[Giải đáp] Bị rối loạn tiêu hóa có nên uống sữa không?

Rối loạn tiêu hóa là tình trạng phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và chế độ ăn uống hàng ngày. Nhiều người băn khoăn rằng khi đang bị rối loạn tiêu hóa có nên uống sữa không, đặc biệt là khi đây là nguồn dinh dưỡng quen thuộc. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ về vấn đề trên.

I. Bị rối loạn tiêu hóa có nên uống sữa không?

Khi bị rối loạn tiêu hóa bạn không nên uống sữa, có thể sữa sẽ làm cho tình trạng rối loạn tiêu hóa của bạn càng trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt đối tượng có biểu hiện của rối loạn tiêu hóa nặng như tiêu chảy, đầy bụng, chướng hơi… thì việc uống sữa, đặc biệt là sữa bò có chứa lactose, có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn. 

Lý do là cơ thể không sản xuất đủ enzym lactase để phân giải lactose – dẫn đến hiện tượng lên men, đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng.  Ngoài ra, sữa nguyên kem hoặc sữa nhiều chất béo cũng có thể gây cảm giác nặng bụng, khó chịu và không thích hợp trong thời điểm hệ tiêu hóa đang bị rối loạn. 

Với trẻ nhỏ, người cao tuổi hoặc người có hệ tiêu hóa yếu, việc sử dụng sữa trong giai đoạn này này cần được cân nhắc kỹ. Thay vì sử dụng sữa bò bạn có thể lựa chọn sữa chua, sữa thực vật như sữa đậu nành, sữa yến mạch, sữa hạnh nhân… cũng là lựa chọn đáng cân nhắc vì chúng không chứa lactose, dễ hấp thu và ít gây kích ứng hệ tiêu hóa. Nên ưu tiên sữa không đường hoặc ít đường để giảm nguy cơ lên men trong ruột.

II. Gợi ý sữa phù hợp cho người rối loạn tiêu hóa

Không phải loại sữa nào cũng phù hợp với người bị rối loạn tiêu hóa. Để tránh làm nặng thêm các triệu chứng như đầy hơi, tiêu chảy hay đau bụng, người bệnh nên cân nhắc kỹ trước khi chọn sữa. 

1. Sữa chua

Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn probiotics – đặc biệt có lợi trong việc cải thiện hệ vi sinh đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa và giảm tình trạng rối loạn. Nhờ quá trình lên men, phần lớn lactose trong sữa đã được phân giải, giúp người tiêu hóa kém hấp thu dễ hơn. Bệnh nhân nên chọn sữa chua không đường, tránh loại có trái cây hoặc phụ gia.

2. Sữa không chứa lactose

Nếu bạn có dấu hiệu không dung nạp lactose (đầy hơi, tiêu chảy sau khi uống sữa bò), thì sữa không lactose là lựa chọn lý tưởng. Loại sữa này vẫn giữ lại protein và khoáng chất cần thiết nhưng giúp cơ thể hấp thu dễ dàng hơn, tránh gây áp lực lên đường ruột.

3. Sữa thực vật

Các loại sữa như đậu nành, yến mạch, hạnh nhân, gạo… không chứa lactose, dễ tiêu hóa và ít gây kích ứng. Tuy nhiên, hãy ưu tiên loại nguyên chất, không đường, không chất tạo ngọt nhân tạo để không ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn tiêu hóa.

4. Sữa tách béo

Nếu bạn vẫn muốn dùng sữa bò nhưng lo ngại về cảm giác đầy bụng, hãy chọn loại sữa tách béo hoặc ít béo. Hàm lượng chất béo thấp trong sữa giúp giảm tải cho hệ tiêu hóa, đặc biệt phù hợp với người lớn tuổi hoặc người bị rối loạn tiêu hóa.

III. Lưu ý khi uống sữa trong giai đoạn rối loạn tiêu hóa

Người bị rối loạn tiêu hóa khi uống sữa cần chú ý một số vấn đề sau để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng từ sữa mà không gây tác dụng phụ:

  • Uống sau bữa ăn từ 30–60 phút: Giúp giảm kích ứng dạ dày và hấp thu tốt hơn.
  • Tránh uống sữa lạnh: Sữa lạnh dễ gây co bóp dạ dày, làm tăng cảm giác khó chịu.
  • Không uống quá nhiều: Dùng lượng vừa phải để tránh “quá tải” cho hệ tiêu hóa.
  • Theo dõi phản ứng cơ thể: Nếu có dấu hiệu bất thường sau khi uống sữa (đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng), cần ngưng sử dụng và đổi loại sữa khác phù hợp hơn.

V. Một số câu hỏi thường gặp

1. Người bị tiêu chảy có nên uống sữa không?

Thông thường, khi bị tiêu chảy, bạn nên hạn chế uống sữa tươi hoặc sữa có chứa lactose, vì lúc này hệ tiêu hóa đang nhạy cảm và khó phân giải đường lactose – dễ khiến tình trạng tiêu chảy kéo dài hoặc nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, sữa hạt (sữa đậu nành, sữa yến mạch…) hoặc sữa chua có men sống lại là lựa chọn tốt, giúp bổ sung lợi khuẩn và phục hồi đường ruột.

2. Sữa tươi và sữa chua – Loại nào tốt hơn cho người tiêu hóa yếu?

Khi bị rối loạn tiêu hóa, sữa chua là lựa chọn tốt hơn sữa tươi vì chứa lợi khuẩn probiotics giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Ngoài ra, lactose trong sữa chua đã được lên men, giúp giảm nguy cơ đầy hơi, tiêu chảy và dễ tiêu hóa hơn. Ngược lại, sữa tươi – đặc biệt là sữa nguyên kem hoặc có lactose – có thể gây chướng bụng, khó chịu nếu hệ tiêu hóa đang yếu. Vì vậy, nên ưu tiên sữa chua khi hệ tiêu hóa không ổn định.

3. Có nên dùng sữa thực vật khi bị đầy hơi chướng bụng?

Có. Sữa thực vật như sữa đậu nành, sữa hạnh nhân hay sữa yến mạch là lựa chọn nhẹ nhàng và dễ tiêu hóa khi bạn bị đầy hơi hoặc chướng bụng. Bởi chúng không chứa lactose – thành phần thường gây khó chịu cho hệ tiêu hóa ở nhiều người. 

Tuy nhiên, để tránh gây khó chịu bạn không nên dùng các loại sữa thực vật có thêm đường hoặc chất tạo ngọt nhân tạo, đồng thời ưu tiên sản phẩm nguyên chất, không phụ gia hóa học.

Lời kết: Bị rối loạn tiêu hóa có nên uống sữa không? Và câu trả lời là bạn không cần phải loại bỏ hoàn toàn sữa khỏi chế độ ăn uống. Tuy nhiên, bạn cần chọn đúng loại sữa phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình và sử dụng với liều lượng hợp lý. Trong mọi trường hợp, nếu cơ thể có phản ứng bất thường sau khi uống sữa, nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để có hướng điều chỉnh phù hợp.

Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…

0/5 (0 lượt bình chọn)