Khoảng cách giữa 2 lần nội soi đại tràng là bao lâu?

Nội soi đại tràng là phương pháp chẩn đoán quan trọng trong việc phát hiện sớm các bệnh lý đường tiêu hóa như viêm loét, polyp hay ung thư đại tràng. Tuy nhiên, không ít người băn khoăn: bao lâu thì nên nội soi đại tràng một lần? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về khoảng cách giữa 2 lần nội soi đại tràng để bảo vệ sức khỏe đường ruột một cách hiệu quả.

I. Mục đích của nội soi đại tràng

Trước khi trả lời cho vấn đề khoảng cách giữa 2 lần nội soi đại tràng là bao lâu, trước hết chúng ta cần hiểu rõ về phương pháp này. Khi đã nắm được bản chất, vai trò của nội soi đại tràng, chúng ta mới có thể hiểu rõ và đầy đủ hơn về các thông tin liên quan.

Nội soi đại tràng hiện nay được xem là phương pháp kiểm tra tốt nhất trong việc tầm soát, phát hiện và chẩn đoán sớm các bệnh lý ở đại tràng. Không chỉ giúp đánh giá tình trạng bệnh lý chính xác, nội soi rất hiệu quả trong việc phát hiện nguy cơ mắc ung thư đại tràng ngay từ giai đoạn đầu của người bệnh. 

Chính vì vậy, phương pháp này luôn được các bác sĩ đánh giá cao, góp phần quan trọng trong bước khám và chẩn đoán lâm sàng. Vậy khi nào thì nên nội soi đại tràng? Mục đích thực sự của nội soi là gì? 

Thực tế, tùy theo từng nhóm đối tượng mà mục tiêu của việc nội soi đại tràng sẽ khác nhau. Dưới đây là những mục đích cụ thể:

Mục đích đối với bệnh nhân đang mắc các bệnh lý đại tràng

  • Theo dõi và đánh giá mức độ tiến triển của bệnh (viêm loét, polyp, u…).
  • Kiểm tra hiệu quả của các phương pháp điều trị đang áp dụng.
  • Phát hiện kịp thời các biến chứng mới có thể xảy ra.
  • Ngăn ngừa nguy cơ tiến triển thành ung thư đại tràng thông qua phát hiện sớm tổn thương bất thường.

Mục đích đối với người có nhu cầu tầm soát sớm ung thư:

  • Phát hiện sớm ung thư đại tràng ngay cả khi chưa có triệu chứng rõ ràng.
  • Loại bỏ các yếu tố nguy cơ (như polyp tiền ung thư) trước khi chúng phát triển thành ung thư.
  • Gia tăng khả năng điều trị khỏi bệnh nếu phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm (tỷ lệ lên đến 90%).
  • Bảo vệ sức khỏe lâu dài thông qua việc kiểm tra định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ.

II. Khoảng cách giữa 2 lần nội soi đại tràng là bao lâu?

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là “Khoảng cách giữa 2 lần nội soi đại tràng bao lâu thì hợp lý?”. Theo các chuyên gia tiêu hóa, tần suất nội soi không có con số cố định cho tất cả mọi người mà cần căn cứ vào tình trạng sức khỏe, bệnh lý nền cũng như yếu tố nguy cơ của từng cá nhân. Dưới đây là những khuyến cáo cụ thể:

1. Đối với người khỏe mạnh, không có triệu chứng

Với nhóm đối tượng không có biểu hiện bất thường và chưa từng được chẩn đoán mắc bệnh lý đại trực tràng, bác sĩ khuyến cáo nên nội soi định kỳ 5 năm/lần. Mục tiêu là để tầm soát sớm các bệnh lý như polyp, viêm đại tràng, u lành tính hoặc ung thư ở giai đoạn đầu – khi chưa có triệu chứng rõ ràng.

2. Đối với người đã phát hiện polyp đại tràng

Với những người có polyp, khoảng cách giữa 2 lần nội soi đại tràng sẽ phụ thuộc vào tính chất, kích thước, số lượng và mức độ nguy cơ của khối polyp. Trường hợp polyp lành tính, bác sĩ có thể chỉ định nội soi lại sau 1–2 năm. Tuy nhiên, nếu polyp có nguy cơ cao hoặc đã được cắt bỏ, thời gian theo dõi có thể rút ngắn xuống còn 6 tháng đến 1 năm/lần để kịp thời xử lý nếu tái phát.

3. Đối với bệnh nhân đang điều trị các bệnh lý đại tràng mạn tính

Ở những bệnh nhân bị viêm loét đại tràng mạn, bệnh Crohn,… nội soi đóng vai trò quan trọng trong việc theo dõi tiến triển bệnh, đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện sớm biến chứng. Khoảng cách giữa các lần nội soi sẽ được cá nhân hóa và điều chỉnh linh hoạt tùy theo phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra, thường dao động từ 6 tháng đến 1 năm/lần.

4. Đối với người có tiền sử gia đình mắc ung thư đại trực tràng

Những người có người thân ruột thịt (bố, mẹ, anh chị em ruột, con cái) từng bị ung thư đại tràng cần nội soi sàng lọc sớm hơn bình thường. Cụ thể, nên nội soi trước ít nhất 10 năm so với độ tuổi mà người thân từng phát hiện bệnh. Nó được coi là biện pháp chủ động nhằm phát hiện tổn thương tiền ung thư ở những người có yếu tố di truyền.

5. Đối với người từ 45 tuổi trở lên

Theo khuyến cáo từ các hiệp hội tiêu hóa, người từ 45 tuổi nên bắt đầu nội soi đại tràng định kỳ ngay cả khi chưa có triệu chứng bất thường. Lý do là ở độ tuổi này, nguy cơ ung thư đại trực tràng gia tăng đáng kể. Khoảng cách giữa hai lần nội soi ở nhóm này thường là từ 2 đến 3 năm/lần để đảm bảo hiệu quả tầm soát sớm.

6. Đối với bệnh nhân đã từng điều trị ung thư đại trực tràng

Với người đã được chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng, nội soi định kỳ là yêu cầu bắt buộc trong quá trình theo dõi sau điều trị. Bác sĩ sẽ đưa ra lịch nội soi cụ thể để kiểm tra khả năng tái phát, đánh giá vùng phẫu thuật hoặc xạ trị. Từ đó kịp thời phát hiện bất thường. Khoảng cách giữa các lần nội soi sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và phác đồ theo dõi của từng bệnh nhân.

III. Nội soi đại tràng nhiều lần có tốt không?

Nội soi đại tràng là một phương pháp hiện đại, an toàn và ít rủi ro, giúp bác sĩ kiểm tra rõ ràng tình trạng bên trong đại tràng. Xác suất xảy ra biến chứng khi thực hiện thủ thuật này như thủng hoặc rách đại tràng rất thấp, chỉ khoảng 4/10.000 ca, còn nguy cơ chảy máu cũng chỉ ở mức 8/10.000 ca. Điều này cho thấy nội soi là một thủ thuật khá an toàn.

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo không nên lạm dụng nội soi đại tràng quá nhiều. Dù an toàn, việc thực hiện thường xuyên vẫn tiềm ẩn nguy cơ biến chứng, dù rất nhỏ, đồng thời có thể gây tốn kém thời gian và chi phí mà không thực sự cần thiết.

Ngoài ra, nội soi đôi khi khiến bạn cảm thấy đau, khó chịu hoặc thậm chí lo lắng, sợ hãi. Để giảm bớt cảm giác này, bạn có thể chọn phương pháp nội soi gây mê, giúp quá trình diễn ra nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Tóm lại, nội soi đại tràng là công cụ hữu ích, nhưng chỉ nên thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

IV. Một số câu hỏi thường gặp

1. Trước khi nội soi đại tràng cần nhịn ăn bao lâu?

Trước khi tiến hành nội soi đại tràng, người bệnh cần chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm giúp quá trình thực hiện diễn ra suôn sẻ và kết quả chẩn đoán đạt độ chính xác cao nhất. Trong đó, việc nhịn ăn và làm sạch ruột là hai bước quan trọng hàng đầu.

1.1. Thời gian nhịn ăn lý tưởng trước khi nội soi đại tràng

  • Người bệnh nên nhịn ăn hoàn toàn từ 8 đến 12 giờ trước thời điểm nội soi.
  • Nếu lịch nội soi vào buổi sáng, nên ngừng ăn từ tối hôm trước để đảm bảo đại tràng sạch hoàn toàn.
  • Về nước uống: có thể uống một lượng nhỏ nước lọc khoảng 2–3 giờ trước nội soi, nhưng phải dừng hoàn toàn mọi loại chất lỏng ít nhất 2 giờ trước thủ thuật.

Việc tuân thủ đúng thời gian nhịn ăn không chỉ giúp bác sĩ quan sát rõ ràng hơn trong quá trình nội soi mà còn giảm nguy cơ sặc hoặc biến chứng nếu có sử dụng thuốc an thần.

1.2. Chế độ ăn uống trước ngày nội soi

Để chuẩn bị cho nội soi, bạn nên bắt đầu điều chỉnh chế độ ăn ít nhất 1 ngày trước thủ thuật:

  • Nên ăn: Cháo trắng loãng, súp nhạt, bánh mì trắng, cơm trắng với ít muối, nước dùng lọc kỹ… Các món này dễ tiêu hóa và ít để lại cặn trong đại tràng.
  • Tránh ăn: Các loại thực phẩm nhiều chất xơ như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, các món chứa hạt nhỏ (mè, đậu…), thực phẩm có màu đậm hoặc nhuộm màu nhân tạo.
  • Bữa ăn cuối cùng trong ngày nên diễn ra trước 19–20 giờ tối, sau đó bắt đầu quá trình nhịn ăn theo hướng dẫn từ bác sĩ.

2. Sinh thiết đại tràng bao lâu thì có kết quả?

Thông thường, kết quả sinh thiết polyp đại tràng sẽ có trong vòng 1 đến 2 ngày sau khi lấy mẫu bệnh phẩm. Tuy nhiên, ở một số trường hợp đặc biệt, thời gian trả kết quả có thể kéo dài hơn. Nguyên nhân là do bác sĩ cần thực hiện các phương pháp phân tích chuyên sâu hơn, ví dụ như nhuộm mô miễn dịch hoặc xét nghiệm di truyền để chẩn đoán chính xác tình trạng tổn thương.

3. Polyp đại tràng bao lâu thì phát triển thành ung thư?

Polyp đại tràng là những tổn thương lành tính, song một số loại, đặc biệt là polyp tuyến có nguy cơ cao chuyển thành ung thư nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Theo y văn, quá trình chuyển dạng ác tính này thường diễn ra âm thầm trong vòng 10 năm hoặc lâu hơn. Do đó, việc nội soi đại tràng định kỳ để phát hiện và loại bỏ polyp từ sớm là giải pháp quan trọng giúp ngăn chặn sự hình thành ung thư đại trực tràng ngay từ giai đoạn tiền bệnh lý.

Như vậy, tuân thủ đúng khoảng cách giữa hai lần nội soi đại tràng không chỉ giúp phát hiện sớm các bất thường mà còn tránh được những rủi ro không đáng có khi thực hiện quá thường xuyên. Nhờ đó, bạn vừa đảm bảo hiệu quả tầm soát, vừa hạn chế tổn thương niêm mạc đại tràng và tiết kiệm chi phí y tế một cách tối ưu.

Hà Thị Kim Liên - Tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền niên khóa 2010-2014. Cô có 8 năm kinh nghiệm trong vị trí biên tập viên, content, Copywriter tại các lĩnh vực liên quan tới làm đẹp, sức khỏe…

0/5 (0 lượt bình chọn)