Ung thư dạ dày có nên mổ không? Quy trình, chi phí, địa chỉ

Ung thư dạ dày có nên mổ không? Mổ dạ dày là phương pháp triệt căn tối ưu và hiệu quả, đặc biệt với bệnh nhân ung thư giai đoạn đầu. Phương pháp này giúp loại bỏ phần dạ dày có khối u ung thư.

I. Ung thư dạ dày và các phương pháp điều trị 

Ung thư dạ dày là tình trạng các tế bào bên trong dạ dày phát triển bất thường và mất kiểm soát hình thành khối u ác tính. Nguyên nhân gây bệnh y thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, yếu tố nội sinh, yếu tố môi trường và yếu tố di truyền. 

Các triệu chứng cảnh báo ung thư dạ dày gồm: đau bụng, ợ hơi, sụt cân, nôn và buồn nôn, nuốt nghẹn. Bệnh có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng phổ biến nhất là ở những người từ 50 tuổi trở lên. Tỷ lệ mắc ung thư dạ dày ở nam giới cao hơn nữ giới. 

Theo thống kê, bệnh ung thư dạ dày gây tỷ lệ tử vong cao thứ 3 tại Việt Nam, chỉ sau ung thư phổi, ung thư gan và đang có xu hướng trẻ hóa. Tỷ lệ tử vong càng cao nếu bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Người bệnh có thể tử vong vì các biến chứng của ung thư dạ dày hoặc vì tổn thương thứ phát ở các cơ quan khác làm giảm chức năng hoạt động của cơ thể.

Căn cứ vào kích thước và vị trí của khối u trong cơ thể cũng như các triệu chứng người bệnh gặp phải mà bác sĩ có thể đề nghị thực hiện các phương pháp điều trị như sau: 

  • Phẫu thuật: Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư dạ dày cơ bản và chủ yếu nhất được bác sĩ chỉ định nhằm loại bỏ khối u. Lúc này dạ dày có thể được phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ, có thể kèm theo nạo vét hạch. Phẫu thuật ung thư dạ dày gồm 2 phương pháp là nội soi và mổ mở.
  • Hóa trị: Sử dụng thuốc hóa chất tiêu diệt các tế bào ung thư ác tính phát triển và giảm nhẹ các triệu chứng bệnh. 
  • Xạ trị: Dùng sóng năng lượng cao như tia X để tiêu diệt các tế bào ung thư và thu nhỏ khối u.
  • Thuốc điều trị nhắm mục tiêu: Thuốc hoạt động bằng cách “nhắm mục tiêu” các điểm giúp tế bào ung thư tồn tại và phát triển để hạn chế sự nhân lên hoặc tiêu diệt tế bào ác tính.

Các phương pháp điều trị ung thư dạ dày ở trên có thể điều trị riêng lẻ hoặc phối hợp tùy theo từng trường hợp bệnh nhân khác nhau. Bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất.

Hình ảnh dạ dày bị ung thư

II. Ung thư dạ dày có nên mổ không?

Về thắc mắc ung thư dạ dày có nên mổ không, các chuyên gia sức khỏe cho biết, phẫu thuật mổ cắt dạ dày là việc cần làm với bệnh nhân ung thư dạ dày. 

Mục đích của mổ ung thư dạ dày là để loại bỏ phần dạ dày có khối u ung thư phát triển hoặc làm giảm triệu chứng khi ung thư dạ dày không thể cắt bỏ hoàn toàn. Với bệnh nhân ung thư dạ dày, phẫu thuật là phương pháp triệt căn tối ưu và hiệu quả, đặc biệt là ở giai đoạn đầu: 

  • Đối với ung thư dạ dày giai đoạn đầu: Ở giai đoạn đầu, khối u chỉ khu trú trong dạ dày và chưa di căn sang các cơ quan khác trong cơ thể. Mổ cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày để loại bỏ các tế bào ung thư, tăng cơ hội điều trị chữa khỏi bệnh. 
  • Đối với ung thư dạ dày giai đoạn muộn: Mổ dạ dày giúp loại bỏ khối u, giảm nhẹ các triệu chứng và biến chứng như hẹp môn vị, xuất huyết tiêu hóa… để kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. 

Mổ ung thư dạ dày là phương pháp điều trị phổ biến và được bác sĩ chỉ định ở tất cả mọi giai đoạn bệnh. Tuy nhiên, mổ ung thư dạ dày sẽ không được thực hiện khi bệnh nhân quá yếu hoặc khi các khối u đã di căn xa, xâm lấn sang động mạch mạc treo, động mạch chủ, trung tâm động mạch lách và đến nhiều cơ quan khác.

Tùy vào từng tình trạng bệnh và sức khỏe của mỗi bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định mổ cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày:

  • Cắt bán phần (1 phần) dạ dày: Thường chỉ định với bệnh nhân có khối u ác tính nằm ở phần thấp trong dạ dày.
  • Cắt toàn bộ dạ dày: Áp dụng cho bệnh nhân có khối u ác tính nằm ở giữa, nằm phần cao trên dạ dày hoặc khối uu này đã lan rộng và di căn.

Phẫu thuật mổ cắt dạ dày là việc cần làm với bệnh nhân ung thư dạ dày để loại bỏ khối u ung thư.

III. Các phương pháp mổ ung thư dạ dày

Mổ ung thư dạ dày hiện có 2 phương pháp là mổ mở truyền thống và mổ nội soi. Tùy vào tình trạng bệnh, sức khỏe và nhu cầu của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp mổ phù hợp.

1. Mổ mở

Đây là phương pháp mổ ung thư dạ dày truyền thống. Theo đó, bác sĩ sử dụng dao mổ đã tiệt trùng để rạch một đường ở giữa bụng với kích thước vừa đủ để tiếp cận trực tiếp tới dạ dày bằng tay. 

Nhược điểm của phương pháp mổ mở là để lại vết sẹo lớn và mất nhiều thời gian phục hồi sau mổ.

2. Mổ nội soi

Với phương pháp mổ nội soi ung thư dạ dày, bác sĩ sẽ đưa dụng cụ nội soi chuyên dụng xuyên qua vết rạch nhỏ ở trên bụng gần dạ dày để cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày tùy vào đối tượng và giai đoạn của bệnh.

So với mổ mở, mổ nội soi ung thư dạ dày ít xâm lấn, ít đau, sẹo để lại nhỏ và thời gian phục hồi sức khỏe cũng nhanh hơn. 

Bệnh nhân ung thư dạ dày dù mổ mở hay mổ nội soi cũng đề được gây mê trước để không còn cảm giác đau và giúp việc điều trị ung thư dạ dày diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.

Sau khi mổ ung thư dạ dày xong và hết thuốc mê, người bệnh sẽ bị đau và khó chịu. Để khắc phục, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau và một số thuốc khác cho bệnh nhân.

Mổ dạ dày hiện có 2 phương pháp là mổ mở truyền thống và mổ nội soi.

IV. Quy trình mổ ung thư dạ dày

Trong quá trình mổ ung thư dày, người bệnh cần tuân thủ theo mọi hướng dẫn của bác sĩ để ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi và thành công. Quy trình mổ ung thư dạ dày gồm các bước cụ thể như sau:

1. Trước mổ 

Trước ngày mổ ung thư dạ dày, người bệnh cần thực hiện các yêu cầu sau:

  • Khám tiền mê: Bệnh nhân khám sức khỏe tổng quát và xét nghiệm máu. Mục đích là để đánh giá các chức năng, từ hệ hô hấp tim mạch đến bài tiết giúp bác sĩ chọn phương pháp và thời gian gây mê phù hợp, hiệu quả. 
  • Tắm bằng dung dịch sát trùng Betadine: Được thực hiện vào đêm trước và sáng ngày mổ để vô khuẩn hoàn toàn. Người bệnh được nhân viên y tế phát dụng cụ vệ sinh và tự thắm hoặc được hỗ trợ tắm. Sau khi tắm, bệnh nhân được nhân viên y tế tiếp tục sát khuẩn thêm một lần nữa ở vùng da mổ.
  • Nhịn ăn uống từ đêm trước ngày phẫu thuật: Gây mê đòi hỏi đường tiêu hóa trên, đặc biệt là dạ dày của người bệnh phải rỗng. Điều này cũng giúp tránh các biến chứng như tắc đường thở do dịch và thức ăn trào ngược từ dạ dày vào khí quản.

2. Lập kế hoạch mổ

Bệnh nhân trao đổi với bác sĩ để được chuẩn bị tâm lý tốt nhất trước khi bước vào ca phẫu thuật. Đồng thời, bác sĩ cũng trao đổi với bệnh nhân về các phương pháp, cách thức mổ ung thư dạ dày cũng như biến chứng có thể gặp phải: 

  • Các dạng mổ ung thư dạ dày: Nội soi cắt bỏ niêm mạc, cắt toàn bộ dạ dày, cắt một phần dạ dày.
  • Cách thức mổ ung thư dạ dày: Mổ mở, mổ nội soi.
  • Biến chứng: Một số biến chứng có thể xảy ra khi mổ ung thư dạ dày như nhiễm trùng, chảy máu, hẹp miệng nối, áp xe…

3. Trong thời gian mổ

Sau khi bệnh nhân được gây mê, bác sĩ sẽ thực hiện mổ ung thư dạ dày bằng phương pháp đã thống nhất: 

  • Mổ mở: Bác sĩ rạch một đường dài giữa bụng khoảng 10cm để cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày.
  • Mổ nội soi: Bác sĩ rạch một lỗ nhỏ trên thành bụng (lỗ khoảng 1cm) đưa dụng cụ nội soi vào để cắt một phần hoặc toàn bộ dạ dày.

Bác sĩ thực hiện mổ phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư dạ dày

V. Lưu ý sau khi mổ ung thư dạ dày

Chế độ ăn uống khoa học và tập luyện đúng cách sau khi mổ ung thư dạ dày giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Vì vậy, người bệnh cần chú ý những vấn đề sau:

1. Theo dõi sau mổ

Sau mổ ung thư dạ dày, cần chú ý theo dõi biến chứng có thể xảy ra. Nếu thấy có bất thường cần đến ngay bệnh viện để được can thiệp kịp thời:

  • Theo dõi biến chứng: Bị chảy máu (trong 24h sau mổ); chóng mặt, say sẩm,vật vã; vã mồ hôi, bụng chướng; máu thấm băng; sonde dạ dày (dịch dạ dày đỏ tươi dần lên, bình thường là xanh hoặc nâu sẫm sau mổ); dẫn lưu từ ổ bụng ra sẽ có máu chảy ra ào ạt; ói máu, tiêu máu.
  • Theo dõi tình trạng nhiễm trùng: Viêm (sưng nóng đỏ đau của vết mổ, dẫn lưu); tính chất dịch đục qua ống dẫn lưu; mức độ đau bụng, sốt .
  • Theo dõi vết mổ: Đau vết mổ, đau sẽ giảm dần sau 2 – 3 ngày; giữ khô vùng vết mổ nếu băng ướt hoặc bị bong tróc thì báo nhân viên y tế; không đắp khăn ướt, thuốc lạ lên vết mổ; cắt chỉ sau phẫu thuật 7 ngày.
  • Dẫn lưu: Nên nằm nghiêng về phía dẫn lưu; treo túi chứa cùng bên với dẫn lưu và luôn giữ túi thấp hơn chân dẫn lưu 60cm; giữ cho ống dẫn thông suốt, không nằm đè lên ống; không làm ống bị căng; xả túi chứa khi đầy hơn 1/2 túi; ống dẫn lưu thường được rút sau mổ 24-48 giờ khi có chỉ định của bác sĩ.

2. Chế độ dinh dưỡng

Vì dạ dày bị cắt bỏ nên quá trình tiêu hóa và hấp thu bị thay đổi. Một số người bệnh gặp phải tình trạng chướng bụng, dạ dày nóng, đi ngoài phân rất ít, dạ dày đau âm ỉ khi đói. Để giảm cảm giác khó chịu, bệnh nhân sau mổ dạ dày cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp với từng giai đoạn sau khi mổ ung thư dạ dày: 

  • 0 tới 48 tiếng sau mổ ung thư dạ dày: Người bệnh được nuôi ăn bằng đường tĩnh mạch.
  • 2 – 3 ngày sau mổ ung thư dạ dày: Bệnh nhân thể ăn trực tiếp với các thực phẩm dễ tiêu hóa, thái nhỏ và nấu chín mềm ở dạng lỏng. Nên ăn thành nhiều bữa trong ngày, mỗi bữa cách nhau từ 3 đến 4 tiếng.
  • Hồi phục sau mổ: Bệnh nhân nên tăng cường ăn các  thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein như rau xanh, sữa, thịt, trứng, hoa quả tươi…

3. Vận động, sinh hoạt

Bệnh nhân sau mổ ung thư dạ dày chỉ nên vận động và sinh hoạt nhẹ nhàng. Không nên vận động mạnh, lái xe và mang vác đồ nặng để tránh làm tổn thương vết mổ. 

  • 8 giờ đầu sau mổ: Người bệnh có thể vận động nhẹ nhàng tại giường.
  • Ngày 1: Bệnh nhân vận động tay, chân; xoay trở trên giường; tập ngồi dậy.
  • Ngày 2: Tập ngồi dậy, có thể đi lại trong phòng.
  • Bệnh nhân ung thư dạ dày lớn tuổi và yếu cần có chế độ tập luyện riêng.  
  • Vật lý trị liệu hỗ trợ sau mổ ung thư dạ dày theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Mang tất chân trong một vài tuần sau mổ để giúp máu lưu thông tốt, hạn chế nguy cơ hình thành các cục máu đông.  

4. Vệ sinh cá nhân

Người bệnh sau mổ ung thư dạ dày cần tuân thủ theo hướng dẫn vệ sinh cá nhân của nhân viên y tế. Khi đi lại được bệnh nhân có thể tự thực hiện vệ sinh cá nhân.

5. Tái khám định kỳ

Bệnh nhân sau mổ ung thư dạ dày nên tái khám định kỳ theo chỉ định từ bác sĩ để đánh giá mức độ phục hồi, phòng ngừa và phát hiện sớm tái phát.

Bệnh nhân sau mổ dạ dày cần được chăm sóc và theo dõi sát sao

VI. Thắc mắc thường gặp về mổ ung thư dạ dày

Có rất nhiều thắc mắc xung quanh phương pháp điều trị mổ ung thư dạ dày, và dưới đây là giải đáp của chúng tôi:

1. Cắt ung thư dạ dày sống được bao lâu? 

Theo thống kê, tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư sau khi mổ cắt ung thư dạ dày trên 5 năm dao động từ 4 – 71% (71% với giai đoạn 1A và 4% với giai đoạn cuối 4B). 

Bạn nên thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm giúp kéo dài thời gian sống.

2. Mổ ung thư dạ dày có nguy hiểm không?

Mổ ung thư dạ dày là phương pháp tốt nhất để điều trị căn bệnh này. Tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà phương pháp mổ tiềm ẩn nhiều rủi ro và biến chứng. Cụ thể:

  • Chảy máu sau phẫu thuật.
  • Cục máu đông.
  • Nhiễm trùng vết mổ.
  • Bung thành bụng.
  • Hẹp miệng nối.
  • Áp xe trong ổ bụng.
  • Rò miệng nối ở thực quản, ruột non.

Bên cạnh đó, sau khi cắt toàn bộ hoặc một phần dạ dày, chức năng tiêu hóa của người bệnh có thể gặp một số biến chứng như:

  • Hội chứng Dumping: Gây đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, mệt mỏi… Tuy nhiên, tình trạng này sẽ được cải thiện sau 2-3 tháng.
  • Sụt cân nhanh ở vài tháng đầu sau phẫu thuật.
  • Không dung nạp Lactose.
  • Kém hấp thu mỡ.
  • Loãng xương, gãy xương.

3. Mổ ung thư dạ dày nằm viện bao lâu? 

Thông thường, nếu bệnh nhân sau mổ ung thư dạ dày không có biến chứng và sức khỏe mau hồi phục thì có thể xuất viện sau khoảng 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân cũng có thể nằm lâu hơn thời gian này.

4. Sau mổ ung thư dạ dày nên ăn gì?

Khi có thể ăn bằng đường miệng hoàn thành, bệnh nhân sau mổ ung thư dạ dày nên ăn nhiều bữa (tối thiểu 4 bữa), không nên ăn quá nhiều chất đạm, béo; thức ăn phải được nấu nhừ, loãng và không ăn thức ăn sống. 

Nên chọn thức ăn dễ hấp thu như chất bột, các  thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và protein như rau xanh, sữa, thịt, trứng, hoa quả tươi…

5. Sau mổ ung thư dạ dày không nên ăn gì?

Bệnh nhân sau mổ dạ dày nên tránh ăn các loại quả chua, hành muối, dưa chua, các gia vị cay chua (ớt, giấm, tiêu, mù tạt), những chất kích thích (chè đặc, rượu, bia, cà phê). Vì các thực phẩm này đều có nguy cơ gây loét miệng nối.

Bên cạnh đó, người sau mổ ung thư dạ dày cũng không nên ăn thức ăn khô, cứng và nhiều chất xơ như xương, sụn, rau già…

6. Mổ ung thư dạ dày hết bao nhiêu tiền?

Tùy từng bệnh viện, giai đoạn của bệnh và phương pháp mổ ung thư dạ dày mà chi phí người bệnh cần chi trả khác nhau. Tuy nhiên, mức giá trung bình khi mổ ung thư dạ dày thường dao động từ khoảng 20 đến 40 triệu đồng. Phương pháp mổ mở truyền thống thường rẻ hơn so với mổ nội soi.

7. Mổ ung thư dạ dày ở đâu tốt? 

Bệnh nhân nên chọn các cơ sở y tế/bệnh viện uy tín để thực hiện mổ dạ dày. Một số tiêu chí giúp đánh giá chất lượng như: bệnh viện/cơ sở y tế lớn; đội ngũ bác sĩ giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm; cơ sở vật chất, hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại…

Một số bệnh viện điều trị ung thư dạ dày tốt người bệnh có thể tham khảo như: Bệnh viện K, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Quân Y 103, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115…. 

Theo thống kê, tỷ lệ sống của bệnh nhân ung thư sau khi mổ cắt ung thư dạ dày trên 5 năm dao động từ 4 – 71%

Như vậy, câu trả lời cho câu hỏi ung thư dạ dày có nên mổ không là có. Bệnh nhân ung thư dạ dày nên thực hiện mổ khi có chỉ định từ  bác sĩ để tăng cơ hội và kéo dài thời gian sống.

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu

Dược sĩ

Nguyễn Thị Thu

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.

Đinh Thị Hiền (Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2014-2018). Cô có 6 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copy Write tại các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, làm đẹp,… Hiện nay, Đinh Thị Hiền được biết đến với vai trò biên tập viên cho nhãn hàng Yumangel, với mong muốn cung cấp những thông tin hữu ích liên quan đến sản phẩm cũng như các phương pháp trị đau dạ dày. Hy vọng, những nội dung mà Hiền truyền tải sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin hữu ích, giúp bạn có được những phương pháp chăm sóc dạ dày phù hợp.

0/5 (0 lượt bình chọn)

Để lại bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *