine.org/for-patients-and-visitors/patient-information/conditions-treated-a-to-z/peptic-ulcer-disease
https://www.verywellhealth.com/surgery-for-peptic-ulcers-1741793
https://www.nhs.uk/conditions/stomach-ulcer/complications/
https://benhvienthucuc.vn/viem-loet-da-day-co-phai-mo-khong-goc-giai-dap/#21-Benh-nhan-dieu-tri-noi-khoa-khong-thanh-cong-Viem-loet-da-day-co-phai-mo-khong
http://bvthanhpho.ytethanhhoa.gov.vn/web/trang-chu/khoa-phong-chuc-nang/khoa-lam-sang/khoa-noi-nhi/dieu-tri-noi-khoa-benh-loet-da-day.html#:~:text=N%E1%BA%BFu%20nghi%20ng%E1%BB%9D%20b%E1%BB%8B%20lo%C3%A9t,v%E1%BB%8B%2C%20ung%20th%C6%B0%20d%E1%BA%A1%20d%C3%A0y.
https://bvtamtridongthap.com.vn/vn/dung-chu-quan-voi-benh-viem-loet-da-day.html
https://nhathuoclongchau.com.vn/bai-viet/benh-viem-loet-da-day-co-phai-mo-khong-72325.html
https://benhvienthucuc.vn/trieu-chung-cua-viem-loet-da-day-khi-nao-can-dieu-tri-benh/
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...