Điều trị HP bao lâu thì xét nghiệm lại? Các bác sĩ khuyến nghị người bệnh nên xét nghiệm lại HP ít nhất 4 tuần sau khi điều trị (lý tưởng nhất là 8 tuần) để đảm bảo tình trạng nhiễm trùng đã biến mất. Điều này giúp tránh tình trạng cho kết quả HP dương tính hoặc âm tính giả khi thực hiện xét nghiệm lại. Nếu xét nghiệm lại cho thấy phương pháp điều trị HP không hiệu quả, người bệnh có thể cần điều trị bổ sung bằng cách kết hợp kháng sinh khác.
Mục lục
I. Tại sao cần phải xét nghiệm lại sau khi điều trị HP?
Helicobacter pylori còn được gọi là H.pylori hay HP, là một loại vi khuẩn thường được tìm thấy trong dạ dày. Loại vi khuẩn này hiện diện ở khoảng 1/2 dân số thế giới.
Hầu hết những người bị nhiễm HP dạ dày không có triệu chứng. Tuy nhiên, khoảng 5 -10% số người phát triển các vấn đề nghiêm trọng hơn, bao gồm loét dạ dày hoặc tá tràng và hiếm khi là khối u dạ dày.
Bất kỳ ai được chẩn đoán mắc HP đều nên được điều trị. Điều trị HP giúp chữa lành vết loét, giảm nguy cơ loét tái phát và giảm nguy cơ chảy máu từ vết loét. Điều trị HP thường bao gồm một số loại thuốc: thuốc kháng sinh, thuốc ức chế bơm Proton (PPI) có tác dụng giảm tiết axit dạ dày và thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày.
Hầu hết mọi người đều khỏi nhiễm trùng sau khi dùng hết 2 tuần thuốc. Một số người cần dùng thêm 2 tuần thuốc nữa. Điều quan trọng là phải dùng hết thuốc để đảm bảo vi khuẩn bị tiêu diệt.
Các bác sĩ khuyến cáo, tất cả bệnh nhân phải trải qua xét nghiệm hơi thở hoặc phân sau khi kết thúc liệu trình dùng thuốc. Điều này được thực hiện để đảm bảo rằng vi khuẩn đã bị tiêu diệt. Khuyến cáo rằng xét nghiệm được thực hiện 30 ngày sau khi kết thúc điều trị và ngừng dùng thuốc bơm proton trong 1 đến 2 tuần trước khi thử nghiệm diệt trừ.
II. Điều trị HP bao lâu thì xét nghiệm lại?
Về thắc mắc điều trị HP bao lâu thì xét nghiệm lại, các bác sĩ cho biết, người điều trị nhiễm HP nên xét nghiệm lại H.pylori ít nhất 4 tuần sau khi điều trị (lý tưởng nhất là 8 tuần) để đảm bảo tình trạng nhiễm trùng đã biến mất.
Nếu xét nghiệm lại cho thấy phương pháp điều trị HP không hiệu quả, người bệnh có thể cần điều trị bổ sung bằng cách kết hợp kháng sinh khác.
Xét nghiệm lại HP thường được thực hiện bằng xét nghiệm hơi thở urê, xét nghiệm kháng nguyên phân và nội soi sinh thiết dạ dày. Các xét nghiệm này nên được thực hiện 1-2 tuần sau khi ngừng liệu pháp ức chế bơm proton, thuốc kháng sinh hoặc các sản phẩm bismuth để ngăn ngừa kết quả âm tính giả.
Các chuyên gia sức khỏe cho biết, kể cả sau đã được điều trị tận gốc và dứt điểm, vi khuẩn HP vẫn có thể tái xuất hiện theo 2 hình thức dưới đây:
– Tái phát: Sau một đợt điều trị bằng kháng sinh, lượng vi khuẩn HP trong dạ dày của người bệnh giảm xuống mức không thể phát hiện qua xét nghiệm. Tuy nhiên, sau một thời gian, do một số nguyên nhân nào đó, vi khuẩn có thể tăng lên lại và có thể phát hiện thông qua xét nghiệm.
– Tái nhiễm: Điều này xảy ra khi một người đã được điều trị thành công và không còn vi khuẩn HP trong dạ dày của họ. Sau đó, họ bị nhiễm vi khuẩn HP mới.
Vì vậy, việc tuân thủ thời gian thực hiện kiểm tra lại vi khuẩn HP sau điều trị là điều cần thiết để chắc chắn cho kết quả chính xác, tránh tình trạng âm tính hoặc dương tính giả.
III. Những xét nghiệm nào được sử dụng để kiểm tra HP sau điều trị?
Có 3 xét nghiệm được sử dụng để kiểm tra lại vi khuẩn HP sau điều trị gồm: UBT (xét nghiệm hơi thở urê); SAT (xét nghiệm kháng nguyên phân) và EGD (nội soi sinh thiết đường tiêu hóa trên).
1. UBT/xét nghiệm hơi thở urê
Xét nghiệm hơi thở urê được sử dụng để phát hiện vi khuẩn HP và đánh giá xem đã tiêu diệt được vi khuẩn này hay chưa.
HP sản xuất ra một loại enzyme gọi là urease, phân hủy urê thành amoniac và carbon dioxide. Trong quá trình thử nghiệm, một viên thuốc chứa urê được người bệnh nuốt vào và lượng carbon dioxide thở ra được đo. Điều này cho biết sự hiện diện của vi khuẩn HP trong dạ dày.
Trong quá trình xét nghiệm hơi thở urê, người bệnh sẽ tiến hành lấy mẫu hơi thở theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Mẫu hơi thở sau đó sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm. Người bệnh có thể tiếp tục chế độ ăn uống bình thường, trừ khi bạn được lên lịch làm các xét nghiệm khác đòi hỏi phải hạn chế chế độ ăn.
Để chuẩn bị cho xét nghiệm urê qua hơi thở kiểm tra HP sau điều trị, hãy làm theo các hướng dẫn sau:
– Hãy cho bác sĩ biết nếu đang mang thai, mắc bệnh phổi, tim hoặc bất kỳ bệnh nào khác.
– Thông báo và trao đổi với bác sĩ nếu bạn bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào .
– Không dùng bất kỳ loại thuốc kháng sinh nào trong ít nhất 4 tuần trước khi xét nghiệm.
– Không dùng bất kỳ thuốc ức chế bơm proton nào (Aciphex , Nexium , Prevacid , Prilosec , Protonix) hoặc Pepto-Bismol trong ít nhất 2 tuần trước khi xét nghiệm.
– Chỉ dùng thuốc được bác sĩ chấp thuận vào ngày thực hiện thủ thuật. Chỉ uống thuốc với một ngụm nước nhỏ nếu trong vòng bốn giờ trước khi thực hiện thủ thuật. Không ngừng bất kỳ loại thuốc nào mà không tham khảo ý kiến bác sĩ chính hoặc bác sĩ giới thiệu trước.
– Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì (kể cả nước) trong vòng 4 giờ trước khi thực hiện thủ thuật xét nghiệm.
2. SAT/xét nghiệm kháng nguyên phân
Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase trong phân (PCR) có thể phát hiện nhiễm trùng HP trong phân của người bệnh. Xét nghiệm này cũng thường được sử dụng để phát hiện nhiễm trùng và xác định xem liệu phương pháp điều trị bằng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng HP có hiệu quả hay không.
Tại phòng xét nghiệm, một kỹ thuật viên sẽ cho một lượng nhỏ phân vào các lọ nhỏ, sau đó thêm hóa chất và thuốc hiện màu. Màu xanh lam cho biết sự hiện diện của kháng nguyên HP dạ dày. Tùy thuộc vào loại xét nghiệm kháng nguyên phân, kết quả có thể có sau 24–48 giờ hoặc mất 3–4 ngày.
Lưu ý: Khoảng 2 tuần trước khi xét nghiệm kháng nguyên phân, người bệnh có thể được yêu cầu tránh dùng một số loại thuốc. Chẳng hạn như thuốc kháng sinh, thuốc kháng axit, thuốc bismuth và thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng như thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc chẹn H2.
3. Nội soi dạ dày sinh thiết
Xét nghiệm này là phương pháp chẩn đoán đáng tin cậy nhất để xác định xem còn vi khuẩn HP trong dạ dày hay không. Trong quá trình nội soi đường tiêu hóa trên, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô hoặc sinh thiết từ niêm mạc dạ dày được thu thập để kiểm tra sự hiện diện của HP.
Khi nội soi sinh thiết dạ dày, người bệnh sẽ được gây mê để tránh bị đau và khó chịu. Người bệnh nên thực hiện nội soi tại các cơ sở uy tín, có đội ngũ bác sĩ trình độ chuyên môn cao và trang thiết bị hiện đại để đảm bảo an toàn, hạn chế biến chứng, tránh nhiễm trùng một số bệnh lý nguy hiểm.
Lưu ý cho người bệnh trước khi thực hiện thủ thuật nội soi dạ dày:
– Nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước khi nội soi dạ dày để tránh nôn mửa, bảo vệ đường thở và giúp bác sĩ quan sát rõ niêm mạc dạ dày có bị tổn thương hay không.
– Không nên uống các loại nước có màu như sữa, nước cam, coca cola, cà phê… mà chỉ nên uống nước lọc với lượng ít.
– Nếu có tiền sử bệnh tim mạch, hô hấp (hen suyễn), thận hoặc dị ứng, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
– Nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc bạn đang dùng.
Sau khi nội soi dạ dày, người bệnh cần chú ý:
– Nên nghỉ ngơi một lát trước khi rời bệnh viện.
– Các vấn đề thường gặp: đau họng, khó nuốt, đau bụng, đầy hơi ở mức độ nhẹ và giảm dần trong ngày.
– Súc miệng sạch nhưng không khạc nhổ.
– Không ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong vòng 1 giờ sau khi nội soi đại tràng hoặc trước khi bác sĩ đánh giá.
– Khoảng 2 giờ sau khi nội soi dạ dày, bệnh nhân có thể ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, sử dụng sữa lạnh, không nên uống sữa nóng có thể gây tổn thương dạ dày.
IV. Cách đọc kết quả xét nghiệm sau điều trị HP
Kết quả xét nghiệm vi khuẩn HP dạ dày sau khi điều trị thường sẽ là dương tính hoặc âm tính. Cụ thể:
1. Kết quả dương tính
Kết quả xét nghiệm hơi thở, phân hoặc nội soi đường tiêu hóa trên dương tính có nghĩa là bạn vẫn còn vi khuẩn HP trong dạ dày.
Bác sĩ sẽ chỉ định cho bệnh nhân dùng thêm phác điều trị khác để tiêu diệt vi khuẩn. Sau khi kết thúc liệu trình điều trị, người bệnh cần xét nghiệm lại để đảm bảo tình trạng nhiễm trùng HP đã biến mất.
2. Kết quả âm tính
Kết quả xét nghiệm hơi thở, phân hoặc nội soi đường tiêu hóa trên âm tính có nghĩa là việc điều trị đã thành công, vi khuẩn HP đã được diệt trừ hoàn toàn. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan, cần theo dõi bệnh sát sao vì vi khuẩn HP vẫn có thể dễ dàng tái phát sau điều trị.
Để phòng ngừa vi khuẩn HP tái phát sau điều trị, người bệnh nên:
– Tuân thủ phác đồ điều trị: Bệnh nhân nên đi khám và tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị HP do bác sĩ chỉ định. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuân thủ nghiêm túc về loại thuốc, thời điểm, thời gian và cách uống để đảm bảo tiêu diệt hoàn toàn HP, giảm nguy cơ tái nhiễm hoặc tái phát về sau. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc về sử dụng để tránh tình trạng kháng thuốc.
– Tái khám theo lịch hẹn: Sau khi điều trị khỏi, nên thường xuyên kiểm tra tình trạng bệnh để kịp thời phát hiện nguy cơ tái nhiễm và có hướng xử trí kịp thời.
– Tránh tiếp xúc với người nhiễm HP: Cần tránh tiếp xúc với người đã được chẩn đoán nhiễm vi khuẩn HP. Nếu trong gia đình có người nhiễm vi khuẩn HP, cùng với việc điều trị, người bệnh cần tầm soát nhiễm khuẩn HP cho tất cả các thành viên trong gia đình để có biện pháp phòng ngừa tái nhiễm.
– Rửa tay sạch sẽ: Hình thành thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng và dưới vòi nước chảy để tránh vi khuẩn HP lây qua đường tiêu hóa. Mỗi lần rửa tay nên rửa ít nhất trong 20 giây. Các thời điểm nhất định phải rửa tay sạch gồm: trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và khi chế biến thực phẩm.
– Hạn chế tiếp xúc tay ở những nơi thường có vi khuẩn HP trú ngụ như cầu thang, bàn ăn. Không dùng nước bọt để lật giấy, đếm tiền…
– Vi khuẩn HP có thể lây nhiễm qua đường nước bọt để ngăn tái nhiễm HP hiệu quả, bạn không nên ăn uống và sử dụng chung các đồ dùng cá nhân với người khác.
– Người Việt thường hay có thói quen gắp thức ăn cho nhau, chấm chung bát… tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến lây nhiễm HP. Nếu muốn không tái nhiễm HP, cần phải thay đổi thói quen ăn uống này.
– Xây dựng thực đơn ăn uống khoa học, lành mạnh; nên chia khẩu phần ăn thành phần nhỏ cho từng người để hạn chế tối đa chung đụng trong bữa ăn. Các mẹ hoặc người chăm sóc cũng nên bỏ thói quen mớm cơm cho trẻ.
– Đảm bảo ăn chín, uống sôi, tránh dùng đồ ăn còn tái sống hoặc nước chưa đun sôi. Không sử dụng thực phẩm chưa nấu chín kỹ hoặc có dấu hiệu nấm mốc, nhiễm khuẩn, ôi thiu.
– Uống nước sạch và sử dụng nước sạch trong quá trình chế biến thực phẩm. Hạn chế ăn ở những nơi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Nên ngủ sớm, ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ; giảm căng thẳng, kiểm soát stress. Kiêng sử dụng cà phê, nước có gas, các loại bia rượu, chất kích thích.
Tóm lại, điều trị HP bao lâu thì xét nghiệm lại? Thời gian được các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe khuyến cáo là ít nhất 4 tuần hoặc lý tưởng nhất là 8 tuần sau điều trị. Đây là thời điểm phù hợp để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán HP lại, tránh được tình trạng HP dương tính hoặc âm tính giả gây khó khăn cho việc điều trị.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào về việc điều trị vi khuẩn HP sau bao lâu thì cần xét nghiệm, bạn vui lòng gọi đến hotline miễn cước 1800.1125 nhé!
Tài liệu tham khảo:
https://www.uptodate.com/contents/helicobacter-pylori-infection-and-treatment-beyond-the-basics
https://www.emedicinehealth.com/do_we_need_to_repeat_h_pylori_test_after_treatment/article_em.htm
https://www.webmd.com/digestive-disorders/urea-breath-test
https://gutscharity.org.uk/advice-and-information/conditions/helicobacter-pylori/
https://www.medicinenet.com/do_you_need_repeat_h_pylori_test_after_treatment/article.htm
https://gpnotebook.com/pages/gastroenterology/when-is-retesting-for-h-pylori-indicated
https://kidshealth.org/en/parents/test-pylori-antigen.html#:~:text=Depending%20on%20the%20type%20of,or%20take%203%E2%80%934%20days.
Dược sĩ Nguyễn Thị Thu – Tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý và cung ứng thuốc – Cao đẳng dược TW Hải Dương với 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trình dược, đã thực tập, công tác tại nhiều nhà thuốc khác nhau.
Bùi Thị Hoa - Tốt nghiệp Khoa Báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội niên khóa 2003 - 2007. Cô có 17 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới sức khỏe, làm đẹp,...