Thần kinh dạ dày là bệnh lý khá xa lạ với nhiều người và thông tin về bệnh lý này còn rất ít. Bệnh thần kinh dạ dày gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau thắt dạ dày, táo bón xen kẽ tiêu chảy, buồn nôn và nôn… gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Người bệnh cần chủ động thăm khám và điều trị bệnh sớm ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh.
Mục lục
I. Bệnh thần kinh dạ dày là gì?
Thần kinh dạ dày hay đau thần kinh dạ dày là một khái niệm rất lạ đối với nhiều người. Thực chất đây là bệnh rối loạn chức năng dạ dày, thường gặp ở những người trẻ tuổi và những người có hệ thần kinh thực vật bị rối loạn.
Rối loạn chức năng dạ dày có thể chỉ là cách mà hệ thống tiêu hóa hoạt động một cách tự nhiên trong thời gian căng thẳng, nhưng cũng có thể dạ dày bị bệnh về mặt thần kinh. Bệnh thần kinh dạ dày nếu không được điều trị và để kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn chức năng của dạ dày (co bóp và tiết dịch) dẫn đến hậu quả là khó tiêu và đau dạ dày.
II. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây bệnh thần kinh dạ dày
Dạ dày có hai chức năng chính là co bóp và tiết dịch. Cũng như các phần khác của ống tiêu hóa, dạ dày được chi phối bởi thần kinh thực vật:
– Phần giao cảm: Gồm các sợi giao cảm từ các hạch giao cảm ngực và thắt lưng, làm giảm hoạt động của hệ tiêu hóa.
– Phần đối giao cảm: Do dây thần kinh phế vị (dây X) và một số nhánh của đoạn tủy cùng có vai trò tăng co bóp, bài tiết.
– Phần cảm giác tạng: Các xung động cảm giác của các cơ quan tiêu hoá được dẫn truyền qua các sợi hướng tâm đến tuỷ gai và vỏ não.
Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh thần kinh dạ dày hoặc nguyên nhân rất mơ hồ. Nhưng nguyên nhân gây bệnh thần kinh dạ dày hiện được phân thành 2 nhóm chính gồm:
1. Nguyên nhân nguyên phát
Nguyên nhân thứ phát gây đau thần kinh dạ dày thường xuất phát từ những yếu tố thần kinh tâm thần gây nên. Ví dụ như:
- Căng thẳng stress.
- Tức giận.
- Sợ hãi.
- Các sang chấn tâm lý ở những mức độ khác nhau.
2. Nguyên nhân thứ phát
Với nguyên nhân thứ phát, bệnh thần kinh dạ dày có thể là hệ lụy do các bệnh lý ở cơ quan khác như:
- Bệnh mạn tính: viêm gan mạn, viêm túi mật mạn, viêm tụy mạn, viêm đại tràng mạn…
- Bệnh tự miễn: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp…
- Chấn thương.
- Nhiễm độc.
- Ngoài ra, còn do tác dụng phụ của một số thuốc, nhất là thuốc điều trị ung thư.
3. Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh dạ dày gồm:
- Thói quen ăn uống không tốt: nhai không kỹ, ăn nhanh, ăn uống thất thường, uống nhiều rượu bia, ăn nhiều gia vị cay nóng…
- Sinh hoạt thiếu khoa học: vận động hoặc làm việc nặng ngay sau khi ăn; ngủ nghỉ không đúng giờ, thiếu ngủ, ngủ muộn…
III. Triệu chứng của bệnh thần kinh dạ dày
Tổn thương các dây thần kinh của hệ tiêu hóa và dạ dày có thể gây ra các triệu chứng dưới đây:
1. Táo bón xen kẽ tiêu chảy
Người mắc bệnh thần kinh dạ dày thường gặp triệu chứng táo bón, đôi khi xen lẫn tiêu chảy.
2. Khó nuốt
Triệu chứng khó nuốt khiến người bệnh có cảm giác bị nghẹn, nhất là khi nuốt các thức ăn cứng và đặc. Các trường hợp nghiêm trọng có thể bị nghẹn với mọi thứ nuốt vào, bao gồm cả nước bọt.
3. Cảm giác bồn chồn ở trong dạ dày
Người bệnh có thể có cảm giác không thoải mái hoặc đau ở khu vực dạ dày, thường được nhiều người mô bằng từ “bồn chồn”.
4. Đau thắt ở dạ dày
Cảm giác xoắn, co thắt hoặc đau nhói có thể xuất hiện ở vùng dạ dày khiến người bệnh không thoải mái, thậm chí là đau đớn.
5. Cảm giác lo lắng
Cảm giác lo lắng và căng thẳng tinh thần ở bệnh nhân thần kinh dạ dày thường đi kèm với đau bụng, có thể làm tăng triệu chứng bệnh.
6. Run rẩy, co giật các cơ
Căng thẳng thần kinh dạ dày có thể gây ra các phản ứng vận động như run rẩy cơ hoặc co giật.
7. Thường xuyên đầy hơi
Cảm giác đầy hơi hoặc căng bên trong dạ dày là một triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân thần kinh dạ dày.
8. Buồn nôn hoặc nôn
Tâm lý căng thẳng có thể gây tăng tiết axit dạ dày và chức năng tiêu hóa, dẫn đến đau bụng, buồn nôn và nôn.
9. Khó tiêu, ăn nhanh no
Đau thần kinh dạ dày còn gây khó tiêu hoặc ăn nhanh no hơn bình thường. Nguyên nhân là do căng thẳng có thể làm thay đổi cách tiêu hóa thức ăn.
10. Tăng đi tiểu và đại tiện
Đau thần kinh dạ dày cũng có thể làm thay đổi thói quen đi tiểu và đi đại tiện, khiến người bệnh phải đi vệ sinh nhiều hơn bình thường.
IV. Các thể của bệnh đau thần kinh dạ dày
Bệnh đau thần kinh dạ dày được phân thành 3 thể gồm: giảm trương lực dạ dày, tăng trương lực dạ dày và giãn dạ dày cấp.
1. Giảm trương lực dạ dày
Thường xuất hiện sau căng thẳng thần kinh tâm thần; sau chấn thương các loại hoặc bội thực sau một thời gian dài nhịn đói.
Biểu hiện của giảm trương lực dạ dày gồm: cơ thể mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, lao động giảm, đầy bụng, ăn ít, nhanh no, ậm ạch, đau âm ỉ, buồn nôn, ợ hơi, táo bón, ỉa lỏng.
2. Tăng trương lực dạ dày
Tăng trương lực dạ dày thường xảy ra do chấn thương tâm thần, nhiễm độc chì mạn hoặc sau viêm loét dạ dày – đại tràng.
Biểu hiện của tăng trương lực dạ dày gồm: thường xuyên đau bụng vùng thượng vị, cảm giác đau tăng lên khi làm việc hoặc sang chấn tâm lý; ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, nôn…
3. Giãn dạ dày cấp
Giãn dạ dày cấp thường xuất hiện sau viêm tụy có mủ, chấn thương ổ bụng, ăn hoặc uống quá mức kéo dài.
Biểu hiện của giãn dạ dày cấp gồm: đau bụng vùng thượng vị dữ dội hoặc âm ỉ; nôn nhiều, kéo dài gây rối loạn nước và điện giải, có thể dẫn đến tử vong.
V. Cách chữa bệnh thần kinh dạ dày
Tuy không phổ biến như những bệnh lý dạ dày khác nhưng khi mắc bệnh thần kinh dạ dày, người bệnh không nên xem thường. Tốt nhất là nên đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Trong một số trường hợp, bệnh thần kinh dạ dày có thể báo hiệu một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Hãy thăm khám với bác sĩ để loại trừ các vấn đề khác có thể ảnh hưởng đến dạ dày, chẳng hạn như:
- Hội chứng ruột kích thích
- Bệnh viêm loét dạ dày
- Bệnh viêm ruột.
- Bệnh celiac.
Sau khi thăm khám và chẩn đoán, tùy theo tình trạng bệnh bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Các phương pháp điều trị bệnh thần kinh dạ dày hiện nay gồm:
1. Điều trị bệnh theo nguyên nhân
Trường hợp xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh thần kinh dạ dày, bác sĩ sẽ điều trị định hướng vào xử lý trực tiếp vào nguyên nhân đó.
Ví dụ, nếu bệnh được gây ra bởi viêm đại tràng hoặc viêm loét dạ dày, thì sẽ có phương pháp điều trị riêng biệt dựa trên tình trạng cụ thể của người bệnh.
2. Điều trị triệu chứng
Trong trường hợp bệnh thần kinh dạ dày không xác định được nguyên nhân cụ thể hoặc khi nguyên nhân không thể được điều trị, bác sĩ sẽ tập trung vào điều trị triệu chứng để giảm khó chịu và đau cho bệnh nhân.
Việc điều trị thường bao việc sử dụng thuốc để kiểm soát các triệu chứng như buồn nôn, ợ hơi, đau bụng hoặc táo bón.
3. Liệu pháp tâm lý
Liệu pháp tâm lý điều trị bệnh thần kinh dạ dày có thể được áp dụng trong trường hợp nguyên nhân gây bệnh liên quan chặt chẽ đến căng thẳng tinh thần và trạng thái tâm lý.
Bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý sẽ trao đổi và trò chuyện với bệnh nhân để xác định nguyên nhân gây căng thẳng. Từ đó tìm cách giảm căng thẳng để làm giảm tác động lên dạ dày và hệ tiêu hóa.
4. Biện pháp khác
– Thuốc trị thần kinh dạ dày: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bệnh nhân mắc bệnh thần kinh dạ dày để giảm căng thẳng và lo lắng, đặc biệt nếu các triệu chứng bệnh có liên quan trực tiếp đến tình trạng tâm lý.
– Giảm stress: Tập thể dục đều đặn, thực hiện các kỹ thuật thư giãn như yoga hoặc thiền, nghe nhạc, đọc sách, duy trì mối quan hệ xã hội tích cực – những hoạt động này đều có thể giúp cải thiện tâm lý cũng như sức khỏe dạ dày và hệ tiêu hóa.
– Thay đổi chế độ ăn uống: Người mắc bệnh thần kinh dạ dày cần tránh tiêu thụ các thực phẩm và đồ uống có thể làm nghiêm trọng thêm các triệu chứng bệnh như: các sản phẩm từ sữa, cà phê, sôcôla, soda và trà.
VI. Làm thế nào để phòng ngừa đau thần kinh dạ dày?
Bên cạnh việc quản lý và giảm căng thẳng, để phòng ngừa đau thần kinh dạ dày bạn cần chú ý ăn uống khoa học, sinh hoạt điều độ kết hợp tập thể dục đều đặn.
1. Quản lý và giảm căng thẳng
Stress căng thẳng có thể gây hàng loạt các tác động tiêu cực trong dạ dày và hệ tiêu hóa, bao gồm tăng axit dạ dày, giảm tiết các hợp chất cần thiết cho quá trình tiêu hóa, thắt cơ tiêu hóa, thậm chí là làm tắt đường tiêu hóa hoàn toàn trong một thời gian ngắn. Hậu quả là dẫn đến khó tiêu hóa, buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón.
Mặt khác, stress cũng có thể gây viêm và làm suy yếu hệ thống miễn dịch của dạ dày. Từ đó, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và phát triển một số bệnh lý dạ dày như viêm dạ dày.
Do đó, việc quản lý và giảm căng thẳng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa cũng như điều trị bệnh thần kinh dạ dày. Bạn nên có chế độ làm việc – nghỉ ngơi hợp lý; hạn chế thức khuya ngủ muộn; suy nghĩ tích cực…
2. Lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học
Nhiều vấn đề về dạ dày và tiêu hóa có thể được phòng ngừa bằng cách tuân thủ một số mẹo dưới đây:
– Ăn uống cân bằng: Tránh xa các loại thực phẩm chiên, nhiều dầu mỡ khó tiêu hóa. Thay vào đó, hãy tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, như anh đào, nho, ớt chuông, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt. Đừng quên thêm cá vào thực đơn ăn uống hàng ngày, vì axit béo omega-3 trong cá có thể cải thiện các vấn đề tiêu hóa bằng cách ổn định thành tế bào để giảm viêm. Thực phẩm chứa probiotic cũng giúp tiêu hóa. Probiotic, chẳng hạn như sữa chua và kefir, chứa vi khuẩn có lợi có thể chống lại bất kỳ vi khuẩn có hại nào ẩn náu trong ruột của bạn.
– Ăn nhiều bữa nhỏ và thường xuyên: Ngăn ngừa chứng khó tiêu, đầy hơi và ợ nóng bằng cách thay đổi tần suất ăn mà không làm tăng lượng calo nạp vào cơ thể. Thay vì ba bữa ăn một ngày, hãy ăn bốn đến năm bữa nhỏ hơn.
– Ăn chậm và nhai kỹ: Hình thành thói quen ăn chậm và nhai kỳ. Dành thời gian nhai thức ăn đúng cách giúp bạn cảm thấy no, có thể giúp ngăn ngừa tình trạng ăn quá nhiều có thể gây ra đầy hơi, chướng bụng, ợ nóng và khó tiêu .
– Uống nhiều nước: Nước giúp cơ thể bạn đào thải chất thải và độc tố, đồng thời giúp ruột kết đào thải chất thải, ngăn ngừa táo bón. Lượng nước bạn cần mỗi ngày có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như mức độ hoạt động, vị trí địa lý và nhiệt độ. Nếu bạn có thắc mắc về lượng nước bạn cần mỗi ngày, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
– Hạn chế lượng rượu tiêu thụ: Rượu ảnh hưởng đến quá trình tiết axit và hấp thụ chất dinh dưỡng. Uống quá nhiều rượu có thể gây ra chứng ợ nóng, tiêu chảy và các vấn đề về dạ dày, gan.
– Duy trì cân nặng cơ thể khỏe mạnh: Cân nặng dư thừa, đặc biệt là ở vùng bụng, có thể khiến các vấn đề tiêu hóa như ợ nóng, đầy hơi và ợ chua trở nên trầm trọng hơn. Nếu cần giảm cân, hãy thực hiện những thay đổi nhỏ, dễ dàng để giảm cân lành mạnh.
3. Tập thể dục đều đặn
Hoạt động thể chất hàng ngày có thể giúp hệ tiêu hóa hoạt động và loại bỏ chất thải tốt hơn. Hãy thử đi bộ, đạp xe, bơi lội, sử dụng máy tập hoặc đi bộ đường dài.
Không chỉ vậy, tập thể dục còn giúp thúc đẩy sản xuất chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác dễ chịu của não, được gọi là endorphin, giúp giảm căng thẳng và mệt mỏi.
Bệnh thần kinh dạ dày có thể khỏi sau điều trị hoặc kéo dài cả đời. Dù thời gian bị bệnh ngắn hay dài thì người bệnh sẽ đều gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vì vậy, hãy chủ động thăm khám bác sĩ ngay có các dấu hiệu bị mắc bệnh thần kinh dạ dày.
Để được tư vấn kỹ hơn về sức khỏe và bệnh dạ dày, bạn vui lòng gọi đến hotline miễn cước 1800.1125 nhé!
Tài liệu tham khảo:
https://benhlytramcam.vn/dau-day-than-kinh-da-day-2501/
https://benhvienthucuc.vn/giai-ma-ve-dau-than-kinh-da-day/#41-Dieu-tri-theo-nguyen-nhan
https://hellodoctors.vn/benh/benh-than-kinh-da-day.html#4
https://stanfordhealthcare.org/medical-conditions/brain-and-nerves/autonomic-neuropathy.html
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...