Đau bụng khi đói là phản ứng bình thường của cơ thể lúc bụng trống rỗng. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý ở đường tiêu hóa cần điều trị y tế như viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích…
Mục lục
I. Đau bụng khi đói nguyên nhân do đâu?
Đau bụng khi đói là phản ứng thông thường của cơ thể, xảy ra khi bụng trống rỗng không có thức ăn.
Khi có cảm giác đói, cơ thể sẽ tự động giải phóng hormon ghrelin trong dạ dày và ruột non để dạ dày tiết ra các acid dịch vị, chuẩn bị tiêu hóa thức ăn. Do đó, nếu xuất hiện hiện tượng đau bụng khi đói thì nguyên nhân có thể là do acid tấn công niêm mạc dạ dày trong lúc đang trống rỗng.
Tuy nhiên, trường hợp cơn đau bụng khi đói quặn thắt, dữ dội và xuất hiện trong thời gian dài có thể do nguyên nhân bệnh lý như: viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng, hội chứng ruột kích thích, chứng khó tiêu chức năng. Lúc này, người bệnh cần thăm khám sớm để được điều trị kịp thời.
II. Đau bụng khi đói là dấu hiệu của bệnh gì?
Trường hợp cơn đau bụng khi đói quặn thắt, dữ dội và xuất hiện trong thời gian dài có thể là dấu hiệu của những bệnh lý ở đường tiêu hóa như:
- Viêm dạ dày.
- Chứng khó tiêu.
- Hội chứng ruột kích thích.
- Loét dạ dày tá tràng.
1. Hội chứng ruột kích thích (IBS)
Hội chứng ruột kích thích còn được gọi là đại tràng co thắt hay đại tràng kích thích, Tuy không có tổn thương ở niêm mạc đại tràng nhưng hội chứng ruột kích thích lại có thể gây ra những cơn đau quặn vùng bụng hoặc thấy đau rát khi đói, đặc biệt là vào buổi sáng.
Hội chứng ruột kích thích thường đi kèm với các triệu chứng sau:
- Đầy bụng.
- Thường xuyên bị tiêu chảy hoặc táo bón.
- Đầy hơi, chướng bụng.
- Đi ngoài.
2. Viêm dạ dày
Thông thường, dạ dày sẽ tiết ra một lượng acid dịch vị đồng thời co bóp để thực hiện chức năng tiêu hóa. Tuy nhiên, khi dạ dày bị viêm và tổn thương thì quá trình tiêu hóa này sẽ bị ảnh hưởng.
Cụ thể, lượng dịch vị tiết ra ít hơn so với nhu cầu cần thiết và lực co bóp yếu hơn khiến việc tiêu hóa bị chậm trễ gây ứ đọng thức ăn trong dạ dày, dẫn đến chướng bụng và đầy hơi. Ngược lại, nếu dịch vị tiết ra nhiều hơn so với nhu cầu bình thường sẽ khiến niêm mạc dày bị ăn mòn gây tác dụng tiêu cực như đau bụng, ợ chua, trào ngược acid…
Các triệu chứng phổ biến của viêm dạ dày gồm:
- Đau bụng, cơn đau có thể quặt thắt hoặc bỏng rát.
- Cảm giác đau nghiêm trọng hơn khi đói, đỡ hơn sau khi ăn.
- Cảm thấy khó tiêu.
- Một số dấu hiệu khác như: buồn nôn, nôn, đầy hơi.
Bệnh viêm dạ dày nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến loét dạ dày và xuất huyết dạ dày. Tuy hiếm xảy ra nhưng bệnh viêm dạ dày mãn tính có thể làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
3. Chứng khó tiêu chức năng
Triệu chứng phổ biến của chứng khó tiêu chức năng là những cơn đau dai dẳng, tái phát hoặc theo chu kỳ kèm theo đó là cảm giác khó chịu ở vùng bụng trên. Cơn đau tăng nặng hơn khi đói và thuyên giảm sau khi ăn hoặc dùng thuốc kháng acid.
Một số triệu chứng khác của hội chứng khó tiêu gồm:
- Nhanh bị đói.
- Khó chịu.
- Nôn mửa, buồn nôn.
- Chướng bụng.
Chứng khó tiêu thường không nguy hiểm nhưng gây cảm giác khó chịu và căng thẳng cho người bệnh.
4. Loét dạ dày tá tràng
Loét dạ dày tá tràng là hiện tượng loét niêm mạc bên trong ống tiêu hóa là dạ dày và tá tràng. Nguyên nhân chính là do nhiễm khuẩn HP hoặc dùng thuốc chống không steroid như ibuprofen, naproxen kéo dài. Tiêu thụ nhiều thức ăn cay nóng và căng thẳng kéo dài khiến triệu chứng bệnh loét dạ dày tá tràng nặng hơn.
Triệu chứng thường gặp nhất của loét dạ dày tá tràng là đau rát dạ dày, các cơn đau bụng dữ dội, quặn thắt, đặc biệt là khi bụng đói. Cơn đau có thể thuyên giảm khi người bệnh ăn một số loại thực phẩm có khả năng trung hòa được acid hoặc uống thuốc giảm acid. Tuy nhiên, cơn đau cũng có thể dễ dàng tái phát trở lại.
III. Đau bụng khi đói khi nào cần gặp bác sĩ?
Hầu hết các trường hợp đau bụng khi đói sẽ đỡ và tự hết sau khi ăn mà không cần phải chăm sóc y tế. Tuy nhiên, đây cũng có thể là dấu hiệu sớm của các bệnh lý đường tiêu hóa như chúng tôi đã kể ở trên.
Do đó, nếu triệu chứng đau bụng khi đói xuất hiện với các cơn đau quặn bụng và kéo dài liên tục từ 1-2 tuần, bạn hãy đến thăm khám bác sĩ. Đặc biệt, nên đi thăm khám ngay khi cơn đau bụng khi đói xuất hiện với các triệu chứng bất thường khác như:
- Buồn nôn, nôn ra máu, máu có màu đỏ hoặc đen.
- Phân có máu, đi ngoài phân màu đen.
- Khó thở.
- Cảm thấy kiệt sức.
- Thay đổi cảm giác thèm ăn.
- Giảm cân không rõ lý do.
IV. Chẩn đoán và điều trị tình trạng đau bụng khi đói
Tại bệnh viện, bên cạnh thăm khám lâm sàng qua triệu chứng và tiền sử bệnh lý, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm và cận lâm sàng như nội soi dạ dày và đại tràng, công thức máu, chụp X-quang bụng, CT, MRI… để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau bụng khi đói.
Trường hợp đau bụng khi đói chỉ đơn thuần do bụng trống rỗng, bạn cần chỉ ăn vào là có thể cải thiện tình trạng. Nếu triệu chứng đau bụng khi đói do nguyên nhân bệnh lý, tùy thuộc vào nguyên nhân cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn phác đồ điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Người bệnh cần lưu ý không tự ý dùng thuốc vì có thể gây ra tác dụng không mong muốn và gây hại đến gan, thận và dạ dày.
V. Lưu ý trong ăn uống, sinh hoạt cho người đau bụng khi đói
Khi bị đau quặn bụng lúc đói, giải pháp đầu tiên mọi người nghĩ đến đó là ăn. Tuy nhiên, khi ăn bạn cần chú ý lựa chọn thực phẩm phù hợp để tránh tình trạng nghiêm trọng hơn.
1. Thực phẩm nên ăn
Nếu bị đau bụng khi đói, bạn nên ăn các thực phẩm sau:
- Bánh mì.
- Ngũ cốc nguyên hạt không chứa men.
- Bột yến mạch, kiều mạch.
- Cháo bột ngô, mầm lúa mạch.
- Mật ong.
- Trứng.
- Dưa hấu.
Các thực phẩm kể trên giúp tạo ra lớp màng bảo vệ niêm mạc, kích thích hệ tiêu hóa và ngăn cản acid clohydric gây hại cho thành dạ dày. Ngoài ra, còn cung cấp protein, sắt, vitamin cho cơ thể.
2. Thực phẩm không nên ăn
Trường hợp bị đau bụng khi đói, nếu muốn ăn bạn cần tránh chọn các thực phẩm chứa nhiều acid, tanin sẽ khiến tình trạng xấu hơn. Cụ thể gồm:
- Hoa quả nhiều acid: Ăn hoa quả nhiều acid lúc đói bụng khiến cơn đau nghiêm trọng hơn. Vì vậy bạn nên kiêng ăn bưởi, cam, chanh, quất, cóc, xoài, cà chua…
- Thực phẩm cay, đồ ăn nhiều dầu mỡ: Thực phẩm cay, đồ ăn chiên rán chứa nhiều dầu mỡ khiến niêm mạc đường tiêu hóa bị kích thích gây đau.
- Khoai lang: Củ khoai lang chứa nhiều tanin và nhựa, nếu ăn lúc đói sẽ kích thích tiết nhiều acid dịch vị hơn khiến bụng cồn cào, khó chịu.
- Tỏi: Ăn tỏi khi đói làm kích thích mạnh niêm mạc dạ dày dẫn đến bị đau quặn bụng và ảnh hưởng tới chức năng tiêu hóa. Thường xuyên ăn tỏi khi bụng đói rất hại cho dạ dày.
- Nước ngọt có ga: Uống vào lúc đói, nhất là vào sáng sớm sẽ làm tổn thương màng nhầy và giảm lượng máu cung cấp cho dạ dày. Hậu quả là khiến thức ăn khó tiêu gây đầy hơi, chướng bụng.
- Sữa chua: Ăn sữa chua khi bụng trống rỗng khiến dạ dày tiết lượng lớn acid sẽ giết hết các lợi khuẩn trong sữa chua. Do đó, bạn nên ăn sau bữa ăn chính khoảng 1 tiếng.
3. Nguyên tắc trong ăn uống, sinh hoạt
Bên cạnh những thực phẩm nên và không nên ăn khi bụng đói ở trên, bạn cũng cần tuân thủ một số quy tắc dưới đây để ngăn ngừa triệu chứng đau bụng khi đói tái phát:
- Ăn uống đủ bữa, đúng giờ giấc để đảm bảo thức ăn đến dạ dày kịp thời, đáp ứng lượng acid dạ dày tiết ra.
- Tập trung ăn, nhai kỹ để giảm áp lực lên dạ dày.
- Nên chia thành nhiều bữa nhỏ, tránh ăn nhiều một lúc trong 1 bữa khiến dạ dày quá tải.
- Không nên nằm ngay sau khi ăn, nên đi lại nhẹ nhàng hoặc ngồi nghỉ ngơi khoảng 1 tiếng.
- Không nên ăn đêm, ăn muộn vì sẽ khiến dạ dày phải làm việc liên tục không được nghỉ ngơi.
- Uống đủ nước, khoảng 1,5 đến 2 lít nước mỗi ngày.
- Hạn chế các loại đồ uống như rượu, nước ngọt có ga, caffein…
- Kiểm soát tốt căng thẳng, nên tập thể dục, chạy bộ, thiền đều đặn mỗi ngày.
Tình trạng đau bụng khi đói nếu kéo dài với cơn đau bụng quặn có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý ở đường tiêu hóa cần điều trị y tế. Do đó, bạn cần chủ động thăm khám càng sớm càng tốt để tránh xảy ra biến chứng nguy hiểm.
Có thể bạn quan tâm: