Skip to main content

7 biện pháp phòng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cực hiệu quả nên áp dụng ngay

Bệnh viêm loét dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến ăn uống, sinh hoạt và công việc của người bệnh, nặng hơn nữa là ung thư dạ dày. Phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh, bạn có thể phòng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng bằng cách ngăn ngừa nhiễm H.pylori, không lạm dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) kết hợp thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt hàng ngày khoa học lành mạnh hơn. 

Đôi nét về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm, loét xảy ra ở niêm mạc dạ dày, ruột non hoặc thực quản. Khi vết loét ở dạ dày, nó được gọi là loét dạ dày. Loét ở phần đầu của ruột non (tá tràng) được gọi là loét tá tràng. Theo medcare.ae, có hai yếu tố chính trực tiếp dẫn đến sự phá vỡ lớp màng nhầy bảo vệ gồm:

Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori/HP): Khoảng 50% dân số thế có vi khuẩn H. pylori sống trên màng nhầy của ruột non và dạ dày. Nhiễm H. pylori có thể khiến dạ dày tăng nồng độ axit và làm xói mòn lớp chất nhầy, sự kết hợp của hai điều này dẫn đến tình trạng viêm mô.

Thuốc giảm đau: Việc sử dụng thường xuyên các loại thuốc giảm đau, được y học gọi là thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS), chẳng hạn như ibuprofen và aspirin, có thể gây loét dạ dày, đặc biệt là loét dạ dày. Nhóm thuốc này ức chế khả năng bổ sung lớp chất nhầy bảo vệ của dạ dày, làm tăng khả năng axit dạ dày tạo ra vết loét hở ở bề mặt bên trong. Mặt khác, thuốc NSAIDS cũng làm giảm lưu lượng máu đến dạ dày, làm giảm khả năng tự chữa lành của dạ dày.

Ngoài ra, còn có rất nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ dẫn đến viêm loét dạ dày như: ăn uống không khoa học; sinh hoạt thiếu lành mạnh; căng thẳng stress kéo dài; thừa cân, béo phì…

Viêm loét dạ dày tá tràng xảy ra khi axit trong dịch tiêu hóa bào mòn lớp mô bên trong của dạ dày, thực quản hoặc tá tràng và tạo ra vết loét hở đau đớn. 
Viêm loét dạ dày tá tràng xảy ra khi axit trong dịch tiêu hóa bào mòn lớp mô bên trong của dạ dày, thực quản hoặc tá tràng và tạo ra vết loét hở đau đớn.

Dưới đây là thông tin chi tiết hơn về từng biện pháp phòng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng:

I. Phòng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng: Ngăn ngừa nhiễm H.pylori

Trang my.clevelandclinic.org cho hay, gần một nửa dân số thế giới mắc bệnh bị nhiễm vi khuẩn H.pylori sống trong dạ dày và/hoặc tá tràng. 

Ở hầu hết mọi người, vi khuẩn HP tường như không gây ra rắc rối gì. Nhưng nếu nó phát triển quá mức, làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên của vi khuẩn sống ở đó, nó có thể gây ra phản ứng viêm. Tình trạng viêm mãn tính ở niêm mạc dạ dày tá tràng tạo điều kiện cho vi khuẩn HP tấn công lớp lót dẫn đến loét.

Vi khuẩn H. pylori có thể lây từ người này sang người khác. H. pylori được tìm thấy trong nước bọt, mảng bám trên răng và phân. Nhiễm trùng có thể lây lan qua hôn và truyền vi khuẩn từ tay của những người chưa rửa kỹ sau khi đi tiêu. Các nhà khoa học cho rằng, H. pylori cũng có thể lây lan qua nước và thực phẩm bị nhiễm H. pylori .

Bạn có thể giảm nguy cơ nhiễm H. pylori bằng cách:

1. Uống nước sạch

Uống nước sạch và sử dụng nước sạch trong quá trình chế biến thức ăn: Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn sống ở những khu vực trên thế giới được biết là có nguồn nước bị ô nhiễm.

2. Rửa tay

Rửa tay kỹ (20 giây) bằng xà phòng và nước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Điều này giúp hạn chế hiệu quả nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn HP. 

3. Sử dụng thực phẩm sạch, nấu chín kỹ

Chỉ sử dụng nguồn thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Không dùng thực phẩm mập mờ về xuất xứ và không đảm bảo về chất lượng. Khi chế biến thực phẩm cần đảm bảo nấu chín ký, đặc biệt là thịt. 

4. Chủ động xét nghiệm

Tất cả bệnh nhân có triệu chứng tiêu hóa mãn tính có thể liên quan đến nhiễm H. pylori nên được xét nghiệm và điều trị để tránh phơi nhiễm cho các thành viên trong gia đình.

Ngăn ngừa nhiễm H.pylori là biện pháp phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng hiệu quả.
Ngăn ngừa nhiễm H.pylori là biện pháp phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng hiệu quả.

II. Phòng tránh viêm loét dạ dày tá tràng: Không lạm dụng thuốc NSAIDS

Lạm dụng NSAID (thuốc chống viêm không steroid) là 1 trong 2 nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày tá tràng cùng với nhiễm khuẩn HP. 

NSAID là thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) phổ biến, bao gồm aspirin và ibuprofen. Vì không cần kê đơn mọi người thường dùng quá nhiều và quá thường xuyên nhóm thuốc này. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất hóa học bên trong dạ dày và tá tràng. Thuốc NSAID ức chế prostaglandin –  có tác dụng sửa chữa tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. 

1. Cơ chế thuốc NSAID gây viêm loét dạ dày tá tràng

Theo trang verywellhealth.com, NSAID có thể gây loét dạ dày tá tràng bằng cách cản trở khả năng tự bảo vệ của dạ dày khỏi axit dạ dày. Đồng thời làm chậm quá trình sản xuất chất nhầy bảo vệ trong dạ dày và thay đổi cấu trúc của nó.

Một loại lipid do cơ thể tạo ra gọi là prostaglandin có tác dụng lên các thụ thể đau. NSAID có tác dụng giảm đau bằng cách ngăn chặn các enzyme có liên quan đến việc sản xuất một số tuyến tiền liệt nhất định. Prostaglandin cũng có tác dụng bảo vệ lớp niêm mạc của dạ dày, khi chúng cạn kiệt, lớp niêm mạc đó có thể bị rách.

Việc ức chế khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể chống lại axit dạ dày có thể dẫn đến viêm niêm mạc dạ dày. Theo thời gian, điều này có thể gây vỡ mạch máu mao mạch, gây chảy máu và phát triển vết loét hở ở niêm mạc.

2. Biện pháp phòng ngừa

Để phòng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng do NSAID, bạn nên sử dụng thuốc NSAID theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ: 

  • Nếu đang có thói quen kiểm soát cơn đau nhức hàng ngày bằng NSAID, hãy đảm bảo rằng không dùng nhiều hơn liều khuyến cáo. 
  • Nếu đã mắc bệnh loét dạ dày, người bệnh không nên dùng NSAID. Nhưng nếu buộc phải sử dụng, hãy dùng thuốc cùng với một loại thuốc khác để bảo vệ niêm mạc dạ dày tá tràng.
Để phòng ngừa viêm loét dạ dày do nsaid, bạn nên sử dụng thuốc NSAID theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.
Để phòng ngừa viêm loét dạ dày do nsaid, bạn nên sử dụng thuốc NSAID theo chỉ dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

III. Phòng bệnh viêm loét dạ dày: Quản lý căng thẳng, stress  

Cuộc sống hiện đại với rất nhiều áp lực trong học tập, công việc khiến nhiều người bị viêm loét dạ dày tá tràng do căng thẳng. Nguyên nhân là do khi tâm lý và tinh thần bị căng thẳng, dạ dày sẽ tăng tiết acid nhiều hơn, làm tăng nguy cơ gây viêm, loét.

Trang verywellhealth.com cho hay, mặc dù loét dạ dày tá tràng là do vi khuẩn H. pylori gây ra  nhưng căng thẳng cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Một nghiên cứu năm 2016 trên 17.525 cư dân của một cộng đồng ở Đan Mạch cho thấy, những người có mức độ căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày cao nhất có nguy cơ mắc bệnh loét dạ dày cao hơn. 

Điều này có thể là do những người đang bị căng thẳng có thể chuyển sang các cơ chế đối phó không lành mạnh, chẳng hạn như uống rượu, hút thuốc lá hoặc ăn một chế độ ăn uống không lành mạnh. Tất cả những điều này cũng làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng hoặc làm trầm trọng thêm các triệu chứng ở những đã bị viêm loét dạ dày.

Thực tế, không phải trường hợp stress nào cũng gây viêm loét dạ dày. Nhưng chắc chắn rằng, khi căng thẳng stress kéo dài, hệ tiêu hóa sẽ trở nên tồi tệ hơn. Tình trạng này nếu diễn ra trong thời gian dài sẽ gây viêm loét dạ dày.

1. Lời khuyên giúp giảm căng thẳng

Do đó, quản lý căng thẳng, stress tốt cũng giúp phòng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng. Dưới đây là một số khuyên có thể giúp bạn tránh xa căng thẳng:

  • Giữ thái độ tích cực, chấp nhận những việc bạn không thể kiểm soát.
  • Dành thời gian cho sở thích cá nhân: xem phim, đi du lịch, đọc sách…
  • Đừng dựa vào rượu, bia, chất kích thích hoặc các hành vi cưỡng chế để giảm căng thẳng. Rượu bia và chất kích thích có thể khiến tình trạng căng thẳng nghiêm trọng hơn.
  • Nói chuyện với nhà tâm lý học hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để tìm hiểu những cách lành mạnh hơn để đối phó với căng thẳng trong cuộc sống.
Quản lý căng thẳng, stress tốt cũng giúp phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng. 
Quản lý căng thẳng, stress tốt cũng giúp phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng.

2. Thay đổi lối sống hỗ trợ kiểm soát căng thẳng

Một số thay đổi về lối sống cũng hỗ trợ kiểm soát căng thẳng hiệu quả, cụ thể:

– Tập thể dục: Tập thể dục kích thích cơ thể tiết ra một số hormone như endorphin và endocannabinoids giúp an thần, ngăn chặn cơn đau và cải thiện giấc ngủ. Một số nghiên cứu cho thấy, những người tập thể dục cũng có xu hướng cảm thấy bớt lo lắng và lạc quan hơn. Khi cơ thể cảm thấy dễ chịu, tâm cũng tốt hơn. Bạn có thể giảm căng thẳng với các bài tập như bơi lộ, chạy bộ, đạp xe, thể dục nhịp điệu, khiêu vũ… 

– Ăn kiêng: Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm tác động của căng thẳng, xây dựng hệ thống miễn dịch, điều chỉnh tâm trạng và giảm huyết áp. Để giữ sức khỏe và cân bằng, hãy tìm các loại carbohydrate phức hợp, protein nạc, axit béo có trong cá , thịt, trứng và các loại hạt. Hạn chế tiêu thụ chất béo, đường, đồ ăn vặt. Các nhà khoa học đã xác định được một số chất dinh dưỡng dường như giúp giảm bớt tác động của căng thẳng lên cơ thể và tâm trí như: vitamin C, magie, axit béo omega-3…

– Trò chuyện, chia sẻ với bạn bè và người thân: Dành thời gian với một người bạn hoặc thành viên gia đình – những người sẽ lắng nghe những chia sẻ của bạn. Đây là một cách tự nhiên giúp giảm căng thẳng và tìm lại sự cân bằng. Khi trò chuyện và chia sẻ với mọi người, cơ thể bạn sẽ tiết ra một loại hormone ngăn chặn phản ứng căng thẳng.

– Cố gắng ngủ đủ: Người bị stress căng thẳng thường gây khó ngủ, thậm chí là mất ngủ. Thiếu ngủ cũng có thể làm tăng mức độ căng thẳng và gây ra một chu kỳ căng thẳng và mất ngủ. Để có giấc ngủ chất lượng, bạn nên luyện tập thể dục đều đặn; ra ngoài dưới ánh nắng mặt trời; uống ít rượu và caffeine gần giờ đi ngủ; ngủ vào một giờ cố định; đừng sử dụng điện thoại hoặc thiết bị điện tử 30-60 phút trước khi đi ngủ; thiền trước giờ đi ngủ…

– Kỹ thuật thư giãn yoga: Với yoga, nên ưu tiên các động tác tập trung vào chuyển động chậm, giãn cơ và thở sâu  – đây là các bài tập tốt nhất để giảm bớt lo lắng và căng thẳng. 

– Kỹ thuật thư giãn thiền: Thiền có thể làm giảm căng thẳng, lo lắng và đau mãn tính cũng như cải thiện giấc ngủ, mức năng lượng và tâm trạng. Để thiền, bạn sẽ cần tìm một nơi yên tĩnh, ngồi hoặc nằm sau đó tập trung sự chú ý vào một từ, cụm từ, đồ vật hoặc thậm chí là hơi thở. .

Kỹ thuật thư giãn thở sâu: Tập thở sâu sẽ kích hoạt khả năng thư giãn tự nhiên của cơ thể. Điều này tạo ra trạng thái nghỉ ngơi sâu có thể thay đổi cách cơ thể phản ứng với căng thẳng. Từ đó, gửi nhiều oxy hơn đến não và làm dịu phần hệ thần kinh chịu trách nhiệm xử lý khả năng thư giãn. 

– Kỹ thuật thở bụng: Hãy thoải mái, nhắm mắt lại và đặt một tay lên bụng và tay kia lên ngực. Hít một hơi thật sâu bằng mũi, bạn sẽ cảm thấy bụng mình nhô lên nhiều hơn ngực. Sau đó từ từ thở ra bằng mũi.

– Liệu pháp cười: Khi cười, bạn lấy nhiều oxy hơn. Tim, phổi và cơ bắp được tăng cường và cơ thể giải phóng những hormone tạo cảm giác dễ chịu. Tiếng cười cũng cải thiện hệ thống miễn dịch, giảm đau và cải thiện tâm trạng trong thời gian dài.

– Liệu pháp trò chuyện với chuyên gia tâm lý: Trò chuyện với chuyên gia tâm lý giúp làm giảm các suy nghĩ tiêu cực, đồng thời chuyên gia sẽ hướng dẫn những cách tiếp cận khác có thể hữu ích và tích cực hơn. 

IV. Phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng: Ăn uống khoa học 

Chế độ ăn uống không khoa học, ăn khi bụng đói, thức ăn gây kích ứng sẽ dễ làm thay đổi môi trường axit dạ dày, gây ra nhiều rối loạn dẫn đến viêm loét dạ dày tá tràng. 

Để phòng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng do nguyên nhân ăn uống, bạn nên điều chỉnh thói quen ăn uống hàng ngày cũng như lựa chọn thực phẩm phù hợp.

1. Thói quen ăn uống

Về thói quen ăn uống, bạn nên chú ý thực hiện hoặc tránh làm những việc dưới đây: 

– Ăn chín, uống sôi và rửa tay trước khi ăn: Giúp phòng ngừa nhiễm các loại ký sinh, vi khuẩn có hại cho dạ dày, ruột.

– Ăn bữa ăn nhỏ hơn: Ăn sáu bữa nhỏ thay vì ba bữa lớn sẽ giúp dạ dày không bị quá no và giảm áp lực dạ dày. 

– Ăn chậm, nhai kỹ: để giảm bớt gánh nặng cho dạ dày và hệ tiêu hóa.

– Không bỏ bữa hoặc ăn trễ giờ: Nên ăn đúng giờ, đủ bữa; không nên ăn quá no để dạ dày tiêu hóa thức ăn tốt hơn.

– Từ bỏ thói quen vừa ăn vừa làm việc để việc hấp thu dưỡng chất tốt hơn.

– Không nên vừa ăn vừa uống: Tốt nhất trước bữa ăn khoảng 30 phút, bạn nên uống 1 cốc nước để giúp ăn ngon miệng hơn. Không nên vừa ăn vừa uống nước. Sau khi ăn bạn cũng chỉ nên uống một vài ngụm nước nhỏ.

– Không ăn 2 giờ trước khi đi ngủ: Nếu quá đói và thèm ăn, bạn chỉ nên uống 1 ly sữa ấm để xoa dịu dạ dày sẽ tốt hơn.

– Hạn chế ăn hàng quán vì tiềm ẩn việc lây nhiễm vi khuẩn HP gây viêm loét dạ dày cao.

Ăn chín, uống sôi giúp tránh nguy cơ nhiễm khuẩn từ thực phẩm. 
Ăn chín, uống sôi giúp tránh nguy cơ nhiễm khuẩn từ thực phẩm.

2. Thực phẩm nên ăn

Một số thực phẩm giúp tăng sức khỏe dạ dày, giảm nguy cơ viêm loét bạn nên tăng cường bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày gồm:

– Thực phẩm có men vi sinh: Các loại thực phẩm như sữa chua, miso, kim chi, dưa cải bắp, kombucha và tempeh rất giàu vi khuẩn “tốt” được gọi là men vi sinh. Chúng có thể giúp chữa lành vết loét bằng cách chống lại nhiễm trùng H. pylori hoặc giúp các phương pháp điều trị có hiệu quả tốt hơn.

– Thực phẩm giàu chất xơ: Táo, lê, bột yến mạch và các thực phẩm giàu chất xơ khác rất tốt cho dạ dày và vết loét theo hai cách. Chất xơ có thể làm giảm lượng axit trong dạ dày của bạn đồng thời làm giảm chứng đầy hơi và đau đớn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, chế độ ăn giàu chất xơ có thể giúp ngăn ngừa loét.

– Khoai lang và thực phẩm giàu vitamin A: Khoai lang giàu vitamin A và có bằng chứng cho thấy, chất dinh dưỡng này có thể giúp thu nhỏ vết loét dạ dày đồng thời ngăn ngừa loét. Các loại thực phẩm khác ngoài khoai lang có chứa nhiều vitamin A bao gồm rau bina, cà rốt, dưa đỏ và gan bò.

– Ớt chuông đỏ và hoa quả giàu vitamin C: Ớt chuông đỏ giàu vitamin C, có thể ngăn ngừa và bảo vệ cơ thể khỏi vết loét đồng thời chữa lành vết thương. Người không được cung cấp đủ vitamin C cũng dễ bị viêm loét dạ dày tá tràng. Ngoài ớt chuông đỏ, bạn cũng có thể bổ sung vitamin C cho cơ thể qua các loại trái cây họ cam quýt, dâu tây, kiwi và bông cải xanh.

Nên tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa và dạ dày. 
Nên tăng cường ăn thực phẩm giàu chất xơ tốt cho hệ tiêu hóa và dạ dày.

3. Thực phẩm cần kiêng hoặc hạn chế

Một số thực phẩm nếu ăn vào có thể làm tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày tá tràng bạn nên hạn chế hoặc kiêng ăn gồm:

– Thực phẩm cay nóng: Ví dụ như tiêu, ớt, mù tạt gây kích thích dạ dày tiết nhiều dịch vị dễ gây tổn thương dạ dày.

– Thực phẩm chua: Tiêu thụ nhiều nhóm thực phẩm này ẽ làm tăng lượng acid trong dạ dày. Đặc biệt, nếu ăn dưa muối, cóc, xoài, cam, chanh khi bụng đói có thể khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương, lâu dần dẫn đến loét.

– Thực phẩm béo: Đồ ăn chiên rán, thức ăn nhanh, chế biến sẵn thường chứa nhiều dầu mỡ nên mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa. Điều này có thể dẫn đến đau bụng, đầy hơi, lâu dần gây ra viêm loét.

– Đồ uống có ga: Lượng khí trong nước có ga khi đi vào dạ dày sẽ gây chướng bụng, đầy hơi, khiến dạ dày phình dao đồng thời kích thích dạ dày tiết acid nhiều hơn.

– Cà phê: Một số nghiên cứu cho rằng, uống cà phê có thể kích thích dạ dày tăng tiết acid làm tăng nồng độ acid trong dạ dày. Các nghiên cứu khác cho rằng, chưa thống nhất về việc liệu caffeine (đặc biệt là cà phê) có làm cho vết loét trở nên tồi tệ hơn hay không. Tuy nhiên, lời khuyên phổ biến là hãy cắt bỏ nếu bạn muốn giảm nguy cơ bị viêm loét dạ dày.

– Rượu bia: Đồ uống có cồn như bia, rượu có thể gây kích thích và ăn mòn lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Hậu quả là khiến dạ dày dễ bị viêm, loét và xuất huyết. Nếu bạn dễ bị loét hoặc đang bị loét, tốt nhất nên hạn chế uống rượu hoặc tránh hoàn toàn. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rượu gây kích ứng và thậm chí có thể làm hỏng đường tiêu hóa, dạ dày và vết loét tồi tệ hơn.

– Muối: Vi khuẩn H.pylori là một trong các nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày tá tràng. Nếu ăn nhiều muối có thể làm tăng hoạt động của gen trong loại vi khuẩn này, khiến chúng trở nên độc hại hơn.

Nên hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay nóng gây kích thích dạ dày. 
Nên hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm cay nóng gây kích thích dạ dày.

V. Cách phòng tránh bệnh viêm loét dạ dày: Lối sống sinh hoạt lành mạnh 

Một số yếu tố lối sống sinh hoạt có thể ảnh hưởng đến nguy cơ viêm loét dạ dày tá tràng. Để ngăn ngừa loét, hãy bắt đầu thực hiện những thay đổi lối sống dưới đây ngay trong hôm nay:

1. Bỏ hoặc hạn chế hút thuốc

Hút thuốc kích thích sản xuất axit dạ dày. Đồng thời còn có thể trì hoãn việc chữa lành vết loét và có liên quan đến sự tái phát của vết loét. 

2. Tránh uống rượu

Rượu làm tăng sản xuất axit dạ dày, gây kích ứng vết loét và khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Rượu cũng làm thư giãn cơ thắt thực quản dưới (LES), cho phép các chất trong dạ dày trào ngược lên thực quản. 

3. Tránh làm việc, hoạt động trí óc hoặc vận động mạnh ngay sau bữa ăn

Điều này giúp não bộ tập trung hoàn năng lượng của cơ thể vào việc tiêu hóa thức ăn. Nếu phải chia sẻ bớt năng lượng cho những việc khác thì dạ dày sẽ hoạt động kém đi, về lâu dài sẽ dẫn đến viêm loét dạ dày.  

4. Tránh thức khuya thường xuyên

Cơ thể con người như một chiếc đồng hồ sinh học, trong thời gian ngủ, một số bộ phận và cơ quan bên trong cơ thể vẫn phải làm việc để duy trì sự sống của cơ thể. Do vậy, nếu thức khuya, các hoạt động  này sẽ bị ảnh hưởng làm tổn thương một số cơ quan như gan, thận và nhất là dạ dày.

Dạ dày phải hoạt động liên tục không được nghỉ, về lâu dài dạ dày sẽ bị “đuối”, dịch vị tiết nhiều phá hủy dần niêm mạc dạ dày gây viêm, loét. Để phòng ngừa viêm loét dạ dày tá tràng, bạn cần tránh thường xuyên thức khuya, nên ngủ trước 23h.

5. Ngủ đủ giấc

Theo một số nghiên cứu, rối loạn giấc ngủ cũng có liên quan đến các bệnh về đường tiêu hóa. Trong khi ngủ, các cơ chế phòng vệ chống lại bệnh loét dạ dày tá tràng bao gồm lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày, dòng bicarbonate dạ dày và bài tiết melatonin lên, trong khi đó bài tiết axit dạ dày giảm. Vì vậy, bạn hãy đảm bảo ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm để viêm loét dạ dày không có cơ hội xuất hiện.

6. Tập thể dục hàng ngày

Nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất có thể giảm nguy cơ viêm loét dạ dày bằng cách tăng cường khả năng của hệ thống miễn dịch để vô hiệu hóa tác động của vi khuẩn HP; giảm tiết axit dư thừa và cải thiện căng thẳng, stress. Bạn nên dành ít nhất 30 phút cho hoạt động thể chất và tập thể dục mỗi ngày để phòng ngừa viêm loét dạ dày. 

Ngủ đủ giấc và ngủ trước 23h giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ phòng ngừa viêm loét dạ dày hiệu quả. 
Ngủ đủ giấc và ngủ trước 23h giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ phòng ngừa viêm loét dạ dày hiệu quả.

VI. Phòng ngừa viêm loét dạ dày: Kiểm soát cân nặng 

Trọng lượng cơ thể dư thừa có liên quan đến nhiều bệnh về bụng gồm đau bụng, đầy hơi, nôn mửa, ợ nóng, tiêu chảy hoặc táo bón.

Các nghiên cứu khoa học cũng tìm ra mối tương quan giữa béo phì và viêm dạ dày và loét dạ dày. Một nghiên cứu lớn gần đây đặc biệt tập trung vào việc phân tích các vết loét dạ dày và tá tràng đã xác nhận rằng, những người thừa cân dễ bị loét dạ dày khi so sánh với những người có cân nặng bình thường.

Theo các nhà khoa học, sở dĩ thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày là do:

  • Cân nặng quá mức thúc đẩy tình trạng viêm trong ruột: Được biết, tế bào mỡ tạo ra các hạt gây viêm, và ở người béo phì thì tình trạng này nghiêm trọng hơn. Các chất này sau đó di chuyển đến nhiều nơi khắp cơ thể bằng mạch máu dẫn đến viêm. Mặt khác, một số nghiên cũng xác nhận rằng, tình trạng viêm hiện diện trong các tế bào hình thành nên niêm mạc ruột. Điều này đặc biệt quan trọng vì tình trạng viêm này có thể dẫn đến sự suy yếu của các tế bào ruột và khiến chúng dễ hình thành vết loét.
  • Vi khuẩn đường ruột yếu: Các nghiên cứu khoa học phát hiện ra rằng, những người thừa cân béo phì có xu hướng có vi khuẩn đường ruột khác với những người có cân nặng bình thường. Sự khác biệt này dường như tạo nên “đội quân ruột” yếu hơn và khiến tế bào ruột dễ bị viêm, loét hơn.
  • Niêm mạc ruột dễ bị rò rỉ hơn: Một số nghiên cứu cho thấy, không gian và kết nối giữa các tế bào ruột có xu hướng bị gián đoạn. Điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi cho sự xâm nhập của các độc tố có hại, chất kích thích, vi khuẩn và các mầm bệnh khác vào niêm mạc ruột gây loét.

Để phòng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, việc giảm cân ở những người thừa cân hoặc béo phì là điều cần thiết. Tuy nhiên, bạn cần sử dụng phương pháp giảm cân lành mạnh, không nên nhịn ăn hoặc ăn kiêng quá mức khiến cơ thể bị thiếu hụt dinh dưỡng.

Dưới đây là một số lời khuyên giúp bạn giảm cân lành mạnh và không gây hại cho sức khỏe:

1. Nên

Nên vận động tích cực 150 phút phút/tuần, có thể chia thời gian này thành các buổi ngắn hơn; đặt mục tiêu giảm 0,5 đến 1kg/tuần; tiêu thụ các thực phẩm lành mạnh (rau xanh, hoa quả); cắt giảm thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo; thay thế ngũ cốc có đường bằng ngũ cốc nguyên hạt…

2. Đừng

Đừng giảm cân đột ngột bằng chế độ ăn kiêng khắt khe; không dự trữ thực phẩm không tốt cho sức khỏe (bỏng ngô, khoai tây chiên, đồ ăn nhanh, bánh ngọt); không bỏ bữa; không ăn quá no…

Giữ cân nặng ở mức ổn định và hợp lý làm giảm nguy cơ bị viêm loét dạ dày tá tràng. 
Giữ cân nặng ở mức ổn định và hợp lý làm giảm nguy cơ bị viêm loét dạ dày tá tràng.

VII. Phòng bệnh viêm loét dạ dày ở trẻ em và người lớn: Thăm khám sức khỏe định kỳ 

Kiểm tra sức khỏe định kỳ có thể xác định bất kỳ dấu hiệu sớm nào của các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả viêm loét dạ dày  Phát hiện vấn đề sớm có nghĩa là cơ hội điều trị hiệu quả sẽ tăng lên.

Tần suất kiểm tra sức khỏe định kỳ phụ thuộc vào nhiều yếu  tố như sức khỏe, tuổi tác, tiền sử gia đình và lối sống. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên khám sức khỏe định kỳ 1-2 lần/năm để sàng lọc các vấn đề sức khỏe.

Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường về sức khỏe. 
Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường về sức khỏe.

Tóm lại, tuy không thể tuyệt đối 100% nhưng bạn vẫn có thể chủ động phòng bệnh viêm loét dạ dày tá tràng bằng cách ngăn ngừa nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP; không lạm dụng thuốc NSAIDS kết hợp quản lý căng thẳng, ăn uống sinh hoạt khoa học và thăm khám sức khỏe định kỳ. Khi có các biểu hiện đau tức thượng vị, ợ hơi, ợ nóng, ợ chua hãy đến ngay cơ sở y tế thăm khám, không nên tự ý dùng thuốc để tránh các biến chứng của bệnh.

Tài liệu tham khảo

https://www.medcare.ae/en/health-library/peptic-ulcers-symptoms-causes-treatment-and-prevention.html#topic-prevention

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10350-peptic-ulcer-disease

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21463-h-pylori-infection

https://publichealth.arizona.edu/outreach/health-literacy-awareness/hpylori/prevention#:~:text=pylori%20bacteria%3A,prevent%20exposure%20to%20family%20members.

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10350-peptic-ulcer-disease

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8439413/

https://www.webmd.com/digestive-disorders/ss/slideshow-stomach-ulcers-best-worst-foods

https://www.verywellhealth.com/home-remedies-for-stomach-ulcers-5217459

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1071012/

https://www.obesityaction.org/resources/obesity-and-gastric-ulcers/

https://www.nhs.uk/live-well/healthy-weight/managing-your-weight/tips-to-help-you-lose-weight/

Đánh giá
Bùi Thị Hoa

Tác giả:

Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...

Tham vấn y khoa: Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với trên 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Chưa có bình luận!

Địa chỉ Email của bạn sẽ được giữ kín.