Uống giấm táo có hại dạ dày không? Có hai câu trả lời cho thắc mắc này: Một là KHÔNG nếu bạn uống giấm táo đúng cách với lượng vừa phải. Hai là CÓ khi bạn uống trực tiếp giấm táo nguyên chất với lượng quá nhiều và trong thời gian dài khi bụng đói. Lúc này, giấm táo không chỉ gây kích ứng và tổn thương dạ dày mà còn có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ khác như: chậm làm rỗng dạ dày, buồn nôn, tổn thương thực quản, xói mòn men răng…
Mục lục
I. Giấm táo là gì? Thành phần và tác dụng với sức khỏe
Trong nhiều năm, mọi người đã sử dụng giấm táo như một phương thuốc tại nhà cho mọi thứ, từ chống lại vi khuẩn đến ngăn ngừa chứng ợ nóng. Gần đây hơn, nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể có một số lợi ích thực sự cho sức khỏe, chẳng hạn như giúp giảm lượng đường trong máu và hỗ trợ giảm cân.
1. Định nghĩa
Giấm táo (ACV) là một loại giấm được làm từ táo lên men nghiền nát, men và đường. Nó được sử dụng như một thành phần trong các loại thực phẩm như nước sốt trộn salad, dưa chua và nước xốt ướp.
2. Thành phần
Nấm men chuyển hóa đường trong táo thành rượu. Sau đó, vi khuẩn được thêm vào hỗn hợp và lên men rượu thành axit axetic. Axit axetic chiếm 5–6% giấm táo. Nó được phân loại là “axit yếu” nhưng vẫn có tính axit khá mạnh khi cô đặc. Ngoài axit axetic, giấm còn chứa nước và một lượng nhỏ axit, vitamin và khoáng chất khác.
Giấm táo là nguồn cung cấp tuyệt vời:
- Kali.
- Magiê.
- Canxi.
- Phốt pho.
Giấm táo cũng có thể là nguồn chất chống oxy hóa tốt. Giấm càng sẫm màu thì chất chống oxy hóa càng nhiều trong chất lỏng. Giấm sẫm màu thường ít tinh chế hơn giấm nhạt màu, với các hợp chất lành mạnh trong chất lỏng ảnh hưởng đến hương vị và màu sắc.
3. Tác dụng
Một số nghiên cứu cho thấy, giấm táo mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, cụ thể gồm:
– Giảm cân: Một nghiên cứu cho thấy,uống 1-2 thìa canh giấm táo mỗi ngày giúp những người theo chế độ ăn ít calo giảm được vài cân thừa. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, axit axetic trong giấm có thể làm tăng tốc quá trình trao đổi chất , nhưng dữ liệu không chứng minh được điều này. Có thể mọi người giảm cân nhiều hơn do hiệu ứng giả dược. Hoặc có lẽ axit axetic khiến họ buồn nôn, khiến họ ăn ít hơn.
– Có thể làm giảm cholesterol: Một nghiên cứu nhỏ báo cáo rằng, giấm táo có thể làm giảm tổng lượng cholesterol của những đối tượng nghiên cứu đã dùng nó. Nó cũng làm tăng cholesterol “tốt” của họ và làm giảm mức triglyceride (chất béo trong máu). Các nghiên cứu khác đã có những phát hiện tương tự
– Có thể làm giảm lượng đường trong máu: Một số nghiên cứu nhỏ hơn đã báo cáo rằng, uống một hoặc hai thìa canh giấm táo có thể làm giảm lượng đường trong máu.
– Tác dụng khác: Một số tác dụng khác của giấm táo có thể kể đến như giúp hạ huyết áp, giảm trào ngược axit, giảm bệnh chàm, diệt vi khuẩn, cải thiện sức khỏe của tóc…
II. Uống giấm táo có hại dạ dày không?
Uống giấm táo có hại dạ dày không phụ thuộc vào cách bạn sử dụng giấm táo đúng hay sai. Cụ thể:
1. Trường hợp không
Uống giấm táo đúng cách không gây hại dạ dày như nhiều người vẫn lo lắng. Ngược lại, giấm táo chứa đầy đủ vi khuẩn có lợi, loại giấm có tính axit tự nhiên này được cho là có nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là đối với dạ dày và đường ruột của bạn.
Người ta cho rằng, não và ruột của bạn được kết nối với nhau. Đôi khi điều này được gọi là trục ruột-não. Não và ruột của bạn đôi khi có thể phản ứng với nhau và có thể gây ra các triệu chứng khác nhau. Việc hỗ trợ sức khỏe đường ruột có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể và tinh thần.
Hãy cùng khám phá xem giấm táo có thể có lợi cho dạ dày của bạn như thế nào ngay dưới đây:
– Giảm đầy hơi: Đầy hơi là một quá trình bình thường của dạ dày, thường do tích tụ khí. Bạn có thể nhận thấy khi bị đầy hơi, căng ở dạ dày hoặc bụng dưới. Đầy hơi thường do 1 trong 3 nguyên nhân sau: không dung nạp thực phẩm và/hoặc thói quen ăn uống, thay đổi hormone hoặc các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.
Hàm lượng vi khuẩn trong giấm táo được cho là giúp hỗ trợ hệ vi sinh đường ruột . Vào năm 2021, một nghiên cứu trường hợp đã báo cáo rằng giấm táo được sử dụng như một phần của phương pháp điều trị kết hợp bao gồm việc tiêu thụ 1-2 thìa cà phê ACV trước bữa ăn để điều trị các vấn đề về đường tiêu hóa. Tuy nhiên, do bản chất kết hợp của các phương pháp điều trị được đưa ra, các nhà nghiên cứu không thể nói chắc chắn rằng yếu tố nào của phương pháp điều trị có hiệu quả.
– Cân bằng vi khuẩn đường ruột: Giấm táo chứa prebiotic và probiotic giúp vi khuẩn có lợi phát triển trong ruột. Vi khuẩn có lợi trong ruột giúp phân hủy thức ăn thành các chất dinh dưỡng mà cơ thể có thể sử dụng. Khi có sự kết hợp lành mạnh của những vi khuẩn này, nó có thể tăng cường hệ thống miễn dịch. Điều này có nghĩa là cơ thể bạn có thể phân biệt được giữa vi khuẩn có hại và vi khuẩn có lợi. Và điều này giúp ngăn ngừa bệnh tật, chẳng hạn như các rối loạn tự miễn dịch.
– Giúp tiêu hóa tốt hơn: Nhiều người dùng giấm táo tin rằng, hàm lượng axit axetic trong giấm táo có thể giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là thực phẩm giàu protein. Một nghiên cứu thí điểm năm 2007 cho thấy, giấm táo có hiệu quả trong việc tăng tốc độ làm rỗng dạ dày.
– Hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày thực quản: Giấm táo là một phương thuốc dân gian phổ biến cho bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Giấm táo chứa lượng lớn các acid yếu như acid acetic, acid lactic và acid citric… nên có thể bù đắp sự thiếu hụt acid tiêu hóa, thúc đẩy chuyển hóa các thực phẩm khó tiêu. Nhờ đó, giảm thiểu kích thích dạ dày dẫn đến trào ngược.
2. Trường hợp có
Giấm táo có tính axit nên có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và gây khó chịu hoặc đau khi bạn sử dụng không đúng. Cụ thể, uống giấm táo có thể gây hại dạ dày trong các trường hợp sau:
- Lạm dụng uống quá nhiều giấm táo và trong thời gian dài.
- Uống trực tiếp giấm táo nguyên chất, không pha loãng.
- Uống giấm táo lúc bụng đói và trống rỗng.
Ngoài việc gây kích ứng dạ dày, uống giấm táo sai cách đã được báo cáo là gây ra một số tác dụng phụ khác như:
– Làm trầm trọng thêm triệu chứng trào ngược acid dạ dày: Theo chuyên gia dinh dưỡng, giấm táo nằm trong khoảng từ 2-3 trên thang độ acid từ 0-7 (0 là mức acid cao nhất).Việc bổ sung nhiều acid hơn vào chế độ ăn uống sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề sẵn có. Nhiều giấm táo tương đương với nhiều acid dạ dày hơn và lượng acid dạ dày nhiều hơn làm tăng cảm giác nóng rát đối với những người đã từng bị ợ nóng hoặc trào ngược.
– Chậm làm rỗng dạ dày: Các nghiên cứu nhỏ ở người cho thấy, giấm táo có thể làm giảm tốc độ thức ăn rời khỏi dạ dày và đi vào đường tiêu hóa dưới. Điều này có thể làm chậm quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng vào máu.
– Tác dụng phụ về tiêu hóa: Uống quá nhiều giấm táo có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn trong ruột. Điều này có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa, như tiêu chảy hoặc đầy hơi.
– Tổn thương thực quản: Vì có hàm lượng axit cao, giấm táo có thể gây kích ứng tổn thương thực quản (ống nối cổ họng và dạ dày) nếu bạn uống trực tiếp hoặc uống quá nhiều. Giấm có thể làm hỏng niêm mạc, dẫn đến loét, chảy máu, đau và thậm chí là nhiễm trùng.
– Ăn mòn men răng: Mố nghiên cứu cho thấy, axit axetic trong giấm cũng có thể làm hỏng men răng. Uống giấm táo nguyên chất có thể làm tổn thương răng và gây ê buốt hoặc sâu răng.
– Nồng độ kali thấp và loãng xương: Có một báo cáo về trường hợp lượng kali trong máu thấp và mất xương được cho là do dùng liều lượng lớn giấm táo trong thời gian dài.
Cụ thể, một phụ nữ 28 tuổi tiêu 1 cốc giấm táo pha loãng với nước hàng ngày trong 6 năm. Sau đó, cô phải nhập viện trong tình trạng nồng độ kali thấp và các bất thường khác về thành phần hóa học trong máu. Hơn nữa, người phụ nữ này còn được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương, một tình trạng khiến xương giòn và hiếm gặp ở người trẻ tuổi.
Các bác sĩ điều trị cho người phụ nữ này tin rằng, liều lượng lớn giấm táo hàng ngày đã khiến các khoáng chất bị lọc ra khỏi xương để đệm tính axit trong máu của cô. Họ cũng lưu ý rằng nồng độ axit cao có thể làm giảm sự hình thành xương mới do bệnh nhân đã uống lượng nhiều trong nhiều năm.
– Hạ đường huyết: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng giấm táo có tác dụng hạ đường huyết . Điều này có nghĩa là nếu bạn dùng thuốc điều trị bệnh tiểu đường, nó có thể làm giảm lượng đường trong máu xuống mức nguy hiểm. Đây được gọi là hạ đường huyết.
III. Cách uống giấm táo an toàn, không gây hại dạ dày
Hầu hết mọi người có thể tiêu thụ lượng giấm táo hợp lý một cách an toàn, không gây hại bằng cách làm theo những hướng dẫn chung sau:
1. Liều lượng
Liều thông thường là khoảng 15–30 ml giấm táo mỗi ngày. Lạm dụng uống nhiều giấm táo trong thời gian dài có thể gây kích ứng cổ họng và dạ dày, thậm làm bỏng thực quản, hỏng men răng nếu bạn không pha loãng khi uống.
2. Pha loãng với nước
Bạn nên pha loãng giấm táo với nước trước khi uống. Không uống trực tiếp giấm táo nguyên chất.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng giấm táo như một gia vị trong các món ăn, nước sốt ướp hoặc salad.
3. Thời điểm uống
Không nên uống giấm táo khi bụng đang đói và trống rỗng vì điều này có thể khiến dạ dày bị kích ứng. Thời điểm lý tưởng nhất để uống giấm táo là ngay trước bữa ăn, sau bữa ăn khoảng 1-2 tiếng hoặc trước khi đi ngủ.
4. Bắt đầu với lượng nhỏ
Nên bắt đầu với một lượng nhỏ và tăng dần dần tăng lên tối đa 30ml mỗi ngày, thuộc vào khả năng dung nạp của bạn. Điều này giúp cơ thể có thời gian thích ứng với sự có mặt của giấm táo.
Khi sử dụng giấm táo, nếu có cảm giác đau và nóng rát bụng thì cần giảm lượng giấm táo xuống cho lần sử dụng sau đó.
IV. Lưu ý quan trọng khác giúp sử dụng giấm táo hiệu quả và an toàn
Một số lưu ý khác cần tuân thủ dưới đây sẽ giúp bạn sử dụng giấm táo an toàn và hiệu quả gồm:
1. Theo dõi phản ứng
Tuy hiếm gặp, nhưng nếu bạn gặp phản ứng dị ứng với giấm táo, hãy ngừng dùng ngay lập tức. Trong quá trình sử dụng giấm táo (nhất là giai đoạn đầu), việc theo dõi phản ứng là điều quan trọng để có cách xử lý kịp thời.
Giấm táo có thể khiến một số người bị khó tiêu hoặc buồn nôn sau khi uống. Nếu gặp những triệu chứng này, hãy ngừng sử dụng ngay.
2. Tương tác thuốc
Một số loại thuốc có thể tương tác với giấm táo gồm:
- Thuốc trị tiểu đường: Những người dùng insulin hoặc thuốc kích thích insulin và tiêu thụ giấm có thể bị hạ đường huyết hoặc kali ở mức nguy hiểm.
- Digoxin (Lanoxin): Thuốc này làm giảm nồng độ kali trong máu. Dùng digoxin kết hợp với giấm táo có thể làm giảm lượng kali của bạn quá nhiều.
- Một số loại thuốc lợi tiểu: Một số loại thuốc lợi tiểu khiến cơ thể bài tiết kali. Để ngăn mức kali giảm quá thấp, không nên dùng những loại thuốc này với một lượng lớn giấm.
3. Đối tượng tránh sử dụng
– Người bị dị ứng với giấm táo.
– Nếu bạn có nồng độ kali thấp hạ kali máu, uống quá nhiều giấm táo có thể khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Đó là vì lượng lớn có thể làm giảm nồng độ kali.
– Tránh lạm dụng giấm táo nếu bạn bị bệnh thận vì thận của bạn có thể không xử lý được lượng axit cao.
– Hãy cân nhắc tránh dùng giấm táo nếu đang bị bệnh liệt dạ dày. Tránh dùng giấm táo hoặc giới hạn lượng ở mức 1 thìa cà phê (5ml) hòa vào nước hoặc nước sốt salad.
– Người đang dùng một loại thuốc có thể tương tác với giấm táo, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc trị tiểu đường.
4. Bảo quản
Vì giấm táo có tính axit cao nên vẫn an toàn khi sử dụng trong thời gian rất dài. Nhưng hương vị và hình thức của giấm táo có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy tốt nhất là sử dụng trong vòng 2-3 năm sau khi mua.
Bạn không cần phải cho vào tủ lạnh sau khi mở. Thay vào đó, hãy cất trong tủ đựng thức ăn hoặc tủ bếp, tránh ánh nắng trực tiếp. Hãy bảo quản giấm táo trong hộp thủy tinh hoặc nhựa, đậy nắp thật kín khi không sử dụng để hơi ẩm không xâm nhập.
5. Lưu ý khác
– Để giảm thiểu tiếp xúc răng với axit axetic trong giấm táo, hãy pha loãng giấm trong nước và uống bằng ống hút.
– Súc miệng với nước sau khi uống.
– Để tránh làm men răng bị tổn thương thêm, hãy đợi ít nhất 30 phút sau khi uống giấm táo mới đánh răng.
– Nếu bạn dùng viên nén, viên nén, bột hoặc kẹo dẻo giấm táo, hãy bắt đầu bằng cách hỏi bác sĩ về liều lượng bạn nên dùng. Thực hiện theo hướng dẫn trên bao bì, vì liều lượng có thể khác nhau tùy theo nhãn hiệu.
– Nên chọn mua giấm táo có thương hiệu và nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng cũng như độ an toàn.
Tóm lại, uống giấm táo có hại dạ dày không phụ thuộc chủ yếu vào cách bạn sử dụng thực phẩm này. Khi sử dụng đúng, giấm táo không những không gây hại dạ dày mà còn hỗ trợ điều trị trào ngược dạ dày, giảm đầy hơi và tốt cho tiêu hóa. Ngược lại, nếu dùng sai cách, giấm táo có thể gây kích ứng dạ dày, làm trầm trọng hơn bệnh trào ngược dạ dày thực quản, làm chậm rỗng dạ dày và một số tác dụng phụ khác. Do đó, điều quan trọng là trước khi uống giấm táo bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể về cách dùng đúng và an toàn cho sức khỏe nhé.
Để được tư vấn kỹ hơn về sức khỏe và bệnh dạ dày, bạn vui lòng gọi đến hotline miễn cước 1800.1125 nhé!
Tài liệu tham khảo:
https://www.webmd.com/diet/apple-cider-vinegar-and-your-health
https://www.goodrx.com/well-being/gut-health/apple-cider-vinegar-gut-health
https://www.hollandandbarrett.com/the-health-hub/vitamins-and-supplements/supplements/apple-cider-vinegar-supps/apple-cider-vinegar-stomach-benefits/
https://www.healthline.com/nutrition/apple-cider-vinegar-side-effects
https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-dinh-duong-canh-bao-9-tac-hai-cua-giam-tao-khi-uong-qua-nhieu-169231121112359319.htm
https://www.nhathuocankhang.com/ban-tin-suc-khoe/cach-dung-lieu-dung-va-luu-y-khi-su-dung-giam-tao-1386101#hmenuid7
https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/lieu-dung-giam-tao-ban-nen-uong-bao-nhieu-moi-ngay-vi
Chưa có bình luận!