Hội chứng ruột kích thích là một bệnh lý thường gặp ở đường tiêu hóa, với tỷ lệ mắc từ 5-20% dân số. Mặc dù không gây ảnh hưởng đến thực thể, nhưng bệnh lại rất khó điều trị triệt để vì chưa xác định được chính xác nguyên nhân.
Mục lục
- I. Hội chứng ruột kích thích là gì?
- II. Phân loại hội chứng ruột kích thích
- III. Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích
- IV. Các đối tượng dễ mắc hội chứng ruột kích thích
- V. 8 dấu hiệu hội chứng ruột kích thích
- VI. Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
- VII. Phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
- VIII. Cách điều trị hội chứng ruột kích thích
- IX. Cách phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
- X. Câu hỏi thường gặp về hội chứng ruột kích thích
- 1. Hội chứng ruột kích thích K58 là gì?
- 2. Hội chứng ruột kích thích khi nào cần đi khám?
- 3. Hội chứng ruột kích thích diễn ra trong bao lâu?
- 4. Người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn gì?
- 5. Bị hội chứng ruột kích thích không nên ăn gì?
- 6. Bị ruột kích thích thì uống thuốc gì?
- 7. Hội chứng ruột kích thích có chữa được không?
I. Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích có tên tiếng Anh là Irritable Bowel Syndrome (IBS). Đây là một trong các bệnh đường ruột phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc từ 5-20% dân số.
Hội chứng ruột kích thích là một hội chứng thường gặp ở đại tràng (ruột già), không gây tổn thương thực thể nhưng thường gây ra các triệu chứng như co thắt đại tràng, đau bụng, đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy…
Hội chứng ruột kích thích tuy lành tính, không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
II. Phân loại hội chứng ruột kích thích
Dựa trên các triệu chứng bệnh nhân gặp phải, hội chứng ruột kích thích được chia thành 4 loại như sau:
- Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy.
- Hội chứng ruột kích thích thể táo bón.
- Hội chứng ruột kích thích thể hỗn hợp, gồm cả táo bón và tiêu chảy.
- Hội chứng ruột kích thích không xác định.
III. Nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích
Hiện tại, y tế vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn tin rằng, sự tương tác sai lệch giữa não bộ và hệ tiêu hóa là nguyên nhân chính gây co cơ bất thường, dẫn đến táo bón hoặc tiêu chảy.
Có thể nói, hội chứng ruột kích thích xuất phát từ các yếu tố sinh lý và tâm lý xã hội. Các tác nhân này làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc nghiêm trọng hơn:
1. Thói quen ăn uống không lành mạnh
Sử dụng thực phẩm không tốt như rượu bia, cà phê, đồ uống có gas, thực phẩm cay nóng, thực phẩm nhiều dầu mỡ, thực phẩm còn sống hoặc chế biến không hợp vệ sinh… gây kích thích dạ dày, tăng nhu động ruột và gây hội chứng ruột kích thích.
Bên cạnh đó, thói quen ăn uống không khoa học như ăn quá nhanh, ăn xong vận động, tắm gội, làm việc ngay… cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ bị ruột kích thích.
2. Dị ứng thực phẩm và không dung nạp
Dị ứng thực phẩm và không dung nạp nhưng vẫn sử dụng lactose cũng làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích.
3. Rối loạn nội tiết tố
Rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích thuộc nhóm yếu tố tâm lý xã hội. Co thể bị rối loạn nội tiết tố gây ra sự thay đổi bất thường hormone khiến chức năng tiêu hóa bị rối loạn. Từ đó làm thay đổi nhu động ruột dẫn đến hội chứng ruột kích thích.
4. Căng thẳng
Tâm lý căng thẳng kéo dài tác động lên hệ thần kinh trung ương và thực vật làm suy giảm chức năng của dạ dày và đường ruột. Chính vì vậy, căng thẳng được xem là nguyên nhân tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích.
5. Di truyền
Nếu trong gia đình có người mắc hội chứng ruột kích thích thì khả năng bạn mắc hội chứng này là rất cao.
6. Yếu tố nguy cơ khác
Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích gồm:
- Thức khuya liên tục.
- Thay đổi hormone trong chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh.
- Tác dụng phụ từ một số loại thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm…
- Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.
- Mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột.
IV. Các đối tượng dễ mắc hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào (mọi độ tuổi và giới tính). Nhưng những đối tượng dưới đây thường có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích nhiều hơn:
- Những người dưới 45 tuổi.
- Những người thường xuyên lo âu, trầm cảm, làm việc căng thẳng, mất ngủ, tinh thần không ổn định…
- Nữ giới có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn nam giới 2 lần, nhất là phụ nữ đang thay đổi nội tiết tố: trong thời kỳ kinh nguyệt, sau sinh, tiền mãn kinh, mang thai (hội chứng ruột kích thích khi mang thai).
- Những người có tiền sử gia đình mắc các bệnh liên quan đến đường ruột.
- Người gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như rối loạn lo âu, trầm cảm.
- Người có bệnh sử hoặc đang bị nhiễm trùng đường tiêu hóa nặng.
- Người ăn uống không khoa học, điều độ, hay bỏ bữa, nhịn ăn.
Hiện nay, hội chứng ruột kích thích ở trẻ em cũng dễ gặp hơn vì các em phải đối mặt với nhiều áp lực như học hành, thi cử, gia đình không hạnh phúc…
V. 8 dấu hiệu hội chứng ruột kích thích
Triệu chứng của hội chứng ruột kích thích khá rõ ràng, bao gồm 3 thể chính là đau bụng, tiêu chảy và táo bón cùng một số dấu hiệu khác. Cụ thể các triệu chứng được mô tả như sau:
1. Đau bụng
Không có đặc điểm đau cụ thể và cũng không có vị trí đau cố định. Bệnh nhân có thể cảm thấy đau nhiều hơn sau khi ăn, cũng có khi chưa ăn xong đã cảm thấy đau. Cơn đau chỉ giảm đi sau khi đi trung hoặc đại tiện.
Triệu chứng đau bụng có thể kéo dài vài ngày, cũng có người đau triền miên, cũng có người chỉ đau vài ngày trong tháng.
2. Tiêu chảy
Khi bị hội chứng ruột kích thích, hoạt động vận chuyển thức ăn qua ruột diễn ra nhanh hơn có thể ngay lập tức thúc giục nhu động ruột. Điều này có thể gây căng thẳng nghiêm trọng và khiến bệnh nhân lo lắng về việc bị tiêu chảy đột ngột.
Dấu hiệu tiêu chảy chiếm khoảng 33% số bệnh nhân mắc bệnh hội chứng ruột kích thích.
3. Táo bón
Sự thay đổi liên lạc giữa não và ruột có thể làm tăng hoặc chậm thời gian vận chuyển bình thường của phân. Khi thời gian vận chuyển chậm, ruột hấp thụ nhiều nước hơn từ phân, do đó khiến người bệnh khó đi tiêu.
Dấu hiệu táo bón chiếm khoảng ảnh hưởng đến gần 50% số người mắc bệnh ruột kích thích.
4. Tiêu chảy và táo bón luân phiên
Dấu hiệu vừa tiêu chảy vừa táo bón ảnh hưởng đến khoảng 20% bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích. Loại IBS vừa tiêu chảy vừa táo bón thường nghiêm trọng hơn những loại khác nên cần theo dõi sát sao.
Phân của người bệnh thay đổi từ cục, đặc đến nhầy mềm, lỏng nước, thường có màng nhầy bọc bên ngoài. Bên cạnh đó, cũng có thể kèm theo máu.
5. Đầy hơi, chướng bụng
Hội chứng ruột kích thích có thể dẫn đến sản xuất khí nhiều hơn trong ruột gây đầy hơi và khó chịu cho người bệnh. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, 83% bệnh nhân hội chứng ruột kích thích gặp phải triệu chứng đầy hơi.
Triệu chứng đầy hơi và chướng bụng thường xuất hiện vào ban ngày và buổi trưa nhưng lại giảm về đêm.
6. Mệt mỏi, khó ngủ
Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khả năng chịu đựng áp lực thấp.
Ngoài ra, người bệnh còn khó ngủ, mất ngủ, thức giấc thường xuyên và cảm thấy không tỉnh táo vào buổi sáng.
7. Lo lắng, trầm cảm
Lo lắng và trầm cảm cũng có thể là dấu hiệu của hội chứng ruột kích thích. Nghiên cứu trên 94.000 nam giới và phụ nữ cho thấy, có đến 50% những người mắc IBS có nguy cơ rối loạn lo âu và trên 70% có nguy cơ rối loạn tâm trạng, như trầm cảm.
8. Triệu chứng khác
Ngoài các triệu chứng điển hình trên, người bị hội chứng ruột kích thích có thể gặp các triệu chứng khác như trung tiện nhiều, cảm giác đi chưa hết phân, đau đầu, chuột rút, đau mỏi cơ…
Xem thêm: Dạ dày phình to là bệnh gì
VI. Hội chứng ruột kích thích có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích không phải là một bệnh lý nguy hiểm tới mức đe dọa tính mạng. Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích ở mức độ nhẹ, bệnh cũng có thể tự khỏi mà không cần điều trị bằng thuốc, chỉ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng. Do đó, khi nghi ngờ bị mắc hội chứng ruột kích thích, người bệnh nên đi thăm khám và điều trị để tránh bệnh trở nặng.
Việc chủ quan không điều trị có thể khiến các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích trở nặng gây ảnh hưởng đến những cơ quan trong hệ tiêu hóa khác. Ngoài ra, các triệu chứng khó chịu của bệnh liên tục xuất hiện và tái phát còn ảnh hưởng tới tâm lý và sức khỏe tổng quát của người bệnh.
Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích kéo dài lâu ngày không điều trị có thể dẫn đến các hậu quả sau:
1. Ứ đọng phân trong đại tràng
Bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích thể táo bón lâu ngày có thể bị kẹt hoặc ứ đọng phân ở trong đại tràng. Không chỉ gây tổn thương ruột kết, tình trạng này còn gây đau đầu và nôn.
2. Không dung nạp một số loại thức ăn
Một số thực phẩm khi ăn có thể làm tăng triệu chứng hội chứng ruột kích thích như chất béo, sô cô la, các loại đậu, bông cải trắng, sữa, rượu bia, bông cải xanh, đồ uống có ga, cải bắp… Do đó, người bệnh cần hạn chế ăn các thực phẩm này.
Việc phải kiêng khem trong ăn uống dẫn đến tình trạng người bệnh không được cung cấp đủ dinh dưỡng cho cơ thể và làm tăng nguy cơ suy dinh dưỡng.
3. Tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ
Trĩ là biến chứng thường gặp ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích. Thống kê cho thấy, khoảng 18 – 23% người bệnh mắc hội chứng ruột kích thích gặp rắc rối với trĩ.
4. Ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần, giảm chất lượng sống
Các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, nhất là tiêu chảy và táo bón xuất hiện thường xuyên gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống. Tình trạng bệnh kéo dài khiến bệnh nhân luôn căng thẳng, mất ngủ và lo sợ mắc các bệnh hiểm nghèo khác.
VII. Phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Các phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích hiện nay gồm:
1. Chẩn đoán lâm sàng
Trước tiên, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua các triệu chứng lâm sàng gặp phải. Khi chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về triệu chứng gặp phải, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình.
Căn cứ vào các thông tin người bệnh cung cấp, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định các xét nghiệm phù hợp khác dưới đây.
2. Xét nghiệm
Đây là phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng để tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng ruột kích thích. Những xét nghiệm được sử dụng trong chẩn đoán hội chứng này gồm:
- Xét nghiệm máu: Để loại trừ rối loạn do cơ thể nhạy cảm với protein và loại trừ những rối loạn do bệnh lý toàn thân khác.
- Xét nghiệm phân: Nếu bệnh nhân có triệu chứng tiêu chảy. Mục đích để kiểm tra trong phân có vi khuẩn hoặc ký sinh trùng hay không. Đồng thời xét nghiệm calprotectin phân.
- Xét nghiệm không dung nạp lactose: Để xem người bệnh có bị bất dung nạp lactose hay không.
- Xét nghiệm công thức máu: Để tầm soát thiếu máu, viêm nhiễm.
- Xét nghiệm chuyển hóa: Để đánh giá toàn diện các rối loạn chuyển hóa và loại trừ tình trạng mất nước/điện giải ở bệnh nhân tiêu chảy.
- Xét nghiệm máu ẩn trong phân: Để loại trừ chảy máu đường tiêu hóa.
- Xét nghiệm phân tìm kháng nguyên Giardia: Nhằm tìm trứng và ký sinh trùng.
- Xét nghiệm vi sinh: Kiểm tra phân tìm các vi sinh vật gây bệnh đường ruột, tìm bạch cầu, tìm độc tố Clostridium difficile.
- Xét nghiệm chức năng tuyến giáp: Tầm soát cường giáp hoặc suy giáp.
- Xét nghiệm canxi huyết thanh: Tầm soát cường cận giáp.
- Xét nghiệm không đặc hiệu cho tình trạng viêm nhiễm: Để đo tốc độ lắng hồng cầu hoặc CRP.
- Các xét nghiệm huyết thanh hoặc sinh thiết ruột non: Để tầm soát bệnh celiac, đặc biệt là trong hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy chiếm ưu thế.
- Xét nghiệm H2 hơi thở: Để loại trừ tình trạng vi khuẩn phát triển quá mức ở những bệnh nhân tiêu chảy.
3. Chẩn đoán hình ảnh
Các chẩn đoán hình ảnh dùng trong chẩn đoán hội chứng ruột kích thích gồm:
- Chụp dạ dày ruột non: Tầm soát khối u, tắc nghẽn, viêm nhiễm và bệnh Crohn.
- Chụp đại tràng cản quang kép: Tầm soát khối u và viêm.
- Siêu âm túi mật: Khi bệnh nhân bị khó tiêu tái diễn hoặc đau sau ăn đặc trưng.
- CT scan bụng: Tầm soát khối u, tắc nghẽn và bệnh lý tuyến tụy.
4. Nội soi tiêu hóa
Người mắc hội chứng ruột kích thích có thể được bác sĩ chỉ định nội soi thực quản, dạ dày, tá tràng và đại trực tràng dựa trên triệu chứng và bệnh sử.
Trong quá trình nội soi tiêu hóa, nếu bác sĩ thấy những tổn thương nghi ngờ/ xác định qua nội soi sẽ lấy mẫu sinh thiết để xét nghiệm.
Phương pháp chẩn đoán này thường chỉ định cho bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo như: tiêu chảy mãn tính, chảy máu, thiếu máu, lớn tuổi, tiền sử polyp đại tràng, chán ăn hoặc giảm cân, tiền sử ung thư trong gia đình.
VIII. Cách điều trị hội chứng ruột kích thích
Điều trị hội chứng ruột kích thích tập trung chế độ ăn và dinh dưỡng, thay đổi lối sống khoa học kết hợp uống thuốc điều trị triệu chứng để cải thiện chức năng đại tràng.
Phác đồ điều trị hội chứng ruột kích tập trung vào các triệu chứng cụ thể ở mỗi bệnh nhân. Cụ thể:
1. Ăn uống hợp lý, lành mạnh
Bác sĩ khuyến nghị người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn uống đủ chất và tăng cường các thực phẩm có tác dụng nhuận tràng:
- Chất xơ hòa tan: Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan tốt cho bệnh nhân hội chứng ruột kích thích gồm: yến mạch, đậu Hà Lan, cà rốt, táo, các loại hoa quả thuộc họ cam quýt.
- Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Mỗi ngày, bệnh nhân hội chứng ruột kích thích nên uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày.
- Sữa chua: Cung cấp và bổ sung lợi khuẩn tốt cho hệ đường ruột của người bệnh.
Các bác sĩ khuyên khích người mắc hội chứng ruột kích thích ăn theo chế độ FODMAP thấp để cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa và ổn định ruột già. Đây là chế độ kiêng ăn các loại thực phẩm là carbohydrate chuỗi ngắn gồm:
- Táo.
- Dưa hấu.
- Hoa quả đóng hộp nói chung.
- Sữa tươi có lactose.
- Phô mai.
- Sữa chua.
- Fructose.
- Các loại trái cây có lượng fructose cao.
- Mật ong.
- Các loại cây họ đậu.
- Củ dền.
- Bông cải xanh.
- Lúa mì.
- Yến mạch.
- Ngũ cốc.
- Các loại đồ uống có cồn, ga, caffein.
2. Giảm căng thẳng, stress
Để hỗ trợ thuyên giảm và ngăn ngừa tái phát hội chứng ruột kích thích, người bệnh cần có các biện pháp giảm lo âu, căng thẳng:
- Tập hít thở sâu: Giúp ổn định tâm lý và hỗ trợ nhu động ruột, hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày: Với các môn thể thao như đi bộ, yoga, thiền định… để thúc đẩy lưu thông máu, thư giãn tâm lý, nâng cao sức khỏe và tinh thần.
- Xoa ấm 2 bàn tay: Hàng ngày, có thể xoa ấm 2 bàn tay rồi massage vùng thượng vị, rốn theo chiều kim đồng hồ để kích thích nhu động ruột.
3. Điều trị bằng thuốc
Trường hợp các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích không thuyên giảm sau khi áp dụng các cách trên hoặc nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh dùng các loại thuốc điều trị triệu chứng dưới đây:
- Thuốc chống co thắt đại tràng, thuốc kháng acetylcholin: Làm giảm các cơn co thắt bụng và quặn bụng.
- Thuốc nhuận tràng: Cải thiện táo bón, làm mềm phân, dễ đi tiêu. Được chỉ định cho bệnh nhân bị táo bón. Các nhóm thuốc gồm: thuốc nhuận tràng thẩm thấu, nhuận tràng kích thích, thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ.
- Thuốc cầm tiêu chảy: Để điều trị tiêu chảy, giảm số lần đi tiêu. Các nhóm thuốc không kê đơn được chỉ định gồm cholestyramine, loperamid…
- Thuốc chống trầm cảm: Giúp ổn định tâm lý cho bệnh nhân.
IX. Cách phòng ngừa hội chứng ruột kích thích
Cách tối ưu nhất để phòng tránh hội chứng ruột kích thích là bảo vệ sức khỏe tiêu hóa và phòng tránh tất cả các bệnh liên quan đến tiêu hóa. Để hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh, cần lưu ý những vấn đề sau:
- Duy trì chế độ ăn uống khoa học, đặc biệt nên có thời gian ăn cố định trong ngày.
- Bổ sung nhiều chất xơ trong khẩu phần ăn.
- Tránh các thực phẩm khó dung nạp.
- Hạn chế thực phẩm cay nóng, nhiều chất béo, dầu mỡ, nhiều đường, đồ ăn chế biến sẵn.
- Không sử dụng đồ uống có gas, rượu bia, cà phê.
- Không sử dụng thực phẩm khó tiêu, dễ bị đầy hơi.
- Hạn chế tối đa bỏ bữa ăn, ăn uống không điều độ.
- Khi ăn cần ăn chậm và nhai kỹ trước khi nuốt, không nên ăn quá nhanh để tránh nuốt khí vào đường ruột.
- Ăn nhiều bữa trong ngày thay vì ăn no trong một bữa vì dễ gây đầy bụng khó tiêu.
- Hạn chế rượu bia và đồ uống có gas, không hút thuốc lá.
- Không nên ăn quá 240g mỗi ngày các hoa quả có hàm lượng fructose cao.
- Sử dụng thuốc nhuận tràng và thuốc tiêu chảy phải theo toa của bác sĩ.
- Mỗi ngày cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút.
- Sắp xếp thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý, luyện tập thư giãn, không để bị căng thẳng, stress.
X. Câu hỏi thường gặp về hội chứng ruột kích thích
Dưới đây là thông tin giải đáp cho các thắc mắc thường gặp về hội chứng ruột kích thích:
1. Hội chứng ruột kích thích K58 là gì?
Đây là thuật ngữ theo phân loại bệnh tật của quốc tế. Trong đó, K58 là ký hiệu của hội chứng ruột kích thích.
2. Hội chứng ruột kích thích khi nào cần đi khám?
Các triệu chứng dưới đây được xem là dấu hiệu báo động, không thể chủ quan mà cần tầm soát những bệnh lý thực thể tại đường tiêu hóa:
- Triệu chứng hội chứng ruột kích thích khởi phát sau 50 tuổi.
- Có máu trong phân.
- Sút cân ngoài mong muốn.
- Sờ thấy u bụng hoặc trực tràng.
- Đau hoặc tiêu chảy nhiều về đêm.
- Thiếu máu.
- Sốt.
- Báng bụng.
3. Hội chứng ruột kích thích diễn ra trong bao lâu?
Không có thời gian chính xác để trả lời cho câu hỏi hội chứng ruột kích thích kéo dài bao lâu. Bởi vì, việc điều trị khỏi hẳn hội chứng này là tương đối khó khăn.
Nguyên do là chúng ta chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh. Không thể hoàn toàn loại bỏ nguyên nhân khiến cho việc điều trị chỉ là giảm triệu chứng khó chịu mà thôi.
4. Người bị hội chứng ruột kích thích nên ăn gì?
Chế độ ăn uống có thể cải thiện triệu chứng hoặc làm triệu chứng trầm trọng hơn. Vì thế, người bệnh nên cân nhắc lựa chọn thực phẩm phù hợp. Người bị hội chứng ruột kích thích nên có 1 chế độ ăn khoa học, cụ thể là:
- Chọn thực phẩm sạch, không chứa hóa chất, chất bảo quản, không bị ôi thiu, nấm mốc…
- Sữa chua cũng là một thực phẩm tốt cho người bị hội chứng ruột kích thích vì giúp bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu chất xơ vì chất xơ có tác dụng làm mềm phân, dễ dàng đi qua đại tràng. Tuy nhiên, chất xơ có thể gây đầy bụng vì sinh khí, do đó, bạn nên bổ sung chất xơ một cách từ từ.
- Ăn cân bằng dinh dưỡng, ít chất béo, nhiều carbohydrate như gạo, mì ống, ngũ cốc nguyên cám, bánh mì…
5. Bị hội chứng ruột kích thích không nên ăn gì?
Dưới đây là danh sách thực phẩm người mắc hội chứng ruột kích thích nên hạn chế đưa vào khẩu phần ăn:
- Thực phẩm còn sống, chưa được chế biến kỹ như gỏi cá, tiết canh, nem chua…
- Thực phẩm muối chua như dưa, cà, kim chi.
- Thực phẩm cay nóng.
- Trái cây khô vì có lượng đường cao.
- Các loại thực phẩm dễ sinh khí trong đường ruột như bắp cải, hành, cải xanh, đậu…
- Các loại đồ uống chứa cồn, chứa gas, chứa chất kích thích.
- Thức ăn dễ bị dị ứng…
6. Bị ruột kích thích thì uống thuốc gì?
Việc sử dụng thuốc cần có sự chỉ dẫn của bác sĩ. Vì thế, bạn nên đi khám để bác sĩ kê đơn và đưa ra phác đồ điều trị. Các loại thuốc bác sĩ có thể kê khi bạn mắc hội chứng ruột kích thích là:
- Thuốc chống co thắt.
- Thuốc chống táo bón (nếu bị táo bón)..
- Thuốc chống tiêu chảy (nếu bị tiêu chảy).
- Thuốc chống sinh hơi.
- Thuốc an thần..
- Thuốc triệt khuẩn ruột.
Lưu ý: Để biết hội chứng ruột kích thích uống thuốc gì bạn nên tới gặp bác sĩ để thăm khám, không nên tự ý uống thuốc.
7. Hội chứng ruột kích thích có chữa được không?
Hội chứng ruột kích thích không hẳn là một bệnh lý mà là một tình trạng rối loạn tiêu hóa kéo dài do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Bệnh nhân cần xác định, hội chứng ruột kích thích không thể chữa khỏi triệt để, các phương pháp điều trị hiện nay chỉ có thể giảm bớt hoặc kiểm soát triệu chứng bệnh.
Tóm lại, hội chứng ruột kích thích kéo dài gây ra các rối loạn chức năng của đại tràng, các triệu chứng bệnh rất hay tái phát và có xu hướng lặp đi lặp lại. Do đó, người bệnh nên chủ động thăm khám và điều trị khi xuất hiện các triệu chứng như sút cân nhanh, sốt, sờ thấy khối bất thường ở bụng, đại tiện phân đen hoặc máu tươi.
Trên đây là những thông tin bạn nên biết về hội chứng ruột kích thích. Để được dược sĩ của Yumangel tư vấn kỹ hơn về các bệnh lý liên quan đến dạ dày, bạn vui lòng gọi đến hotline 1800.1125 (miễn cước).
Tham khảo:
Cách điều trị đau cuống bao tử theo chia sẻ của dược sĩ Nguyễn Thị Thu
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…