Bị viêm loét dạ dày nên ăn cháo gì để mau hồi phục? Người bệnh có thể lựa chọn một số loại cháo tốt cho dạ dày như: cháo hạt sen, cháo long nhãn, cháo táo đỏ, cháo tôm thịt, cháo bí đỏ đậu xanh, cháo bắp cải tôm thịt, cháo nấm hương, cháo cá hồi, cháo gạo cao lương thịt dê…
Mục lục
- I. Vì sao người bị viêm loét dạ dày thường được khuyên nên ăn cháo?
- II. Bị viêm loét dạ dày nên ăn cháo gì? Gợi ý 17 loại cháo nên ăn
- 1. Cháo hạt sen
- 2. Cháo bí đỏ đậu xanh
- 3. Cháo long nhãn
- 4. Cháo nấm hương
- 5. Cháo bắp cải tôm thịt
- 6. Cháo gạo cao lương thịt dê
- 7. Cháo thịt lợn với cải bó xôi
- 8. Cháo dạ dày, lá lách heo
- 9. Cháo thịt gà với nấm hương
- 10. Cháo thịt băm gừng tươi
- 11. Cháo lạc đậu đỏ
- 12. Cháo gạo nếp táo đỏ
- 13. Cháo phật thủ nấu với đường phèn
- 14. Cháo tôm
- 15. Cháo rau sam, búp ổi và hồng xiêm non
- 16. Cháo thịt bò nấm rơm
- 17. Cháo cá hồi
- III. Lưu ý khi chế biến và ăn cháo cho người viêm loét dạ dày
I. Vì sao người bị viêm loét dạ dày thường được khuyên nên ăn cháo?
Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, có vết thương hở gây đau và khó chịu kèm ợ nóng, ợ hơi, chướng bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn…
Nguyên nhân chính gây bệnh là do nhiễm Helicobacter pylori (HP) – loại vi khuẩn này làm hỏng hàng rào niêm mạc bảo vệ của một số khu vực trong đường tiêu hóa, khiến dịch tiêu hóa có tính axit dễ làm tổn thương và gây viêm niêm mạc ruột. Các nguyên nhân khác bao gồm hút thuốc và sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) trong thời gian dài, chẳng hạn như aspirin và ibuprofen.
Dạ dày có vai trò quan trọng trong việc hấp thụ chất dinh dưỡng để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Khi dạ dày bị viêm loét và tổn thương, bộ phận này sẽ không thể hoạt động bình thường.
Các bác sĩ thường khuyến nghị thay đổi lối sống và chế độ ăn uống cho những người bị viêm loét dạ dày ngoài việc dùng thuốc cho đến khi quá trình lành vết thương hoàn toàn xảy ra. Trong đó, các chuyên gia sức khỏe thường khuyến nghị bệnh nhân viêm loét dạ dày nên ăn cháo vì những lý do sau:
1. Cháo mềm, dễ tiêu hóa
Cháo là một món ăn chủ yếu dùng gạo, nước kết hợp với một số loại thịt, rau củ nấu lên. Tùy theo khẩu vị mà bạn có thể thay đổi các nguyên liệu/thực phẩm nấu cùng theo ý muốn.
Cháo thường được nấu chín mềm nên rất dễ tiêu hóa, khi ăn không gây áp lực và gánh nặng khiến dạ dày phải co bóp liên tục để tiêu hóa. Điều này giúp giảm số lần co bóp mạnh của dạ dày trong quá trình phân hủy thức ăn.
2. Giúp người bệnh nhẹ bụng
Cháo dễ tiêu nên khi ăn sẽ giúp người bị viêm loét dạ dày có cảm giác nhẹ bụng, hạn chế được triệu chứng đầy bụng và khó tiêu do loét dạ dày gây ra. Dạ dày không phải co bóp quá nhiều và hệ tiêu hoá cũng hoạt động hiệu quả hơn.
3. Bảo vệ niêm mạc dạ dày
Hàm lượng tinh bột trong món cháo lớn có tác dụng bao bọc và bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ quá trình điều trị viêm loét dạ dày hiệu quả hơn.
4. Trung hòa axit dạ dày
Nhờ có hàm lượng tinh bột cao kết hợp với chất kiềm nên ăn cháo còn giúp trung hòa lượng axit trong dạ dày. Nhờ đó, giảm nguy cơ vết loét nặng hơn gây khó khăn cho việc điều trị và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm.
5. Dễ chế biến, kết hợp, đảm bảo dinh dưỡng
Khi nấu món cháo, bạn có thể dễ dàng kết hợp với các loại thực phẩm khác nhau, từ thịt, tôm, cua, cá cho tới rau, củ, gia vị, rau thơm. Điều này không chỉ giúp thay đổi khẩu vị mà còn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng giúp dạ dày mau khỏi và nâng cao cao sức khỏe tổng thể.
Với những lý do trên, cháo chính là món ăn lý tưởng cho những người đang mắc bệnh viêm loét dạ dày. Tuy nhiên, trước khi ăn cháo, bạn cần tìm hiểu để lựa chọn được loại cháo tốt và phù hợp nhất với tình trạng viêm loét dạ dày của mình để mau chóng đẩy lùi bệnh.
II. Bị viêm loét dạ dày nên ăn cháo gì? Gợi ý 17 loại cháo nên ăn
Bệnh nhân viêm loét dạ dày nếu đang không biết bị viêm loét dạ dày nên ăn cháo gì để mau hồi phục thì có thể tham khảo danh sách 17 loại cháo chúng tôi liệt kê dưới đây:
- Cháo bí đỏ đậu xanh.
- Cháo hạt sen.
- Cháo long nhãn.
- Cháo bắp cải tôm thịt.
- Cháo thịt băm gừng tươi.
- Cháo gạo nếp táo đỏ.
- Cháo thịt bò nấm.
- Cháo nấm hương.
- Cháo gạo cao lương thịt dê.
- Cháo dạ dày, lá lách heo.
- Cháo thịt lợn với cải bó xôi..
- Cháo thịt gà với nấm hương
- Cháo lạc đậu đỏ.
- Cháo rau sam, búp ổi và hồng xiêm non.
- Cháo tôm rất tốt cho người đau dạ dày.
- Cháo phật thủ nấu với đường phèn.
- Cháo cá hồi.
Dưới đây là thông tin chi tiết về công dụng của từng loại cháo với người bị viêm loét dạ dày cũng như cách chế biến và nấu từng món cháo.
1. Cháo hạt sen
Hạt sen là thực phẩm giúp cải thiện hệ tiêu hóa, chất chống oxy hóa trong hạt sen có thể hỗ trợ cải thiện và phòng ngừa viêm loét dạ dày.
Nghiên cứu cho thấy, trong 100g hạt sen cung cấp khoảng 0.28g kẽm. Khoáng chất này có công dụng giúp vết loét trong dạ dày mau lành. Ngoài ra, ăn cháo hạt sen còn giúp giảm tình trạng miệng đắng, ổn định vị giác và khứu giác tốt.
Cách chế biến và nấu món cháo hạt sen như sau:
- Nguyên liệu cần có: 50g hạt sen tươi hoặc khô, 30g gạo tẻ, gia vị muối, đường, nước mắm, hạt tiêu, dầu ăn….
- Sơ chế nguyên liệu: Nếu sử dụng hạt sen tươi, bạn cần lột vỏ, bỏ tâm sen, rửa sạch để ráo. Còn với hạt sen khô, nên mua loại đã bỏ tâm sen để tránh cháo bị đắng, ngâm trong nước khoảng 30 phút cho hạt sen nở ra. Gạo vo sạch rồi để ráo.
- Cách nấu: Cho gạo và hạt sen vào nồi, đổ thêm nước rồi ninh cho tới khi chín nhừ. Nêm nếm gia vị cho vừa ăn là hoàn thành món cháo.
2. Cháo bí đỏ đậu xanh
Công dụng của cháo bí đỏ đậu xanh với bệnh nhân viêm loét dạ dày:
– Bí đỏ: Bí ngô rất giàu chất xơ và chứa prebiotic, có thể giúp cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa và nhu động ruột. Thực phẩm này còn có thể giúp giảm táo bón và tiêu chảy ở một số người. Bên cạnh đó, bí đỏ còn giúp cải thiện tình trạng thiếu hụt vitamin, các khoáng chất ở người bị viêm loét dạ dày (trong 100g bí đỏ cung cấp khoảng 0.7g chất xơ, 24mg canxi, 349 mg kali, 8 mg vitamin C, 0.06mg vitamin B1).
– Đậu xanh: Chất xơ có trong đậu xanh giúp tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn, giảm trào ngược axit ở thực quản, bệnh trĩ, táo bón và loét dạ dày. Không chỉ vậy, tinh bột kháng trong đậu xanh còn có lợi cho vi khuẩn đường ruột.
Cách chế biến và nấu món cháo bí đỏ đậu xanh như sau:
- Nguyên liệu: 100g gạo nếp, 150g đậu xanh nguyên vỏ, 400g bí đỏ, 120g đường, chút muối.
- Sơ chế: Đậu xanh vo sạch, loại bỏ các hạt sâu mọt, hỏng, lép rồi để ráo. Gạo vo sạch. Bí đỏ thái bỏ vỏ, bỏ hạt rồi rửa sạch sau đó thái miếng vuông.
- Cách nấu: Cho bí đỏ, đậu xanh, gạo nếp vào nồi nấu 1.5 lít nước. Đun sôi nhỏ lửa trong khoảng 30 phút thì vớt bí đỏ ra nghiền nát sau đó đổ lại nồi cháo. Cuối cùng cho đường, ít muối, nêm nếm lại vừa ăn rồi tắt bếp.
3. Cháo long nhãn
Công dụng của cháo long nhãn:
– Trong 100g long nhãn cung cấp khoảng 1.7g chất xơ giúp cho hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn, tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
– Trong Đông y, long nhãn còn là bài thuốc chống suy nhược thần kinh, giảm căng thẳng. Đối với những người bị viêm loét dạ dày do căng thẳng thì cháo long nhãn thì là món cháo không thể bỏ qua
Cách chế biến và nấu cháo long nhãn:
- Nguyên liệu: 50g long nhãn, 100g gạo nếp, 30g đường phèn.
- Sơ chế: Gạo nếp vo sạch, để ráo. Long nhãn rửa sạch, để ráo.
- Cách nấu: Cho khoảng 2 lít nước lọc vào nồi, sau đó cho gạo nếp vào nấu trong 50 phút cho tới khi chín mềm. Tiếp tục cho đường phèn vào, đường tan hết thì cho long nhãn vào nấu thêm khoảng 2 – 3 phút nữa thì tắt bếp.
4. Cháo nấm hương
Công dụng của cháo nấm hương trong hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày:
– 100g nấm hương cung cấp khoảng 3g chất xơ, có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn.
– Nấm hương cũng rất giàu sắt (5.2mg sắt/100g nấm hương), có tác dụng bổ máu cho bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày nhằm phòng tránh tình trạng thiếu máu.
– Nấm hương rất giàu polysaccharides như lentinan và các beta-glucans khác. Các hợp chất này bảo vệ chống lại tổn thương tế bào, hỗ trợ hệ thống miễn dịch của bạn và thúc đẩy sản xuất tế bào bạch cầu để chống lại vi khuẩn. Polysaccharides cũng có đặc tính chống viêm.
Hướng dẫn cách chế biến và nấu cháo nấm hương:
- Nguyên liệu: 50g nấm hương, 30g gạo tẻ, 20g gạo nếp, 10g hành lá, gia vị.
- Sơ chế: Nấm hương rửa sạch rồi cắt thành từng lát mỏng. Hành lá sau khi rửa sạch đem thái nhỏ. Gạo nếp và gạo tẻ vo sạch.
- Cách nấu: Cho gạo vào nồi nấu nhừ với 2 lít nước. Tiếp tục cho nấm hương vào nồi cháo nếu thêm 3 phút nữa thì tắt bếp. Cuối cùng nêm nếm gia vị và cho hành lá vào đun sôi trở lại là hoàn thành.
5. Cháo bắp cải tôm thịt
Nếu đang thắc mắc người bị viêm loét dạ dày nên ăn cháo gì thì đừng bỏ qua cháo bắp cải tôm thịt nhé. Công dụng của loại chào này với tình trạng loét dạ dày như sau:
– Bắp cải: Loại rau này có tính kiềm sẽ giúp trung hòa axit, giảm các triệu chứng khó chịu cho người bệnh viêm loét dạ dày. Bắp cải cũng có chất dinh dưỡng giúp niêm mạc dạ dày và ruột của bạn khỏe mạnh. Nước ép của nó cũng có thể giúp vết loét dạ dày mau lành. Ngoài ra, đây cũng là loại rau xanh rất giàu vitamin C (30mg vitamin C/100g bắp cải) giúp tăng sức đề kháng.
– Tôm: Tôm giàu vitamin, chất khoáng và dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như choline, phốt pho, đồng và vitamin B bao gồm niacin, B6 và B12. Những chất này kết hợp với giúp hỗ trợ nâng cao và phục hồi sức khỏe tổng thể. Tôm ít calo, giàu protein, phốt pho, kali, magiê, kẽm và natri, có tác dụng chống viêm và cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa.
Hướng dẫn cách chế biến và nấu món cháo tôm thịt như sau:
- Nguyên liệu: 80g tôm, 80g thịt nạc, 200g bắp cải, 50g gạo tẻ.
- Sơ chế: Tôm và thịt làm sạch rồi băm nhỏ rồi ướp cùng chút muối, hạt nêm và bột ngọt trong khoảng 10 phút. Bắp cải rửa sạch sau đó cắt thành khúc vừa ăn.
- Cách nấu: Cho gạo vào trong nồi với nước vừa đủ rồi nấu cho tới khi chín mềm. Trong khi chờ cháo chín, bạn phi thơm hành, tỏi sau đó cho thịt cùng tôm vào xào cùng cho tới khi săn lại. Cháo chín bạn cho bắp cải, hỗn hợp tôm thịt vào nấu cùng thêm 5 phút, nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
6. Cháo gạo cao lương thịt dê
Cháo gạo cao lương thịt dê là lựa chọn tiếp theo cho bệnh nhân bị viêm loét dạ dày vì những lý do sau:
– Thịt dê giàu kẽm (100g thịt dê chứa khoảng 4mg kẽm). Khoáng chất kẽm có tác dụng giúp các vết loét dạ dày mau lành.
– Thịt dê giàu vitamin và các khoáng chất như sắt, giúp thúc đẩy hệ thống miễn dịch khỏe mạnh và cân bằng.
– Theo Đông y, thịt dê có tác dụng tỳ vị hư hàn nên cũng hỗ trợ làm lành các vết loét nhanh hơn.
Hướng dẫn cách chế biến và nấu cháo cao lượng thịt dê:
- Nguyên liệu: 100g gạo cao lương, 100g thịt dê, gia vị.
- Sơ chế: Gạo vo sạch. Thịt dê sau khi rửa sạch thì thái thành từng miếng vừa ăn rồi ướp với chút gia vị, hành, tỏi băm nhỏ trong khoảng 15 phút.
- Cách nấu: Cho gạo và thịt dê vào nấu cùng nước cho tới khi chín mềm. Nêm nếm gia vị là có thể ăn.
7. Cháo thịt lợn với cải bó xôi
Cháo thịt lợn với cải bó xôi là món ăn tốt cho tình trạng viêm loét dạ dày vì:
– Cải bó xôi: Không chi là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời, cải bó xôi (rau chân vịt, rau bina) chứa nhiều vitamin A, C, E, D, K và folate. Đặc biệt, omega 3 có tác dụng giảm viêm dạ dày và ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn HP. Nghiên cứu cho thấy rằng các loại rau lá xanh cũng chứa một loại đường cụ thể giúp thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.
– Thịt lợn: Theo nghiên cứu, trong 100g thịt lợn nạc có chứa khoảng 19g protein, vì vậy tiêu thụ thịt lợn có tác dụng bổ sung năng lượng, tăng sức đề kháng cho người bệnh viêm loét dạ dày.
Hướng dẫn cách chế biến và nấu cháo thịt lợn với cải bó xôi:
- Nguyên liệu: 100g thịt lợn nạc, 50g gạo tẻ, 200g cải bó xôi, 10g nấm hương tươi, gia vị.
- Sơ chế: Thịt lợn rửa sạch sau đó đem băm nhỏ ướp cùng chút gia vị trong khoảng 10 phút. Cải bó xôi rửa sạch rồi cắt khúc vừa ăn, nấm hương ngâm cho nở rồi thái mỏng.
- Cách nấu: Cho gạo vào ninh cho tới khi chín nhừ. Cháo chín cho thịt lợn vào đun cùng trong khoảng 5 phút. Tiếp đó cho cải bó xôi vào, nêm nếm gia vị vào là hoàn thành món cháo.
8. Cháo dạ dày, lá lách heo
Món cháo dạ dày, lá lách heo với các thành phần dinh dưỡng đa dạng và có lợi cho tiêu hóa, người bị viêm loét dạ dày không nên bỏ qua. Cụ thể:
– Dạ dày heo: Là nguồn cung cấp vitamin nhóm B dồi dào (0.05mg vitamin B1 0.034mg vitamin B6/100g dạ dày heo) nên rất hữu ích trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng.
– Lá lách heo: Thực phẩm chứa rất nhiều vitamin C, vitamin B2, B3, B5 và B12. Chúng đều có công dụng bổ máu và giúp hệ thần kinh hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, trong lá lách có chứa rất nhiều kẽm và selen cần thiết cho chức năng nội tiết và tăng khả năng miễn dịch của cơ thể. Lá lách cũng có các chất chống oxy hóa và giúp tăng cường khả năng tiêu hóa.
Hướng dẫn cách chế biến và nấu cháo dạ dày, lá lách heo:
- Nguyên liệu: 1 cái dạ dày heo, 1 cái lá lách, 100g gạo tẻ, gia vị và hành lá.
- Sơ chế: Làm sạch dạ dày và lá lách heo rồi cho vào luộc sơ với gừng cùng rượu cho bớt mùi. Rửa sạch lại với nước một lần nữa rồi thái thành từng miếng mỏng vừa ăn sau đó ướp cùng chút gia vị cùng tỏi, hành băm nhỏ.
- Cách nấu: Gạo vo sạch rồi cho vào ninh nhừ. Cho lá lách và dạ dày vào nấu cùng cho tới khi chín mềm. Tiếp đó cho hành lá, nêm nếm gia vị rồi tắt bếp.
9. Cháo thịt gà với nấm hương
Công dụng của nấm hương với bệnh viêm loét dạ dày đã được đề cập ở mục cháo nấm hương. Trong phần này, chúng tôi chỉ đề cập tới công dụng của thịt gà:
– Tương tự như thịt lợn, thịt gà rất giàu protein giúp tăng cường sức đề kháng cho người bệnh.
– Thịt gà còn giàu vitamin C (4mg vitamin C/100g thịt gà). Vitamin C được biết đến như chất chống oxy hóa mạnh có khả năng kháng viêm, rất tốt cho các vết loét dạ dày.
Hướng dẫn cách chế biến và nấu cháo thịt gà với nấm hương:
- Nguyên liệu: 50g gạo, 30g nấm hương, 30g thịt gà ta nạc, gia vị.
- Sơ chế: Gà làm sạch rồi mang cho vào luộc chín. Sau đó xé thịt ra thành từng sợi nhỏ. Nấm hương ngâm rửa sạch rồi nhỏ thành miếng vừa ăn.
- Cách nấu: Cho gạo vào nấu chín mềm. Trong lúc chờ gạo chín, bạn phi thơm chút hành với dầu ăn rồi cho thịt gà vào xào cùng nấm hương. Nêm nếm gia vị rồi tắt bếp. Đổ hỗn hợp thịt gà nấm hương vào nấu cùng cháo thêm 5 phút nữa, nêm nếm gia vị rồi tắt bếp.
10. Cháo thịt băm gừng tươi
Món cháo này cũng mang lại khá nhiều lợi ích cho sức khỏe của người bị viêm loét dạ dày. Ngoài tác dụng của thịt lợn đã đề cập ở phần cháo thịt lợn với cải bó xôi, gừng tươi cũng có nhiều tác dụng của tình trạng viêm loét dạ dày:
– Oleoresin, Tecpen trong gừng có hoạt tính kháng sinh cao, giúp làm dịu niêm mạc dạ dày, từ đó giúp các vết thương trong dạ dày mau lành.
– Gingerol – một hợp chất hoạt tính sinh học có tác dụng chống viêm và giảm đau.
– Nghiên cứu cho thấy gừng có thể giúp điều trị đau dạ dày và loét dạ dày tá tràng, nhưng nó có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ, đặc biệt là nếu dùng liều cao.
Hướng dẫn cách chế biến và nấu món cháo thịt băm gừng tươi:
- Nguyên liệu: 200g thịt lợn nạc, 5g gừng tươi, 50g gạo tẻ.
- Sơ chế: Thịt lợn rửa sạch rồi xay hoặc băm nhỏ sau đó đem ướp cùng chút gia vị trong khoảng 15 phút. Gừng tươi cạo vỏ, rửa sạch rồi băm nhỏ.
- Cách nấu: Cho gạo vào nấu chín mềm. Đun nóng cháo, phi thêm hành rồi cho thịt vào đảo cho tới khi săn lại. Khi cháo chín mềm thì cho thịt vào đun thêm khoảng 10 phút. Nêm nếm gia vị vừa miệng thì tắt bếp.
11. Cháo lạc đậu đỏ
Nếu đang không biết bị viêm loét dạ dày ăn cháo gì giúp dạ dày mau hồi phục thì cháo lạc đậu đỏ cũng là lựa chọn rất bổ dưỡng. Cụ thể:
– Lạc: Lạc giàu sắt (00g lạc cung cấp khoảng 2.2mg chất sắt), vì vậy thực phẩm rất tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày bị xuất huyết. Loại hạt này còn rất giàu chất xơ, (2.5g/100g/lạc), giúp giảm viêm khắp cơ thể cũng như hỗ trợ hệ tiêu hóa đồng thời hỗ trợ tích cực trong việc tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng.
– Đậu đỏ: Đậu đỏ dồi dào dưỡng chất tốt cho sức khỏe và tình trạng bệnh của người viêm loét dạ dày. Cụ thể, 100g đậu đỏ cung cấp 1.224mg kali, 17.3g protein, 4.1mg kẽm, 4.6mg sắt, 0,2mg vitamin B6,…
Hướng dẫn cách chế biến và nấu cháo lạc đậu đỏ:
- Nguyên liệu: 50g lạc, 30g đậu đỏ, 30g gạo tẻ, 50g đường phèn.
- Sơ chế: Lạc và đậu đỏ mua về rửa sạch sau đó cho ngâm với nước khoảng 30 phút. Gạo vo sạch.
- Cách nấu: Cho lạc và đậu đỏ vào ninh trước, sau đó cho gạo tẻ vào ninh cùng với lửa chọn. Ninh cho tới khi các nguyên liệu chín mềm thì cho đường phèn vào. Nấu cho tới khi đường phèn tan hết, nêm nếm xem đã vừa chưa.
12. Cháo gạo nếp táo đỏ
Táo đỏ được biết đến như một vị thuốc trong Đông y, khi dùng để nấu cùng cháo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh dạ dày.
– Theo Đông y, táo đỏ tính ấm, vị ngọt, tác dụng bổ tỳ, mát vị, thuận khí, bổ huyết, an thần, đặc biệt là giải độc cho cơ thể. Ăn táo đỏ giúp loại bỏ các chất độc ra khỏi đường tiêu hóa và cải thiện hệ tiêu hóa hiệu quả.
– Các nghiên cứu hiện đại cho thấy, táo đỏ tốt cho sức khỏe tiêu hóa có một loại chất xơ hòa tan đặc biệt gọi là pectin. Polyphenol, Axit chlorogenic và catechin trong táo cũng có thể hữu ích trong việc, bảo vệ và giảm tổn thương niêm mạc dạ dày. Táo đỏ còn có khả năng trung hòa axit dạ dày an toàn vì chúng chứa các khoáng chất có tính kiềm, chẳng hạn như canxi, magie và kali.
Hướng dẫn chế biến và nấu cháo gạo nếp táo đỏ:
- Nguyên liệu: 50g gạo nếp, 10g táo đỏ, 30g đường phèn.
- Cách nấu: Táo đỏ rửa sạch rồi cho vào nồi đun với nước trong khoảng 10 phút. Tiếp đó cho gạo nếp vào rồi đun cho tới khi các nguyên liệu chín nhừ. Cho đường phèn vào đun cho tới khi tan hết là hoàn thành.
13. Cháo phật thủ nấu với đường phèn
Cháo phật thủ nấu với đường phèn được nhiều người viêm loét dạ dày sử dụng như một phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh. Cụ thể:
– Trong Đông y, phật thủ được xem như vị thuốc có vị đắng, chua, cay và tính ấm nên có công dụng chữa rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày hiệu quả.
– Kết quả của nhiều nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng, tinh dầu phật thủ và một loại flavonoid có tên là hesperidin rất hữu ích trong việc giảm tiết axit và điều trị các cơn đau do viêm loét dạ dày.
Hướng dẫn chế biến và nấu cháo phật thủ:
- Nguyên liệu: 15 phật thủ, 60g gạo tẻ, 30g đường phèn.
- Sơ chế: Rửa sạch phật thủ rồi thái từng lát mỏng. Gạo vo sạch rồi để ráo.
- Cách nấu: Cho phật thủ vào đun cho tới khi chín nhừ thì lọc lấy nước, bỏ bã. Cho gạo vào nước phật thủ nấu cho tới khi chín mềm thì cho đường phèn vào nấu cho tới khi tan hết là được.
14. Cháo tôm
Cháo tôm là món ăn tiếp theo người bị viêm loét dạ dày nên bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày của mình vì:
– Tôm giàu vitamin, chất khoáng và dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như choline, phốt pho, đồng và vitamin B bao gồm niacin, B6 và B12. Những chất này kết hợp với giúp hỗ trợ nâng cao và phục hồi sức khỏe tổng thể.
– Tôm ít calo, giàu protein, phốt pho, kali, magiê, kẽm và natri, có tác dụng chống viêm và cải thiện sức khỏe đường tiêu hóa.
– Trong 100g tôm cung cấp khoảng 316mg kali có công dụng giảm căng thẳng, thư giãn đầu óc, hỗ trợ tích cực cho những người bệnh dạ dày do áp lực, stress.
Hướng dẫn chế biến và nấu món cháo tôm:
- Nguyên liệu: 100g tôm sú, 100g gạo tẻ, 2 lít nước dùng heo, gia vị.
- Sơ chế: Tôm làm sạch, bóc vỏ sau đó băm nhuyễn. Ướp thịt tôm với chút gia vị trong khoảng 10 phút.
- Cách nấu: Gạo vo sạch rồi cho vào hầm nhừ với nước dùng heo. Khi cháo chín mềm thì cho thịt tôm đã ướp vào, đun thêm 2-3 phút cho tới khi cháo sôi trở lại. Nêm nếm gia vị vừa miệng là hoàn thành.
15. Cháo rau sam, búp ổi và hồng xiêm non
Cháo rau sam, búp ổi và hồng xiêm non tốt cho bệnh nhân viêm loét dạ dày vì:
– Rau sam: Theo Đông y, rau sam tính lạnh, tác dụng thanh nhiệt và giải độc. Nghiên cứu cho thấy, vitamin C trong rau sam giữ cho collagen và mạch máu ở trạng thái tốt, đồng thời giúp chữa lành vết thương. Các chất tự nhiên trong rau răm cũng có thể giúp làm lành vết thương, hỗ trợ điều trị các vấn đề về đường tiêu hóa (như loét dạ dày), nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút, nhiễm trùng nấm men…
– Búp ổi non: Trong khi búp ổi non có chất tanin, khi kết hợp với protein trong dịch vị dạ dày sẽ tạo thành một lớp màng phủ lên bề mặt niêm mạc dạ dày giúp tiêu viêm.
– Hồng xiêm non: Với hàm lượng chất xơ dồi dào (5.6g chất xơ/100g hồng xiêm non) có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giảm nguy cơ táo bón khi dạ dày hoạt động không tốt.
Hướng dẫn cách chế biến và nấu cháo rau sam:
- Nguyên liệu: 90g rau sam, 10g hồng xiêm non, 20g búp ổi non, 30g gạo tẻ.
- Cách nấu: Rửa sạch các nguyên liệu, cho rau sam, hồng viêm non và búp ổi non vào nấu với nước. Lọc lấy nước, bỏ bã rồi cho gạo vào nấu cho tới khi chín nhừ. Nêm nếm gia vị là hoàn thành món cháo.
16. Cháo thịt bò nấm rơm
Nhắc đến các loại cháo tốt cho bệnh nhân viêm loét dạ dày, chắc chắn không thể không nhắc tới cháo thịt bò nấm.
– Thịt bò: Thịt bò giàu sắt (1.63mg sắt/100g thịt bò) giúp giảm tình trạng thiếu máu do xuất huyết dạ dày. Vitamin B12 trong thịt bò hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng trong dạ dày được tốt hơn. Thịt bò là nguồn kẽm tốt, cơ thể cần kẽm để chữa lành mô bị tổn thương và hỗ trợ hệ thống miễn dịch khỏe mạnh.
– Nấm rơm: Nấm rơm tự nhiên có chứa ergothioneine, được coi là một chất chống oxy hóa mạnh có trong nấm có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại các gốc tự do. Tác dụng này giúp người ăn nấm rơm nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ nhiễm trùng do nấm men hoặc vi khuẩn gây ra .
Hướng dẫn chế biến và nấu món cháo thịt bò nấm rơm:
- Nguyên liệu: 50g gạo tẻ, 100g thịt bò nạc, 50g nấm rơm, gia vị.
- Sơ chế: Thịt bò rửa sạch sau đó thái thành từng lát mỏng rồi băm nhuyễn. Cho gia vị vào thịt bò và ướp trong khoảng 15 phút. Nấm rơm rửa sạch, cắt làm đôi rồi cho vào ngâm trong nước muối 15 phút sau đó xào sơ cùng ít hành băm nhuyễn.
- Cách nấu: Cho gào vào ninh nhừ rồi cho thịt bò vào nấu cùng. Khoảng 10 phút sau tiếp tục cho nấm rơm vào nấu, nêm nếm gia vị là hoàn thành.
17. Cháo cá hồi
Người bệnh viêm loét dạ dày nên ăn cá hồi vì:
– Cá hồi rất giàu protein (22g protein/100g cá hồi), omega 3, omega 6, vitamin B… giúp cung cấp năng lượng và đẩy nhanh quá trình hồi phục cho người bệnh.
– Cá hồi còn chứa nhiều chất chống oxy hóa như astaxanthin, carotene… giúp chống viêm, nhiễm trùng các vết thương vừa thực hiện phẫu thuật.
Cách chế biến và nấu món cháo cá hồi:
- Nguyên liệu: 1/2 bát gạo tẻ, 200g cá hồi, 1 củ cà rốt, 100g cải bó xôi, hành khô.
- Sơ chế: Rửa sạch tất cả nguyên liệu. Cải bó xôi nhặt phần ngọn, cá hồi băm nhỏ, gạo ngâm trong nước khoảng 20 phút.
- Cách nấu: Cho gạo vào nấu chín nhừ. Trong thời gian chờ gạo chín bạn cho thịt cá ngừ vào xào sơ qua kết hợp với trần rau cải bó xôi. Riêng cà rốt luộc chín và nghiền nhuyễn. Cháo chín mềm thì cho các nguyên liệu thịt cá và rau đã chuẩn bị vào đun trong khoảng 5 phút. Nêm nếm gia vị và ăn khi cháo còn nóng.
III. Lưu ý khi chế biến và ăn cháo cho người viêm loét dạ dày
Các món cháo mềm, dễ tiêu hóa và giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe là điều chắc chắn. Nhưng khi chế biến và ăn cháo, người bị viêm loét dạ dày vẫn cần chú ý thêm một số vấn đề dưới đây để đảm bảo món ăn này an toàn và không khiến tình trạng loét nghiêm trọng hơn:
1. Lưu ý khi chế biến
– Tránh sử dụng các thực phẩm nhiều gân, sụn để nấu cháo. Chẳng hạn như sụn bò, sụn gà hoặc các loại thịt có nhiều gân. Vì nếu không được ninh nhừ, khi ăn các thực phẩm này dạ dày sẽ rất khó tiêu hóa.
– Hạn chế sử dụng các thực phẩm khó tiêu như cải chua, thịt nguội, lạp xưởng, dưa muối, kim chi vì chúng sẽ ảnh hưởng đến dạ dày đang suy yếu.
– Nên sử dụng các loại dầu thực vật như dầu hạt cải, dầu hướng dương, dầu vừng, dầu đậu nành khi nấu cháo để tăng hương vị và giảm tiết acid trong dạ dày hiệu quả.
– Bạn có thể ăn cháo mặn hoặc ngọt đều được tùy theo khẩu vị. Nên cho thêm một chút đường khi nêm nếm gia vị để giảm tiết acid trong dạ dày và tăng hương vị.
2. Lưu ý khi ăn
– Nên ăn cháo ngay sau khi vừa nấu xong, ăn cháo ấm nóng sẽ tốt hơn so với cháo đã để quá nguội.
– Không nên ăn cháo để qua đêm, tốt nhất bạn chỉ nên nấu lượng cháo đủ ăn trong ngày.
– Không nên ăn cháo kèm với lạp xưởng, chả lụa, lạp xưởng, thịt xông khói, xúc xích vì chúng gây khó tiêu và chứa nhiều muối.
– Cũng không nên ăn cháo kèm với các gia vị cay nóng gây kích thích dạ dày khiến vết loét nghiêm trọng hơn như tiêu, ớt…
– Cháo dễ tiêu hóa nhưng người bị viêm loét dạ dày cũng không nên ăn quá nhiều một lúc. Nên chia thành 4-5 bữa/ngày để tránh bị đói bụng hoặc ăn quá no vì khiến dạ dày căng phồng và tiết ra nhiều axit gây hại hơn.
Trên đây là thông tin chi tiết về các món cháo tốt cho người viêm loét dạ dày, vừa giàu dinh dưỡng vừa hỗ trợ tốt hơn trong quá trình điều trị và phục hồi sức khỏe. Hy vọng với những gợi ý ở trên, các bạn đã biết bị viêm loét dạ dày nên ăn cháo gì đồng thời biết cách nấu cháo đúng cách.
Để được tư vấn kỹ hơn về sức khỏe dạ dày, bạn vui lòng gọi đến hotline 1800.1125 (miễn phí cước) để gặp trực tiếp dược sĩ của Yumangel nhé.
Tài liệu tham khảo:
https://www.vinmec.com/en/news/health-news/nutrition/what-are-the-benefits-of-eating-lotus-seeds/
https://badgut.org/information-centre/health-nutrition/diet-for-ulcer-disease/
https://www.webmd.com/diet/health-benefits-shiitake-mushrooms
https://www.webmd.com/food-recipes/ss/slideshow-cabbage-benefits
https://thuocdantoc.vn/benh/dau-da-day-nen-an-chao-gi
https://tapchidongy.net/dinh-duong/dau-da-day-nen-an-chao-gi
Chưa có bình luận!